Tham dự viên gồm có 30 trong số 106 tác giả còn sống của bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, và hơn 30 người khác ban mục vụ đối thoại liên tôn của Tổng giáo phận Sài Gòn, một số tác giả Công giáo và một số thân hữu. Có thể nói chính Hàn Mạc Tử đã quy tụ những người tiếp nối con đường thơ đạo của anh, từ Hải Phòng, Vinh, Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, Kontum, Ban Mê Thuột, Phan Thiết, Xuân Lộc, Bà Rịa, Phú Cường, đến Sài Gòn và ba vị từ Mỹ và Pháp... Hầu hết những người tham dự chưa bao giờ có dịp gặp nhau. Họ đến từ chiều hôm trước để hàn huyên tâm sự, cùng ngâm thơ Hàn Mạc Tử với nhau và hát cho nhau nghe những bài hát về Hàn Mạc Tử hoặc những bài phổ thơ Hàn Mạc Tử. Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi nêu bật ý nghĩa cuộc hành hương, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đối chiếu việc bình thơ và cảm nghiệm thơ với kinh nghiệm chú giải Kinh Thánh, cha Nguyễn Văn Thượng và cha Nguyễn Hoàng Sơn đại diện Đức Cha Kontum cũng có lời chia sẻ. Qua bài trình bày của anh Thiện Chân, cử tọa còn tìm thấy nơi tình bạn chân thành của Hàn Mạc Tử một gợi hứng cho tình bạn của giới văn thơ Công giáo ngày nay.
Chị Nguyễn Hoàn Mỹ Lộc là ái nữ của tác giả Nguyễn Bá Tín, gọi nhà thơ Hàn Mạc Tử bằng bác, và chị Hoàng Kim Mỹ Phượng gọi nhà thơ bằng ông, là cháu ngoại người chị thứ ba của Hàn Mạc Tử là bà Như Nghĩa, đến Quy Nhơn thì đêm thơ nhạc đã kết thúc, nhưng kịp để tham gia cuộc hành hương.
Đoàn lên đường lúc 7 giờ, trước hết thăm nơi Hàn Mạc Tử đã lãnh bí tích Thêm Sức (nhà thờ Quy Nhơn xưa, nay là Tòa Giám mục Qui Nhơn), nơi gia đình nhà thơ đã sống (20 Khải Định, nay là đường Lê Lợi), rồi những nơi anh đã lánh bệnh và chữa bệnh: Xóm Tấn (vòng xuyến giao điểm giữa đường Trần Hưng Đạo và đường Xuân Diệu), xóm Động (Khu VI, nay là khu trung tâm của TP Quy Nhơn, giữ đường Ngô May và đường Nguyễn Tất Thành), Ghềnh Ráng (Xóm Xuân Vân xưa). Đoàn hành hương cũng ghé thăm Gò Thị, quê hương Thánh Anrê Kim Thông, nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, đền Vĩnh Thạnh kính Thánh Giám Mục Stêphanô Thể và đài kỷ niệm Nước Mặn, cái nôi của chữ Quốc ngữ. Cũng tại Gò Bồi, nơi ngôi nhà xưa ở xóm Bàu, chị Mỹ Lộc được về lại nhà ngoại ngày nào và được gặp dì ruột sau hai mươi năm xa cách; một chứng nhân 82 tuổi, cụ Trương Hồ, đã kể lại kỷ niệm về Hàn Mạc Tử hồi nhà thơ lánh bệnh tại đây, và chỉ rõ tại bụi chuối cuối ao sen kia xưa là căn nhà ẩn sĩ của nhà thơ. Tiếp đó là khu điều trị phong Quy Hòa, mọi người vào thăm phòng lưu niệm Hàn Mạc Tử với chiếc giường anh từ giã cõi đời, với những hình ảnh thân thương và những kỷ vật liên quan đến anh. Đoàn niệm hương trước bàn thờ Hàn Mạc Tử và tặng Nhà lưu niệm bộ sách chào mừng 100 năm sinh nhật Hàn Mạc Tử, "Có Một Vườn Thơ Đạo, có chữ ký của các tác giả.
12 giờ 15, đoàn ăn trưa tại nhà các chị Phan Sinh ở Quy Hòa, đọc lại bài thơ xuôi ca ngợi những Linh Hồn Thanh Khiết, để chúc mừng 80 năm các chị Phan Sinh hiện diện tại và cũng là tại Việt Nam. 2 giờ chiều, đoàn ghé thăm đài kỷ niệm Hàn Mạc Tử do cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thực hiện, sau đó đi Ghềnh Ráng thăm mộ. Tại mộ phần của nhà thơ, đại diện các tác giả từ 12 giáo phận và anh chị em hải ngoại thắp hương tưởng niệm, cầu nguyện tuyên xưng đức tin phục sinh rồi các thân nhân của nhà thơ đã chia sẻ những tâm tình gia đình ruột thịt.
Ngày hành hương kết thúc bằng thánh lễ tại Trung Tâm Thánh Thể Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, nhà nguyện quen gọi là nhà thờ núi, đối diện với con dốc lên mộ Hàn Mạc Tử. Nhà thơ lão thành Võ Thanh Tâm chủ lễ, có cha Bảo Lộc, cha Sơn Ca Linh cùng cha Trăng Thập Tự đồng tế. Cha Sơn Ca Linh Trương Đình Hiền chia sẻ Tin mừng với câu hỏi liệu có chở trăng về kịp tối nay. Sau đó, mọi người vừa dùng bữa lỡ do cha phụ trách nhà thờ núi Gioan Võ Đình Đệ mời, vừa chia sẻ những lời cuối cùng, rồi chia tay lúc 4g30 chiều. Nói tắt là một cuộc hành hương tinh thần, bày tỏ tấm lòng với Hàn Mạc Tử. Một cuộc hành hương đầy tâm tình hân hoan cảm tạ.
Lm Trăng Thập Tự