Trong bài viết này, người viết xin đơn cử sự bài trí thông thường đối với cây mai Chiếu Thủy mà các nghệ nhân chơi kiểng cổ hay áp dụng với việc uốn thế và sắp đặt theo ba tàng: tàng Chiếu Thủy (trên cùng) – tàng Trung Bình (ở giữa) – tàng Nghênh Sương (gần gốc). Sự sắp đặt chỉ ba tàn đối với một thân xuất phát từ một gốc (khác với hai thân xuất phát từ một gốc) luôn phải tuân theo số lẽ. Với con số ba trong một cây, trong nhãn quan đức tin, người Ki-tô hữu có thể liên tưởng đến Ba Ngôi nhưng chỉ một Chúa. Đồng thời, người ta cũng có thể đặt ý nghĩa theo mối tương quan liên vị giữa Thiên Chúa (tàng Chiếu Thủy) – Đức Ki-tô là Đấng trung gian (tàng Trung Bình) – con người (tàng Nghênh Sương). Ở đây, người viết xin đi vào bình luận hình ảnh biểu trưng thứ hai – mối tương quan liên vị.
Đức tin Ki-tô giáo khẳng định rằng: Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên mọi sự. Mỗi một cá thể đều được chính tay Ngài dựng nên và con người là thụ tạo đặc biệt vì Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài (x. St 1,27). Thiên nhiên cũng là công trình kỳ diệu Thiên Chúa dựng nên và ở đó Ngài đặt con người làm chủ công trình của Ngài cùng giao cho con người trách nhiệm chăm lo sao cho các thụ tạo được phát triển và hài hòa với con người. Chính vì thế, mỗi người khi trồng hay chăm sóc cây là đang cộng tác hay tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Ngài cho phép và mời gọi con người sử dụng mọi khả năng Ngài đã trao ban để sáng tạo trong công việc với mục đích tô điểm cho vũ trụ và nhận ra sự quan phòng của Ngài. Thế nên, trong việc tạo dáng cho cây Mai Chiếu Thủy, cụ thể việc gọi tên tàng thứ nhất là Chiếu Thủy, ở vị trí trên cùng của cây diễn tả hình ảnh Thiên Chúa là Thượng đế, Đấng ngày ngày nhìn xuống thế giới Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa vẫn luôn trông nom công trình của Ngài và không ngừng ban ân sủng cho thế gian. Hình ảnh hoa mai đang nở rộ, tỏa hương thơm và hướng xuống mặt nước diễn tả cách sống động ý nghĩa về tình yêu của Đấng Tạo Hóa với thụ tạo của Ngài. Một sự linh động và tài tình hơn của nghệ nhân khi muốn diễn tả cách sâu sắc hơn về ý nghĩa của tàng Chiếu Thủy là nếu uốn tàng này hơi nghiêng chiều xuống dưới thì gọi tên là Thủy Đề – nghĩa là nhìn đáy nước. Cách biến thể này diễn tả tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài luôn muốn gần gủi, gắn kết mật thiết với thế gian. Ngài khao khát thế gian nhận ra tình yêu của Ngài và đón nhận tình yêu ấy như hình ảnh hoa mai được ghi dấu trên mặt hồ. Vì thế, để diễn tả tình yêu vô thủy vô chung dành cho nhân loại, Thiên Chúa đã gửi Con Một của Ngài đến thế gian.
Đức Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha đến thế gian làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Sự hiện diện của Đức Ki-tô giữa thế gian diễn tả tình yêu vô điều kiện và bất tận mà Thiên Chúa dành cho nhân loại để cứu chuộc nhân loại vô ơn bội nghĩa với Ngài. Hình ảnh của Đấng Trung Gian được diễn tả ở tàng Trung Bình. Tàng này được uốn nằm ngang, không nghiêng xuống cũng không nghểnh lên nhưng lại có hai cách uốn làm nổi bật ý nghĩa của Đấng Trung Gian. Cách thứ nhất, tàng được uốn nằm nghiêng hẳn về một bên của thân cây. Hình ảnh này diễn tả vai trò làm cầu nối hai tàng Chiếu Thủy và Nghênh Sương của tàng Trung Bình. Đặc biệt hơn, cách uốn thứ hai diễn tả đặc tính của Ngôi Hai Thiên Chúa khi được sai đến thế gian để thực hiện công trình cứu độ loài người. Với cách uốn thứ hai, tàng trung bình được các nghệ nhân uốn theo hình cánh tay ôm trọn lấy thân cây, vì thế được gọi tên là Tế Thân – mang ý nghĩa hy sinh, muốn giúp đỡ người thân, bạn bè – một nghĩa cử anh hùng, cao đẹp của người quân tử. Quả vậy, chẳng phải Đức Ki-tô, Chúa chúng ta cũng đã sống như thế sao? Ngài đã đến thế gian, sống cho nhân loại, chết cho tội lỗi của loài người để giải thoát con người khỏi thế lực kìm hãm của sự dữ. Đức Ki-tô đã sẵn sàng hy sinh cho bạn hữu của mình là nhân loại và mời gọi con người sống lối sống của Ngài (x. Ga 15,15). Ngài mời gọi con người sống lối sống tự hủy, hy sinh cho tha nhân. Để sống lối sống của Đức Ki-tô, con người cần đến ân sủng được trao ban từ Thiên Chúa. Vì thế, ân ban của Thiên Chúa cần được con người đón nhận cách trân trọng và sử dụng cách ý thức để biến đổi bản thân cũng như mọi thụ tạo trở nên tốt đẹp hơn theo thánh ý Ngài.
Sự đón nhận và cộng tác của con người với ân sủng được biểu trưng qua cách xếp đặt tài tình ở tàng dưới cùng – tàng Nghênh Sương. Ý nghĩa của tàng này chính là sự tiếp rước hay đón nhận những tinh hoa, tinh túy từ khí trời để đem lại sức sống. Ân sủng được ví như những giọt sương đang rơi xuống và được tàng Nghênh Sương đón nhận một cách trân trọng để nuôi dưỡng và phát triển cho toàn thân cây. Ngoài ra, khi uốn tàng Nghênh Sương, các nghệ nhân luôn uốn cho tàng cây theo chiều hướng lên trên. Cách bài trì này diễn tả tính thiết yếu của khí trời đối với cây. Liên tưởng đến hình ảnh của con người ở thế gian đang ngày ngày hướng về Thiên Chúa và cần đến ân sủng của Ngài để sống và phát triển. Yếu tố chủ động nơi con người được chú trọng. Ân sủng của Thiên Chúa thì luôn trào tràn nhưng cũng cần sự chủ động đón nhận của con người để ân sủng không trở nên vô hiệu.
Thế đó, chỉ với một cây mai Chiếu Thủy bình thường nhưng các nghệ nhân chơi kiểng cổ đã gửi gắm vào cả một ý nghĩa lớn lao cho lối sống của con người trong tương quan với nhau. Đối với người Ki-tô hữu, dưới nhãn quan đức tin thì ý nghĩa qua cách sắp xếp ba tàng cây (Chiếu Thủy – Trung Bình – Nghênh Sương) không chỉ diễn tả tương quan giữa con người với con người, tương quan giữa con người với những thụ tạo khác mà còn được nhìn trong khía cạnh đức tin – tương quan với Đấng tạo Hóa.
Sâu xa hơn, qua việc tạo nên một thế cây đầy ý nghĩa nhân văn và tôn giáo như vậy thì không thể nào quên người nghệ nhân. Chơi kiểng cổ là một nghệ thuật và đòi hỏi người chơi cần có hiểu biết nhưng trên hết là có lòng yêu cây, yêu thiên nhiên. Khi chăm sóc cây, người chơi đang diễn tả tình yêu và lòng quý trọng của mình với thiên nhiên nhưng đồng thời cũng đang bảo vệ và làm đẹp thiên nhiên. Người nghệ nhân chân chính chơi cây không vì lý do kinh tế, lợi nhuận nhưng chỉ vì đam mê nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên. Với tình yêu được diễn tả nơi những cây mình trồng và chăm sóc, người nghệ nhân đang cho xã hội thấy việc chống lại việc tàn phá môi trường và lạm dụng thiên nhiên của con người ngày nay. Với cách diễn tả đam mê của mình nơi thú chơi cây kiểng, người chơi cây còn muốn gửi đến một sứ điệp cho thế giới đó là hãy bảo vệ thiên nhiên và phát triển chúng để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đây là một nghĩa vụ chung và phổ quát cho mọi người, mọi quốc gia và mọi sắc tộc.
Đối với nền văn hóa Ki-tô giáo thì luôn nhìn nhận rằng mọi vật hiện hữu trên thế gian này đều là thụ tạo tốt đẹp của Thiên Chúa (x. St 1,4.10.12.18.21.25). Thiên Chúa trao cho con người sử dụng và đòi hỏi con người phải có sự khôn ngoan. Đồng thời, trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, phát triển thiên nhiên theo ý muốn của Thiên Chúa là điều cốt lõi và là trách nhiệm chung của mọi người. Ngang qua công cuộc bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên, con người đang thiết lập tương quan hài hòa với Thiên Chúa và diễn tả lòng biết ơn Đấng Tạo Hóa. Đồng thời, người Ki-tô hữu một khi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa cũng chính là lúc làm cho danh Chúa được tôn vinh và hình ảnh của Ngài được hiện hữu trước mắt con người ngày hôm nay. Đó là một chứng từ mạnh mẽ của đức tin Công Giáo.
Trong thú chơi cây cảnh, có nhiều trường phái khác nhau như: kiểng cổ, kiểng tự do, kiểng thú, tiểu cảnh, hay Bonsai,… Trong số đó, thú chơi kiểng cổ ngày nay thường ít được biết đến và ít người chơi hơn các trường phái khác. Các nghệ nhân trong giới chơi kiểng cho rằng kiểng cổ xuất phát từ miền Nam nhưng không rõ là xuất hiện từ thời gian nào. Họ chỉ biết rằng, trong thời phong kiến thì chỉ có vua quan, các bậc phú hào, hay một số trí thức trong dân mới có thú chơi này. Lý do khiến kiểng cổ thường ít người chơi là vì phải tuân theo những quy luật khắc khe trong việc uốn éo tạo dáng, sắp đặt số tàng nhánh. Các thế cây và tàng nhánh cũng thường được đặt tên dựa theo các tên gọi trong Nho Giáo hay Đạo Giáo. Thí dụ như: Cây uốn theo thế dương – Phụ tử, hay thế âm – Mẫu Tử, …; tàng nhánh theo Tam Tòng, Tứ Đức, Tam Cang hay Ngũ Thường, …. Vì phải tuân theo những quy luật đó nên đòi hỏi người chơi phải có sự hiểu biết Nho Giáo và Đạo Giáo. Mỗi cây với mỗi thế cùng với sự bố trí các tàng nhánh trong kiểng cổ đều hàm chứa ý nghĩa triết lý ở trong đó. Nhưng thật thú vị làm sao khi ta liên kết nghệ thuật chơi kiểng cổ với đức tin Ki-tô giáo.
Minh Thiện, S.J.