Thứ hai, 27/01/2025

Lời Chủ chăn tháng 04.2017: NHỮNG NGÀY CAO ĐIỂM CỬ HÀNH MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Cập nhật lúc 11:58 30/03/2017
Quý Đức Giám Mục Giáo Phận Hưng Hóa Ngỏ Lời Với Cộng Đồng Dân Chúa: 
NHỮNG NGÀY CAO ĐIỂM CỬ HÀNH MẦU NHIỆM VƯỢT QUA NĂM 2017


Anh chị em thân mến trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa,

Tháng 4 năm nay Phụng vụ Mùa Chay đưa dẫn chúng ta bước vào thời gian cao điểm cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa nhập thể, đã đi đến những ngày cuối cùng của cuộc đời làm người của Ngài trên dương thế, những ngày thực hiện mục đích chính yếu cuộc đời trần thế của Ngài, đó là nộp mình chịu tử nạn Thập giá, sau 3 ngày Ngài Phục Sinh và lên trời vinh hiển. Bởi vì “Ngài sinh xuống trần gian không phải để sống mà là để chết” (theo lời Đức Giám mục Fulton Sheen diễn giải về mầu nhiệm nhập thể). Ngài làm người là để có thân xác có thể chịu thương chịu khó, chịu nạn chịu chết làm lễ vật hy sinh đền tội; Ngài hạ cố gia nhập vào dòng dõi con cháu Ađam Evà là để có tư cách liên đới mà chịu sát tế làm của lễ đền tội thay cho toàn thể nhân loại. Thánh Phaolô nhấn mạnh tính liên đới ấy: “Cũng như vì một người duy nhất (là Adam) đã không vâng lời TC mà muôn người thành tội nhân, thì cũng nhờ một người duy nhất (là Đức Giêsu) đã vâng lời TC, muôn người cũng sẽ thành người công chính”(Rm 5, 19).
Nhưng mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc không dừng lại ở cuộc đời trần thế, cái chết và sự Phục Sinh lên trời của Đức Giêsu, mà còn được tiếp nối nơi Hội Thánh tại thế, qua mọi thời đại cho tới ngày cánh chung. Quả vậy, nhờ liên đới với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu bởi Bí tích Thánh Tẩy, hết mọi người Kitô hữu chúng ta đã được tháp nhập thành các chi thể của thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô làm nên Hội Thánh, tiếp tục hiện diện giữa thế gian cho tới ngày thế mạt. Cũng như Đức Giêsu vừa là Người thật vừa là Thiên Chúa thật, thì cũng thế, Hội Thánh vừa là tổ chức hữu hình gồm những con người trần thế, vừa là cơ cấu có sức sống thiên linh của thân thể Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã được luồng sáng và tiếng nói từ trời mạc khải điều đó trong biến cố người bị ngã ngựa gần thành Đamát khi truy bắt các Kitô hữu: “Saolô, Saolô, sao ngươi tìm bắt bớ Ta?...Ta là Giêsu ngươi đang truy bắt.”(x. Cv 9,1-30). Thấm nhuần bài học ấy, Thánh Phaolô năng nhắc nhở các Kitô hữu theo gương người, luôn đồng hành gắn bó kết hợp với Đức Kitô như chi thể gắn liền với thân thể, nhất là trong gian nan đau khổ: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu cho thân thể Ngài là Hội thánh, tôi xin mang lấy nơi thân xác tôi cho đủ mức.”(Cl 1,24).
