Thứ sáu, 27/12/2024

100 năm ngày sinh của Hàn Mạc Tử ( Bài 4)

Cập nhật lúc 13:08 26/09/2012
 HÀNH HƯƠNG KỶ NIỆM

100 NĂM NGÀY SINH HÀN MẠC TỬ

Đúng ngày 22-9, mừng kỷ niệm 100 năm sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử, Câu lạc bộ Sáng tác Thơ Văn Công Giáo Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn tổ chức một cuộc hành hương bỏ túi vào giản dị, ngắn ngủi, chỉ trong 10 giờ nhưng với một nội dung hiếm có: về lại những nơi Hàn Mạc Tử đã sống.

NIÊN BIỂU GIẢN LƯỢC

Hàn Mạc Tử tên thật là Phanxicô Assisi Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ (thuộc giáo xứ Tam Tòa), tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc (nay là Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. Cha là ông Vinh Sơn Phaolô Nguyễn Văn Toản và mẹ là bà Maria Nguyễn Thị Duy.

Từ 1924-1926: Trí học tiểu học ở Quảng Ngãi.

Tháng 7-1926: ông Toản qua đời, Trí theo mẹ vào Qui Nhơn ở với anh là Nguyễn Bá Nhân, xướng họa ký tên Minh Duệ Thị. Nhà ở số 20 Khải Định.

Từ 1928-1930: bắt đầu theo học trung học Pellerin ở Huế. Đến kỳ thi tháng 6, được cấp bằng Pháp Việt sơ học.

1931: làm thơ Đường đăng báo ký tên Phong Trần.

1932: Hàn làm viên chức sở đạc điền ở Qui Nhơn, yêu Hoàng Cúc.

1933: lãnh bí tích Thêm Sức tại Nhà Thờ Qui Nhơn với tên thánh Phanxicô Xaviê.

Năm 1934, vào Sài Gòn làm báo – đổi bút danh là Lệ Thanh rồi Hàn Mạc Tử (một số bài ký Hàn Mặc Tử).

1935-1936: gặp gỡ Mộng Cầm.

1936: in tập Gái quê, về Qui Nhơn chữa bệnh.

1937: Biết mình mắc bệnh phong, cắt đứt thư từ và xa lánh bạn bè.

1938: Hoàn thành tập Thơ điên (Đau thương).

1939: Viết Xuân như ý, Thượng thanh khí – quen biết Thương Thương, viết Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội.

20-9-1940: Vào nhà thương Quy Hoà, mang số hiệu bệnh nhân 1134.

Qua đời vì bệnh kiết lỵ, tại Quy Hòa, lúc 05 giờ 45 phút ngày 11-11-1940.

(Có Một Vườn Thơ Đạo, tập 1, trang 21-22)

BẢN ĐỒ HÀN MẠC TỬ

Ngày nhà biên khảo Phạm Xuân Tuyển phát hành quyển Đi Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử, chưa có quốc lộ 1D. Con đường này là mạch rẽ tách khỏi quốc lộ 1A, từ ngã ba Phú Tài, km 1222, theo đường xuống Qui Nhơn khoảng 2km thì rẽ phải, ôm theo núi Long Vân, ngang qua bến xe Qui Nhơn tại km 9, rồi leo đèo, bên núi bên biển, đổ xuống đất Phú Yên, và vượt cầu Bình Phú, gặp tại quốc lộ 1A tại chân núi Chóp Hòn Bồ, cách chợ Sông Cầu 17km về phía Bắc.

Tại km 11, quốc lộ 1D gặp đỉnh đèo đường bê tông. Đường rẽ hướng đông nam dẫn xuống trại phong Qui Hòa, nơi Hàn Mạc Tử sống hai tháng cuối đời. Còn đường rẽ hướng đông bắc dẫn xuống khu du lịch Ghềnh Ráng, nơi có mộ Hàn Mạc Tử, trên con đường núi ven biển cũng dẫn tới trại phong Qui Hòa. Trở lại cổng khu du lịch, đi tiếp về nội thành Qui Nhơn là đoạn đường ngắn mang tên Hàn Mạc Tử. Cuối đường Hàn Mạc Tử, rẽ trái là đường Tây Sơn, ngang qua cổng bến xe Qui Nhơn và gặp lại quốc lộ 1D. Còn đi thẳng là đường An Dương Vương dọc theo bờ biển, qua khỏi cổng Đại học Qui Nhơn một đoạn, gặp vòng xuyến giao lộ. Rẽ trái là đường Ngô Mây dẫn tới chân núi. Phía này xưa kia là những "động" cát (cồn cát rộng) cho nên cụm dân cư ở đây được gọi là xóm Động Kỳ Mang, nơi Hàn Mạc Tử đã có thời lánh bệnh (tại khu VI, tức giáo xứ Qui Hiệp và Đồng Tiến ngày nay) .

