THÁNG HOA SỐNG TIN MỪNG PHỤC SINH VỚI MẸ MARIA
Anh chị em thân mến trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa,
Hội Thánh đang sống trong niềm hân hoan bùng vỡ của Tin Mừng Phục Sinh: “Chúa đã sống lại thật ! Alleluia !” Bước sang Tháng 5, niềm vui lại được nhân lên trong bầu khí khắp nơi rộn ràng cử hành Tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ. Trong tháng này chúng tôi xin được cùng anh chị em suy niệm về ý nghĩa đích thực sống Tin Mừng Phục Sinh với hạnh phúc của người Kitô hữu được làm con Đức Mẹ. Ước mong các Kitô hữu nhờ thấu triệt ý nghĩa đó mà đời sống được biến đổi thành chứng nhân của Tin Mừng giữa lòng xã hội, như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi thời Công vụ Tông đồ.
Trong Mùa Giáng Sinh và Mùa Chay, chúng ta đã suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa thực hiện qua Mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc. Thiên Chúa vì lòng thương xót loài người đã cho Con Một của Ngài giáng thế đồng hành chia sẻ trọn vẹn thân phận làm người với chúng ta trong mọi sự, kể cả những lao nhọc đau khổ, cho đến tận cái chết trên thập giá. Nhưng cái chết không phải là tận điểm mà Con Thiên Chúa đồng hành chia sẻ với chúng ta. Ngài còn Vượt Qua cái chết và đưa chúng ta cùng vượt qua cái chết để bước vào cuộc sống mới viên mãn với Ngài, như lời Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”(Rm 6, 8).
Kẻ chết sống lại là một ý niệm cực kỳ khó tin, trái với nhận thức thường nghiệm của con người. Thánh Phaolô trên hành trình loan báo Tin Mừng, có lần ngài được trân trọng mời đến thuyết pháp tại nghị trường thành phố Athena (Hy Lạp). Nhưng khi ngài loan báo Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, thì cả nghị trường diễu cợt không muốn nghe ngài nói những điều nghịch nhĩ như thế nữa (x. Cv 17, 18-34). Cũng trong tâm trạng ấy, các môn đệ và các phụ nữ đạo đức theo giúp việc Chúa dù đã nhiều lần nghe Thầy Giêsu tiên báo Ngài sẽ chịu tử nạn rồi ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, nhưng không ai tin lời Thầy nói. Sau ngày Thứ Sáu Thầy chịu tử nạn thập giá, các vị chỉ còn lại nỗi buồn thương thất vọng ê chề. Thế nên, ngày Thứ Nhất trong tuần, các vị bất ngờ được Đức Giêsu Phục Sinh đến gặp gỡ, tai được nghe giọng nói thân quen của Thầy, được xem tận mắt vết thương chân tay và cạnh sườn Ngài, được sờ tận tay thân xác vị Thầy kính yêu đã bị chết nhừ tử mà nay đã sống lại, các vị mới kinh ngạc và niềm vui Tin Mừng Phục Sinh mới thật sự bùng vỡ. Niềm vui do Thánh Thần của Chúa Phục Sinh tác động mạnh mẽ đến nỗi đã biến đổi các vị thành những con người mới. Các phụ nữ mềm yếu mau nước mắt đã trở nên những người tiên phong hăng hái hớn hở đi loan Tin Mừng Phục Sinh cho chính các tông đồ Chúa. Đến lượt các tông đồ và môn đệ Chúa, trước đây nhút nhát bỏ trốn đi hết khi Thầy lâm nạn, chối Thầy và ẩn núp trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, nay các ông trở nên can đảm, hiên ngang loan Tin Mừng Phục Sinh công khai ngay giữa đền thờ, mạnh dạn làm chứng Thầy mình đã sống lại trước tòa công nghị, và hân hoan sau khi bị đánh đòn vì xem là mình xứng đáng chịu xỉ nhục vì danh Đức Giêsu. Và nhờ những chứng nhân đầy ắp niềm hứng khởi như thế mà Tin Mừng Phục Sinh được tuôn trào loan truyền khắp nơi. “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra”(Cv 4, 20).
