Thứ hai, 25/11/2024

Giá Trị Của Sự Hy Sinh

Cập nhật lúc 13:56 16/11/2015
Muốn thể hiện được giá trị hay bản chất của mình, phải chịu đựng ít nhiều đau khổ mà ta gọi đó là sự hy sinh. Hy sinh càng lớn thì giá trị hữu ích càng cao.
Một con ong mật đang bay đi kiếm mật hoa, vô tình cùng đường với một con bướm đang nhởn nhơ bay đi chơi. Tuy khác loài, nhưng chúng cũng vui vẻ chào hỏi và nói chuyện với nhau. Thấy con bướm nhởn nhơ chơi bời, như chẳng có công việc gì làm cả, bỗng như có tâm sự, con ong mật mở lời than: “Không biết có cái gì đó tròn tròn, nằng nặng nằm trong thân thể mình làm cho mình bay lượn rất khó khăn, có lúc nó còn làm cho mình đau quặn cả ruột gan lên khổ sở hết sức! Chẳng giống chị bướm nhẹ nhàng thanh thoát biết bao?”.
Con bướm kia liền cười cười, pha chút tự mãn, nói: “Trời trong xanh, đất lung linh, thân hình tôi nhẹ nhàng thanh thoát muốn bay đi đâu cũng được. Ngoài sạch trong khỏe, tôi chẳng thấy vất vả và khổ sở bao giờ!”. Một con cua, được mệnh danh là thầy đồ ngang, đang bò đi kiếm ăn ở phía dưới con ong mật và con bướm, nghe thấy câu chuyện của chúng nói với nhau. Con cua cảm thấy hơi bực mình, liền nói với lên:
“Này chị bướm ơi! Quả thực thân thể chị rất thanh thoát nhẹ nhàng. Ngoài sạch trong khỏe, lại nhìn rất bắt mắt nữa, đúng là chị không có chút vất vả khổ sở nào cả! Nhưng thật ra chị cũng chẳng có ích cho ai cả, đây còn chưa muốn nói tới lũ con cái của chị chuyên đi phá hoại mùa màng, cỏ cây hoa lá bị chúng chén sạch, không chê thứ gì. Còn chị ong mật đáng thương kia vừa phải vất vả suốt ngày, lại phải mang một khối to nặng vất  vả và khổ sở. Vì đó chính là giọt mật ngọt hữu ích cho đời, là hạt ngọc quý báu và đẹp đẽ phi thường mà không phải ai cũng có được!”.
Con ong mật chịu khổ sở vì muốn tạo ra những giọt mật ngọt hữu ích cho đời. Điều đó quý hơn ngàn vạn lần việc con bướm chỉ biết dong chơi vô bổ suốt ngày. Có những khi trong cuộc sống, muốn thể hiện được giá trị hay bản chất của mình, phải chịu đựng ít nhiều đau khổ mà ta gọi đó là sự hy sinh. Hy sinh là một phần tất yếu trong cuộc sống và là một trong những điều khó nhất mà ta sẽ phải thực hiện trên con đường dẫn tới thành công. Mọi khao khát của ta đều phải được trả bằng một cái giá nào đó. Một ước mơ thành hiện thực cũng đồng nghĩa rằng ta đã phải từ bỏ một số điều nhất định. Sự hy sinh càng lớn, thông thường giá trị hữu ích của nó cũng càng cao.
                                                  “Dù đường trần khe khắt hiểm nghèo
                                                   Dù gập ghềnh, dù lắm hùm beo
                                                  Cứ quả quyết đường hoàng ta tiến
                                                  Đời thảm đạm, ta càng vinh hiển”. (Huy Thông)
Nhưng thích sướng, ngại khổ, tham sống, sợ chết, lại là lẽ thường tình của con người. Ai lại chẳng muốn đời mình xuôi chèo mát mái, khỏi phải đương đầu với gian nan trắc trở. Ai mà chẳng thèm được “ngồi mát ăn bát vàng”, không làm mà vẫn có ăn, có tiền, có đầy đủ vật chất, tiện nghi. Ai mà không thích được mặc đẹp để bay nhảy, vui ca múa hát, khỏi phải chân lấm tay bùn. Trong tục ngữ ca dao có câu: “Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ mang phần đến cho”- để nhắc mỗi người về sự gian lao vất vả, vì khi làm là phải đổ mồ hôi, mất sức, mệt nhọc thì lúc đó mới có của ăn để nuôi sống thân xác chứ không phải cứ ngồi mà chơi rồi sẽ có người cho mọi thứ. Đời sống vật chất là vậy. Còn trong đời sống đạo cũng thế:
      Bông thẹn, cỏ may, cúc hay hồng đều là hoa
Vòng hoa đẹp xấu là do ta kết
Thiên đàng có được là do ta sống
Thiên đàng không có nếu ta không xây
                   Hỏa ngục chẳng thấy nếu ta không sắm. (vô danh)
Ấy vậy mà nhiều người Kitô hữu lắm lúc lại muốn sống đạo một cách khỏe khoắn, không phải nhọc công gắng sức, không phải hy sinh khổ chế. Chúng ta mong ước Thiên đàng và chúng ta cũng mong ước đường lên Thiên đàng cho thật êm ả.
Nhưng chính Đức Giêsu đã nói phải qua đau khổ mới đến vinh quang và Người đã đi con đường ấy khi làm người: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy”(Mt 20, 18-19).
Con đường Giêsu đi là con đường tiến lên núi Sọ, là con đường đến với người bé nhỏ, nghèo hèn, là con đường tiến vào hoang địa để đối diện và chiến thắng cám dỗ. Nhiều người sẽ lắc đầu cho rằng, con đường đó chỉ chuốc lấy khổ đau, chỉ có kẻ dại khờ mới đi con đường đó. Thật ra thì không phải thế. Chúa Giêsu  không tìm kiếm phiền phức, đau khổ, nhưng đi tìm và chiếm hữu hạnh phúc đích thực. Vì có hạnh phúc nào mà không cần trả giá. Làm sao bạn có thể cảm nếm được hạnh phúc của người đứng trên đỉnh núi, ngắm nhìn thế giới rộng mở, và thưởng thức những làn gió mát lành nếu bạn đã không đổ những giọt mồ hôi cho hành trình đó. Hãy nhớ rằng, không lên núi cũng đồng nghĩa là ở lại trong thung lũng, trong vùng tối thung lũng tìm đâu được gió mát trăng thanh vì phía trên lũng sâu luôn là mây đen giăng phủ.
Quả thực, nếu không có Tam Nhật Thánh thì đâu có ngày Chúa nhật Phục sinh, không có đổ máu thì sẽ không có ơn cứu độ. Đau khổ và thập giá là hậu quả của tội lỗi. Con người tìm mọi cách nhưng không tài nào thoát ra được. Nếu Thiên Chúa không ra tay cứu vớt, thì nhân loại sẽ muôn đời sống trong khổ ải. Vì yêu thương, Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế làm người. Như con ong mật vừa phải vất vả suốt ngày, lại phải mang một khối to nặng vất vả và khổ sở, nhưng đó lại là những giọt mật ngọt hữu ích cho đời. Đức Giêsu cũng đã phải mang thập giá nặng nề, nhục nhã và đau khổ, để đem lại cho con người những giọt mật ngọt của hồng ân cứu độ, giọt mật của tình yêu thương tha thứ hữu ích cho đời, là hạt ngọc quý báu và đẹp đẽ phi thường mà không ai làm được! Người đã mang lấy thân phận con người như chúng ta, đã chia sẻ những đau khổ và thập giá của chúng ta. Sau cùng, Ngài đã dùng chính cái chết và sự sống lại của mình để đánh bại tội lỗi và sự chết. Thánh Phaolô tông đồ nói rằng: "Nếu như những đau khổ của Chúa Giêsu đổ tràn lên chúng ta như thế nào thì qua Ngài, những nguồn an ủi cũng tràn đầy lên chúng ta như thế đó".
Nhờ sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, đau khổ và thập giá mang một ý nghĩa mới. Vất vả cực nhọc vẫn còn đấy, nhưng chúng không còn đè bẹp được những ai tin vào ơn cứu độ của Người. Thoạt nhìn từ bên ngoài, thập giá mà mỗi người chúng ta đang vác đôi khi nặng nề quá sức và đôi lúc có vẻ phi lý. Thế nhưng, chúng ta nhớ rằng những gian khổ mà chúng ta phải trải qua chính là những phương tiện thích hợp giúp chúng ta nên thánh. Trong những hoàn cảnh gian nan và thử thách, chúng ta cần có can đảm để tranh đấu trong niềm tin và trong tinh thần hiệp thông với sự khổ nạn của Ngài để đạt tới sự chiến thắng. Vì không có chiến thắng nếu không có sự đấu tranh và chấp nhận những hy sinh và đau khổ theo gương Chúa Giêsu. Cần phải biết nhìn thấy sự đau khổ và hy sinh như là điều kiện thiết yếu để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu trong đức tin và trong niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta phải biết hy sinh từ bỏ cũng như chấp nhận những đau khổ để nên thánh và đạt tới những hạnh phúc nước Trời.
Tuy nhiên, thông thường chúng ta rất khó đón nhận những khốn khó, gian lao thử thách xảy đến. Nên khi gặp phải những điều đó chúng ta thường hay than phiền, kêu ca, và oán trách cả Thiên Chúa như nguyên nhân làm ta khổ đau.
Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương, bởi đó chắc chắn Người không bao giờ muốn thấy con cái của mình phải phiền sầu, khổ não, cực nhọc. Cho nên khi thấy những người yếu đau, bệnh tật, sa ngã, thất vọng và đau khổ… hay những người thấp cổ bé họng, Ngài đã chạnh lòng thương. Ngài đã luôn tìm đến với họ để cứu chữa và nâng họ đứng dậy qua con người của Đức Giêsu. Vì Ngài hiểu được nỗi lòng của những con người khi gặp phải những cơn bĩ cực trong cuộc đời. Xin cho chúng ta luôn biết đón nhận những gian lao vất vả thứ thách trong niềm tin yêu phó thác nơi Thiên Chúa để chúng ta thấy nó nhẹ nhàng và là cơ hội để mình được mạnh mẽ hơn. Amen.
                                                                                                                        
 
 Hoàng Núi
Thông tin khác:
Về bên Chúa (09/06/2015)
Xin vâng (03/06/2015)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log