Bởi vậy, Hội Thánh hằng năm tái diễn hành trình Vượt Qua của Đấng Cứu Thế trong mùa Thương Khó, mục đích để các Kitô hữu đồng hành với Ngài, nhất là để ta thấu hiểu mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc nơi Ngài vẫn đang tiếp diễn nơi bản thân ta, và để ta ý thức góp phần đau khổ của mình kết hợp với lễ hy sinh của Ngài, hầu mang lại ơn cứu chuộc cho bản thân mình và cho các linh hồn trong cùng mối liên đới. Tin Mừng theo Thánh Gioan dẫn ta theo sát Ngài trên đường tử nạn tới phục sinh. Những ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu cương quyết đi Giêrusalem để tự nguyện hiến thân chịu tử nạn làm lễ đền tội cho nhân loại, theo chương trình Chúa Cha đã hoạch định. Ta hãy nghe theo lời Thánh Tôma nhủ bảo anh em tông đồ:“chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy”(Ga 11, 16). Trong Tuần Thánh, đặc biệt Tam nhật Vượt Qua, ta hãy tích cực theo sát các Nghi thức Phụng vụ Hội Thánh cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện, để thấu hiểu Lòng Thương Xót vô biên của Chúa đã chịu khổ hình vì ta. Điểm chú trọng nhất là mỗi Kitô hữu chúng ta, ý thức mình là phần thân thể mầu nhiệm của Chúa, khi suy ngắm sự thương khó của Chúa, biết hiệp dâng các nỗi niềm đau khổ của riêng mình góp phần vào lễ hy sinh của Ngài, mưu ích cho chính mình và cho cả Hội thánh trong mối dây hiệp thông liên đới.
Phụng vụ Lời Chúa Tuần Thánh giúp ta chiêm ngắm từng chi tiết trong hành trình tử nạn của Đức Giêsu, cho ta thấy rõ không có sự đau khổ khốn khó nào mà Ngài đã không phải gánh chịu. Ngài phải từ giã Đức Mẹ để lên Giêrusalem nộp mình chịu chết, phải ly biệt các môn đệ như những đứa “con bé nhỏ” mà Ngài rất mực thương xót. Ngài phải lo buồn sầu não suốt đêm trong vườn Cây Dầu tới “mướt mồ hôi máu” trước cuộc tử nạn mà Ngài sắp đón nhận theo ý Chúa Cha. Ngài đau lòng biết bao vì sự phản bội lừa thầy phản bạn của môn đệ Giuđa mà Ngài tin tưởng. Ngài xót xa vì sự nhát sợ trước cường quyền mà chối Thầy của môn đệ Phêrô xưa nay là chỗ thân tín nhất với Thầy. Ngài bị trăng trói bắt nộp như một kẻ làm ăn phi pháp. Trước tòa án, Ngài bị vu cáo, bị luận tội bất công. Ngài bị đánh đập dã man, bị xỉ nhục chế nhạo như vua giả. Ngài bị kết án tử hình thập giá đồng hàng với bọn trộm cướp giết người. Ngài phải tự mình vác thập giá nặng nề, ngã đi ngã lại vì yếu sức, lại còn bị lý hình đập đánh dọc đường. Lòng Ngài xót xa khi gặp Đức Mẹ và các thân nhân trên đường vác thập giá, họ khóc thương mà chẳng làm gì được cho Ngài. Tới đỉnh đồi Calvê, Ngài bị đóng đinh vào thập giá ở giữa 2 người trộm cướp. Dân chúng đồng bào hùa theo quân lý hình Lamã xỉ vả diếc dóc nhạo cười. Trên thập giá Ngài bị mất máu, kêu than khát nước nhưng lại bị cho uống dấm chua. Ngài cảm nhận sự cô đơn trên thập giá như bị Chúa Cha ruồng bỏ. Cuối cùng Ngài đón nhận cái chết đau thương nhất. Sau khi tắt thở, Ngài còn bị lý hình đâm thấu cạnh sườn, máu và nước vọt ra cho đến hết.
Cuộc tử nạn của Đức Giêsu đau thương oan khiên là thế, nhưng Ngài vẫn chịu đựng không chút oán hờn, “hiền lành như con chiên bị đem đi sát tế”. Ngài tự nguyện đón nhận hết các khổ hình như án phạt chịu đền vì tội lỗi thay cho nhân loại, theo chương trình Chúa Cha đã hoạch định. Trái tim ngài vẫn một mực hướng về lòng xót thương. Ngài đã di lối lại cho các môn đệ điều răn yêu thương phục vụ, được minh họa bằng gương sáng của người Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Ngài lập thiên chức linh mục và Bí tích Thánh Thể như của di lối cực trọng cho Hội Thánh trước khi lìa đời, để thực hiện lời hứa sẽ tiếp tục “ở cùng môn đệ cho tới ngày tận thế”. Trên thập giá, Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Đến giờ chót Ngài trao Đức Mẹ cho môn đệ Gioan (là đại diện cả nhân loại), và trao Gioan cho Đức Mẹ. Trước khi tắt thở, Ngài phó linh hồn trong tay Chúa Cha thể hiện lòng tin cậy tuân phục Thánh ý Chúa Cha cho đến khi “mọi sự hoàn tất”.
