cath.ch, Pierre Pistoletti, 2016-02-19
Mùa Chay là “thời gian ơn phúc để tái định hướng cuộc sống của chúng ta hướng về Chúa”, linh mục Nicolas Buttet giải thích. Bên bữa cơm đạm bạc, nhà sáng lập cộng đoàn Eucharistein nhấn mạnh đến sự khẩn cấp phải quay về với tình cha con: dưới mắt linh mục, đây là câu trả lời duy nhất cho tình trạng khủng hoảng của thời buổi này.
Dưới quyền tự do hành động của chúng ta, Giáo hội cần phải tìm lại sức sống “ngôn sứ”, linh mục nói một cách dịu dàng và xác tín. Linh mục Buttet người đi khắp nơi trên thế giới, cha vừa từ Qatar về, vừa giảng cho các Nữ tu dòng Mẹ Têrêxa ở Lausanne, vừa dự một cuộc thi ở tỉnh Valais.
Mùa Chay là mùa nhắc chúng ta trở về với điều thiết yếu. Lời kêu gọi này có thể vượt các biên giới Giáo hội để đến với thế giới ngày càng theo thuyết bất khả tri không?
Ngày nay, báo chí và thế giới ngạc nhiên với tháng chay ramadan của hồi giáo. Nếu có một đức tính của hồi giáo ở Tây phương thì đó là đức tính nhắc đến điều siêu việt, lặp lại rằng không thể sống trong một thế giới không có Chúa. Ngược lại người bây giờ ít quan tâm đến Mùa Chay. Có lẽ chúng ta sống quá đủ tự do và quá hiễn nhiên hơn không? Rõ ràng sự quay về với Người Cha không được để ý đến bao nhiêu.
Và thế giới siêu vật chất của chúng ta ngày càng không muốn nghe lời kêu gọi này. Vết thương thì sâu đậm, đây là một thảm kịch ở tận gốc rễ văn hóa Phương Tây. Vậy mà thế giới này lại cần đến việc tái can thiệp này. Tín hữu kitô ngày nay phải trở thành ngôn sứ. Cấp bách bây giờ là phải cho xã hội tiêu thụ này các dấu hiệu để nhắc họ quay về với điều thiết yếu.
Ngày nay kitô giáo gần như âm thầm rời các lãnh vực có tính cách quyết định của đất nước chúng ta, như thế điều cấp bách này có còn là lúc hợp thời nữa không?
Chỉ duy nhất nhiệt huyết ngôn sứ mới vực thế giới này được. “Chúa đã chết”, chặng đàng thánh giá nhắc chúng ta như vậy. Nhưng chúng ta là kitô hữu, chúng ta có để Chúa chết trong mồ hay chúng ta đón Ngài như Đấng Sống lại? Chính chúng ta, chúng ta có sống như người được sống lại không? Trong thế giới này, điều làm cho việc loan báo sứ điệp kitô khó khăn, có phải chính là cuộc sống có vấn đề của kitô hữu không? Triết gia Nietzsche đã kêu lên, “Cái đầu mà bạn kéo thì gây tai hại cho đức tin của bạn hơn là các lý do để bạn tin.”
Với Đức Phanxicô, ngày nay chúng ta có một dịp may không thể tưởng tượng. Tôi dám nói, chúng ta không thể hình dung Kitô giáo như thế nào trước khi Đức Phanxicô đến. Ngài đã dựng cho sứ vụ của Thánh Phêrô mang tính đặc sủng và ngôn sứ qua các dấu hiệu cực kỳ hùng hồn, có thể tiếp cận đến với tất cả mọi người. Ngài cho chúng ta một tấm gương để theo. Còn phần chúng ta, chúng ta làm gì?
Ngày nay, ngay trong lòng Giáo hội cũng thiếu tính ngôn sứ. Chúng ta ở trong hình thức sống theo sở thích. Lấy ví dụ một tu sĩ, không ai sống tiện nghi hơn họ. Họ khấn đức khó nghèo, nhưng nếu cần đi bác sĩ hoặc nha sĩ thì họ sẽ đi đến các chuyên gia giỏi nhất thế gian này; nếu họ cần thang máy cho căn nhà hai tầng thì họ sẽ có. Ít ai có được cuộc sống sang trọng này.