Những chứng nhân tiên khởi ấy quy tụ với nhau thành một cộng đoàn “chỉ có một lòng một ý” có sức lan tỏa nhờ ơn sức của Thánh Thần, nhờ chú tâm cầu nguyện và loan truyền Lời Chúa, cùng nhờ gương sống thương yêu bác ái (x. Cv 5, 23-34). Các sách Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng Gioan (x. Gn 19, 25-27), và sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 1, 12-14) còn vén mở cho chúng ta thấy thấp thoáng một nhân vật quan trọng như linh hồn của cộng đoàn tín hữu ấy. Đó là Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu.
Đức Mẹ được Con Chí Ái của mình, khi hấp hối trên Thánh giá, trối lại cho nhiệm vụ làm Mẹ săn sóc đàn em nhỏ của Anh Cả Giêsu là các con cái Hội Thánh sau này, mà môn đệ Gioan là đại diện (x. Gn 19, 26). Từ ngày đó, Đức Mẹ chỉ còn một lẽ để sống ở thế gian đó là chăm sóc nuôi dưỡng đoàn con cái Hội Thánh, là con thiêng liêng đích thực của Mẹ, ở giai đoạn cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi còn trứng nước trong phạm vi nhỏ hẹp của đất nước Do Thái. Hết giai đoạn ấy, Hội Thánh nên trưởng thành, vươn xa ra các nước trên thế giới, Đức Mẹ đã hoàn thành vai trò khi sống tại thế, như người Mẹ với đoàn con khi còn non dại, đã được Thiên Chúa cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác. Nhưng, sau khi về trời, “Đức Maria vẫn luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ […]. Mẹ vẫn luôn tiếp tục cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình Mẹ hiền, Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm thử thách, cho tới khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời”(x. CĐ Vatican II, h.c. GH, s. 62).
Anh chị em thân mến, suy niệm về sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh và về vai trò làm Mẹ nhân loại của Đức Maria dẫn chúng ta đến quy kết thực hành nào trong cuộc sống?
Thứ nhất, mỗi Kitô hữu phải Sống Tin Mừng Phục Sinh như là lẽ sống chính yếu của cuộc đời. Để cảm thấu và thể hiện niềm hân hoan phấn khởi và nhiệt tình loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh, như các tông đồ xưa, bản thân ta phải gặp được Chúa Phục Sinh trước đã. Ngài đã trở về cõi thần thiêng, hiện diện ở khắp mọi nơi, do đó Ngài luôn sẵn sàng cho ta gặp gỡ Ngài. Nhưng để gặp gỡ được Ngài thì phải theo điều kiện và cách thức Ngài quy định. Các sách Tân Ước chỉ dạy cho biết điều kiện không thể thiếu đó là Đức Tin, tin vào Lời Chúa, chứ không phải tin vào giác quan của mình: “Phúc cho ai không thấy mà tin”(Gn 21, 29). Hai môn đệ đi làng Emmaus đã tin vào Lời Kinh thánh (x. Lc 24, 13-33) khi được nghe chia sẻ cắt nghĩa. Sau đó 2 ông đã nhận ra và gặp được Đức Giêsu trong tiệc Bẻ Bánh (là Bí tích Thánh Thể). Bởi vì cách thức thông thường mà Chúa Phục Sinh quy định đó là tỏ mình qua các dấu chỉ Bí Tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Một cách thức khác Chúa Phục Sinh quy định, đó là tỏ mình ra nơi cộng đoàn tín hữu. Tông đồ Tôma chỉ gặp được Đức Giêsu khi trở về với cộng đoàn anh em (Gn 20, 24-29). Vậy ngày nay, muốn gặp được Chúa, ta phải năng đến họp mặt với cộng đoàn giáo xứ, nhất là vào ngày Chủ Nhật. Tại nhà thờ ta được nghe Lời Chúa và chia sẻ, cùng cử hành Bí tích Thánh Thể.
Thứ hai, ta phải làm gì để được hạnh phúc cảm nghiệm tình Hiền Mẫu của Mẹ Maria? Nếu “trên đời này không ai tốt bằng mẹ”, thì người Kitô hữu còn có người Mẹ thiêng liêng tốt tới siêu đẳng. Ai càng hết mình tôn sùng yêu mến Mẹ trên trời và sống hiếu thảo với Mẹ, thì càng nhận thức và cảm nghiệm được điều đó. Lần kia, Thánh Anphongsô thực lòng tỏ bày tâm sự với Đức Mẹ rằng: “ Mẹ ơi, con mến Mẹ lắm lắm, Mẹ chẳng yêu con bằng con mến Mẹ đâu”. Tức khắc Đức Mẹ hiện đến nói lời trách yêu làm cho thánh nhân cảm nhận hạnh phúc vô vàn: “Anphongsô con ơi, con nói gì ngu dại vậy? Mẹ yêu con gấp trăm ngàn lần con yêu Mẹ!” Tuy nhiên, theo lời Công đồng Vatican II nhắc bảo, “các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính đối với Mẹ không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ” (x. h.c. GH, s. 67).
Đức Mẹ thánh thiện toàn diện, mỗi người con cái Mẹ chỉ có thể cố gắng noi gương Mẹ ở mức độ nào đó và về một số phương diện nào mà thôi. Tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ nằm trọn trong Mùa Phục Sinh, do đó chúng tôi xin mời gọi anh chị em noi gương bắt chước Mẹ về phương diện “sống Tin Mừng Phục Sinh”. Từ khi Mẹ được gặp Chúa Con phục sinh, trót cả suy nghĩ tâm tình và hành động của Mẹ chỉ tập chú vào cuộc sống mai hậu trên thiên quốc, nơi Con Chí Thánh của Mẹ ngự trị và đang chờ đợi Mẹ cùng lên ngự trị với Con. Mẹ nóng lòng mong đợi hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa trao cho Mẹ dưới trần thế để được về quê trời. Chúng ta là con cái cũng phải noi gương Mẹ mình sống siêu thoát như thế, như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”(Cl 3,1-2). Điều mà câu Lời Chúa muốn dạy bảo ta thực hiện, không phải là sống ảo tưởng xa lánh thực tại, nhưng biết siêu thoát không bám vào những giá trị trần thế, biết xử dụng những thực tại đó chỉ như là phương tiện để tập chú vào mục đích mai hậu trên trời. Noi gương Mẹ, ta không ngại hy sinh thời giờ, tiền của, công sức, vượt qua gian khổ để hoàn thành sứ vụ Chúa trao phó nơi trần thế. Sứ vụ Chúa trao gồm có bổn phận đối với gia đình và xã hội, công tác bác ái tông đồ xây dựng cộng đoàn Dân Chúa tại thế, góp phần xây dựng “trời mới đất mới”, hầu chóng tới ngày Nước Chúa hiển trị thành toàn. Ta cố gắng chu toàn các sứ vụ đó, không trông mong gì đền đáp nơi trần thế, chỉ mong hoàn thành nhiệm vụ của người tôi tớ trung thành để được ân thưởng trên quê trời. Với cách hành xử siêu thoát như vậy, mọi người sẽ nhận thấy đời sống của ta luôn thanh thản vui tươi trong mọi hoàn cảnh, phản ánh Tin Mừng Phục Sinh ta mang tràn đầy trong tâm.
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi nguyện cầu trong Tháng Hoa dâng kính Mẹ này, chúng tôi cùng với anh chị em được ơn sức noi gương Đức Mẹ sống tràn đầy ý nghĩa Tin Mừng Phục Sinh, nhờ đó con người chúng ta được biến đổi thành chứng nhân của Tin Mừng giữa lòng xã hội. Và cũng nhờ đó chúng ta được hạnh phúc làm con cái đích thực của Mẹ trên trời, vì “Mẹ nào con nấy”.
Sơn Tây, ngày 30 tháng 04 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá