Thứ năm, 09/01/2025

Chúa Là Mùa Xuân Vĩnh Cửu

Cập nhật lúc 09:36 17/02/2016
 
Mồng Một Tết Bính Thân 2016
(St 1,14-18; Pl 4,4-8; Mt 6,25-34)

Trong bầu không khí hân hoan của cả dân tộc đón mừng năm mới, chúng ta quy tụ nhau nơi ngôi nhà thờ thân thương, để cùng nhau ca tụng Thiên Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu thì thật là ý nghĩa và hợp lý biết chừng nào!
Khi niềm vui của chúng ta được quyện vào tình thương của Chúa, thì niềm vui của mỗi người được trở nên trọn vẹn. Điều này đã được thánh Phaolô nhắc các tín hữu của Ngài: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4).
Không vui sao được, vì đối với người Công Giáo, niềm vui không chỉ dừng lại ở mùa xuân tự nhiên, mùa xuân của đất trời, hay mùa xuân của lòng người, mà niềm vui ấy còn được dâng cao để hòa quyện vào niềm vui Ơn Thánh, niềm vui của Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
1.         Niềm vui khi mùa xuân tự nhiên đến 
Một quy luật tuần hoàn, sau 365 ngày, đất trời lại có mùa xuân mới. Cứ thế, nó đã đi vào quy luật tự nhiên. Quả thật:“Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận. Xuân đến, xuân đi, xuân lại về”. Có mùa xuân, bởi vì trái đất vần xoay, nên hết xuân sang hạ, hết hạ sang thu, hết thu sang đông và hết đông lại sang xuân.
Đây là quy luật của Tạo Hóa, Đấng đã cho tứ thời bát tiết chuyển xoay... khi mùa xuân đến, mọi người, mọi nhà, đều được hưởng niềm vui! Vì thế, trên khuôn mặt mỗi người đều nở những nụ cười tươi vui, hạnh phúc, vì ai ai cũng được tận hưởng mùa xuân. Niềm vui ấy không thể giữ lại cho riêng mình, vì thế, chúng ta thường trao tặng cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp. Mong cho mọi người phúc ấm bền lâu, khang an thịnh đạt, phúc, lộc, thọ...Thật là ý nghĩa khi mỗi người đều mong cho mình và cho tha nhân được: “Tân niên thánh đức bao ân phúc, xuân nhật an hòa mãi phú vinh”.
Tại sao có được niềm vui dạt dào nơi mọi người như vậy, thưa, bởi vì tự đáy lòng, con người cũng nở rộ mùa xuân. 
2.         Mùa Xuân của lòng người
Nếu xuân tự nhiên nơi đất trời là do quy luật tuần hoàn, thì xuân của lòng người hoàn toàn khác, bởi nó không tự đến rồi lại tự đi, mà phải do dày công vun đắp mùa xuân mới có.
Vì thế, mùa xuân nơi lòng người, mỗi người cảm nghiệm mỗi khác, không ai giống ai. Có người thì vui, có kẻ lại buồn. Có người hạnh phúc, có người bất an. Có người được quây quần, có người chia ly. Có người được đoàn tụ, có kẻ bị cô đơn. Có người ấm lòng, có người lạnh tanh...Như vậy, mùa xuân năm nay, có lẽ phải đặt ra cho mỗi người chúng ta một câu hỏi mà có nhiều người xem ra thật vớ vẩn, ngẩn ngơ, đó là: tết năm nay, xuân năm nay, bạn buồn hay vui???
Nhưng nghĩ suy một chút thì phải chăng câu hỏi đó không đến nỗi hẩm hiu, nhưng nó gợi lại cho chúng ta về niềm vui, hạnh phúc có hay không trong năm mới, trong mùa xuân này! Thật ra thì năm hết, tết đến, có người vui vì thu được nhiều tiền, buôn may bán đắt, gia đình xum họp, thêm con dâu, có con dể, đầy đủ ấm êm...
Nhưng cũng có biết bao nhiêu cảnh đời éo le! Năm mới mà nhà nghèo hơn ngày thường! Không có tiền, không có tình yêu! Cha mẹ ly tán, con cái bơ vơ...! Hay nhìn rộng ra, mùa xuân là mùa của niềm vui, của hy vọng, nhưng niềm vui đâu chẳng thấy, hy vọng có lẽ là thứ xa xỉ khi thấy quá nhiều bất công, áp bức, bóc lột, đâm chém, xì ke ma túy; đạo đức giáo dục xuống cấp, học sinh như người vô học, con cái lếu láo với cha mẹ, cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, bạn bè phản bội nhau...
Khi suy nghĩ như thế, chúng ta thấy, niềm vui của lòng người bị giới hạn vào tâm trạng nội tâm, vì thế cảm xúc hoàn toàn khác nhau!
Tuy nhiên, với người Công Giáo, chúng ta gặp nhau ở một điểm, đó là mùa xuân tự nhiên, kết hợp với lòng người và vươn tới Mùa Xuân Ơn Thánh.
3.         Màu Xuân Ơn Thánh
Nếu mùa xuân tự nhiên cứ đều đặn tuần hoàn nối tiếp: “Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận”, hay mùa xuân của lòng người phụ thuộc vào thành quả hay tâm trạng chủ quan, thì Mùa Xuân Ơn Thánh là một mùa xuân bất diệt, toàn diện và được trao tặng cho hết mọi người...
Tuy nhiên, Mùa Xuân Ơn Thánh này lại phụ thuộc vào mỗi người, nếu đón nhận thì được dồi dào, phong phú, nhưng không đón nhận thì trơ trụi, cằn khô. Một trong những nguyên nhân khiến con người không có Mùa Xuân Ơn Thánh, đó là: tâm hồn tràn ngập tội lỗi, ích kỷ, kiêu ngạo, bất công... Những người như thế, họ luôn mang trong tâm hồn mình một trạng thái bất an, tù túng, và không chừng, linh hồn sẽ bị chết chóc, sầu thương ảm đạm! Chỉ khi nào con người biết khôn ngoan quay trở về với Chúa, rộng tay làm phúc cho kẻ túng nghèo và lo sống một cuộc đời thánh thiện, thì sẽ được Thiên Chúa ân chúc phúc. Lúc đó, con người mới hưởng được Mùa Xuân Ơn Thánh, nói cách khác, lúc đó Mùa Xuân Vĩnh Cửu mới hiện về trong tâm hồn của con người.
Nói cách cụ thể hơn, nếu muốn cho mùa xuân trở về trong trái tim chúng ta, thì chúng ta phải thực sự trở nên giống trẻ thơ để đón nhận tình thương của Thiên Chúa, vì Mùa Xuân Ơn Thánh chỉ đến với tâm hồn đơn sơ trong trắng mà thôi.
Khi có tâm hồn đơn sơ trong trắng, chúng ta phó thác đường đời cho Chúa, và phần còn lại, đó là chúng ta đi trong đường lối của Ngài để được dồi dào ân lộc: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.
Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ?”.

Hôm nay, ngày đầu năm mới, mỗi người chúng ta hãy cầu chúc cho nhau một năm mới không chỉ dừng lại ở niềm vui của mùa xuân đất trời, cũng không hệ tại lòng người, nhưng chúng ta luôn hướng lòng về Mùa Xuân Ơn Thánh – Vĩnh Cửu.
Ước mong Mùa Xuân Ơn Thánh – Mùa Xuân Vĩnh Cửu luôn ngự trị trong tâm hồn của chúng ta, để mỗi người chan chứa ân sủng và bình an trong năm mới này: “Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc. Tết về cây đức trổ thêm hoa”. Amen.
 
 
 

 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log