Chúng ta không còn can đảm làm ‘lộn xộn’ trong Giáo hội, theo gợi ý của Đức Giáo hoàng. Nhưng Chúa liên tục làm ‘lộn xộn’, liên tục!
Vậy thì “mùa chay” ở Thụy Sĩ như thế nào?
Đây là một loại điên cuồng mới, như Đức Phanxicô đã từng nói, chúng ta đã dựng lên bí tích thứ 8: “hải quan mục vụ”. Khi có người gặp Chúa Kitô và xin rửa tội, thì người ta đòi họ ghi tên vào một danh sách trước khi kinh ngạc về chuyện này. Năm nay tôi vẫn còn chứng kiến những chuyện này nhiều lần. Tôi gặp một phụ nữ tin lành, bà khám phá được Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Bà gặp một người và họ đưa bà một danh sách các chuyện phải làm. Chúng ta phải đừng dùng cái đầu! Bà yêu mến Chúa Kitô, bà đã yêu Chúa trước và bà đi tới. Đừng đặt bí tích thứ 8 trên đường đi của bà để ngăn bà không đến được bảy bí tích khác.
Như thế phải ít đòi hỏi hơn?
Không, không phải ít đòi hỏi hơn, nhưng phải chú ý đến thực tế của từng người. Chính Đức Giáo hoàng cũng đã nói: vì sao xem những người muốn rửa tội là những người đã nhận ơn? Rồi khi họ nhận ơn thì bỏ họ.
Chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại khi nói: chúng tôi cho bạn được rửa tội và sau đó chúng tôi dạy bạn làm sao sống với ơn này không? Thực chất, chúng ta vẫn còn lạc giáo kiểu Pêlagiô (Pêlagiô, một tu sĩ thế kỷ thứ 5 bị Giáo hội cho là người lạc giáo vì ông nghĩ, mọi kitô hữu có thể nên thánh do chính sức mình và coi nhẹ ơn sủng, xem đó là điều không cần thiết, không cần ơn Chúa).
Cũng vậy đối với Thánh Thể?
Cũng vậy, chắc chắn chúng ta vẫn còn giữ nguyên một hình thức lạc giáo kiểu pêlagiô đối với Thánh Thể. Chúng ta đã đánh mất một phần huyền nhiệm và xem đây chỉ là một nghi thức có tính xã hội. Ngược với đường hướng chỉ đạo hiệp thông với ánh sáng của Chúa. Trong cuộc họp Thượng Hội Đồng về Gia đình vừa qua, ngoài hồng y Ouellet thì ít người nhắc lại điều này. Tất cả đều quay chung quanh loại hợp pháp: bạn có được hay không được!
Tinh thần lạc giáo Pêlagiô vẫn còn mang tính thời sự đáng ngạc nhiên. Chúng ta, tất cả làm theo cử động cổ tay, với các cơ cấu, các phương tiện của chúng ta đến mức, đôi khi, biến các nghi thức của Giáo hội thành nghi thức của xã hội.
Với khía cạnh ngôn sứ, cần phải nỗ lực gấp đôi để tái thể hiện nét huy hoàng của kitô giáo trong các hình thức, các thái độ, các đối xử để nó có thể đánh động thế giới với tất cả sự rõ ràng, hiển nhiên mà người khác không thể nào không đặt câu hỏi.
Và một khía cạnh khác, trong nội bộ, giáo lý phải giúp tín hữu sống một cuộc sống thiêng liêng đích thực. Đôi khi người ta nghĩ, tín hữu kitô thì phải dễ thương, phải tốt dưới mọi phương diện. Không! Trong số kitô hữu cũng có những người sát nhân, những kẻ bất lương, những phường bất hảo. Nhưng, những kẻ giết người, những kẻ bất lương, những người bất hảo… đều có thể biến đổi nhờ ơn sủng!
Chất liệu đầu tiên của ơn sủng, đó là tội. Không phải nhờ những người tốt trên tất cả mọi phương diện mà chúng ta thay đổi được thế giới. Vậy mà ngày nay chúng ta không còn chọn lựa nào: nếu chúng ta không làm cách mạng thì chúng ta không thoát khỏi tình trạng này được. Đứng trước sự dữ, đứng trước đau khổ, đứng trước các cơn khủng hoảng liên tục, chúng ta chỉ có một giải pháp: Giêsu-Kitô!
Từ khi cha trở lại, cha có xác tín này hay đôi khi cha cũng hoài nghi?
Không, tôi càng đi tới thì tôi càng xác tín. Tôi càng tiếp xúc với người khác, tôi càng khẳng định. Đó là xác tín của tôi khi tôi trở lại cách đây ba mươi năm. Và nó chỉ tăng lên thêm.
Chỉ cách đây vài năm, người ta còn có thể nghĩ, khi thay đổi một vài cơ cấu thì sẽ tìm được giải pháp.
Chúng ta thấy rõ, có sự căng thẳng ở toàn Trung Đông, ở toàn hành tinh. Một thế chiến thứ ba từng mảnh đã bắt đầu. Người ta nhận ra nền kinh tế đang sụp đổ hoàn toàn. Vậy mà lúc nào con người cũng muốn nhắm mắt và tiếp tục làm như cũ, cơn khủng hoảng năm 2008 chưa bao giờ chấm dứt. Bang chỗ này, vá chỗ kia trên một cái chân bằng gỗ. Người ta cố gắng chêm thật nhiều tiền vào nền kinh tế, nhưng chẳng có gì làm được. Tôi vẫn tin chắc, câu trả lời duy nhất là Giêsu-Kitô.
Từ muôn thuở, trong lịch sử Giáo hội luôn có những người loan báo hồi cánh chung sắp tới. Có một nguy hiểm nào trong câu nói: điều làm cho con người thay đổi là sợ hãi?
Tôi không nghĩ là vì sợ. Đúng hơn đây là vấn đề hiện thực. Khi tôi thấy tầm bao la của các đau khổ của con người hiện nay, các chia lìa, các thảm kịch hiện sinh, thảm kịch tình cảm; khi tôi thấy sự đau khổ trên các vùng đất, nơi nạn đói, nơi chiến tranh. 400 000 người chết ở Syria, hàng triệu người phải bỏ nhà ra đi. Tất cả Phi Châu trong lửa và máu, từ Xuđăng đến Mali, từ Nigeria đến Êrythrê. Trên thế giới, cứ mỗi phút có 11 trẻ em chết đói, trong khi các phương tiện kỹ thuật của chúng ta cho phép chúng ta diệt được nạn này… Có một thực tế khách quan ở đây.
Và ở giữa các chuyện này, chúng ta đang sống Năm Lòng Thương Xót. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Đức Giáo hoàng công bố Năm Lòng Thương Xót để loan báo tin mừng này. Nhưng lòng thương xót không được thoát xác, nó đến trong một thế giới đang đau khổ.
Hans Joans, một triết gia người Đức đã nói về sự phát hiện của nỗi sợ: khi đứng trước các thảm kịch chúng ta sẽ gặp, sợ trở nên một loại luân lý cần thiết để lay động. Tôi không ở trong đường hướng này nhưng tôi ở trong đường hướng cho sự phát hiện của hạnh phúc. Không phải vì sợ mà chúng ta đi tới.
Dù sao, lịch sử vẫn đi theo con đường của nó, nhưng đi theo con đường tiêu cực về mặt môi sinh, chính trị, kinh tế. Người ta không thể dùng 10 hay 20 năm để đi tới kiểu này. “Tôi nghĩ chúng ta không nắm được thách thức của thời buổi trong đó chúng ta đang sống.”
Để kết thúc, chúng tôi xin trở lại với Mùa Chay, chính xác là Mùa Chay của cha. Sự định hướng này có còn hữu ích với cha không?
(Cười) Chưa bao giờ tôi cần như bây giờ!
Mùa Chay là gì?
Đó là mùa để đi khởi lại. Chúng ta thấy rõ, lúc nào chúng ta cũng bị cuộc sống hàng ngày lôi kéo, có khi còn bị nó nhận chìm… Và Mùa Chay là thời gian để chúng ta tổ chức lại cuộc sống, sắp xếp lại mọi quan hệ của mình – qua lời cầu nguyện: tái tổ chức lại quan hệ của mình với Chúa, xem chuyện gì là ưu tiên; qua việc từ thiện: tái định hướng đời mình, đặt người khác ưu tiên trên cái ích kỷ của mình; qua việc ăn chay: tái định hướng đời mình để tầm mức thiêng liêng được ưu tiên hơn các khía cạnh vật chất.
Đây không phải tiêu cực nhưng là một hình thức trở lại. Các Tổ phụ trong sa mạc đã nói, ai không “thay đổi tâm trí, métanoïa” thì rơi vào “cuồng hoảng, paranoïa”. Theo tôi, Mùa Chay là thời gian ơn sủng để định hướng mọi sự về cùng đích đích thực của nó.
Vì sao việc trở lại này dính liền với cố gắng, với hình phạt? – mặt khác Mùa Chay là thời gian “ăn năn sám hối”.
Đàng sau chữ “ăn năn” là chữ “corban” mà trong Thánh Kinh có nghĩa là: “tiến lại gần”. Như vậy, hy sinh luôn luôn là tiến lại gần Chúa, tiến lại gần người khác và với những gì mật thiết nhất trong lòng chúng ta.
Một thái độ như vậy đòi hỏi chúng ta phải cắt đứt với những gì mình dính chặt, những gì nối và giữ mình lại. Chắc chắn sẽ không dễ chịu nhưng điều quan trọng là không bao giờ được đánh mất cùng đích của mình. Chúng ta cắt đứt các mối dây để vào trong một cuộc phiêu lưu xích lại gần.
Nếu không thấy khía cạnh tích cực trước tiên, thì chúng ta sẽ chỉ thấy từ bỏ, hy sinh và ăn năn. Phải xem lại ý nghĩa của những việc này để cho nó lại tầm mức tích cực của nó và do đó, đuổi đi các chuyện tiêu cực.
Vậy Mùa Chay trong Năm Lòng Thương Xót mang một tầm mức đặc biệt?
Năm Lòng Thương Xót mang lại khía cạnh hàng đầu của ân sủng. Với Năm Thánh, các con kênh trên trời sẽ mở ra và Chúa sẽ đổ đầy tràn lòng thương xót vào đó.
=========
Tiểu sử ngắn gọn của linh mục Nicolas Buttet:
Linh mục Buttet sinh năm 1961 ở Monthey. Cha học luật, năm 23 cha là nghị viên trẻ nhất của tỉnh Valais (PDC). Năm 1985 cha trở lại đạo công giáo và khấn bậc sống độc thân. Sau đó cha là luật sư, hoạt động chính trị, cha làm việc ở Rôma và ở Vatican. Năm 1992, cha từ bỏ tất cả các sinh hoạt để về sống ẩn tu ở Notre-Dame du Scex, vùng đồi Saint-Maurice.
Năm 1996, cha thành lập cộng đồng huynh đệ Eucharistein theo đường hướng của Thánh Phanxicô Axixi, đặt Thánh Thể là trọng tâm cho đời sống cộng đồng. Hiện nay, cộng đồng có bốn trụ sở: Epinassey ở Valais, Bourguillon, gần Fribourg, Château-Rima và Saint-Jeoire ở Pháp. Năm 2007, cha được giám mục địa phận Dominique Rey, giám mục địa phận Toulon phong linh mục, ngài công nhận cộng đồng của cha là Cộng đồng Chung của Tín hữu.