Thứ bảy, 16/11/2024

100 năm ngày sinh của Hàn Mạc Tử ( Bài 6)

Cập nhật lúc 15:29 28/09/2012
 CUỘC TƯỞNG NIỆM HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Một trong những ý tưởng đầu tiên khi nghĩ đến việc cử hành 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, là ý tưởng một cuộc kỷ niệm hướng đến tương lai. Tương lai đang mịt mờ vì sự suy thoái tiếng mẹ đẻ. Đang khi người Do Thái sau hai ngàn năm diaspora vẫn còn giữ nguyên tiếng nói và chữ viết, Việt kiều hải ngoại chỉ đến thế hệ thứ ba là thôi! Còn tại quê nhà, niềm tin của Phạm Quỳnh đang trở nên bẽ bàng. "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn". Tiếng ta thì vẫn còn đó nhưng đã trở thành ngôn ngữ của tin nhắn điện thoại, còn cái thâm thúy của ca dao, của truyện Kiều đã thành chuyện hoang đường. Xưa kia, cứ 100 học sinh tốt nghiệp bậc Trung học thì hơn 90 em viết văn xuôi chảy, ngày nay trong 100 sinh viên tốt nghiệp Đại học, khó tìm đủ 10 người viết tiếng Việt trơn tru!

Kỷ niệm ngày sinh là kỷ niệm về một khởi đầu, phải đẩy tới những khởi đầu mới. Dù khó khăn vất vả, dù khập khiễng thiếu chỉnh chu! Chính vì thế mà trong đêm thơ nhạc Hàn Mạc Tử 21-2-2012, chúng tôi đã quyết tâm mở đầu bằng bài trình bày của nhà nghiên cứu trẻ, một sinh viên mới ra trường, Đặng Hoàng Hương Giang, 22 tuổi, từ Gia Lai, cho dù không có điều kiện cho em thao dượt trước, chỉ liên lạc qua email và điện thoại, và em chỉ tới được Qui Nhơn vài giờ trước khi phải cầm micro.

Trong các tác giả tham gia đoàn hành hương, cao niên nhất là linh mục Võ Thanh Tâm, 81 tuổi, từ Vinh, tiếp theo là cụ Giuse Nguyễn Khắc Đại, 76 tuổi, từ Hải Phòng và trẻ nhất là Đỗ Khắc Minh Khoa, 22 tuổi, từ Sài Gòn. Chúng tôi cũng đã có những bản thảo đầy lạc quan của 6, 7 tác giả trẻ hơn Khoa, nhưng do không muốn tài năng và tâm hồn các em sớm bị thui chột vì hư danh cho nên chưa giới thiệu ở bộ sưu tập đợt đầu. Chúng tôi chỉ để duy nhất một tác giả 22 tuổi làm đèn báo định hướng tiến về tương lai.

Tương lai ấy, càng được nhiều người quan tâm sẽ càng mở ra rạng rỡ.

Cuối ngày hành hương, tiễn chào đoàn Sài Gòn xong, chỉ còn sót lại bên tôi tác giả GB Nguyễn Quốc Tuấn, từ Nghệ An. Hai chúng tôi vừa vào một quán cơm gần nhà thờ Chính Tòa thì trời mưa và mưa mãi. Tuấn kể lại kỷ niệm làm thơ ứng tác đăng báo Thiếu Niên Tiền Phong từ hồi cấp một. Rồi hai lần Tuấn nhắc đến đứa cháu bé có tài năng thơ. Cuộc gặp gỡ trăm năm Hàn Mạc Tử khiến anh nghĩ nhiều đến hai việc: sưu tầm thơ người lớn trong các giáo xứ thuộc giáo phận Vinh – đồng thời phát hiện và vun trồng những tài năng nhỏ tuổi...

PHÒNG ĐỌC SÁCH GIÁO XỨ VÀ HỘI THI ĐỌC SÁCH

Để các em tiến bộ về văn chương, cần giúp các em có thói quen đọc sách. Cần cung cấp sách cho các em và tạo cơ hội cho các em thi đua đọc sách.

Trước khi tặng sách về các giáo xứ và giáo họ, xin hãy tặng cho họ một kệ sách có cửa gương, để các độc giả thiếu niên và nhi đồng biết trân trọng sách và để sách được bảo quản tốt.

