Trong bài phỏng vấn của Trangđài Glassey-Trầnnguyễn, tạp chí Sáng Tạo ngày 22-9-2012, tôi có nói:
Lúc đầu tôi tưởng khó khăn lớn nhất là tiền bạc nhưng sau khi làm mới thấy khó khăn nằm ở chỗ chưa có sự quan tâm của các cha xứ và các nhà đào tạo. Phải có các cha quan tâm giới thiệu, sinh viên học sinh mới biết để mua, nếu không, sẽ chẳng thể nào phát hành tới 30.000 bộ sách. Khó khăn thứ hai là hiện nay phía Công giáo không có một hệ thống phát hành sách. (http://sangtao.org/2012/09/22/100-nam-ngay-sinh-han-mac-tu-tuyen-tap-tho-dao-va-cuoc-hanh-huong-quy-nhon/)
Ở đây xin nói riêng về khó khăn thứ hai và xin nêu vài cách giải quyết.
Nếu mỗi giáo phận có một đại lý phát hành sách, liên lạc trực tiếp với các nhà tổng phát hành, sách in ra chỉ cần một tuần sau đã phổ biến khắp nước. Do chỗ các giáo phận chưa có đại lý phát hành (đồng thời vì sách bán trợ giá cần tránh bị lạm dụng), khi phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo chúng tôi phải nhờ các Văn phòng Tòa Giám mục. Các vị hữu trách đều nhiệt tình nhưng vì không phải là việc chuyên môn cho nên rất vất vả và lắm lúc bất cập.
Có một trở ngại lớn cho sách vở Công giáo là nạn sách lậu. Người bán sách đặt mua một bản gốc, đem về photocopy bán hàng loạt, vừa trái với luật pháp dân sự vừa lỗi đức công bằng Kitô hữu. Phẩm chất sách in lại rất tồi tệ, người làm sách lậu viện lẽ rằng để có sách giá rẻ phục vụ dân quê. Phần trình bày dưới đây sẽ cho thấy nếu có hệ thống phát hành sách đạo hẳn hoi, sách sẽ tự động giảm giá xuống cách bất ngờ. Do đó cần gây ý thức để anh chị em giáo dân yêu cầu người bán sách phải cung cấp sách in chính thức và bán đúng giá bìa (không tự ý in lại giá cao dán lên bìa). Vì ich chung, xin mỗi độc giả kiên nhẫn và chấp nhận sự bất tiện trong ít lâu để thực hiện cho bằng được việc phát hành sách đạo có hệ thống. Nếu không, chúng ta phải hứng chịu nhiều hậu quả trực tiếp và gián tiếp rất tệ hại.
Hiện nay sách Công giáo hầu hết đều đã xuất bản công khai với giấy phép xuất bản chính thức. Tuy nhiên do thiếu một hệ thống tổng phát hành, số lượng in mỗi lần rất ít, thường chỉ 1000 hoặc 2000 bản, nên giá thành rất cao và giá bìa quá đắt so với túi tiền của sinh viên học sinh và người đọc bình dân.
Những người làm sách không có kho bãi để tồn kho sách. Muốn in nhiều để hạ giá thành xuống thì cần làm sao in sách ra phải có chỗ đẩy đi ngay.
Tại các tỉnh lẻ, cả người Công giáo lẫn trí thức lương dân muốn có những sách mình cần, không biết tìm ở đâu.
Bên cạnh đó, hiện nay các nhà phát hành làm việc tùy tiện: không in giá bìa, chiết khấu % cho các tỉnh lẻ có khi quá ít – In rất nhiều vẫn không giảm giá bán – tìm cách giữ độc quyền... dễ dẫn đến tiêu cực. Đang khi các nhà phát hành ngoài đời giao sách với chiết khấu lên đến 40% và có khi 45%, sách đạo ít ra cũng phải giao với 30% hoặc 35%. Đây là chuyện công bằng.
Những khó khăn ấy sẽ vượt qua được nếu chúng ta quan tâm xây dựng một hệ thống phát hành chung.
Thiết nghĩ cần một kế hoạch 5 điểm.
(1) THÀNH LẬP TỔ IN ẤN VÀ PHÁT HÀNH CHUNG
Hiện nay Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn đã có những hoạt động thường xuyên và đa dạng. Không gì ngăn cản ta mở một thư quán với chức năng điều phối việc in ấn và phát hành sách. Việc quản lý thuộc về TTMV/TGP/SG nhưng nhắm đến tầm hoạt động cả nước. Những người làm sách nào muốn phát hành riêng có thể tự làm lấy theo cách của họ, không bị bó buộc, còn những ai muốn được hỗ trợ bằng hệ thống phát hành chung sẽ liên lạc về TỔ IN ẤN PHÁT HÀNH SÁCH này. Hiện nay, Nhà Nước chưa cho các tôn giáo được có nhà xuất bản riêng, nhưng Tổ In Ấn và Phát Hành thì mấy chục năm qua bên Phật Giáo và Cao Đài đều có và hoạt động hữu hiệu.
Về mặt điều hành, TỔ IN ẤN PHÁT HÀNH SÁCH này do TTMV/TGP/SG phụ trách nhưng về thẩm quyền thì nên trực thuộc HĐGM , tập họp các nhóm xuất bản nhỏ về một tổ chức chung. Đây sẽ là tổ chức in ấn chính thức của Giáo Hội, mạnh mẽ, chuyên nghiệp, tổ chức bài bản, xuất bản phẩm chính thức của Giáo Hội. Tất cả đều có xin phép xuất bản của Nhà Nước.
