Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 19 Thường Niên A

Cập nhật lúc 08:45 06/08/2020
Suy niệm 1
Trong cơn gió
(Mt 14, 22 - 36)
 
Thuận gió
Bất cứ ai đi bộ hoặc bơi thuyền thuận gió đều cảm thấy không có sức cản nào. Người đó được gió đẩy và di chuyển nhanh hơn.  Có lẽ người đi theo mốt thời trang, phù hợp với thời đại cũng vậy. 
- Người này tuân theo luật pháp của thế giới này mà không hề hay biết. 
- Người này được thúc đẩy để thành công trong mọi lãnh vực mình đảm nhận., Đó là quy tắc! 
- Và người đó thành công, được hoan hô và được thăng tiến từ chức vụ này đến chức vụ khác.. Và xã hội biết cách chú ý và khen thưởng thành công của người chơi trò chơi đó.
Tuy nhiên, hạng người này cho rằng những ai không theo mình là lạc hậu và khinh thường những người từ chối các quy tắc của trò chơi. Họ cho rằng không có cơn gió nào gió chống lại mình.
Đó là tình trạng những người thuận theo cơn gió “mốt thời trang”. Còn một loại cơn gió khác mà Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II nói đến, đó là cơn gió của nền “văn minh chết chóc”. Cơn gió này người môn đệ Chúa và người kito chúng ta không những không được thuận theo mà còn phải chống lại. Chúa Giêsu đã biết trước điều đó và Ngài đã cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài: “Lạy Cha, Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ”!
Ngược gió
Phê-ro và các tông đồ bơi thuyền ngược gió. Thuyền của họ bị sóng đánh vì gió chống lại họ. 
- Họ cảm thấy vật cản trong tất cả các chi thể của họ và vì thế họ phải chiến đấu chống lại gió. 
- Họ chiến đấu để tuân theo mệnh lệnh của Thầy mình. Mệnh lệnh của Thầy là họ phải xuống thuyền sang bờ bên kia trước.
Nếu họ quay trở lại khi đối mặt với sức mạnh của cơn bão, họ sẽ bị gió mang đi. Nhưng hơi thở của Thiên Chúa thúc giục họ tuân theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Họ phải qua bờ bên kia nơi Chúa Giêsu sẽ gặp lại họ. Họ phải đối mặt với những cơn gió ngược.  Họ chiến đấu chống lại các yếu tố. Và cuối cùng, họ không chịu thua cơn bão.
Vào cuối đêm, Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với họ đang khi họ chiến đấu chống lại cơn bão và họ kiệt sức. 
- Chúa Giêsu, được Thánh Thần thúc đẩy tiến về phía họ mà không cần bất kỳ nỗ lực nào. 
- Chúa Giêsu đi trên những cơn sóng dữ dội nhờ Sức mạnh của Thánh Thần. 
- Chúa Giêsu đi trên mặt biển không bị cản trở bởi những cơn gió trái chiều. 
- Chúa Giêsu - đi trên mặt biển nhờ hơi thở của Thiên Chúa thúc đẩy. 
-Không có gì chống lại Thánh Thần trong Chúa Giêsu. Thánh Thần đẩy Chúa Giêsu đến nơi Ngài muốn mà không làm suy yếu.
Phê-ro lên tiếng và nói: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy
- Phê-ro tin rằng không có gì có thể cưỡng lại một mệnh lệnh từ Thiên Chúa. 
- Phê-ro tin rằng, nếu Chúa Giêsu truyền lệnh, mình cũng có thể bước đi dễ dàng trên những con sóng dữ dội. Và Phê-ro đi trên mặt biển đến với Chúa.
Trong lời tựa cuốn sách, “Hiệp thông và Hy vọng” được phát hành hôm 28/07/2020 vừa qua được Đức Hồng Y Walter Kasper và cha George Augustin biên tập, chứa đựng những suy tư thần học từ nhiều tác giả khác nhau về “việc làm chứng cho đức tin trong thời gian đại dịch”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Giống như một cơn bão bất ngờ, cơn khủng hoảng virus corona đã khiến tất cả chúng ta ngạc nhiên, khi đột ngột thay đổi, ở cấp độ toàn cầu, cuộc sống cá nhân, công cộng, gia đình và công việc của chúng ta…. Mối nguy bị nhiễm virus sẽ dạy chúng ta cách “truyền nhiễm” tình yêu Chúa Kito và từ trái tim này chuyển sang trái tim khác”.