Hội thi đọc sách có thể bắt đầu từ các đoàn thể trong xứ, toàn xứ, liên xứ, cho đến giáo hạt và giáo phận. Và tại sao không nghĩ đến cấp giáo tỉnh và quốc gia?

PHỔ BIẾN BỘ SƯU TẬP THƠ ĐẾN SINH VIÊN HỌC SINH

Bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo đang tự chứng tỏ là một phương tiện có khả năng giúp bạn trẻ Công giáo biết mình có một người đồng đạo trẻ tuổi vừa là nhà thơ nổi tiếng vừa là một Kitô hữu có chiều sâu tâm linh đáng ngưỡng mộ, biết rằng xưa nay vẫn có một dòng văn thơ Công giáo và biết rằng chính các em có thể nhập cuộc vào dòng chảy...

Chao ôi, mỗi giáo xứ chỉ cần một ai đó bỏ ra 1 triệu đồng là giới trẻ trong xứ đã có hơn 12 bộ sách. Từ 12 bộ sách ấy, sau 7 năm, sẽ có ít là một người biết phục vụ giáo xứ bằng tài năng văn chương của mình. Ai sẽ gieo triển vọng này đến tận những giáo họ lẻ loi xa xăm nhất nếu không phải là chính quý vị và các bạn, những người phát xuất từ những nơi ấy.

Chỉ hai vị Giám mục đã mua tặng giới trẻ các giáo phận 3.700 bộ sách. Hai vị đang thuê các bạn trẻ đọc sách. Tại một thành phố nọ, một số cựu sinh viên đã hô hào đàn em đồng hương mua đọc bộ sách và trợ giá thêm một đợt nữa để các em chỉ phải trả một nửa giá tiền, 40.000 đồng cho bộ sách 2.000 trang. Xin cám ơn tấm lòng của các "anh chị cựu" và ước gì tấm lòng ấy thành một nhúm men lây lan khắp cộng đồng Dân Chúa.

Để tránh bị lạm dụng và trước tình trạng chưa có hệ thống phát hành sách đạo, xin các chủng viện, dòng tu, các giáo xứ và cả tư nhân vui lòng đăng ký mua sách tại các Văn phòng Tòa giám mục. Chúng tôi sẽ in tiếp 3.000 bộ theo giấy phép đã có và sẽ xin giấy phép in thêm cho kịp nhu cầu của các nơi.

Điều thứ ba để vun trồng tương lai tiếng Việt cho lớp trẻ Công giáo là những câu lạc bộ sáng tác thơ văn dành cho các em. Xin tiếp tục câu chuyện bằng bài chia sẻ của chủ nhiệm một câu lạc bộ, anh Tađêô NGUYỄN THANH XUÂN, chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo ĐỒNG XANH THƠ QUI NHƠN.

CHIA SẺ CỦA CLB ĐỒNG XANH THƠ QUI NHƠN

Ngày 20-01-2010, ba anh em từ Qui Nhơn vào Phan Thiết dự họp mặt giao lưu các tác giả Công giáo Đồng Xanh Thơ và Vườn Ô-liu. Bức xúc chung của cuộc gặp gỡ là cần phải quy tụ những tác giả Công giáo ở từng địa phương thành những Câu lạc bộ. Tuy sáng tác là một công việc hoàn toàn cá nhân, nhưng nếu có Câu lạc bộ để anh em có dịp gặp gỡ, trao đổi, giao lưu... thì sẽ góp phần tạo thêm cảm hứng, có được những định hướng cần thiết, cũng như việc nâng cao "tay nghề"... Cách riêng, Câu lạc bộ sẽ là nơi phát triển "nguồn nhân lực", đào tạo những cây bút trẻ cho thế hệ tương lai. Hai tháng sau, chúng tôi trình bày vấn đề này trong buổi họp Tiểu ban Văn Hóa mở rộng của giáo hạt Bình Định, và mọi người đều nhất trí nên thành lập Câu lạc bộ, lấy tên là Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, ban đầu ghi danh tham gia trên 20 người. Về sau, số người thật sự sinh hoạt để duy trì Câu lạc bộ chỉ có 5 người chủ chốt ở tại Qui Nhơn. Tuy nhiên từ con số này, chúng tôi cố gắng phát huy tìm các thành viên mới nơi các bạn sinh viên và học sinh. Định kỳ họp của chúng tôi thường là mỗi tháng một lần.