Đường ven biển nối tiếp đường An Dương Vương mang tên nhà thơ Xuân Diệu, chạy ngang qua tượng đài chiến thắng và kết thúc tại Bãi Nhạn, mũi đất đâm ra biển, viền bằng hai đường Xuân Diệu và Trần Hưng Đạo, xưa là xóm Tấn, nơi Hàn Mạc Tử đã có thời lánh bệnh. Trở ngược lại con đường Xuân Diệu, qua khỏi tượng đài chiến thắng khoảng 150m, gặp ngã tư, rẽ phải khoảng 100m gặp bồn hoa giữa giao lộ ngã năm. Ngã rẽ thứ hai bên tay phải là đường Lê Lợi, xưa là đường Khải Định. Gia đình Hàn Mạc Tử đã có thời gian sống tại căn nhà số 20, cách bờ biển khoảng 200m. Xóm ven biển phía đông cuối đường này là Lò Bò.

Thị trấn Gò Bồi, phía bắc trung tâm TP Qui Nhơn khoảng 25km.

Han_Mac_Tu

 

NHỮNG ĐIỂM HÀNH HƯƠNG

20 Khải ĐỊnh

Trong bài "Hàn Mạc Tử hồi ấy", Yến Lan viết:

Anh thường tiếp chúng tôi ở số nhà 20 Khải Định. Tôi còn nhớ đây là một ngôi nhà xây để ở chứ không phải theo quy cách nhà có thể mở ra làm cửa hàng buôn bán. Nó dựng trên một khoảng đất chéo, nên hàng ba bước vào phòng chính không quay mặt ra đường. Có cổng và tường ngăn. Phòng khách bày biện ít đồ đạc. Cái tôi nhớ nhất là cái đồng hồ treo với tiếng gõ kỳ cạch suốt năm tháng của nó, giữa cơn đau ốm, như người lễ sinh đứng đó không xướng lên lễ thức mà chỉ đếm thời gian, từng giọt, từng giọt, nhắc với Tử, bằng cách gây nên những xáo trộn tâm tư, có khi thầm thì báo hiệu cái cô đơn đang vây phủ xung quanh anh. Cái thứ hai là bộ ghế bành lùn, rộng và khoẻ bằng ruột mây đan. Mỗi lần chúng tôi đến, ở phòng trong ra, anh đến bắt tay từng người. Đó là lúc bệnh anh mới sơ phát, còn ở dạng nghi ngờ. Về sau thì anh chỉ chắp tay chào và khẽ khàng ngồi xuống chiếc ghế kê sát nách cửa vào phòng. Lòng ghế lót bằng một tấm vải cũ gấp lại.

*

Trong quyển "Hàn Mạc Tử, tác phẩm – phê bình – tưởng niệm" (trang 63-64), tác giả Phan Cự Đệ viết:

Trong số bạn bè lui tới số nhà 20 đường Khải Định, Qui Nhơn hoặc thường xuyên trao đổi thư từ với Hàn Mạc Tử còn có Bùi Tuân, Hoàng Tùng Ngâm, Hoàng Trọng Quy, Bửu Đáo, Trần Kiên Mỹ, Quỳnh Dao, Thúc Tề, Nguyễn Đình Thuý, Lê Đình Ngân... Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, bạn bè của Hàn Mạc Tử kẻ còn người mất, nhưng dường như không ai quên được cái không khí thương yêu đùm bọc của tình bạn văn chương thời đó và những kỷ niệm không thể phai mờ về vùng biển, vùng trời tuyệt đẹp của cái thành phố nhỏ bé mang tên Qui Nhơn.

"Những đêm trăng sáng, màu trăng hoang dại, huyễn hoặc, thường xuyên quyến rũ chúng tôi đi ngủ biển. Chế Lan Viên, Yến Lan và tôi...hội họp tại nhà Hàn Mạc Tử, rồi đem ra (drap), mền đi ngủ biển chỉ cách nhà chừng độ 200 thước. Những đêm ấy là những đêm mưa tầm tã, lụt ngập trời. Nhưng mưa ở đây là mưa sao, lụt ở đây là lụt trăng. Chúng tôi bị trăng vây phủ tứ bề, ngăn hết nẻo đường và bị muôn sao đứng sững dòm ngó chúng tôi (...)

.... Sau một thời gian (trên một năm) nằm chung, ngủ chung, ôm choàng lấy nhau trên bãi cát vàng, dưới bóng trăng sao, cảnh thông và trăng đã gợi cảm hứng rất nhiều cho Hàn Mạc Tử thì tôi được tin chàng mắc bệnh phong..." (Hoàng Diệp).

Nhà thờ Qui Nhơn

Nghiên cứu của Phạm Xuân Tuyển cho biết Hàn Mạc Tử lãnh bí tích Thêm sức tại nhà thờ Qui Nhơn. Thời ấy nhà thờ Qui Nhơn nằm tại vị trí nay là Tòa Giám mục (số 116 Trần Hưng Đạo, xưa là Gia Long). Năm 1936, bị phá đi để xây Tòa Giám mục và xây lại tại vị trí hiện nay vào năm 1938. Là tín hữu ngoan đạo, Hàn Mạc Tử năng lui tới nhà thờ. Anh cũng có những bài thơ đăng trên báo Lời Thăm của giáo phận Qui Nhơn.

Xóm Tấn

Xóm Tấn nằm ở mũi tam giác Qui Nhơn, chỗ đường Trần Hưng Đạo (xưa là đường Gia Long) gặp con đường mới mở mang tên nhà thơ Xuân Diệu).

Bùi Tuân kể lại:

Tôi bảo anh xe kéo đến nhà bà thân mẫu của Hàn ở đường ra Lò Bò, ở gần bãi biển, nơi mà chàng cùng tôi đã có lần chung mâm, chung chiếu. Tại đây, người ta cho tôi biết rằng bà thân mẫu của bạn tôi đã dời qua đường O'dhendal, trước Pháp Việt Học Xá. Tới nơi, người chị hai của chàng, Như Nghĩa bảo tôi rằng hiện nay chàng ở dưới Tấn, đầu cái mũi đất đâm ra giữa biển Qui Nhơn.

Xe chạy. Bầu trời tối đen. Gió biển thổi vù vù. Đường vắng người. Ánh sáng đèn điện lạnh lùng. Người ta chỉ cho tôi một cái nhà tranh thấp ở cạnh đường, nấp sau một bờ rào bông bụt kín.

Không bao giờ tôi quên được cái gương mặt phù lên mà tôi trông thấy thấp thoáng dưới ánh đèn Hoa Kỳ leo lét. Chàng chưa ngủ và có lẽ suốt đêm cũng không ngủ được mấy tiếng đồng hồ. Đương nằm trên chiếc ghế mây dài - cái ghế độ nọ mà lâu nay chàng vẫn dùng làm giường - bạn tôi đứng dậy. Chàng không đến bắt tay tôi như lần trước. Cái cảnh tịch mịch của đêm khuya trong cảnh nhà vắng vẻ, sự thay đổi hoàn toàn trong con người chàng đem lại cho tôi một cảm giác rùng rợn, lạnh buốt thấu xương. Chàng không ra khỏi chỗ đứng, tuy rằng thấy tôi, chàng đã bắt đầu nói chuyện:

- Tôi còn hy vọng lành được. Có lần bệnh tôi như đã khỏi hẳn. Da thịt tôi trở nên hồng hào, tốt đẹp. Tôi đi dạo chơi suốt buổi chiều...

Rồi chàng cho tôi biết rằng chàng đến ở đây là vì người bà con với ông chủ cho chàng thuê nhà làm thầy thuốc chữa phung rất hay. Và nếu hôm ấy, tôi trông thấy bệnh của chàng có vẻ nặng là vì ông thầy thuốc ấy muốn làm cho phong bạt cả ra ngoài da để chữa cho dễ.

Xóm Động

Theo như ông Phạm Hành, người em họ đã chăm sóc Hàn Mạc Tử, trả lời tác giả Lại Nhật Trường, thì xóm Động nằm ở vị trí sân bay quân sự Qui Nhơn trước đây, và theo lời kể của Yến Lan là Khu VI. Như vậy, là thuộc phạm vi giáo xứ Quy Hiệp ngày nay (từ đường Ngô Mây tới đường Nguyễn Tất Thành).

Trên blog của Mang Viên Long, có bài của Phạm Văn Phương ghi lại lời kể của Yến Lan:

Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ dường như là sáng 28 Tết Âm lịch, năm 1938- Tôi và Chế Lan Viên đến thăm anh. Khi ấy, bệnh Tử đã nặng. Mới bước vào cổng nhà, tự dưng tôi có cảm giác căn nhà hiu quạnh quá. Thấy chúng tôi, bà cụ bước ra thềm hè, rươm rướm nước mắt :

- Trí đi rồi, các anh à! Cò bót không cho nó ở nhà nữa vì sợ bệnh lây, bắt phải đưa vào Quy Hòa. Tết nhất đến nơi rồi, nếu đưa nó vào trong đó thì tội lắm. Nhà cập rập quá, nên lén gởi tạm nó vào trong xóm Động. Các anh có đi thăm thì em Hành nó đưa đi. Nó vừa chạy đâu đó...

Đợi lâu, không gặp Hành, hai đứa tôi hỏi thăm đường vào xóm Động. Đây là cái xóm nhỏ của những người lao động nghèo khổ nằm trên một bãi cát rộng mênh mông. Nhà chỉ là những túp lều dựng tạm bợ trên cát, không có nền. Đồ đạc, giường tủ, bàn ghế cứ đặt nguyên trên cát. Đường đi vào cũng quanh quốc, cơ hồ khó thể tìm ra.

Chúng tôi vào một cái chồi lợp tranh nhỏ hơn một cái chái bếp. nắp chồi được chống lên bằng hai cây cột tre. Một tấm phên ngăn dọc theo chiều dài của nóc, ngăn chồi làm hai:Nửa trước sinh hoạt bình thường, nửa sau dường như có đặt một chiếc chõng tre với lỉnh khỉnh những thúng mủng...Trước tấm phên là cái bàn ọp ẹp chỉ còn lại một chân trước nối với một khúc củi đẽo từ chảng ba, hai chân sau cột vào hai cọc tre chống lên mái nhà. Tử đang ở trong ấy(đấy là nhà của một người phu kéo xe). Nghe tiếng chúng tôi, Tử chậm rãi bước ra, vẻ mệt nhọc:

- Hai cậu vừa tới đây à? (!).

Hoan và tôi ngồi trên ngạch cửa làm bằng một khúc tre, day lưng ra ngoài trò chuyện với anh. Tử gầy, trông hốc hác lắm. Anh không vui như mọi khi.

Gò Bồi

Trong "Hàn Mạc Tử anh tôi" (chương 6), tác giả Nguyễn Bá Tín liệt kê những địa điểm lánh bệnh của Hàn Mạc Tử theo thứ tự: Gò Bồi, Xóm Tấn, Ghềnh Ráng rồi Xóm Động.

Thị trấn Gò Bồi xưa là phố cảng Nước Mặn, hình thành từ năm 1610. Qua thời gian đất bồi thêm hàng chục km, đẩy bờ biển tới những vị trí ngày nay. Vùng đất này là nơi gắn liền với hai nhà thơ Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử.

Từ thị trấn Tuy Phước, theo đường tỉnh số 640, qua khỏi km 13 gặp thị trấn Gò Bồi (thuộc thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước). Phía Bắc cầu Gò Bồi có đường ven sông. Theo đường ấy đi về phía Đông, 300m, sẽ gặp nhà lưu niệm thi sĩ Xuân Diệu. Đầu cầu Gò Bồi là km 0 của đường lên phía Tây, gọi là tỉnh lộ « Gò Bồi – Bình Định ». Tại km 0,100 là đền thánh giám mục Tử đạo Stêphanô Thể. Qua khỏi km 1 là mấy đám ruộng rồi tới xóm Bàu. Ngôi nhà Hàn Mạc Tử đã sống ở tại vị tri khoảng km 1,500, bên phải, phía tây cổng vào có ao sen nhỏ, trước ngôi nhà xây màu trắng. Đó là nhà của ông Lê Trác, bạn của Nguyễn Bá Tín. Hàn Mạc Tử sống trong ngôi nhà tranh nhỏ cạnh hồ sen, tại vị trí nay nay là một bụi chuối. Ngôi nhà ngói cũ bên cạnh là nhà ông Lê Bảy, em ông Trác và là bố vợ của ông Tín. Hiện bà Lê Thị Mỹ, em vợ ông Tín đang sống tại ngôi nhà này.

Rời ngôi nhà Hàn Mạc Tử đã sống đi thêm khoảng 3km gặp trường THPT số 2 Tuy Phước. Theo đường dọc bờ rào phía tây ngôi trường khoảng 500 mét có đài tưởng niệm cư sở Nước Mặn của các nhà truyền giáo hồi 1618, cái nôi của chữ quốc ngữ, phía tay trái, trong lô gia cư của ông Võ Cự Anh.

Trở lại tỉnh lộ, tiếp tục đi về phía tây, sau km 11 ta sẽ gặp quốc lộ 1A. Từ đây đi về phía nam tới ngã ba Phú Tài, rẽ xuống quốc lộ 1D (đi Sông Cầu ngang qua Qui Nhơn), tới km 11 trên đỉnh đèo Suối Tiên, sẽ gặp hai đường rẽ bê tông phía đông, một dẫn xuống khu du lịch Ghềnh Ráng, còn một dẫn xuống khu điều trị phong Qui Hòa.

Qui Hòa

Thung lũng Qui Hòa nay thuộc khu vực II, phường Ghềnh Ráng, thành phố Qui Nhơn. Năm 1929 cha Paul Maheu thuộc hội Thừa Sai Paris cùng với bác sỹ Le Moine, Giám đốc bệnh viện Qui Nhơn thành lập trại Phong Qui Hòa.

Được sự ủy nhiệm của Trung ương Dòng tại Roma, năm nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ thuộc tỉnh Dòng Thánh Tâm Paris đã xuống tàu đi Việt Nam, cập bến Sài Gòn ngày 20-10-1932 và ngày 24-10-1932 đến Tòa Giám Mục Qui Nhơn, được Đức cha Tardieu và cha Nicolas vui mừng đón tiếp và đưa vào Qui Hòa. Sắp tới sẽ kỷ niệm 80 năm.

Ngày 20-9-1940, thi sĩ Hàn Mặc Tử, một Kitô hữu, bệnh nhân phong lưu trú thứ 1.134 đã đến điều trị rồi an nghỉ tại đây ngày 11-11-1940.

Theo chủ trương của nhà nước, ngày 25 tháng 6 năm 1976, các nữ tu Phan Sinh trao Bệnh Viện Phong Qui Hòa cho Bộ Y Tế điều hành. Bệnh Viện được đổi tên thành Khu Điều trị Phong Qui Hòa. Năm 1999, Khu Điều trị được đổi tên thành Bệnh viện Phong – Da liễu Qui Hòa. Năm 2005, Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Qui Hòa có nhiệm vụ lo cho 11 tỉnh thành của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Trước nhà thờ giáo xứ Qui Hòa, về phía nam khoảng 100 mét là ngôi nhà dành riêng tưởng niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử với chiếc giường ông đã nhắm mắt lìa đời. Men theo đường sát biển đi về phía Bắc, gặp chân núi Xuân Vân, cách bờ biển khoảng 200 mét, tại vị trí ngôi mộ ban đầu của Hàn Mạc Tử, cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã dựng một tượng đài kỷ niệm nhà thơ.

Ghềnh Ráng

Trong "Hàn Mạc Tử anh tôi" (chương 6), tác giả Nguyễn Bá Tín liệt kê những địa điểm lánh bệnh của Hàn Mạc Tử theo thứ tự: Gò Bồi, Xóm Tấn, Ghềnh Ráng rồi Xóm Động. Chúng tôi chưa tìm được bút tích nào kể về thời kỳ lánh bệnh ở Ghềnh Ráng... Theo linh mục Phạm Châu Diên, người xây ngôi nhà nguyện thưở đầu trên sườn núi tại đây, vào năm 1957, "thôn Xuân Vân chỉ lèo tèo ba bốn chục nóc nhà tranh, rải rác dưới chân núi, ăn ra tới lợi biển. Cư dân phần nhiều là người nghèo nàn, chất phác, lên rừng kiếm củi, xuống biển mò cua, ra thành làm việc" (Hồi ký đời tôi, 1996, trang 112). Nhà nguyện hiện nay mới được cha Gioan Võ Đình Đệ khởi công xây dựng ngày 25 tháng 7 năm 2005, khánh thành vào ngày 02 tháng 02 năm 2007 và được đặt làm Trung Tâm Thánh Thể Thánh Mẫu của Giáo phận Qui Nhơn.

Đối diện cổng Trung Tâm này là đường lên mộ Hàn Mạc Tử, được cải táng về đây ngày 13 tháng Hai năm 1959 và được Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Qui Nhơn tôn tạo, hoàn thành ngày 25 tháng 5 năm 2008.

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

 

Lời chia sẻ của cụ TRƯƠNG HỒ

Cụ Giacôbê Phaolô Trương Hồ, giáo dân giáo xứ Chính Tòa Qui Nhơn, sinh năm 1931, hiện ở tại 17A Hàn Thuyên, Qui Nhơn, đã tham gia cuộc hành hương 22-9-2012. Tại ngôi nhà xưa Hàn Mạc Tử nương náu, cụ đã kể lại kỷ niệm cụ đã viết nhân kỷ niệm 70 năm ngày nhà thơ qua đời.

MỘT LỜI XIN LỖI

Năm nay (2010) kỷ niệm 70 năm ngày nhà thơ Hàn Mạc Tử qua đời, 11-11-1940. Thế nhưng hình ảnh đang ùa về trong tâm trí tôi không phải là năm 1940 mà là vài năm trước đó. Hồi ấy gia đình tôi ở Diêm Điền, tới dịp hè tôi được lên nhà chú thím ở Gò Bồi chơi cả tháng. Tôi mới lên tám hay chín tuổi thôi.

Bên bờ sông Gò Bồi, từ nhà thờ Vĩnh Thạnh chạy bộ về hướng tây chừng dăm phút, có một căn lều, không biết có phải là nhà hay không mà nhỏ lắm. Người ta bảo có ông phung trong đó. Chẳng biết ông phung đến ở đó từ bao giờ, nhưng khi biết vậy mấy đứa nhỏ trong xóm chúng tôi đứa nào cũng tò mò tìm cách đi coi. Bọn chúng tôi gọi ông là ông phung, không thương mà cũng không ghét, chỉ nhìn như một hiện tượng kỳ lạ, sợ sợ mà cũng vui vui, lén rình coi như chờ xem ma thắt cổ. Nhưng dễ gì rủ nhau đi coi. Ban ngày không dám đi, sợ bị đòn. Tối lại phụ huynh càng không cho ra khỏi nhà, chỉ trừ khi đi đọc kinh. Cho nên, cứ tối tối, mấy thằng nhỏ bọn tôi trốn đọc kinh nhà thờ đi coi ông phung.

"Ông phung"... Bác Trí ơi, hồi đó bọn con đâu biết bác là nhà thơ như sau này được biết! Lẽ ra giờ đây con phải viết chữ Trí bằng vàng, để tỏ lòng yêu mến và cũng để tạ lỗi vì vô tình ngỗ nghịch...

Bọn tôi len lén lẳng lặng kéo đến gần túp lều. Ông phung mặc bộ đồ trắng, quay mặt vô trong cùng với ngọn đèn dầu leo lét âm u. Bọn tôi đứa chen đứa lấn xì xụp. Bất thần ông phung đứng dậy, đằng hắng... Bọn tôi cắm đầu chạy. Thế là chưa biết mặt ông phung mà cũng chưa thấy được hình ảnh bệnh phung.

Về sau này, nhờ khoa học dạy cho biết bệnh phung là gì, thì đời tôi đã xế chiều. Biết rồi, tôi mới thấy kính trọng người bệnh, mới thông cảm với họ và mới tiếp xúc bình thường.

Bác Trí ơi, đêm đêm mỗi khi đọc kinh Kính mừng Maria, lại xin kính dâng bác lên Mẹ.

Và đêm nay, dòng lệ ăn năn đang thôi thúc chảy ngược vào tim.

Bốn bề lặng lẽ...

* Giacôbê Phaolô Trương Hồ

(Trích nội san Hoa Biển số 2 của CLB Đồng Xanh Thơ Quy Nhơn, tháng Giêng -2011, trang 26-27)

Thông tin khác:
Thăm Trại Phong (16/05/2013)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log