Tại Sao Tôi Sợ Đi Xưng Tội?
Cập nhật lúc 11:13 12/03/2018
Bạn thân mến,
Là người trẻ, chúng ta thường sợ đi xưng thú tội lỗi rất thầm kín của mình. Đó dường như là nỗi sợ tự nhiên của mọi người; bởi tội lỗi là điều xấu xa khiến chúng ta không muốn nói cho người khác biết. Do đó để quyết định đến với cha giải tội, ít nhiều tôi và bạn đều mang những nỗi sợ khiến chúng ta cứ lưỡng lự chần chừ đến với tòa giải tội. Đâu là lý do của nỗi sợ này? Trước tiên, tội lỗi dĩ nhiên là điều chúng ta biết nó xúc phạm đến Thiên Chúa và con người. Tội lỗi luôn đi ngược với sự thánh thiện. Người trong sạch, đạo đức thì nhìn thấy Thiên Chúa và được bình an trong tâm hồn. Trong khi đó, tội nhân thường cảm nhận mình xa cách Thiên Chúa và bị bối rối bất an. Đó là hậu quả của tội khiến chúng ta lo lắng hoang mang. Khi phạm tội, ta thường sợ Thiên Chúa trừng phạt. Theo đó, chúng ta cũng ngại đến gặp Thiên Chúa để nói với Ngài tội mình đã phạm, tỏ cho Ngài biết lòng hối lỗi ăn năn. Dẫu chúng ta biết Ngài sẵn lòng tha thứ, nhưng sao cứ lởn vẩn trong tâm trí chúng ta nỗi sợ Thiên Chúa chẳng tha cho tội tày đình của mình! Thế là chúng ta xa cách, ẩn trốn Thiên Chúa như ông và bà Ađam không muốn trò chuyện với Ngài sau khi ăn trái cấm! Lý do thứ hai, sợ đi xưng tội có thể là chúng ta sợ chính mình. Đối diện với những xấu xa, lỗi lầm của mình là điều không ai muốn, chẳng ai thích. Hiếm ai tự nhận mình xấu xa, yếu đuối. Ai cũng muốn mình phải là người mạnh mẽ và sạch trong. Do đó khi biết mình đã phạm tội, chúng ta hoang mang về chính mình. Có khi ta tự nhủ với lòng: “Chắc tội lỗi này chẳng đáng là bao, mình vẫn yêu mến Thiên Chúa và sống tốt đấy thôi! Hoặc từ từ chờ dịp thuận tiện rồi xưng tội cũng chưa muộn mà!” Rồi hằng hà lý do khiến tôi ngại đối diện với sự thật đắng lòng của mình. Hơn nữa, chúng ta có kinh nghiệm thấy mình xấu hổ với chính mình vì tội lỗi đè nặng trên tâm hồn. Chúng ta muốn thực sự được giải thoát, nhưng lại lúng túng khi nhìn vào lòng mình đầy bóng tối. Nơi đó, chúng ta thấy mình không thật sự là mình! Lý do thứ ba có thể là chúng ta sợ tha nhân. Cụ thể chúng ta có thể sợ chính cha giải tội khi mình xưng thú với ngài. Dẫu biết rằng vị linh mục giải tội tuyệt đối giữ bí mật tất cả tội của chúng ta xưng ra, nhưng dường như mình cảm thấy xấu hổ vì phải kể tội xấu cho ngài biết. Sợ ngài la mắng, răn đe là điều hết sức tự nhiên của tội nhân. Tuy nhiên thực tế lại ngượi lại! Chúng ta luôn cảm nhận sự dịu hiền của cha giải tội khi ta chạy đến với ngài. Ngoài ra, có thể ta cũng sợ bạn bè nhìn ta với con mắt khác khi mình đi xưng tội. Có thể còn nhiều lý do ẩn kín bên trong mỗi người khiến chúng ta sợ hoặc ngại đi xưng tội. Đó là những điều thuộc về tâm lý, nhưng cũng có thể là chiêu bài của Ma Quỷ bày ra để ngăn chúng ta chạy đến tòa giải tội. Dĩ nhiên tội lỗi luôn thuộc về Ma Quỷ và chúng không thích chúng ta hòa giải với Thiên Chúa. Cuộc sống ví như trong trận đá banh, phần sân chơi của Ma Quỷ luôn chứa đầy xấu xa tội lỗi; ngược lại, phần sân của Thiên Chúa luôn dành cho người thánh thiện và luôn mở cửa đón những tội nhân ăn năn trở về. Phần quyết định ở phần sân bên nào hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chúng ta. Mới đây trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Mátta, ĐTC Phanxicô tiếp tục mời gọi ta vượt qua nỗi sợ để xưng tội. Theo đó, ngài nói cho chúng ta một sự thật rằng: “Nơi tòa giải tội không có sự đe dọa, nhưng có sự tha thứ, dịu dàng và tin tưởng.” Thiên Chúa luôn chờ đời và mời gọi chúng ta hoán cải và trở về nẻo chính đường ngay. Thiên Chúa là người cha nhân hậu không biết bực tức, không oán hận trước những người con đầy tội lỗi. Qua vị linh mục, Thiên Chúa thực sự muốn chúng ta đến trò chuyện với Ngài một chút.” Thiên Chúa không đe dọa chúng ta. Giống như người cha có đứa con mới lớn, dù nó làm những tội tày trời đi nữa, nhưng người cha vẫn luôn thứ tha. Tha thứ là căn tính của Thiên Chúa mà! Thiên Chúa mời chúng ta: “Ðến đây! Chúng ta cùng uống cà phê. Chúng ta hãy nói chuyện, hãy thảo luận. Ðừng có sợ. Ta không muốn đánh con.” Trong khi đó người con lại nghĩ mình sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt. Lúc đó Thiên Chúa trấn an ngay lập tức: “Tội con dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông.” (Is 1,18). Đó là lòng thương xót thực sự của Thiên Chúa được thể hiện sống động nơi Bí Tích Hòa Giải! Bạn thân mến, Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ta hoán cải và giao hòa với Thiên Chúa. Cụ thể nơi tòa giải tội, chúng ta được mời gọi mở lòng mình, vượt qua nỗi sợ để thành tâm xưng thú những lỗi lầm của mình với cha giải tội. Chúng ta van xin lòng tha thứ của Thiên Chúa. Dĩ nhiên Thiên Chúa sẽ tha cho những ai có khát khao như thế! Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người không còn thấy tòa giải tội là nơi phán xét, chỗ nguy hiểm. Nhưng trên hết, đó là nơi cho chúng ta thảo luận, nói chuyện với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót niềm nở trao cho ta giấy chứng nhận thứ tha. Nhờ đó, chúng ta được nhiều bình an trong tâm hồn, được nhiều ơn Chúa để tiếp tục sống hạnh phúc, sống tốt hơn mỗi ngày. Như lời Đức Thánh Cha nhắn với mỗi chúng ta: “Thiên Chúa biết rằng chúng ta đang trên hành trình và nhiều lần chúng ta cần điều này, cần được nghe câu nói: “Nào, đến đây, đừng sợ, đến đây. Ở đây có sự tha thứ.” Ðiều này khuyến khích chúng ta. Ði đến với Chúa với trái tim rộng mở: đó là người Cha đang chờ chúng ta.” Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
dongten.net