Suy ngắm các biến cố đau khổ suốt hành trình tử nạn của Đức Giêsu, ai trong chúng ta lại không nhận ra được có những đau khổ thử thách trong cuộc đời mình giống như Đức Giêsu đã trải qua trong cuộc đời tại thế của Ngài? Vậy khi gặp những đau khổ thử thách đó ta phải đáp ứng thế nào? Trước hết, ta hãy bình tĩnh suy thấu lý do tại sao Chúa để cho ta phải gặp đau khổ thử thách, đừng vội kêu trách Chúa: tôi có tội gì mà tại sao Chúa để tôi phải đau khổ oan khiên đến thế? Mà nếu tôi có tội thì sao Chúa không “thương tôi theo lòng nhân hậu Chúa”, xin “đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội”(Tv 50)?
Những đau khổ trên đời này được Thánh Phaolô lý giải là bởi lý do liên đới: “Cũng như vì một người duy nhất (Ađam) đã sa ngã, mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, vì mọi người đã phạm tội” (x.Rm 5, 12c.18). Ai trong chúng ta cũng đều cảm nghiệm nơi bản thân sự thực đó. Nhưng lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa đã cho Con Ngài nhập thể, liên đới với dòng dõi Ađam, để “nhờ một người duy nhất (Đức Giêsu) đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống”(Rm 5,18). Ta hãy theo gương Đức Kitô, Đấng đã chẳng hề phạm tội, nhưng đã vâng ý Chúa Cha gánh chịu hết mọi đau khổ do tội lỗi loài người, để nhờ đó chính những đau khổ ấy lại trở nên phương thế cứu độ cho hết mọi người. Ta hãy ghi ân sâu sắc vì nhờ Bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô, nối tiếp mầu nhiệm Chúa nhập thể nơi bản thân mình, để có thể biến những đau khổ vô ích của con cháu Ađam thành phương tiện hữu ích đem lại ơn cứu độ cho mình và cho cả các phần tử thuộc Hội Thánh.
Câu chuyện 2 người trộm cướp bị đóng đinh hai bên Đức Giêsu cho ta bài học kinh nghiệm đón nhận đau khổ sao cho hữu ích. Cả hai đều là tội phạm gian ác giết người, đều đáng án tử hình. Nhưng trong đó một người nhận biết tội lỗi đáng chết của mình, sẵn sàng đón nhận đau khổ để thống hối đền tội và xin ơn Chúa thứ tha cứu vớt. Nhờ thế anh đã nhận được ơn cứu độ do lòng thương xót Chúa: “Ngay hôm nay ngươi sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”. Anh ta thật là kẻ cướp chuyên nghiệp, biết cách “cướp cả nước trời” đúng vào phút chót ! Còn người kia thì la trách cả Chúa, vì không nhận ra “mình phải chịu thế này là đích đáng”, và hắn phải chết trong bất mãn dãy dụa vô vọng. Vậy mỗi người hãy học biết chọn lựa cho mình số phận tốt nhất.
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi cầu chúc anh chị em lãnh nhận được nhiều ơn soi sáng và biến đổi nhờ ơn thánh, trong những ngày cao điểm cùng với Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Anh chị em hãy đồng hành với Chúa trong những ngày sau hết của Ngài nơi trần thế. Nhờ suy ngắm sự thương khó của Chúa, anh chị em được ơn sức chết đi với tội lỗi, để sẽ lại nhận được ơn phục sinh như Ngài. Chúng tôi hẹn chia sẻ với anh chị em về niềm vui Phục Sinh trong lần tới, trong niềm tin vào lời Thánh Phaolô khẳng định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki tô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”(Rm 6, 8).
 
Sơn Tây, ngày 29 tháng 03 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
An-phong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
Văn Phòng TGM HH
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log