:
NGỎ LỜI VỚI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA THÁNG 12.2017QUÝ ĐỨC CHA GIÁO PHẬN HƯNG HÓA
SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG,
ĐỢI CHỜ VÀ ĐÓN TIẾP CHÚA ĐẾN VỚI TA TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI
Anh chị em trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa thân mến,
1- Ngày 03 tháng 12 này chúng ta cùng Hội Thánh toàn cầu bước vào Mùa Vọng mới, khởi đầu Năm Phụng Vụ 2017-2018. Lịch Công Giáo của giáo phận nhà có lời trích dẫn văn kiện Quy luật về Niên Lịch Phụng Vụ: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39).
Mùa Vọng là mùa mong đợi. Dân Chúa liên tục sống tâm tình đợi chờ Chúa “Đấng đã có, hiện có và đang đến”(Kh 4, 8). Các Tổ phụ và Ngôn sứ cả mấy ngàn năm xưa trong thời Cựu Ước tiên báo và mong ngóng đợi chờ Đấng Cứu Thế đến. Hội Thánh Kitô giáo đã trải qua hai ngàn năm lịch sử tích cực loan báo Tin Mừng đợi chờ “Nước Cha trị đến” trên thế giới hôm nay, đồng thời thao thức đợi chờ ngày Chúa Cứu thế lại đến trong vinh quang của ngày cánh chung. Khởi đầu Mùa Vọng này, chúng tôi xin được chia sẻ với anh chị em tâm tình đợi chờ Chúa trong hoàn cảnh hiện thời.
2- Tâm tình thứ nhất, chúng tôi xin anh chị em sống lại niềm trông đợi “Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người” (AC 39) nơi các thánh Tổ phụ, Ngôn sứ, cùng Dân riêng Chúa xưa trong thời Cựu Ước, thể hiện bằng việc chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh. Hơn cả việc dọn dẹp trang trí lộng lẫy quang cảnh bề ngoài, ta hãy sửa dọn ngôi nhà tâm hồn để tiếp đón Chúa Hài Nhi ngự vào. Ta hãy tẩy trừ những đam mê tham vọng trần tục, hoán cải tâm hồn trở lại đơn sơ thanh bạch như hang đá máng cỏ nơi Chúa ưa thích ngự tới. Lời kinh nguyện cổ truyền vẫn vang vọng trong ký ức ta: “Xin cho tấm lòng con nên như hang đá cho Chúa con giáng sinh. Xin cho tâm hồn con nên như máng cỏ cho Chúa con ngự”. Ước gì trong đêm Giáng Sinh mỗi tín hữu chúng ta được rước Chúa Hài Đồng vào lòng, để được lãnh nhận ơn “bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
3- Tâm tình thứ hai là “hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế” (AC 39). Mùa Vọng nhắc ta nhớ tính chất lữ hành của Hội Thánh tại thế đang tiến về Giêrusalem trên trời. “Nơi đó, anh chị em chúng ta là toàn thể các thánh muôn đời ca ngợi Chúa; và chúng ta là lữ khách, được đức tin soi dẫn, đang vội vã tiến về” (x. Kinh tiền tụng lễ Các Thánh). Với cá nhân chúng ta, mỗi ngày qua đi là một bước ta tiến dần đến giờ chết. Ta đừng mải mê những sự dưới trần thế là nơi tạm gửi, nhưng biết tận dụng thời giờ hiện tại để thu tích đem về đời sau “những của cải không hư nát”. Là chi thể của Hội Thánh lữ hành, mỗi người tích cực góp phần thi hành sứ mệnh Chúa trao là mở rộng nước Chúa trên khắp cùng bờ cõi trái đất, để chóng tới ngày viên mãn “muôn dân muôn nước trở thành một đoàn chiên theo một Chúa chiên”.
4- Giữa hai lần Thiên Chúa đến, lần đến trong quá khứ của “Đấng đã có” và lần đến trong tương lai của Đấng “đang đến”, còn có rất nhiều lần Thiên Chúa Đấng “hiện có” đến viếng thăm ta trong từng giây phút hiện tại. Tâm tình thứ ba chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em là để nhắc nhở nhau tránh khỏi hệ lụy “không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 44). Một điều ta ít lưu tâm, lại là điều có sức yên ủi và nâng đỡ ta, đó là trong khi ta đợi chờ Chúa thì Chúa vẫn đợi chờ ta. Trên hành trình tiến về ngày cánh chung, Chúa còn nhiều lần ưu ái đến với Hội Thánh, đến với mỗi người con Chúa, để vạch đường chỉ lối, để sửa sai, để tiếp sức, để hối thúc, để nâng đỡ khích lệ, bao lâu Hội Thánh còn chưa hoàn thành sứ vụ mở rộng Nước Chúa trên khắp cõi trần gian, bao lâu mỗi người con Chúa chưa đạt tới độ trưởng thành của Đức Kitô. Nhưng Chúa đến cách nhiệm mầu và thầm kín, không áp đặt, Ngài tôn trọng sự tự do của ta, đợi chờ sự tự nguyện đón tiếp của ta. Vấn đề là làm sao để ta biết cách đợi chờ và nhận ra Ngài đúng lúc, kẻo như lời Thánh Gioan nói: “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”(Ga 1, 10-11).
5- Đợi chờ, nhận ra và đón tiếp Chúa đến trong cuộc đời là cả một chương trình cơ bản của đời sống tâm linh mà ta cần học biết. Trước hết Lời Chúa trong Thánh Kinh dạy ta đợi chờ Chúa trong tỉnh thức với tư thế luôn sẵn sàng, như 5 cô trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ đi đón chàng rể (Mt 25, 1-13), như gia nhân đợi chờ mở cửa cho chủ trở về nhà lúc đêm khuya (Lc 12, 35-40). Rồi khi Chúa đến làm sao ta nhận biết Ngài? Lời Chúa dạy bảo ta nhận ra Chúa qua các dấu chỉ, nhất là qua dấu chỉ bí tích, như hai môn đệ trên đường về Emmaus nhận ra Chúa khi Bẻ Bánh (Lc 24, 28-35). Ta cũng nhận ra Chúa trong thân thế các đấng bậc đại diện hữu hình của Chúa trong Hội Thánh ở trần gian, như lời Đức Giêsu phán với các tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”(Ga 20, 21-23). Nhưng ta cũng còn nhận ra Chúa qua thân thế anh chị em nghèo đói mà ta gặp gỡ trong đời thường, như Chúa dạy trong dụ ngôn vụ xử án ngày chung thẩm (Mt 25, 31-46). Sau nữa ta còn nhận ra Chúa qua các biến cố xảy đến trong cuộc đời, như Gioan nhận ra Chúa trên bãi biển qua mẻ cá lạ lùng và nói với anh em tông đồ: “Chúa đó”(Ga 21, 1-7).
6- Sau khi đợi chờ, nhận ra Chúa đến, thì đến khâu đón tiếp Chúa. Phụng vụ Mùa Vọng giới thiệu với ta hai mẫu gương sống. Gương mẫu thứ nhất là Đức Trinh nữ Maria. Với đặc ân Vô Nhiễm nguyên tội (lễ trọng cử hành trong Mùa Vọng) Mẹ đã dọn lòng xứng đáng đón tiếp Ngôi Lời Nhập Thể. Cùng với Dân Chúa, Mẹ hằng thiết tha đợi chờ Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc thế nhân. Khi nhận ra chương trình cứu độ do lời truyền tin của Tổng lãnh thiên thần Gabriel, Mẹ đã mau mắn đón tiếp Ngôi Lời Thiên Chúa bằng tiếng “Xin Vâng” trọn vẹn dâng hiến suốt cả cuộc đời (Lc 1, 38). Hằng ngày mỗi lần đọc kinh Truyền Tin, ta hãy xin Mẹ bầu cử cho ta được luôn luôn sẵn sàng đón nhận vâng theo Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, thuận nghịch, vui buồn, sướng khổ trong cuộc đời, để xứng đáng làm con cái thảo hiền của Mẹ.
7- Để mau mắn đón tiếp Chúa, ta còn cần sửa sang ngôi nhà tâm linh của ta cho ngăn nắp sạch đẹp sẵn sàng. Nhân vật được Phụng vụ Mùa Vọng giới thiệu là mẫu gương thứ hai cho ta noi theo là Thánh Gioan Tẩy giả. Xuất hiện trên đất Israel vào thời điểm quần chúng đang nóng bỏng đợi chờ Đấng Messia, ông mang sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Không những lời rao giảng mạnh mẽ của ông, mà cả hình ảnh con người, lối sống khắc khổ của ông, “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng giây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, trong khung cảnh hoang địa, gợi lên hình ảnh vị tiền hô mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con...”(x. Mc 1, 1-8). Ta hãy hiểu và thực hành theo bình diện tâm linh mệnh lệnh của vị tiền hô dọn đường: “hố sâu lấp cho đầy, gò cao phải bạt xuống, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng”(x. Lc 3, 3-6). Tâm hồn ta sẽ được sẵn sàng đón rước Chúa.
Anh chị em thân mến,
Trong quá khứ, Chúa Cứu Thế đã đến trong lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm. Chúa sẽ lại đến trong tương lai vào ngày cánh chung. Nhưng Chúa vẫn đến với ta trong từng giây phút hiện tại. Chúa vẫn đợi chờ ta tự nguyện mở lòng ra đón tiếp Ngài. Mùa Vọng là thời gian thuận tiện để ta làm sống lại tâm tình đợi chờ Chúa, sửa dọn tâm hồn để có thể nhận ra Chúa và đón rước Chúa. Nguyện chúc anh chị em tín hữu trong cả giáo phận nhà đều gặp được cơ hội Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh này để đón rước Chúa đến với từng người và mỗi gia đình, trong an bình, chan chứa niềm vui và hạnh phúc.
Sơn Tây, ngày 29 tháng 11 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá