Thứ tư, 08/01/2025

Giáo dục lòng quảng đại cho con cái

Cập nhật lúc 18:05 10/06/2015
Theo các chuyên gia tâm lý: hầu như ai trong chúng ta cũng ít nhiều mang tính ích kỷ, thể hiện qua hành động ngay từ bé để bảo vệ quyền lợi của mình và ít muốn chia sẻ những gì của mình cho người khác

Chúa phán: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” ( Lc 6,38 ).
   Bé gái 3 tuổi, mỗi khi đến trường đều mang theo một vài món đồ chơi yêu thích và giữ khư khư món đồ chơi ấy, không muốn cho các bạn mượn hay cùng chơi chung dù nhiều lần cô giáo đã nhắc nhở bé và dạy bé cần biết quảng đại chia sẻ đồ chơi với chúng bạn, nhưng bé vẫn không chấp nhận với lý do: “ Đồ chơi đó của con, mẹ đã mua cho con!” Hậu quả là các bạn nhỏ khác trong lớp dần dần không thích chơi với bé gái này nữa.
   Đôi điều suy nghĩ:
1/ Ích kỷ là biểu hiện một tinh thần ấu trĩ.
    Theo các chuyên gia tâm lý: hầu như ai trong chúng ta cũng ít nhiều mang tính ích kỷ, thể hiện qua hành động ngay từ bé để bảo vệ quyền lợi của mình và ít muốn chia sẻ những gì của mình cho người khác. Nhưng khi lớn lên, nhờ được giáo dục từ trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, chúng ta sẽ dần dần học tập loại trừ thói xấu ích kỷ để biết quan tâm phục vụ tha nhân. Thái độ nghĩ đến người khác được coi là thước đo về mức độ trưởng thành nhân cách của một con người. Những ai chỉ biết nghĩ đến mình sẽ bị xã hội đánh giá là người ấu trĩ dù đã lớn tuổi, đang khi người nào dù ít tuổi mà biết ứng xử vị tha sẽ được kính trọng là trưởng thành nhân cách. Ai quên mình hy sinh cả mạng sống cho quê hương sẽ được tôn vinh là anh hùng dân tộc, và những tín hữu sẵn sàng chịu chết vì đức tin sẽ được Hội thánh tôn vinh lên hàng thánh nhân tử đạo.
2/  Ích kỷ sẽ trở thành tội ác nếu không được uốn nắn kịp thời. “Ích kỷ hại nhân”
   Các bậc cha mẹ trong gia đình cần giúp đỡ con em loại trừ thói ích kỷ và tập cho con tính quảng đại chia sẻ ngay từ thuở thơ ấu như sau:
3/  Bảy việc nên làm để tập cho con cái tính quảng đại:
-          Quan tâm giáo dục : Ở trẻ em, chia sẻ không phải là tính cách bẩm sinh mà được hình thành thông qua việc giáo dục của cha mẹ. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên lưu tâm dạy dỗ trẻ biết chia sẻ để sau này lớn lên chúng sẽ có thể sống nhân ái, chan hòa với bạn bè và xã hội.
-          Giúp trẻ phân biệt “nên và không nên”: Trước hết, cha mẹ, thầy cô giúp trẻ phân biệt những gì nên và không nên chia sẻ cho chúng bạn, chẳng hạn: khăn mặt, bàn chải đánh răng…là những đồ dùng cá nhân sẽ không tốt khi dùng chung. Những thứ bé nên biết chia sẻ như đồ chơi, kẹo bánh, truyện tranh…Đối với trẻ em lớn hơn thì dạy chúng biết cảm thông với chúng bạn gặp khó khăn về tài chính, hoặc giúp nhau ôn tập bài vở…
-          Cần làm gương sáng: Để trẻ biết chia sẻ, trước hết, cha mẹ cần nêu gương sáng. Chẳng hạn: Hãy năng chia sẻ bằng việc cho con quà bánh, năng dùng từ “chia sẻ” để diễn tả việc mình đang làm, hãy năng giúp người khó nghèo khi có thể và hướng dẫn con cháu…
-          Tập từng việc nhỏ: Khi con đang ăn bánh kẹo, mẹ có thể gợi ý: con hãy chia cho mẹ một cái nhé. Nếu bé không muốn cho, thì hãy nhắc bé: con có nhớ lần trước con đã vui thế nào khi mẹ cho con hộp bánh không? Giờ mẹ cũng rất vui nếu con cho mẹ một cái kẹo của con. Trước tình huống này bé sẽ hiểu rằng sự chia sẻ sẽ làm cho người khác được vui. Nếu bé quảng đại chia sẻ thì người khác mới sẵn sàng chia sẻ với bé và ngược lại. Mẹ cần cho bé thấy: ở lớp học việc chia sẻ sẽ giúp bé có thêm nhiều bạn thân hơn.
-          Khen thưởng đúng lúc: Mỗi khi bé biết chia sẻ, mẹ nên động viên đúng lúc. Hôm trước mẹ rất vui khi con cho bạn mượn đồ chơi xếp hình, mẹ thấy con và bạn ấy chơi với nhau rất vui và hai đứa đã xếp được nhiều hình đẹp. Như vậy, bé sẽ nhớ rằng hành động cho mượn đồ chơi làm cho mẹ vui, còn bé cũng sẽ vui hơn khi có bạn cùng chơi chung.
-          Cương quyết kiên nhẫn: Nếu bé vẫn tranh giành đồ chơi với bạn, mẹ hãy tỏ ra cương quyết và cứng rắn hơn bằng cách đưa ra hai điều để be tự chọn: Con sẽ cho bạn mượn chiếc xe lửa đó hay để mẹ cất đi. Bạn chớ nản lòng khi thấy con bạn chưa thay đổi được bao nhiêu. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng rằng sớm muộn gì con bạn cũng sẽ thay đổi. Tuyệt đối không nên đánh mắng con nếu bé chưa hành sử tốt. Sự la mắng đánh đòn sẽ chỉ làm cho con bạn thêm ương ngạnh bướng bỉnh thôi.
-          Xin Chúa trợ giúp: Giáo dục là việc bổn phận cha mẹ phải làm hằng ngày. Tuy nhiên, nếu muốn cho việc giáo dục đạt kết quả tốt thì cha mẹ đừng quên cầu nguyện. Hãy năng cầu xin Chúa ban cho con bạn tập được đức tính quảng đại chia sẻ để nên con ngoan của Thiên Chúa là cha, nên môn đệ của Chúa Giêsu và trở thành anh em của mọi người.
Vì thế, người xưa có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ. Uốn cây từ thuở non tơ mới thành”!
                                                                                                                  
 
Têrêxa Ngọc Bích
Thông tin khác:
Trời đẹp (27/03/2015)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log