Thứ bảy, 28/12/2024

Làm Sao Mà Nên Chứng Nhân?

Cập nhật lúc 10:02 06/08/2018

                                       “U ốm nằm nhà,
                                        Không ra đồng được.
                                        U đắp kín chăn,
                                        Mặt quay vào vách.
                                                   Em vẫn đi học,
                                                   Trường xa càng xa
                                                   Người em ở lớp,
                                                   Bụng em ở nhà...”
Thuở nhỏ còn đi học tiểu học, tôi rất thích và thuộc nằm lòng bài thơ “Mẹ ốm” này. Tôi cảm phục bạn nhỏ trong bài thơ. Vì yêu mẹ, bạn canh cánh nỗi lo mẹ ốm, đi học về còn biết nấu cháo  cho mẹ, “Đập trứng bỏ hành, u ăn! ngon lắm!”. Còn mình thì chỉ biết... quấy mẹ thôi!
Cho đến nay khi tôi sắp nửa đời người, thì mẹ cũng đã già lắm, dù mẹ nhỏ xíu nhăn nheo nhưng không có trọng bệnh, bước đi vẫn nhẹ nhàng chứ không bất toại như tôi. Vốn chịu khó, mẹ vẫn xoẹt xoẹt quét lá ngoài cổng. Ấy vậy mà mấy cú ngã gần đây đã quật mẹ xuống sức không phanh. Sau một lần ngã và đau đớn nhiều ngày, cái lưng mẹ bỗng còng gập không thể nào uốn lên được nữa. Đang hồi phục sức khỏe, lần ngã nữa làm mẹ đau nằm bệt cả tháng, lần nữa ngã bị thương ở đầu, máu chảy đầm đìa, nhuộm đỏ từ mái đầu bạc trắng đến áo quần... Mẹ cứ hồi phục rồi lại ngã quỵ, chẳng biết mấy lần và giờ đây quỵ hẳn.
Bình thường trong nhà có người ốm vài ngày đã thấy buồn lo cám cảnh. Nhưng “cơn ốm” vì ngã của mẹ hết ngày này sang tháng khác đã gần hai năm, làm gia đình cảm thấy rầu rật, mệt oải... Mẹ như một em bé không tự thân được, trí nhớ suy giảm nên nói vẩn vơ như trẻ con, chỉ những nói sai, làm sai từ ăn uống đến vệ sinh, suốt ngày đêm làm rày, rên la, kêu đòi não nuột... Đến khi chứng kiến cảnh bất toại của mẹ, tôi mới thấm câu Lời Chúa: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” (Ga 21,18). Mẹ làm rày suốt ngày đêm, khiến tôi không thể ngủ, người mềm nhũn ra, đầu óc căng thẳng không thể làm việc và thật khó mà nói nhẹ nhàng với mẹ. Có hôm mẹ gọi cả đêm, cứ năm phút gọi giật đừng ngủ, nhớ là không được ngủ đâu!... Nhiều lần tham dự thánh lễ, tôi nhắm mắt từ đầu đến cuối, chỉ gắng mở con mắt ra lúc Cha đọc lời truyền phép, bởi vì con bé... chết đói ngủ từ lâu! Gia đình tôi gồm nhiều thế hệ: con cái, cháu chắt đều phải để ý trông nom mà vẫn không xong. Có lúc đứa bé tí xíu cũng chạy vào: “Bà ơi cụ đòi dậy, cụ đòi ăn!...” Tôi thì không thể nâng dậy, thay tã hay tắm rửa vệ sinh cho mẹ, mà chỉ biết “chọn việc nhẹ nhàng” là canh trực ngày đêm, can không cho mẹ làm liều kẻo ngã hoặc làm mất vệ sinh, cầm giờ cho uống thuốc, uống sữa, nhắc mẹ đọc kinh, xin rước lễ hàng tuần tại nhà... Hễ mẹ cần là tôi phải í ới gọi người khác trợ giúp, gọi điện nói khó, bấy nhiêu mà nhiều lúc khản cổ. Các con thì ai cũng bận công việc, ai cũng có nhiều lý do không thể ở bên chăm sóc. Mất ngủ triền miên kéo dài làm tôi khổ sở khó chịu, có khi chỉ biết khóc vì chứng kiến hằng đêm, bà mẹ có sáu con đêm nằm rên rỉ vì thiếu người chăm nom. Mình nằm chứng kiến rõ ràng thì bất toại không thể ra tay. Ngày sau đến phiên mình không con thì sẽ ra sao đây? Nài nỉ mãi các chị thay phiên ngủ canh đêm được gần tháng cũng thấy mẹ được ủi an, ấm lòng. Rồi mẹ đỡ hơn một chút, lại ai về nhà nấy với công việc của mình và chỉ còn lại tôi canh đêm. Tôi xét thấy mình và cả các anh chị đều chưa tròn chữ hiếu, mẹ vẫn khổ. Câu ca dao “một mẹ nuôi mười con, nhưng mười con không nuôi nổi mẹ” ngày nào vẫn đúng. Đến một lúc nào đó, các con cũng trở về cảnh yếu đau, bất lực, cần phải cậy nhờ người khác, lúc đó tất cả mới ngộ ra chăng?
Tin Mừng Chúa dạy phải yêu thương phục vụ những người bé mọn nhất, đau khổ, bệnh tật, nghèo khó thì như “làm cho chính Ta”, cho dù mình có là người “Samari”, nhưng ở đây là nghĩa cử của những đứa con đối với đấng sinh thành? Chính Chúa đã thực hiện tình yêu thương phục vụ vô vị lợi trong cuộc đời trần thế. Tình yêu thương phục vụ vô vị lợi của Đức Giêsu vẫn còn thể hiện hôm nay trong các gia đình, nơi các người mẹ phục vụ con mình. Mẹ sẵn sàng nuôi nấng, cho ăn, dạy dỗ, phục vụ con từ những việc hèn hạ nhất mà chả thấy mệt, chả thấy khổ, chỉ vì yêu con. Có những người mẹ chứng kiến con nhỏ ốm bệnh mà xót xa quặn lòng, thầm ước mẹ có thể chịu ốm thay cho con! Vậy mà các con thì, thuở mẹ còn khỏe, còn được nhờ ai cũng thấy cần mẹ. Khi đến tuổi làm phiền các con, thì con phục vụ mẹ ít nhiều đã thấy đầy tay, muốn thoái thác buông lơi cái phận làm con. Bởi vậy nên Lời Chúa đã răn dạy trong sách Huấn Ca: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người”. (Hc 3,12). Và đến lúc cần báo hiếu, tôi phải sống sao để thành chứng nhân cho Tin Mừng?
Lạy Chúa! “Xin cho con ở giữa gia đình, sống làm sao đền đáp ân tình, ơn biển trời ghi khắc trong tim”. (Cầu cho cha mẹ).
                                                                            
  
 Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log