(Mt 23, 1-12)
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
SUY NIỆM Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cảnh báo các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thầy dạy và những người cầm quyền của Israel, là cần phục vụ với lòng khiêm tốn và chân thành hơn là sư tự mãn, kiêu căng. Họ giảng dông dài để người ta chú ý đến chức vị và quyền hành của họ. Một cách nào đó, họ muốn trở thành những mẫu gương tốt cho người Do Thái. Trong sự nhiệt thành lầm lạc ấy, họ tìm kiếm sự công nhận và vinh dự cho mình hơn là cho Thiên Chúa. Họ đã làm cho việc thực hành đức tin trở nên một gánh nặng thay vì niềm vui cho con người. Do vậy, Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo về thứ cám dỗ danh lợi, chức tước, là thứ khiến họ quy về chính mình hơn là Thiên Chúa và Lời của Ngài. Sự kiêu căng làm ta có nguy cơ đặt mình lên trên những người khác.
Sự tôn kính đích thực đối với Chúa làm ta khiêm tốn đặt mình dưới sự khôn ngoan và dẫn đường của Người. Chúng ta không thể nào được Chúa uốn nắn nếu chúng ta không học lắng nghe và vâng theo chỉ dẫn của Người.
Lòng cung kính đối với Chúa và đường lối của người sẽ dẫn ta tới sự khiêm tốn và đơn thành của con tim – một sự sẵn sàng tìm kiếm sự thiện đích thực là chính Thiên Chúa. Vậy –bản chất của lòng khiêm tốn đích thực là gì và tại sao ta nên coi nó như là thiết yếu cho đời sống chúng ta? Sự khiêm tốn đích thực không phải là cảm nhận không tốt về bản thân, cũng không phải coi nhẹ quan điểm cá nhân hoặc nghĩ về bản thân mình như luôn là bề dưới của kẻ khác. Sự khiêm tốn đích thực giải thoát ta khỏi những vướng bận với chính mình, trong khi một cái nhìn xem nhẹ có xu hướng làm chúng ta quy về mình nhiều hơn. Khiêm tốn là hiểu sự thật về chính mình. Nhìn lại bản thân mình một cách trung thực và tỉnh táo nghĩa là nhìn mình như Thiên Chúa nhìn vậy (Tv 139,1-4)
Một người khiêm tốn luôn luôn nhận định chân thực về mình mà không ảo tưởng hoặc giả vờ. Một người khiêm tốn thực sự không coi mình nhỏ hơn hoặc lớn hơn chính mình. Sự khiêm tốn thực sự giải phóng ta để rồi ta được là chính ta như Thiên Chúa thấy và tránh khỏi cạm bẫy của hư vô tự mãn. Một người khiêm tốn không đeo mặt nạ hoặc bề ngoài tốt lành trước mắt người khác. Người như thế không chao đảo trước tiếng tăm, danh vọng, thành công hay thất bại. Bạn có cảm nghiệm được niềm vui của một trái tim khiêm tốn và đơn sơ như Giê-su không?
Sự khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức khác bởi vì nó cho phép ta nhìn biết và phán đoán mọi thứ một cách đúng đắn như cách Thiên Chúa nhìn. Sự khiêm tốn giúp ta có khả năng học hỏi để có thể có được tri thức, sự khôn ngoan đích thực cũng như một cái nhìn trung thực về mình. Nó điều hướng năng lượng, sự nhiệt thành và thiện chí, khiến ta có thể tuyệt vời hơn chính bản thân mình. Sự khiêm tốn làm ta tự do yêu mến và phục vụ người khác, vì chính họ hơn là chính ta. Thánh Phao-lô tông đồ đưa ra cho ta một mẫu gương tuyệt vời là chính Đức Giê-su, người đã “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, và… người lại còn hạ mình và vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8). Đức Giê-su đã tặng ban cho ta trái tim của Người – trái tim của một tôi tớ tìm kiếm sự thiện cho người khác và luôn quan tâm và thao thức trước nhu cầu của con người. Bạn có muốn trở thành người đầy tớ như Đức Giê-su đã yêu và phục vụ người khác?
Lạy Chúa Giê-su, Ngài đã trở nên tôi tớ để giải phóng con khỏi sự thống trị của kiêu hãnh và ích kỷ, xin dạy con trở nên khiêm tốn như Ngài và yêu tha nhân với con tim nồng nàn và rộng mở.