Thứ năm, 09/01/2025

“Âu yếm dịu dàng, sự trưởng thành tối thượng của con người”

Cập nhật lúc 16:27 23/02/2016
Năm 2016 là năm của lòng thương xót, linh mục Frère mời gọi chúng ta sống cuộc cách mạng lòng dịu dàng trìu mến của Chúa Kitô

Ludovic Frère

Linh mục Ludovic Frère là linh mục phụ trách Đền thờ Đức Bà Laus và là linh mục tổng đại diện địa phận Gap và Embrun. Trong quyển sách vui nhộn, Lòng dịu dàng trìu mến của Chúa, linh mục nhắc lại sự thể hiện của Chúa Kitô với con người: qua tình dịu dàng trìu mến, đó là phong cách tràn đầy cả sự tôn trọng khi trao tặng tình yêu của mình.

Aleteia: Lòng dịu dàng trìu mến là một nhu cầu căn bản của con người. Nhưng khi nhận tình yêu này, cùng một lúc nó làm cho người nhận hoảng sợ. Cha có nghĩ con người có khuynh hướng muốn loại bỏ tình dịu dàng này không?

Linh mục Ludovic Frère: Đúng, vì giống như trong nhiều lãnh vực của quan hệ, mức độ trung dung là một cái gì khó đạt được. Người ta thấy rõ, lòng dịu dàng trìu mến nếu làm không đúng nơi đúng chỗ thì có thể mang tính cách hung hăng. Cũng như khi nhận tình dịu dàng trìu mến: mình phải cho phép người khác dịu dàng với mình. Phải có sự đồng ý cả về phần người nhận. Đó là một cái gì quan trọng trong đời sống của linh mục: chỗ đúng và tầm đúng của lòng dịu dàng âu yếm. Nó phải thích ứng để tôn trọng người khác và bản chất của quan hệ.

Cha nói trong xã hội chúng ta, dù là xã hội kitô giáo, lòng dịu dàng trìu mến thường bị xem như biểu lộ cho sự yếu đuối. Vì sao lại có chuyện này?

Trước đây tôi nghĩ lòng dịu dàng trìu mến bị xem như ủy mị, nghĩ rằng đây là cách đối xử với trẻ con, đến một số tuổi thì phải bước qua chuyện khác. Nhưng phải nghĩ ngược lại: lòng dịu dàng trìu mến chính ra lại là mức trưởng thành tối thượng của con người, chứ không phải một mức mà mình bỏ qua khi lớn lên.

Nhưng cuối cùng, tôi cảm nhận có một cái gì đang thay đổi, và bây giờ, tôi nghĩ tôi sẽ kể các câu chuyện khác hơn những gì tôi đã viết trong quyển sách. Ngày 27 tháng 11, ngày tưởng niệm sau các vụ tấn công, có hai bài hát đã làm tôi để ý: Khi người ta chỉ có tình yêu của Jacques Brel (Quand on a que l’amour) và Perlimpinpin của Barbara, bài hát kết thúc bằng câu “sống không chiếm hữu, sống dịu dàng trìu mến”. Chọn lựa bài hát này trong buổi tưởng niệm quốc gia thật là hợp. Cuối cùng còn lại là gì khi mình ở trong trạng huống lo sợ và mong manh? Thì chỉ còn lòng dịu dàng trìu mến.

Nhận hay từ chối lòng dịu dàng âu yếm là tự do. Làm sao giúp người từ chối để họ nhận tình yêu?

Đó là một trong những câu hỏi khó nhất. Là cha giải tội, tôi gặp nhiều người mong đợi lòng âu yếm dịu dàng nơi người bạn đời của mình, nhưng họ không được đáp ứng. Là cha giải tội, tôi thấy rất nhiều người đi bên cạnh tình dịu dàng âu yếm này, vậy mà nó lại chưa ở trong tầm tay của họ. Để sửa đổi tình trạng này, người ta có thể dùng ngôn ngữ tình yêu để hiểu những gì người khác cần. Nhưng tốt hơn là đi ngược lại nguồn gốc đã gây nên sự cản trở cho tình âu yếm dịu dàng này. Điều này tùy theo thế hệ, với thế hệ của những người trên 60 tuổi thì rõ ràng là do giáo dục. Những người trẻ hơn có thể ít bị kẹt hơn trong cách diễn tả tình âu yếm của mình.

Nếu cha khuyên những người khó nhận tình âu yếm này, cha sẽ cho họ lời khuyên nào?

Điều luôn thiếu trong mọi trường hợp là thiếu lắng nghe và thiếu thông hiểu. Có một sự kẹt cứng trong nhận thức để biết những gì mình cần, không phải khi phủ nhận nó mà mình có thể thật sự giải quyết được vấn đề. Điều này, trước hết mình phải có khả năng tự nhận biết mình: nhiều người từ chối không lắng nghe những gì sâu thẳm trong lòng mình, nhất là các ước muốn của mình. Nhưng các ước muốn thật sự không phải xấu vì nó không có một trách nhiệm thật sự nào ở đây. Tôi trách nhiệm với những gì tôi làm, chứ không phải với những gì tôi có.

Như vậy quan trọng là hiểu các nhu cầu của mình, sau đó diễn tả cho người khác. Có những cặp không nói chuyện với nhau về những gì mình có trong thâm sâu tâm hồn mình, vậy mà chỉ khi nào diễn tả được thì mọi chuyện mới đi tới, nếu không, người kia sẽ bị kẹt vì họ không hiểu chuyện gì đã không chạy giữa họ. Đối diện với người không thể nào đối xử dịu dàng với mình thì phải nói với họ, chuyện này làm cho mình bị tổn thương. Chính vì tôi thương người bạn đời của tôi, nên khi họ thiếu tình âu yếm dịu dàng với tôi, thì tôi cảm thấy rất nặng nề.

Lòng dịu dàng là từ ngữ diễn tả tình yêu của Chúa. Nhưng cả người vô thần cũng cần lòng dịu dàng trìu mến. Vậy chúng ta có thể thấy nơi họ một cuộc đi tìm điều siêu việt không?

Hoàn toàn đúng. Tất cả các khát nguyện sâu đậm của con người về sự thật, công chính, hòa bình, hạnh phúc đều đã được Chúa đặt trong tâm hồn mỗi người và chính Thần Khí đã hành động trong chúng ta để chúng ta đem ra áp dụng. Chính vì vậy, Giáo hội luôn có một sứ điệp hoàn vũ. Là kitô hữu, chúng ta được gọi để kết nối với người khác trong những gì đã có trong tâm hồn họ, vì cũng chính điều thiết yếu này ở trong tất cả chúng ta.

Lòng dịu dàng trìu mến của Chúa ở trong từng trang của Tân Ước. Tuy nhiên đôi khi chúng ta khó tìm thấy trong Cựu Ước.

Lôgic của Chúa hung bạo trong Cựu Ước, ngược với Chúa dịu dàng của Tân Ước thật sự không nằm trong thực tế của các bản văn, dù rõ ràng là chúng ta thấy trong Cựu Ước có các hành vi hung bạo mà trong Tân Ước không có. Nhưng sự vén mở thì dần dần, cho nên chúng ta không thể chờ tiên tri Giêrêmia nói cùng một chuyện như Chúa Giêsu được. Đơn giản là nhân loại chưa sẵn sàng. Thánh Kinh là một tiến trình, và chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng đi trên tiến trình khám phá Chúa là ai.

Chẳng hạn, tiên tri Êlia nhận sứ mệnh để chứng minh Chúa của mình là thật. Tiên tri Êlia đã có một cuộc chiến đấu với các tiên tri của Baal, ông đã thắng khi kêu cầu đến Chúa của mình. Nhưng sau đó, tiên tri đã cắt cổ các tiên tri của Baal để chứng tỏ họ đã sai. Đây là một nhận thức sai lầm về Chúa là ai. Sau đó, tiên tri Êlia đi vào sa mạc, nơi tiên tri được mạc khải Chúa không ở trong “cuồng phong, cũng không ở trong bão tố nhưng ở trong ngọn gió hiu hiu”. Như mọi tín hữu, tiên tri Êlia cũng phải đi theo tiến trình riêng của mình để khám phá Chúa.

Không phải chỉ có các tín hữu mới tiến dần dần nhưng cả nhân loại cũng vậy. Chương trình của Chúa là trong lòng trung tín, không nhất thiết ở trong hành động của dân Ngài. Dân chúng sống thời nào theo não trạng thời đó. Tôi không phủ nhận có bạo lực trong một vài trang Kinh Thánh, nhưng cũng phải đọc theo tinh thần phê phán-lịch sử và thảo luận trong bối cảnh nào để gần với sự thật của Chúa nhất. Nếu cấm đọc theo tinh thần này thì sẽ bị rơi vào chủ nghĩa trở về trào lưu chính thống tận căn.

Chúng ta cũng có thể đi đến chỗ nghi ngờ tình yêu của Chúa. Làm sao các dấu hiệu lòng dịu dàng trìu mến ở thế giới này có thể giúp chúng ta tin vào lòng âu yếm dịu dàng từ trên cao?

Có khi tôi cũng nghi về sự hiện hữu của Chúa, nhưng không bao giờ tôi nghi về tình yêu của Ngài. Nghi theo cách của tôi là để hiểu Ngài, đúng, để tôi tự nhủ khi đứng trước mặt Chúa, rằng tôi nhận ra tôi đã không nói đúng về Ngài, vì một phần do tôi không hiểu đúng sứ điệp của Ngài. Nhưng phàm là người mà cố gắng nói về tình yêu vô tận của Chúa thì thế nào cũng thiếu sót. Tôi nói với chữ của loài người cho đầu óc con người nghe.

Như vậy tôi không nghi ngờ về tình yêu của Chúa. Nhưng đứng trước người nghi ngờ về tình yêu này, tôi sẽ nói họ nên bắt đầu bằng cách suy nghĩ về những gì có trong lòng mình. Nếu gặp người xem Chúa quá nghiêm khắc, khi đó tôi thử xin họ nhìn lại những gì có trong sâu thẳm tâm hồn họ. Chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Ngài và giống Ngài, cái gì ở trong sâu thẳm nhất thì rõ ràng phản ảnh nhất cái gì thuộc về Chúa. Và trong sâu thẳm nhất của chúng ta, chúng ta cảm nhận mình được tạo dựng để yêu thương và muốn điều tốt cho người khác, trừ khi điều sâu thẳm này bị tổn thương bởi quá trình riêng của mình. Đối với tôi, đó là dấu vết của Chúa trong lòng chúng ta. Một tác giả Do Thái chết ở Trại tập trung Auschwitz mô tả kinh nghiệm ở những trại này nói rằng, dù trong sự tàn bạo khủng khiếp, chỉ cần tìm được một người với cách đối xử nhân đạo là có thể tin được vào nhân loại.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Phanxico.vn
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log