WGPHH: Mỗi con người luôn mang trong mình những thao thức, khắc khoải đi tìm kiếm Chân Lý và trả lời cho ba câu hỏi: “Nhân sinh hạ tại?”- con người bởi đâu mà đến?; “Tại thế hà như?”- sống ở đời này để làm gì?; “Hậu thế như hà?”- Chết rồi sẽ ra sao? Trải qua bao thời đại, con người vẫn hằng tìm kiếm và cũng có biết bao câu trả lời nhưng những câu trả lời đó chưa thể nào phủ lấp được hoàn toàn những khắc khoải sâu thẳm nhất của con người mà chỉ làm vơi đi phần nào. Những câu trả lời này được thể hiện thông qua các tôn giáo, các học thuyết. Chỉ khi Đức Giêsu vâng lệnh Chúa Cha đến trần gian, Ngài đã đưa lịch sử bước sang một trang mới, một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Ơn Cứu Độ. Đức Giêsu chính là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Ngài đến để đem Tin Mừng cho nhân loại, Tin Mừng về một Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa ấy đã vì yêu thương mà tạo dựng loài người nhưng vì sa ngã phạm tội, loài người đã đánh mất tình nghĩa với Ngài, phải đau khổ và phải chết muôn đời. Đức Kitô đã đến và thực hiện Lời Hứa Cứu Độ bằng chính cái chết và phục sinh của Ngài. Ngài đã thiết lập Hội thánh trên nền tảng các Tông đồ, để Hội thánh nên Bí tích cứu độ nhân loại. Trước khi về Trời, Đức Giêsu đã truyền lệnh cho Hội thánh thông qua các môn đệ của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Lệnh truyền đó Giáo hội vẫn tiếp tục thi hành để mở mang Nước Chúa và đem lại ơn cứu độ cho nhiều người. Để hâm nóng tinh thần ấy, các vị chủ chăn của Giáo hội luôn nhắc nhở con cái mình nhớ đến bổn phận và trách nhiệm truyền giáo thông qua các văn kiện giáo huấn, các bài giảng… Hằng năm, Giáo hội dành tháng 10 nhắc nhớ cách đặc biệt để con cái mình cầu nguyện và dùng những hành động cụ thể để loan báo Tin Mừng. Cách đặc biệt hơn nữa, Giáo hội dành ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng 10 để tổ chức Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo.
Trong ngày trọng đại này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới con cái mình sứ điệp về Ngày Thế Giới Truyền giáo và quý Đức cha trong gia đình Giáo phận Hưng Hóa cũng có những chỉ dẫn và khích lệ con cái của giáo phận tích cực cầu nguyện và hành động cho công cuộc truyền giáo. Giáo phận Hưng Hóa bao gồm 9 tỉnh Tây Bắc: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và một phần thành phố Hà Nội. Tính đến năm 2015, Giáo phận Hưng Hóa có 116 giáo xứ và 1 chuẩn xứ, 570 giáo họ với 235.000 tín hữu, tỷ lệ 3,9%. Về nhân sự, có 98 linh mục gồm linh mục triều và linh mục dòng (Đaminh, Lazariste, Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thừa Sai Đức Tin, Đồng Công, Hội Thừa Sai Việt Nam), 110 đại chủng sinh đang theo học tại các chủng viện, 63 tiền chủng sinh, 60 tu sinh; 2 nữ tu Dòng thánh Phaolô Chartres, 6 nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa với 309 nữ tu, 45 tập sinh, 130 đệ tử, 3.030 giáo lý viên. Với con số trên về diện tích và nhân sự thì cánh đồng truyền giáo của giáo phận còn quá nhiều việc phải làm.
Hưởng ứng lời dạy bảo và kêu gọi của vị cha chung Giáo hội và Giáo phận, Giáo xứ Vĩnh Quang đã được Cha Quản xứ Giuse Nguyễn Trọng Dưỡng chỉ dạy và nhắc nhớ ngay từ những ngày đầu của tháng Mân Côi về bổn phận và trách nhiệm cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo theo gương thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu - một người chưa một lần ra khỏi cánh cửa dòng kín nhưng đã trở nên quan thầy của các xứ truyền giáo. Ngài đã không ngừng cầu nguyện và làm những việc hy sinh để cầu nguyện cho các sứ giả Tin Mừng đang làm việc tại các vùng truyền giáo. Đặc biệt trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, trước Thánh lễ, giáo xứ đã tổ chức học hỏi về Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo và tổ chức mời anh chị em lương dân tới tham dự Thánh lễ. Giáo xứ đã mời được 30 anh chị em lương dân thuộc các dân tộc: Kinh, Dao, Thái, H’mong. Trong bài giảng lễ, Cha Quản xứ Giuse đã nhấn mạnh tới 4 điểm:
tại sao phải truyền giáo? Truyền giáo cho ai? Truyền giáo như thế nào? Tin Mừng chúng ta loan báo là Tin Mừng gì? Sau Thánh lễ, cha và ban tổ chức đã mời anh chị em lương dân vào phòng ăn của giáo xứ để dùng điểm tâm và tham gia buổi tọa đàm với chủ đề:
Đối Thoại Liên Tôn. Thầy xứ Giuse Nguyễn Văn Thắng đã có bài thuyết trình rất tâm huyết trong buổi tọa đàm này. Xen kẽ giữa các phần của chương trình là các tiết mục văn nghệ do các em thiếu nhi trong giáo xứ thể hiện. Sau bài thuyết trình là phần giao lưu trao đổi những thắc mắc của anh chị em về đạo Công Giáo và phần giải đáp thắc mắc do Cha Giuse đảm nhiệm. Buổi tọa đàm kết thúc vào lúc 9g30 sáng Chúa Nhật. Sau đó, Cha Giuse chụp hình lưu niệm cùng bà con giáo dân và anh chị em lương dân. Ngoài ra, giáo xứ còn tổ chức Chầu Thánh Thể cho các em thiếu nhi trước Thánh lễ vào lúc 3 giờ chiều và cho người lớn vào lúc 19g30 tối Chúa Nhật để cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc và quá trình tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ. Để đào sâu thêm đức tin của mình, giáo xứ đã tổ chức thường huấn cho các giáo lý viên, những người cùng với Cha Quản xứ chịu trách nhiệm thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ. Buổi thường huấn chiêm ngắm và đào sâu về mẫu gương Chúa Giêsu trong việc giảng dạy với chủ đề:
Phương pháp giảng dạy và truyền đạt. Sau buổi gặp gỡ chia sẻ, các thành viên ban giáo lý đức tin cùng chung vui với Cha Quản xứ trong bữa cơm trưa tại giáo xứ.
Cùng với Giáo xứ Vĩnh Quang, Giáo xứ Nghĩa Lộ cũng hưởng ứng ngày Khánh Nhật Truyền giáo bằng việc Chầu Thánh Thể trước Thánh lễ tối Chúa Nhật để cầu nguyện cho Giáo hội và công cuộc truyền giáo. Trong bài giảng lễ, Cha Quản xứ đã nói lên sự cấp bách của việc truyền giáo, đặc biệt trong giáo phận và giáo xứ. Giáo xứ cũng đã mời được 24 anh chị em lương dân đến tham dự Thánh lễ. Sau Thánh lễ, giáo xứ có tổ chức buổi tiệc trà để giao lưu và đối thoại với các anh chị em này.
Trên đây là những suy tư và kết quả có thể nói là còn rất khiêm tốn mà hai Giáo xứ Vĩnh Quang và Nghĩa Lộ đã làm được trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo. Qua đó, Cha Quản xứ và quý Hội đồng Giáo xứ đã khích lệ và phần nào hâm nóng lại tinh thần dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của bà con giáo dân trong hai giáo xứ. Lệnh truyền của Thầy Chí Thánh Giêsu chỉ được thực hiện khi và chỉ khi mỗi người kitô hữu biết tích cực góp phần mình vào việc chu toàn chức năng ngôn sứ đã được lãnh nhận khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và làm cho Nước Chúa được mở rộng tới mọi nơi, để hạt giống Tin Mừng được gieo vãi tới tận cùng trái đất.
Một vài hình ảnh của Khánh Nhật Truyền Giáo tại hai Giáo xứ: Vĩnh Quang và Nghĩa Lộ: