Thứ bảy, 28/12/2024

Vài Nét Về Lòng Đạo Nơi Giáo Họ Trúc Lâu Trong Tuần Thánh

Cập nhật lúc 18:40 31/03/2018
Tuần Thánh năm nay, được phép của cha quản xứ Lục Yên Giuse Nguyễn Văn Cường, tôi có dịp đến giúp mục vụ ở giáo họ Trúc Lâu, giáo xứ Lục Yên, giáo phận Hưng Hóa. Được sống và làm việc chung với các ban ngành và bà con giáo dân nơi đây, giúp tôi hiểu hơn về các sinh hoạt, đời sống thiêng liêng nơi vùng đất này.
Hiện diện giữa vùng núi rừng Tây Bắc, giáo Xứ Lục Yên có 4 giáo họ và 9 giáo điểm, nằm trong địa bàn khoảng 50 km2. Tổng số giáo dân khoảng 1500 nhân danh. Riêng giáo họ Trúc Lâu có khoảng 550 giáo dân.
Mặc dầu, kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, công việc vất vả, tuy nhiên trong Tuần Thánh giáo dân vẫn tham gia đầy đủ các nghi thức. Các giới tham gia tĩnh tâm, xưng tội. Bên cạnh đó, ban bác ái của giáo xứ cùng giáo họ đã tổ chức đi thăm, tặng quà và phát thuốc cho một số cụ già trong giáo họ. Đồng thời các cụ cũng lãnh nhận các bí tích: như Bí tích Giải tội, Xức dầu bệnh nhân và Thánh Thể…
Như một nét đạo đức tốt đẹp, các giờ ngắm nguyện được cử hành thường vào tối thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, đông đảo bà con giáo dân lại quy tụ trước Thánh Thể Chúa và cầu nguyện trong các giờ ngắm đầy tâm tình họa lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Riêng Tuần Thánh, giáo dân ngắm từ thứ 2 đến thứ 7. Thứ 6 tuần thánh đi đàng thánh giá trọng thể trước khi cử hành nghi thức Tưởng Niệm cuộc khổ nạn của Chúa.
Nét đặc biệt ở đây là các nghi thức RƯỚC KIỆU THƯƠNG KHÓ, VÀ ĐÓNG ĐINH TÁNG XÁC CHÚA. Sau Nghi Thức Tưởng Niệm cuộc Thương Khó của Chúa trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, lần lượt các tượng: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Gioan tông đồ được kiệu đến ba gia đình giáo dân ở ba hướng khác nhau. Sau khi gia trưởng đọc kinh, giáo dân sẽ cử hành nghi thức rước kiệu long trọng về sân chính nhà thờ. Tượng thánh Gioan nhanh chóng đến gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá, sau khi biết tình hình của Ngài, ông bái lạy Chúa rồi khẩn cấp báo tin cho Đức Mẹ Maria. Mẹ Con gặp nhau thật cảm động. Khi giáo dân đã quy tụ đông đủ tại đây, giáo dân sẽ một lần nữa lắng nghe bài thương khó bằng việc họa lại chi tiết với những hoạt cảnh thực tế do các gia trưởng chuẩn bị. Mọi người đều nghe rõ tiếng nứt xương, xé áo, tiếng đóng đinh và cả tiếng tra tấn cực hình để giúp người tham dự cảm nếm được gánh nặng của thập giá cũng như lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Sau màn tra tấn và đóng đinh, Chúa được treo lên thập giá.
Sau đó, cộng đoàn ngắm 15 sự thương khó, dâng hạt. Kế đó là nghi thức tháo đinh, đưa Chúa xuống, đặt vào tay Đức Mẹ, Đức Mẹ ôm con khóc thương thảm thiết. Một bà trung tuổi, đọc lời than của Đức Mẹ, vừa đọc nước mắt vừa chảy ra. Tiếp đến, các ông tông đồ xin phép Đức Mẹ để táng xác Chúa Giêsu vì trời đã tối. Chúa được táng xác trong một quan tài và rước về Nhà Mồ. Các ông tông đồ khiêng quan tài Chúa đi, trong khi tiếng trống, tiếng chắt gõ đều, với nhiều em cầm nến, gươm, gậy gộc hòa vào đoàn rước trong tâm tình sốt mến.
Thật là một khung cảnh của đám tang cảm động. Diễn tả được cái chết đau đớn của Chúa, nỗi đau của Mẹ Ngài, và lòng thương xót của các tông đồ, giáo dân.
Khi đến nhà Mồ, Chúa được an táng, các hội đoàn được phân chia theo giờ để viếng và hôn kính Chúa trong mồ. Người ta quỳ để đi vào bên cạnh chân Chúa, hôn kính. Bên cạnh mồ Chúa, ca đoàn hát vãn theo truyền thống. Các hội đoàn thay phiên nhau vãn, tối thứ Sáu và suốt ngày thứ Bảy.
Đây là nghi thức ĐÓNG ĐANH TÁNG XÁC CHÚA theo truyền thống của giáo phận Bùi Chu, Nam Định. Tôi thấy ý nghĩa và đem lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho giáo dân.
Đây là một việc đạo đức truyền thống nên được duy trì.
Theo ông Giuse Nguyễn Quốc Bảo - trưởng ban hành giáo giáo họ Trúc Lâu cho biết: “Năm ngoái giáo họ đã họp về vấn đề này, sau khi bàn thảo giáo dân ở đây không cho bỏ. Trước đây đã bỏ gián đoạn 20 năm. Nay giáo họ tổ chức lại. Năm nay là năm thứ 4 các nghi thức này được tổ chức. Các ông bà muốn duy trì hình thức này để giới trẻ lớn lên, có lòng đạo đức, và biết về sự thương khó của Chúa. Các nghi thức đạo đức bên ngoài sẽ giúp bà con, nhất là giới trẻ hiểu về cuộc thương khó và tăng thêm lòng yêu mến, sự sùng kính bên trong nội tâm. 
Việc tổ chức này cũng là một dịp để quy tụ các ông tông đồ làm việc với nhau, cùng sửa soạn tâm hồn, nguyện ngắm, chuẩn bị kiệu, ảnh tượng, nhà mồ… canh thức… Đây là một dịp để các ông sống tinh thần đoàn kết, liên đới, cùng nhau làm việc và cũng tăng thêm lòng đạo đức. Các bà, các đoàn thể có dịp hôn kính Chúa, bày tỏ niềm tin cụ thể của mình qua các sinh hoạt, các lời kinh, lời vãn từ tối thứ Sáu và suốt ngày thứ Bảy.”
Ông trưởng ban tiếp tục chia sẻ: “Con vui vì mọi người nhiệt tình khi có những công việc của nhà thờ, mọi người cùng đóng góp công sức, để cùng nhau làm nên một dịp lễ Phục Sinh có đầy đủ các nghi thức. Và cũng là dịp để tất cả mọi người có thời gian tĩnh tâm, chuẩn bị tâm hồn cho một Mùa Phục Sinh nhiều ân sủng Chúa. Những ngày này con không muốn ở gia đình, vì lên nhà thờ vui hơn nhiều, và cùng anh em làm việc”.
Được hòa mình vào bầu khí đạo đức và các nghi thức Rước Kiệu Thương Khó, Đóng Đanh Táng Xác Chúa, tôi cảm nghiệm được nhiều an ủi thiêng liêng. Tạ ơn Chúa thật nhiều bởi lòng đạo của bà con giáo dân. Tôi cũng nghiệm được phần nào những giá trị tốt lành và linh thiêng mà cha ông đã để lại, giúp cho giáo dân diễn lại, suy niệm những lời của Chúa, của Mẹ trong cuộc thương khó. Những nghi thức và việc làm bên ngoài trong những ngày đại lễ này giúp tăng thêm lòng sốt mến đối với Chúa Giêsu Kitô và tăng thêm bầu khí linh thiêng của Tam Nhật Vượt Qua.

Những hình ảnh:


 
Giáo Họ Trúc Lâu, 31.03.2018
 
 
Phêrô Danh, S.J.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log