Thứ tư, 27/11/2024

Mến Yêu Hằng Ngày - Thứ Tư, 03.03.2021

Cập nhật lúc 08:25 03/03/2021
(Mt 20, 17-28)
Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy."
Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi." Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."
Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra bài học về việc làm lớn đích thực.
Trong xã hội loài người, người đứng đầu thường sẽ nắm giữ mọi quyền lực, thống trị và áp đặt kẻ dưới quyền mình. Họ kiểm soát, điều khiển người khác cho mục đích của riêng mình. Dưới con mắt phàm trần, quyền lực dường như đem lại thật nhiều niềm vui, sung sướng. Bởi vậy, chẳng khó gì để nhận ra lòng khao khát quyền lực hiện diện khắp mọi nơi xung quanh ta, và có lẽ ngay cả trong cõi lòng của chính bản thân ta nữa. Nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa, quyền lực mà ta hằng ao ước ấy lại là một điều đáng buồn, bởi nó làm méo mó và băng hoại thế giới đẹp đẽ mà Ngài đã thương yêu tạo nên cho con người.
"Khi nhìn vào thế giới của ta, Thiên Chúa phải bật khóc. Thiên Chúa phải khóc bởi sự thèm khát quyền lực đã phỉnh gạt và làm băng hoại tinh thần con người. Trong các tin tức và ngay cả trong gia đình và bản thân ta, ta thấy rằng đáng lẽ phải là lòng biết ơn, ta lại nuôi căm ghét, thay vì tha thứ, ta nuôi hận thù, thay vì chữa lành, ta đã đả thương, thay vì xót thương, ta đã cạnh tranh, thay vì hợp tác là bạo động và thay vì yêu thương là sợ hãi mênh mang." (Lm. Henri Nouwen, Tìm Được Đường Về)
Trong thế giới của Thiên Chúa, "làm lớn" là dùng khả năng của mình để phục vụ người khác, là trao quyền cho người khác chứ không phải quy quyền về mình. Bởi vậy mà Thiên Chúa đã chọn giải giới quyền lực sự dữ bằng sự bất lực. Sự bất lực của chính Thiên Chúa trong công trình cứu độ của Ngài khi Chúa Giêsu Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, là Thiên Chúa đã xuống thế làm người như một bé thơ trần trụi bất lực nơi máng cỏ nghèo hèn, trong một gia đình không tiền, không quyền, không danh tiếng, bị phản bội, bị khước từ và cuối cùng bị treo trên cây thập tự cách nhục nhã. Ngài đã đến và ở giữa chúng ta trong sự khiêm hạ, đơn sơ hoàn toàn như thế để vạch trần sự ảo tưởng của quyền lực, những cám dỗ của địa vị mà ma quỷ phỉnh gạt chúng ta, mà thế gian hứa hẹn cho ta, và xác thịt lôi kéo chúng ta.
Cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã kết luận: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." Ngài đã hiến dâng trọn cuộc đời để cứu chuộc chúng ta, để chúng ta được tự do khỏi xích xiềng tội lỗi và có cuộc sống tròn đầy. Hôm nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy bước theo Ngài: chọn làm người phục vụ, làm đầy tớ cho tha nhân. Nhưng chẳng phải để làm lớn, làm đầu, mà là để được sống tự do khỏi những gánh nặng, những trói buộc của đam mê và tội lỗi.
Có lẽ đáp lại lời mời gọi này của Chúa Giêsu chẳng phải là điều dễ dàng, và gần như là không thể. Tuy vậy, chúng ta hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa đã dùng chính Con Một yêu dấu của Ngài làm giá chuộc chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta đã được Thiên Chúa "chuộc" về, nên giờ đây chúng ta đã thuộc về Ngài chứ không phải thuộc ma quỷ hay bóng đêm tội lỗi nữa, và thậm chí chúng ta cũng chẳng còn thuộc về chính mình. Như thế, nếu chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa, vậy chẳng có lí do gì để chúng ta khước từ lời mời gọi của Ngài. Và, nếu chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa, thì chẳng có lí do gì để chúng ta phải hoài nghi những điều dường như là không thể vì "đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được." (Mc 10, 27b)
Cha rất thương mến của con ơi! Nếu con luôn ghi nhớ điều này, rằng con thuộc về Cha, hẳn con sẽ chẳng bao giờ làm điều trái mắt Cha, hẳn con sẽ chẳng bao giờ ngần ngại hay đắn đo suy nghĩ khi lựa chọn theo thánh ý Cha đâu. Dù con rất hay quên, lắm lúc phũ phàng và cũng thường bội bạc, nhưng con biết lòng thương xót của Cha vượt xa trí hiểu của con, sẽ phủ lấp mọi bất toàn, yếu đuối của con. Xin Cha thương tha thứ và hằng kiên nhẫn nhắc nhở con rằng con hằng thuộc về Cha. Cha ơi, này con đây, xin Cha cứ dùng con theo ý Cha.
Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sẽ được phong chân phước
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sẽ được phong chân phước
Ngày 25/11, trong cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ ban hành sắc lệnh liên quan đến tiến trình phong chân phước cho cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, và các sắc lệnh liên quan đến tiến trình phong thánh và chân phước cho năm nhân chứng đức tin khác.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log