Công việc đầu tiên của chúng tôi là đảm nhận việc chấm bài cho cuộc thi "Giải Văn Thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn lần I - 2010" do Ban Văn Hóa giáo phận Qui Nhơn tổ chức, dành cho các em trong độ tuổi học giáo lý ở các giáo xứ. Tiếp đó là đảm nhận phần hướng dẫn chuyên môn về văn thơ trong Hội trại tập huấn dành cho các em đạt giải.

Cuộc thi đã tìm gặp một số tài năng trẻ trong lĩnh vực văn thơ. Những lần họp mặt sau đó chúng tôi mời những em này tham gia Câu lạc bộ và tạo điều kiện thuận lợi, giúp tiền xe cho những em ở quá xa để các em có thể tham gia sinh hoạt.

Phát huy thành công của cuộc thi văn thơ lần đầu ấy, chúng tôi giúp Ban Văn Hóa giáo phận tổ chức cuộc thi "Giải Văn Thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn lần II - 2011", hành hương và trao giải tại La Vang, kết hợp cho các em tham dự cuộc trao giải Nhánh Huệ Nước Trời cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Miền Trung tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế.

Trong những tháng đầu, khi mới hình thành Câu lạc bộ, chúng tôi có khuynh hướng tìm và mời những người lớn tuổi, đã có những sáng tác vững vàng. Thế nhưng sau cuộc thi thơ văn dành cho học sinh giáo lý lần đầu, chúng tôi chuyển trọng tâm sang các bạn trẻ. Bởi chúng tôi nhận ra đây chính là nguồn lực tiếp nối công việc của Câu lạc bộ trong tương lai. Còn với người lớn, chúng tôi nhắm tìm những anh chị em nào có nhiệt tình với Thiên Chúa và Giáo Hội, dám chấp nhận hy sinh vì ích chung. Chúng tôi đầu tư chăm sóc lớp trẻ, hy vọng tới năm 2018, kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với vùng đất Qui Nhơn, sẽ có một đội ngũ trí thức Công giáo trẻ trung, có cái nhìn sát với cái nhìn của Hội Thánh.

Chúng tôi có một kinh nghiệm đáng chia sẻ là không gây quỹ. Vì gây quỹ sẽ phát sinh những phức tạp trong việc chi tiêu và giữ gìn quỹ. Đã gây quỹ thì chẳng bao giờ dám tiêu hơn một nửa số tiền quỹ và vì thế sẽ chẳng dám làm việc gì. Ngược lại, chúng tôi hành động như người xây nhà thờ. Chúng tôi cân nhắc rồi lên chương trình đúng nhu cầu thực tế, rồi bắt tay vào việc, làm tới đâu, xin tới đó; nếu nợ thì sẽ trả dần cho sớm dứt điểm.

*

Trong năm vừa qua, là cuộc thi "Giải Văn Thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn lần III - 2012", hành hương và trao giải tại Quảng Ngãi. Trong dịp này, chúng tôi đã tập hợp được các em đạt giải thuộc hạt Quảng Ngãi và thành lập Câu lạc bộ văn thơ Công giáo Quảng Ngãi.

Cũng từ cuộc thi lần thứ ba, chúng tôi đã tổ chức lại cả hai hoạt động thi văn thơ và tờ nội san để gia tăng hiệu năng trong việc phát hiện và đào tạo tài năng trẻ, theo hướng sau đây:

1. CÁC CUỘC THI GIẢI VĂN THƠ LINH MỤC ĐẶNG ĐỨC TUẤN

Trước đây toàn bộ số tiền thưởng được trao hết cho các em trong buổi trao giải, nhưng như vậy không tạo động lực cho các em phấn đấu thêm. Từ lần thứ 3, việc tặng thưởng thực hiện theo một cơ cấu năng động hơn: một món tiền nhỏ (bằng khoảng 1/3 trị giá các giải thưởng của cuộc thi ) được trao ngay trong lễ phát thưởng, cùng với quà tặng và bằng khen. Phần còn lại sẽ được tích lũy thành tiền trợ cấp khi các em bước lên bậc Đại Học.

Cuối giải văn thơ LMĐĐT-III, đã trợ cấp toàn phần cho 12 em vào ĐH với tổng số tiền là 9.000.000 VNĐ

Hiện thời số các em học sinh cấp II và cấp III có tài khoản tích lũy cho Đại Học là 38 em với tổng số tiền là 26.650.000 VNĐ. Em có được số tiền cao nhất là 2.000.000 VNĐ, em có số tiền thấp nhất là 200.000 VNĐ.

