“Ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ”.
Kính thưa Anh Chị em,
Các bài đọc hôm nay là hai trong số các bản văn tố cáo thói giả hình mạnh mẽ nhất của Thánh Kinh. Lời lẽ của Isaia cũng như của Chúa Giêsu tuy nhắm đến các thủ lãnh Sôđôma và Gômôra hoặc các luật sĩ và biệt phái, nhưng xem ra cũng đang ngỏ với mỗi người chúng ta trong mọi đấng bậc. Thay vì sợ hãi, hãy tạ ơn; thay vì trốn chạy, hãy đón nhận; thay vì thoái thác, hãy lắng nghe. Lắng nghe với lòng thống hối, với lòng biết ơn, dẫu không ít nhức nhối; đồng thời, với niềm ao ước có được ‘sự cao cả đích thực’ mà Chúa Giêsu tiết lộ, “Ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ”.
Isaia nói, “Hãy tắm rửa”, có thể nơi chúng ta còn nhiều uế nhơ; “Hãy thanh tẩy”, có thể nơi chúng ta còn nhiều bợn bẩn; “Đừng làm điều xấu, hãy làm điều lành”, dù không làm điều xấu, không quên làm điều lành, nhưng có thể chúng ta làm điều lành quá ít hoặc chưa đủ. Đó là những bước đầu tiên trong hành trình sở hữu một ‘sự cao cả đích thực’.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến những lý do có thể đánh mất ‘sự cao cả đích thực’ của một con người, đó là ngôn hành bất nhất của giới biệt phái kinh sư, “Họ nói mà không làm”; Ngài chỉ ra chìa khoá của ‘sự cao cả đích thực’, “Ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống; ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Ai trong chúng ta cũng muốn cuộc sống của mình trở nên thực sự cao cả; khát vọng cao cả sâu thẳm này được Thiên Chúa đặt trong mỗi người và nó sẽ không bao giờ mất đi, ngay cả những người vĩnh viễn sống trong địa ngục cũng sẽ giữ lấy ước muốn bẩm sinh này; với họ, đó cũng là nguyên nhân của nỗi đau vĩnh viễn. Thật hữu ích khi chúng ta suy gẫm về thực tế này, nó có thể là động lực để bảo đảm rằng, đây không phải là số phận của mỗi chúng ta.
Chúa Giêsu đưa ra bí quyết để có thể sở hữu ‘sự cao cả đích thực’, “Ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ”. Là một người phục vụ đồng nghĩa với việc tự đặt mình làm người nô lệ, và đặt người khác lên trước mình; chúng ta coi trọng nhu cầu của họ hơn là khiến họ chú ý đến nhu cầu của mình. Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng nghĩ đến bản thân trước, nhưng điều quan trọng là đặt bản thân mình ‘lên trên hết’ theo một nghĩa nào đó khi chúng ta thực sự đặt người khác lên trước chúng ta. Lựa chọn đặt người khác lên hàng đầu không chỉ tốt cho họ mà chính xác, là ‘điều tốt nhất’ cho chúng ta. Tại sao? Chúng ta được tạo dựng cho tình yêu, được tạo dựng để phục vụ, để cống hiến cho tha nhân mà không tính toán; hơn nữa, chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa, được tạo dựng để tôn vinh Người và tiếp tục công trình tạo thành của Người. Khi làm điều này, chúng ta không vong thân; nhưng ngược lại, là cho đi chính mình. Chính lúc đó, chúng ta khám phá ra mình là ai, và trở nên những gì chúng ta được tạo dựng để trở thành. Chúng ta trở thành tình yêu, tự nó trở thành tình yêu. Người sống cho tình yêu là người vĩ đại, cao cả; người vĩ đại, cao cả là người được Thiên Chúa thương yêu và nâng cao, đó chính là ‘sự cao cả đích thực’.
Cố vấn thân cận nhất của Franklin Roosevelt là Harry Hopkins, dẫu Hopkins không có một chức vụ chính thức nào. Sự gần gũi của Hopkins với tổng thống khiến nhiều người coi ông như một nhân vật đen đủi, nham hiểm; ông gánh chịu những trách nhiệm chính trị. Một người đối lập từng hỏi Roosevelt, “Tại sao ngài để Hopkins gần gũi đến thế?”. Roosevelt trả lời, “Một ngày nào đó, có thể bạn sẽ ngồi đây, nơi bây giờ tôi đang ngồi với tư cách tổng thống. Bạn sẽ nhìn vào cánh cửa đằng kia và biết rằng, thực tế mọi người bước qua cửa ấy, đều muốn một thứ gì đó từ bạn. Bạn sẽ trải nghiệm nỗi cô đơn với công việc này, và bạn sẽ phát hiện ra sự cần thiết của một người như Hopkins, một người không yêu cầu gì ngoài việc phục vụ bạn”. Thủ tướng Anh, Winston Churchill, đánh giá Hopkins là một trong sáu người đàn ông quyền lực nhất thế giới đầu những năm 1940; và nguồn sức mạnh duy nhất của Hopkins là sự sẵn lòng phục vụ lặng lẽ của ông ấy.
Anh Chị em,
Ai trong chúng ta cũng muốn làm người cao cả, nhưng không ai dám dấn thân phục vụ cách âm thầm như Hopkins. Thế nhưng, Hopkins chỉ làm một hình bóng rất mờ nhạt của Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình xuống tận cùng của phận người để con người trở nên con Thiên Chúa. Chính vì thế, Ngài đã trở nên Đấng Cao Cả, “Thiên Chúa đã suy tôn Người, ban cho Người một danh hiệu trổi vượt muôn ngàn danh hiệu”. Chớ gì Mùa Chay thánh này, mỗi người chúng ta biết nhìn lên Đấng treo trên thập giá để cảm nghiệm thế nào là ‘sự cao cả đích thực’ và cách thế làm sao để đạt được sự cao cả đó theo phương thức và đường lối Thiên Chúa muốn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường lối Ngài để con được nên giống Ngài trong việc phục vụ, và như thế, con có thể sở hữu được ‘sự cao cả đích thực’ mà Chúa dành để ân thưởng cho con”, Amen.