Thứ năm, 09/01/2025

Mặc Lấy Tấm Lòng Của Chúa

Cập nhật lúc 23:18 05/12/2015
Lạy Chúa, xin mặc cho con trái tim của Chúa, để con biết rung cảm và biết xót thương trước nỗi đau của mọi người sống xung quanh con.
Vào năm 2013, trang mạng Telegraph và các trang mạng khác ở Trung Quốc và trên thế giới đều đồng loạt phát đi một đoạn video clip và bình luận về tai nạn tại thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông mà nạn nhân là một bé gái hai tuổi tên Duyệt Duyệt (Yue Yue), đang đi ngoài đường tại khu chợ ở gần nhà thì bị một chiếc xe tải nhỏ đụng phải.
Sau đó người tài xế dừng lại một chút rồi lại tiếp tục chạy khiến bánh sau xe cán qua người bé lần thứ hai. Tuy nhiên trong suốt bẩy phút từ lúc bé Duyệt Duyệt gặp nạn, lần lượt đã có tới 18 người đi ngang qua nơi cô bé bị nạn nằm trên đường, nhưng chẳng một ai quan tâm giúp đỡ. Sự thờ ơ của họ đã dẫn đến sự kiện một tài xế xe tải khác đi tới, do đang nói chuyện điện thoại không nhìn thấy bé Duyệt Duyệt trên đường nên đã cán xe qua người em.
Sau lần bị xe đè này, bé đã không còn cử động nữa. Liên tiếp sau đó, rất nhiều người đi xe đạp và cả một số người đi xe chở hàng qua khu vực nạn nhân nằm mà vẫn không hề quan tâm tới tình cảnh của cô bé.
Chỉ tới khi một nữ lao công quét đường 58 tuổi đi tới, thì bé Duyệt Duyệt mới được cứu giúp. Nhưng sự can thiệp đã trở nên quá muộn. Các bác sĩ nói rằng bé Duyệt Duyệt do bị chảy máu nhiều nên bị suy hô hấp và còn bị chấn thương sọ não nghiêm trọng không được cấp thời cứu chữa nên khó có cơ hội hồi phục lại được và vài ngày sau bé Duyệt Duyệt đã vĩnh viễn ra đi.
Đó là một trong số ít những hình ảnh được đưa lên truyền thông. Bên cạnh đó còn rất nhiều, rất nhiều những hình ảnh, những cảnh quay về sự thờ ơ và vô cảm của con người trước nỗi đau con người mà không được đưa lên truyền thông đại chúng nhưng chúng ta vẫn bắt gặp hằng ngày. Tại đất nước của chúng ta vào ngày 4 tháng 12 năm 2013 cũng xảy ra một cảnh tượng hết sức đau lòng ở Biên Hòa: Khi một chiếc xe tải chở bia bị lật thì hàng trăm người dân đổ xô ra để lấy bia, có người còn mang cả xe ba gác ra để lấy bia mặc cho sự van xin của tài xế và của phụ xe. “Hôi Của”  của người tai nạn đang là một thực trạng tiêu cực phổ biến trong đất nước của chúng ta.
Con người thời nay dường như đã bị sự ích kỷ nhỏ nhen, tham lam và an phận “tôi biết thân tôi là đủ rồi” chám lỗ trong trái tim, để rồi biến họ trở nên những con người lãnh cảm trước sự khổ đau của đồng loại. Có người khi thấy người hàng xóm, hay người gần kề hoặc kẻ mình không ưa gặp tai ương hoạn nạn thì lấy đó làm vui thích và nói “như thế mới đáng đời”, cũng có kẻ trông thấy người khác bị nạn thì tỏ ra thương xót nói “khổ thật đấy, thương thật đấy” nhưng rồi lại tặc lưỡi và đi qua mà không chịu ra tay giúp đỡ.
Tương phản với những hình ảnh của những con người ấy là hình ảnh Đức Kitô – một con người luôn “chạnh lòng thương” trước nỗi khốn cùng của con người và luôn nhạy bén trước sự đau khổ của người khác. Trước đám đông dân chúng bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt, lòng Đức Giêsu đã nhói đau. Trước những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, ốm đau hay bé nhỏ nghèo hèn trái tim Ngài đã quặn thắt. Trước những người đã chết, tâm hồn Ngài thổn thức và rơi lệ, như trong các Tin mừng đã thuật lại... Tình thương và lòng nhân ái nơi Đức Giêsu trỗi dậy và bùng lên một cách tự nhiên mà không cần người gặp nạn phải kêu cứu. Lòng thương xót chính là lực đẩy để Chúa giúp họ. Lòng nhân từ xót thương ấy triển nở tới mức “automatic”, nên Ngài rất nhạy cảm trước tình cảnh của mỗi người mà Ngài gặp gỡ và hễ ai gặp được Ngài thì luôn được cứu giúp.
Để có được một tình thương “automatic” như thế, Đức Giêsu đã không màng tới địa vị mình là Thiên Chúa, Ngài luôn gần gũi và quan tâm tới mọi người từ những điều nhỏ nhặt tầm thường và không sợ dư luận quần chúng hay cái chết dình dập bởi những người không thiện chí tạo ra, miễn là có thể giúp người khác vơi bớt nỗi khổ đau.
Là người Kitô hữu, chúng ta phải trở nên giống Ngài mỗi ngày, để những cảnh tượng đau thương trên không còn xảy ra nữa. Khi đó ta mới hy vọng thế giới này bớt nước mắt và nụ cười sẽ được rạng ngời. Còn nếu mỗi người không biết xây dựng trong lòng mình sự thương cảm một cách “automatic” thì cuộc sống vẫn sẽ ngập tràn trong sự chua chát và nước mắt của đau thương.  Lúc ấy, có lẽ Đức Giêsu phải hiện ra và cất lên những tiếng kêu đau đớn: “Người ơi! xin đừng vô cảm” thì lòng thương và tình nhân ái của ta mới mở ra sao?
Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương và đoái nhìn đến con. Cả khi con còn sống trong tội lỗi, Ngài vẫn không để mặc làm ngơ. Ngài đau khổ khi thấy con nhầy nhụa trong sự tha hóa. Ngài lo lắng khi cuộc đời con dong duổi không bến bờ minh định. Ngài xót thương khi thấy con sống trong dằn vặt. Và hằng ngày, Ngài vẫn đến bên để chữa lành và giúp đỡ con, mang niềm vui và hạnh phúc cho con qua cha mẹ, anh em, bè bạn... Xin ngự đến trong con, để con cũng trở nên niềm vui và sự thương cảm cho tất cả những ai con gặp trên đường đời. Xin mặc cho con trái tim của Chúa để con biết rung cảm trước nỗi khổ của người khác. Xin đặt vào lòng con cõi lòng của Chúa để con biết xót thương trước nỗi đau của nhân loại. Xin khoác trong tâm hồn con tâm hồn của Chúa để con nhạy cảm trước mỗi cảnh đời. Xin đặt trên môi con đôi môi của Ngài để từ miệng lưỡi con rơi ra những tư tưởng của Ngài. Amen.
 
                                                                                                                                  
 
 
 Hoàng Núi
Thông tin khác:
Về bên Chúa (09/06/2015)
Xin vâng (03/06/2015)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log