Trong cơn gió của Thiên Chúa
Chúa Giêsu nói với Phê-ro: "Hãy đến"!. Vì tin tưởng vào Chúa Giêsu,
- Phê-ro có thể làm bất cứ điều gì nhờ vào Đấng làm cho mạnh sức. 
- Phê-ro có thể bước đi nhờ hơi thở của Thiên Chúa thúc đẩy mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào. 
- Phê-ro có thể đi ngược chiều gió. 
- Phê-ro đi ngược dòng của lý trí: điên rồ trước mắt người đời, ra khỏi thuyền và đi trên mặt nước.
- Phê-ro khôn ngoan để cho lời Chúa Giêsu hướng dẫn chống lại mọi cơn bão táp và thủy triều.
- Phê-ro thậm chí không cảm thấy rằng mình đang đi ngược chiều gió. 
Nhưng khi thấy có gió, Phê-ro lại sợ! Phê-ro chợt nhận ra mình điên rồ. Phê-ro cảm thấy lực đẩy của cơn gió trái chiều.  Mỗi chúng ta cũng vậy. Được đức tin thúc đẩy, chúng ta đi ngược dòng cơn gió của nền“văn minh chết chóc”đang đẩy đưa thế giới.
- Chúng ta sẵn sàng đối mặt với mọi nguy hiểm để bảo vệ những người yếu nhất, bảo vệ những người bị áp bức và thiết lập hòa bình. 
- Nhưng khi thấy có gió to biển động, chúng ta sợ! Chúng ta chợt ý thức rằng mình đang đi ngược gió và nghĩ rằng mình điên rồ đi một mình chống lại gió. “Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy chúng ta và nói: Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ? Gió liền yên lặng”.
Như vậy, người môn đệ Chúa Giêsu thường gục ngã khi không để cho Thần Khí Thiên Chúa hoàn toàn chiếm lãnh. Hãy cố gắng vượt qua cơn gió tính tự phụ của mình để gặp lại được Thầy mình là Chúa Giêsu đang chờ đợi ở bờ bên kia!.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Điểm tựa duy nhất trên cõi đời
Mt 14, 22-33

Vào canh tư đêm ấy (khoảng ba giờ sáng), đang khi các môn đệ vất vả chèo lái con thuyền ngược gió giữa sóng cả trùng khơi thì bỗng phát hiện một bóng ma chập chờn trên mặt nước. Mọi người hoảng hốt la lên. Nào ngờ đó lại là Chúa Giê-su. Ngài trấn an họ: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”. Biết vậy, Phê-rô hăm hở đòi đi trên nước như Thầy: “Thưa Thầy, nếu quả là Thầy thì xin truyền cho con đi trên mặt nước và đến cùng Thầy.”
Được Chúa chấp thuận, Phê-rô bước ra khỏi thuyền, bước đi lảo đảo trên sóng nước như người say và đến khi gặp cơn sóng dữ ập đến, Phê-rô quá đỗi kinh hoàng nên bị chìm xuống và hoảng hốt kêu lên: “Lạy Thầy, xin mau cứu con!”
Lập tức, Chúa Giê-su nắm lấy tay Phê-rô, kéo ông lên rồi đưa ông vào thuyền bình an vô sự.
Sống trên đời nầy, chúng ta cũng như Phê-rô đi trên mặt biển. Mọi sự chung quanh đều chao đảo, bấp bênh. Mạng người quá đỗi mong manh. Kiếp người như ngọn đèn lung linh trước gió, như giấc chiêm bao!
Cuộc đời đầy dẫy tai ương
Những thiên tai xảy ra dồn dập khắp nơi trên thế giới: bão tố, lũ lụt, động đất, sóng thần, lốc xoáy... đã gây ra tổn thất khủng khiếp và cướp đi rất nhiều nhân mạng.
Bên cạnh đó, những tai hoạ do con người gây ra cũng khủng khiếp và tàn bạo không kém: chiến tranh, bạo lực, khủng bố… ở nhiều nơi.
Trước những tai ương hoạn nạn đó, con người biết tìm đâu nơi nương tựa vững bền? Biết bám víu vào ai để bảo toàn mạng sống?
Tìm đâu ra một điểm tựa vững bền?
Tựa vào tiền của ư? Tiền của không mua được sức khoẻ và sự sống. Những tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không thoát khỏi bệnh tật, tai ương và chết chóc.