Qua tổ chức này HĐGMVN có thể điều tiết, hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa đức tin, dễ dàng kêu gọi hỗ trợ từ ân nhân cho ngành xuất bản sách công giáo, loan báo tin mừng.
Từ đây sẽ hình thành tổ dịch thuật đáp ứng nhu cầu về cập nhật suy tư thần học, tổ xét duyệt nội dung đúng theo giáo lý Hội Thánh (imprimatur).
Tổ chức đối trọng với các đơn vị xuất bản sách, định hướng, thổi còi với các đơn vị đi lạc xa khỏi đường hướng phục vụ.
Nếu như mỗi Giáo phận đều có linh mục phụ trách về phát hành sách, có nhà sách hoạt động theo đường lối chung, chắc hẳn mọi chuyện sẽ tốt đẹp!!!...
(2) XÚC TIẾN MỞ ĐẠI LÝ SÁCH CÔNG GIÁO TẠI MỖI TỈNH:
Nếu có đại lý sách ở khắp các giáo phận, quyền lợi của độc giả sẽ được bảo đảm hơn: các đại lý sẽ đặt mua những sách đáp ứng nhu cầu của Dân Chúa và đi đúng hướng của Giáo Hội; những sách khác, nhà phát hành sẽ gởi bán theo những thỏa thuận cụ thể với từng đại lý.
Cụ thể nên liệu để tại mỗi tỉnh đều có một đại lý sách Công giáo. Các đại lý sách này tập trung lo về sách chứ không phải để bán ảnh tượng và các đồ đạo. Cần nhờ người có kinh nghiệm phát hành hướng dẫn việc tổ chức.
Hiện một vài nơi đã có. Còn những nơi chưa có, thì:
- hoặc động viên tư nhân/ đoàn thể mở đại lý sách Công giáo nhằm mục tiêu tông đồ
- hoặc nhờ các Dòng tu đảm nhận
- cũng có thể kêu gọi các nhà sách lớn (và cũng là nhà phát hành) hiện nay ở Sài Gòn và những ân nhân khác hỗ trợ một số vốn khởi đầu cho những nơi đăng ký mở đại lý sách, ví dụ 100 triệu.
Việc vận động chỉ cần lúc đầu. Về sau, khi đạt tới chỗ thống nhất chiết khấu 30%, tư nhân thấy có lợi, sẽ đua nhau mở nhà sách.
Liên kết tất cả vào một mạng lưới phát hành linh động và hữu hiệu.
(3) GẶP GỠ CÁC NHÓM LÀM SÁCH
Hiện đang có những cá nhân hoặc đơn vị đang làm sách Công giáo: Nhà sách Đức Mẹ DCCT, Nhà sách Đức Bà, Nhà sách Hoàng Mai, Fatimacompany.com, vv...
TỔ IN ẤN PHÁT HÀNH SÁCH nên mời họ cùng gặp gỡ trao đổi, tiến tới hợp tác chung và thống nhất một số quy định. Chẳng hạn, cần ghi giá bìa và cần thống nhất phát hành đi các nơi với chiết khấu tối thiểu 30% (nơi nào muốn có thể cho nhiều hơn).
Thoạt đầu, vì quyền lợi riêng, có thể một số người/nhóm không chịu theo các quy định chung nhưng một khi TỔ IN ẤN PHÁT HÀNH SÁCH đã lớn mạnh, chính lợi nhuận đòi người ta phải theo các quy định chung, nếu không sẽ bị đào thải.
(4) MỞ KHÓA ĐÀO TẠO VỀ MỤC VỤ SÁCH VỞ CHO NHÂN VIÊN CÁC ĐẠI LÝ NÓI TRÊN
- Một khóa học 5 ngày
- Do Liên Ủy Ban Văn Hóa, Truyền Thông và Loan Báo Tin Mừng hợp tác tổ chức
- Với những bài trình bày về mục vụ sách vở, từ linh đạo, phương hướng truyền giáo cho đến những kinh nghiệm chuyên môn.
(5) LƯU TRỮ
Nhiều sách trước kia in trong nước nhưng nay cần tham khảo lại phải ra nước ngoài.
Phía Nhà Nước, mỗi đầu sách được cấp giấy phép, khi phát hành phải nộp lưu chiểu 25 quyển, và những sách này sẽ được chia về các thư viện chính.
Thiết tưởng có thể vận động các thư viện chính của Giáo hội Việt Nam (Các Ủy ban HĐGMVN, Đại chủng viện, Dòng tu vv...) đặt mua và mỗi đầu sách in ra, TỔ IN ẤN PHÁT HÀNH SÁCH đều giúp mua cho các thư viện ấy.
Trên đây là vài gợi ý sơ khởi. Ước mong các cấp thẩm quyền xem xét và nghiên cứu thực hiện. Hy vọng kế hoạch có thể hoàn thành trong vòng ba năm và đi vào hoạt động lâu dài. Công việc không quá khó nhưng sẽ đem lại ích lợi rất lớn cho Dân Chúa và cho anh chị em lương dân.
Linh mục TRĂNG THẬP TỰ