2. NỘI SAN HOA BIỂN

Nội san này nhằm mục đích đào tạo khả năng văn chương của các em.

Tất cả những em đạt giải (từ giải Đặng Đức Tuấn lần thứ nhất) sẽ được mời tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Sáng Tác và tập san Hoa Biển.

Cả những người không đạt giải các cuộc thi cũng có thể gởi bài về báo Hoa Biển. Sau khi đã có được 3 bài đăng báo, tác giả có thể làm đơn tham gia Câu lạc bộ.

Thời gian đầu, nội san Hoa Biển của Câu lạc bộ không những được đưa lên blog của Ban Văn Hóa mà còn được in với số lượng hơn ba trăm tờ và được phát hành về tất cả các giáo xứ trong Giáo phận. Việc này khá vất vả, tốn kém mà nhiều khi không gây hiệu quả thiết thực. Về sau chúng tôi chỉ phát hành tới những người tham gia Câu lạc bộ sáng tác. Mỗi thành viên sẽ nhận được 4 số báo mỗi kỳ để có thể giới thiệu sinh hoạt Câu lạc bộ tới những bạn trẻ có tài năng.

Từ giải Đặng Đức Tuấn lần III, mỗi em có bài đăng báo Hoa Biển sẽ nhận được nhuận bút 50.000 VND/1 bài thơ và 100.000 VND/1bài văn.

Không có nhuận bút cho các thành viên trưởng thành, hoặc đã đi làm.

Những thành viên Câu lạc bộ đang theo học bậc Đại Học, nhuận bút được trả ngay theo mỗi số báo.

Còn với các thành viên đang học bậc phổ thông, tiền nhuận bút sẽ được cộng vào tài khoản tích lũy hỗ trợ Đại học. Khi vào Đại học các em sẽ nhận được số tiền đã tích lũy cộng với phần trợ cấp thêm, nhiều ít tùy mức độ Ban Tổ Chức vận động được. Em nào bị phát hiện gian lận (sao chép bài của người khác hoặc gian lận trong các cuộc thi của Ban Văn Hóa cũng như các cuộc thi ngoài đời) sẽ bị hủy khoản trợ cấp này.

Trên đây là một số việc đã làm được trong quá trình hình thành và phát triển của Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ QN, và vẫn đang dò dẫm để rút tỉa kinh nghiệm.. Rất mong các anh chị em sẽ đóng góp thêm nhiều ý kiến hay để chúng tôi cải tiến phương thức sinh hoạt ngày càng có hiệu quả hơn. Cũng mong rằng qua những kinh nghiệm của chúng tôi, các Câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo sẽ phát triển ngày càng rộng khắp ở các GP trong toàn quốc, để chúng ta sẽ có một "Vườn thơ Đạo nở hoa" trong một ngày không xa. Xin cảm ơn tất cả các anh chị.

***

Xin cám ơn kỷ niệm một ngày sinh, kỷ niệm về một khởi đầu, trong niềm tin tưởng sẽ ngày càng có thêm những người tiếp tay vào điều mà người được nhớ đến trong dịp này đã khai sáng.

Ta cho ra một dòng thơ rất mát,

Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương

Trời như hớp phải hơi men ngan ngát,

Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương.

Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ:

Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,

Mà ta ngỡ đấng Tiên Tri muôn thuở

Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.

Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!

Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang

Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước.

Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.

Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt

Đương thơ bay sáng láng như sao sa...

Trên lụa trắng mười hai dòng chữ ngọc

Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.

(Hàn Mạc Tử, Nguồn Thơm)

Qui Nhơn, 26-9-2012

TRĂNG THẬP TỰ

Thông tin khác:
Thăm Trại Phong (16/05/2013)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa tĩnh tâm năm 2024 với chủ đề “Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục” 
Linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa tĩnh tâm năm 2024 với chủ đề “Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục” 
“Dừng lại - Định hướng cho đời sống và sứ vụ của linh mục”, là chủ đề tuần tĩnh tâm năm 2024 của linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa, diễn ra từ 14h45 thứ Hai, ngày 11.11 đến sáng thứ Sáu, ngày 14.11.2024 tại Trung Tâm Mục vụ Hà Thạch.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log