Tựa vào địa vị, chức quyền ư? Những tổng thống, vua chúa quyền lực nhất thế gian cũng chỉ được ngồi trên ngai trong thời hạn ngắn rồi bị truất phế và tất cả không trừ ai đã vùi thây dưới mộ.
Tựa vào khoa học kỹ thuật tiên tiến ư? Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật hàng đầu như Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Ý… đang vận dụng tối đa khả năng và trình độ khoa học kỹ thuật của mình để đương đầu với virus Covid-19 siêu nhỏ… thế mà vẫn phải chịu thua!
Vậy thì biết tìm đâu ra một điểm tựa bền vững trên cõi đời này?
Mọi thứ đều bấp bênh
Hành trình của con người trên dương gian không khác chi lộ trình của Phê-rô trên mặt nước; nhìn trước, nhìn sau, nhìn lui, nhìn tới, mọi thứ đều chao đảo, tất cả đều bấp bênh, chẳng có gì vững bền như thi hào Nguyễn Công Trứ nhận định: “Ôi nhân sinh là thế ấy: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.”
Biết nương tựa vào đâu?
Con người không thể dựa vào người khác vì tất cả những người khác cũng đang ở trong tư thế bấp bênh, chao đảo như mình. Một chiếc tàu sắp đắm không thể cứu vớt chiếc tàu khác cũng đang chìm đắm như mình.
Cần phải có một “quyền lực” nào đó từ bên trên mới có thể cứu vớt những ai đang đắm chìm trong biển đời sóng gió.
Hãy nắm lấy bàn tay Chúa Giê-su
Duy chỉ có bàn tay Chúa Giê-su mới có đủ quyền năng cứu vớt mọi người trên dương thế và bàn tay ấy luôn đưa tay ra để nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt bao người.
Bàn tay Chúa Giê-su đã đẩy lùi bệnh tật cho bao người: chạm đến những người phong hủi khiến những người nầy được sạch (Mt 8,3); đặt lên “những người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn và họ được chữa lành” (Lc 4, 40).
Bàn tay Chúa Giê-su trả lại ánh sáng cho người mù tối: chạm đến mắt người mù khiến y được sáng (Mt 9,29. 20, 34).
Bàn tay Chúa Giê-su đã lôi kéo con người ra khỏi cõi chết: Ngài nắm lấy bàn tay một bé gái đã chết và trả lại sự sống cho em (Mt 9,24).
Và cũng chính bàn tay ấy đã đưa ra nắm lấy tay Phê-rô đang chới với giữa sóng gió hãi hùng, kéo ông khỏi bị chìm đắm và đưa ông vào trong lòng thuyền bình an vô sự (Mt 14, 31).
Lạy Chúa Giê-su,
Chỉ có Chúa và duy chỉ có một mình Chúa mới là điểm tựa duy nhất cho nhân loại đang chơi vơi, chao đảo giữa biển đời tăm tối hãi hùng.
Xin soi sáng cho nhân loại hôm nay khám phá ra bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu đang luôn vươn ra để che chở và cứu vớt mọi người.
Xin cho chúng con được trở thành bàn tay nối dài của Chúa, sẵn sàng đưa ra nắm lấy những bàn tay khác đang gặp sóng gió gian nan.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 3
HÃY AN TÂM VÌ LUÔN CÓ CHÚA
Mt 14, 22 - 33

Chúa nhật vừa qua, chúng ta nghe thánh Mat-thêu thuật lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14, 13-21), tiếp theo là biến cố Chúa biến hình trên núi (x. Mt 17, 1-9) và hôm nay chúng ta nghe tiếp Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (x. Mt 14, 22-33).
Êlia và Phêrô là hai nhân vật nổi bật của tuần này. Êlia chứng kiến ba sự kiện trên trái đất là gió bão, động đất và lửa, Thiên Chúa đều không hiện diện ở đó. Giữa sức mạnh của vũ trụ với tiếng gió hiu hiu, Êlia phải học phân định để nghe thấy lời trong thinh lặng, hay trong chính bản thân mình (x.1V 19, 9a.11-13a).
Trước khi đề cập đến Phêrô, chúng ta không thể không nói đến các môn đệ được Chúa Giêsu "giục xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước" (14, 22), còn dân chúng, những người Do thái được giải tán, theo một nghĩa nào đó, họ là “những người ở bên này". Việc các môn đệ phải "sang bờ bên kia", nghĩa là các ông phải vượt qua những thực tại hữu hình, tạm thời của thân xác, bước sang sự vĩnh cửu vô hình. Dĩ nhiên, các ông không thể cập bờ bên kia trước Chúa Giêsu; các ông phải trải qua kinh nghiệm không có Thầy, không thể tới bến bình an được.
Có chuyện gì mà Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải xuống thuyền? Phải chăng là để chống lại cơn cám dỗ và các tình huống khó khăn? Chắc chắn có một cơn giống tố trong lòng các ông và ở biển hồ Galilêa. Vì chưa hiểu dấu chỉ phép lạ hóa bánh ra nhiều, nên các ông đã theo dân chúng muốn tung hô Chúa làm vua! Giờ đây họ cảm thấy thế gian sợ hãi và xao xuyến biết bao!
"Người lên núi cầu nguyện một mình" (Mt 14, 23). Người cầu nguyện cho ai? Chắc chắn là cho dân chúng vừa giải tán, sau khi đã được ăn bánh no nê, họ không biết phải làm gì. Cầu nguyện cho các môn đệ, ở giữa biển khơi đang kiệt sức bởi sóng đánh vì ngược gió khỏi mọi sự dữ. Chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha mà các môn đệ không bị chìm trong sóng to gió lớn.
Còn Phêrô, được Chúa Giêsu mời gọi bằng kinh nghiệm đức tin. Ông xin Thầy cho được đi trên mặt nước (x. Mt 14, 28). Chúa Giêsu đã ban cho ông quyền đi trên biển. Biển, tượng trưng cho mãnh lực của sự dữ và sự chết; Chúa Giêsu đi trên mặt biển, là đi trên sự chết, thể hiện sự chiến thắng của Người trên sự dữ và sự chết. Toàn bộ mầu nhiệm Phục sinh là ở chỗ Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và biển cả. Theo quan niệm của người Do thái, biển là sào huyệt của sự chết. Đi trên biển là liều chết. Chính sự rủi ro này mà khi Phêrô đáp lại lời gọi của Chúa Giêsu, "xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước" (Mt 14, 29), là ông giẫm chân trên sự chết. Nên không có lạ, khi ông nghi ngờ.
Chỉ khi Phêrô tin và phó thác vào Thầy, ông mới có thể đi trên mặt nước. Ông bị chìm xuống lúc ông nghi ngờ. Thấy gió mạnh, ông sợ, sự sợ hãi trước tai ương của thế gian này lại giúp cho ông tin vào quyền năng của Thầy. Chính lúc ông thôi tin vào Chúa, ông mất quyền đi trên biển, và chìm xuống. Khi đi được trên mặt nước chứng tỏ Phêrô tin, lúc chìm xuống cho thấy ông không tin. Thật là đức tin ngược đời, vì chính lúc ông không cậy dựa vào Chúa, ông bị chìm, ông lại kêu Chúa cứu.
Với lời kêu cứu của Phêrô: "Lạy Thầy, xin cứu con!" (Mt 14, 30) Chúa Giêsu đáp lại bằng cử chỉ và lời. Người giơ tay nắm lấy ông và trách: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" (Mt 14, 31). Khi gió thổi mạnh, nỗi sợ hãi và nghi ngờ về quyền năng của Chúa đột nhập vào Phêrô, một con người yếu lòng tin. Cứu ông lên khỏi nước, Chúa Giêsu dạy ông rằng, tình thầy trò không phải là đức tin của người môn đệ, nhưng là lòng trung thành của Thầy. Cảnh tượng trên phơi bày sự cao cả cũng như thấp hèn của người môn đệ. "Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14, 32-33). Quả thật, niềm tin vào Con Thiên Chúa chỉ có được sau một hành trình dài của đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.
Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trên biển: "Thầy đây, đừng sợ. Ma đâu có xương có thịt như Thầy có đây", cũng là lời Chúa nói với các ông sau khi Chúa phục sinh "Tại sao các con run sợ, tại sao các con nghi ngờ… chính Thầy đây, hãy xem tay chân Thầy đây". Hai khung cảnh khác nhau về thời gian nhưng đều có một điểm chung là run sợ, kém lòng tin và nghi ngờ, cả hai lần Chúa Giêsu đều khẳng định "chính Thầy đây mà" (x. Lc 24; Mt 14).
Ở cuối trình thuật, các môn đệ được mô tả là những người tin khi sấp mình xuống thờ lạy Chúa. Còn Phêrô, mỏng giòn, yếu đuối, Chúa Giêsu lại trao Giáo hội cho ông. Chúa Giêsu sẽ đồng hành cùng Giáo hội. Như Phêrô, người yếu tin, chúng ta cần có bàn tay của Chúa kéo chúng ta lên, bước vào con thuyền Giáo hội để sang bờ bên kia.
Phần chúng ta, nếu một ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu buộc chúng ta xuống thuyền; từ bờ bên này sang bờ bên kia không thể không có sóng gió. Và khi chúng ta thấy những khó khăn, vất vả, mệt nhọc giữa đời vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy vững tin rằng, Con Thiên Chúa sẽ đi trên mặt nước đến gần chúng ta, giơ tay kéo chúng ta lên; Chúa chỉ mong đợi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.
Lạy Mẹ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để giữa bao bận tâm, lo lắng, khó khăn giữa biển cả cuộc đời đang làm chúng con giao động, chúng con vẫn nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu, Con Mẹ: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" (Mt 14, 27). Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=====================
Suy niệm 4
Đi trên mặt biển
Mt 14, 22-33
“Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.” Tại sao Người lại bắt các môn đệ chèo thuyền để lánh sang bên kia, đồng thời giải tán đám đông dân chúng nhỉ? Bởi dân chúng theo Người vì được ăn bánh phép lạ no nê, theo Người hy vọng được ăn mãi thứ bánh ấy. Người biết các môn đệ cũng quan niệm về một Đấng Thiên Sai với sức mạnh quyền uy mà giải phóng dân tộc, nên Người dẹp trận mà bắt các ông xuống thuyền đi trước.
“Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.”  Tin Mừng Gioan cho biết: Đức Giêsu “trốn” đám đông để lánh mặt một mình lên núi, vì biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua. Dân chúng thích vị “Vua” cho ăn bánh, nhưng Ngài là Vua Tình Yêu cơ! Trong khi đám đông muốn tôn vinh  vì sức mạnh quyền năng của Ngài, thì Ngài lại đi cầu nguyện với Cha lâu giờ. Cầu nguyện là trực diện một mình với Chúa. Cầu nguyện là phương thế để khỏi sa chước cám dỗ.
Chuyện trong Tin Mừng hôm nay thật hấp dẫn. Thầy Giêsu chìm trong cầu nguyện. Các môn đệ thì chèo thuyền đã xa Thầy cả mấy cây số và bị sóng đánh vì ngược gió. Nửa đêm gần sáng, Thầy ra biển hồ thấy các ông đang vật vã với sóng gió. Các ông đang sợ mà thấy Thầy đi trên mặt biển tiến về phía mình lúc còn trong đêm. Ai mà không sợ chứ? Các ông hoảng hốt tưởng là ma nên sợ hãi la lên, nhưng họ nghe được tiếng Thầy trấn an từ xa vọng lại: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Nghe tiếng Thầy, ông Phêrô xin Thầy cho được đi trên mặt nước để đến với Thầy. Và quả nhiên ông bước xuống khỏi thuyền, ông cũng đi được trên mặt nước như Thầy. Nhưng khi yếu lòng tin, gió vừa thổi ông đâm sợ và chìm xuống. Ông la lên xin Thầy cứu. Thầy vừa đưa tay nắm lấy ông vừa trách yêu: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
Tại sao Thầy đi được trên mặt nước? phải chăng vì Thầy mới cầu nguyện? Sống cầu nguyện làm cho người đó nhẹ tênh, tâm hồn có thể “bay lên” được. Ba môn đệ đã từng chứng kiến khi Thầy cầu nguyện trên núi Tabor, Thầy tỏa sáng làm các ông lóa mắt, ra mê sảng. Ông Phêrô hôm nay cũng mạnh tin, nhưng đến khi gặp sóng gió thì niềm tin như chẳng còn. Chỉ khi kêu cứu đến Thầy thì ông được lại sự an toàn, bình an trong tay Thầy mình.
“Màn trượt băng” hôm nay cho chúng con một bài học: phải luôn luôn tin tưởng, buông mình trong bàn tay yêu thương của Chúa. Có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường đời, có khi nào yếu lòng hầu quỵ ngã, con vẫn một niềm bám víu vào Chúa như Phêrô, để rồi sẽ thấy: “Kìa bóng Chúa hiện đến cầm tay nâng con lên, ủi an như mẹ hiền. Chúa chính là Chúa bình an”.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log