Thứ bảy, 11/01/2025

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

Cập nhật lúc 08:18 11/01/2014
Hôm nay chúng ta có dịp ôn lại Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận cao quý chừng nào! Bất luận tôn giáo nào trên thế giới đều có nghi thức thanh tẩy. Nước được dùng một cách hoàn toàn tự nhiên cho việc thanh tẩy. Gioan Tẩy Giả mời gọi tất cả những ai muốn tìm được bình an tâm hồn và thanh tẩy lỗi lầm của mình, đều phải đến với nước sông Giordan. Ngài kêu gọi mọi người thống hối vì lỗi lầm của mình: “Hãy thống hối vì Nước Trời gần đến”. Ngài nêu cao tấm gương khổ hạnh và chay tịnh: dùng những món ăn đơn sơ như châu chấu và mật ong, là những thức ăn rất dễ kiếm thời bấy giờ.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn là nhân vật nổi bật hơn, Đấng vô tội không cần phải thống hối, thế mà Chúa cũng cùng với đám đông khiêm nhường đến với Gioan để lãnh nhận phép Rửa. Chúa nêu cao tấm gương mang theo mình tất cả lỗi lầm của muôn người đến dòng nước sông Giordan.
Với nghi thức thanh tẩy của Chúa Giêsu, chúng ta tìm lại được ý nghĩa sâu xa hơn. Ngài đến trần gian không phải để huỷ bỏ luật cũ, nhưng là để hoàn thiện. Nước có thể tẩy sạch vết bẩn nơi chân tay và toàn thân thể, nhưng không thể tẩy sạch con tim. Khi sẵn sàng chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu tẩy sạch tội lỗi toàn thể nhân loại bằng máu của Ngài đổ ra. Ngài là con chiên tinh tuyền xoá tội trần gian. Mặc dù chúng ta được rửa trong nước, nhưng nước đó ít có biểu tượng rủa sạch bằng cái chết của Chúa Giêsu. Thánh Phaolo nói: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?”
- Phép Rửa của Gioan có thể tha thứ lỗi lầm đối với những ai thành tâm muốn trở về.
- Phép Rửa của Chúa Giêsu chắc chắn ban ơn tha thứ cho những ai sẵn sàng sát nhập vào Ngài.
- Phép rửa của Gioan không chỉ mời gọi những ai đến với Ngài phải dìm mình dưới sông Giordan, mà còn phải sống một đời sống luân lý mới: ai có 2 áo phải chia sẻ cho người không có, ai có của ăn của để cũng phải làm như vậy.
- Phép Rửa của Chúa Giêsu, nếu ai được rửa tội, thì lãnh nhận dấu chỉ về đời sống luân lý và về phẩm giá con người cao hơn, đó là đời sống mới.
Nước rửa tội của Đức Giêsu không chỉ có khả năng thanh tẩy, mà còn có khả năng làm cho sống. Nước Rửa tội nhắc nhớ nước tạo dựng phát sinh sự sống, nước Đại hồng Thuỷ thanh tẩy, nước Biển đỏ cứu người Do thái khỏi chết. Nước rửa tội làm phát sinh sự sống đời đời. Như Chúa Kitô sống lại ra khỏi mồ và đang sống, người được rửa tội cũng ra khỏi nước với một căn tính mới: là Con Thiên Chúa. Chúa Cha nói với mỗi người được rửa tội như đã nói với Con Một của Ngài: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Sách giáo lý của công đồng Giêrusalem dạy : “Anh em đã được rửa trong Chúa Kitô, anh em được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Cùng chia sẻ với Chúa Kito, chính anh em cũng được gọi là kitô”.
Không ngạc nhiên gì khi chúng ta thấy linh mục vẽ dấu thánh giá trên người được rửa tội, đó như là dấu ấn người được rủa tội thuộc về Đức Kitô. Những người được rửa tội được đánh dấu cho sự sống đời đời nhờ vào dấu ấn của Chúa Con. Họ có thể không luôn luôn sống bí tích rửa tội của họ, nhưng không thể ngăn cản Thiên Chúa tiếp tục yêu thương họ và nhìn nhận họ như những người con.
Nếu chúng ta là người con với đầy đủ ý nghĩa, chúng ta sẽ được ghép vào Chúa Con đích thực và được biến đổi nhờ Ngài, như thế là chúng ta được tham dự vào đời sống Ba Ngôi: Chúng ta thuộc gia đình của Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, chính là nhà của chúng ta và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Origene sung sướng ôm lấy đứa con của mình khi nó vừa được chịu phép tội, ông nói: “Thiên Chúa ở đây rồi ”… Thân xác người được rửa tội trở nên Đền Thờ Chúa Thánh Thần và có một giá trị vô giá.
Vì thế, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta bí tích Rửa tội:
- Lạy Chúa, chúc tụng Chúa đã ban cho chúng con một cuộc sinh ra mới.
- Lạy Chúa, chúc tụng Chúa đã giúp chúng con sống đúng phẩm giá những người con Chúa. Xưa kia, chúng con là những người nô lệ, nay chúng con là những người tự do và là công dân của Giáo Hội.
Khi lãnh nhận bí tích Rủa tội, người được Rửa tội sát nhập vào thân thể của Chúa Kitô, là Giáo Hội. Người được rửa tội ở trong dân Thiên Chúa, dân của giao ước mới. Tất cả mọi người đã được rửa tội kết hợp sâu xa với nhau hơn vì họ chỉ có một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa . Jean Debruyne nói: “Nhờ Bí tích Rửa tội, tôi không ở một mình. Tôi tin rằng tôi thấy Chúa ở với tôi và cả đám đông mọi người ở với tôi. Kẻ trộm, đĩ điếm, tù nhân, người nghèo muốn tôi trở thành anh em của họ”.
Vì thế, tất cả mọi kitô hữu của một cộng đoàn phải biết đón nhận tất cả những ai muốn vào Giáo Hội. Nhờ ơn thánh Chúa, trong giáo xứ chúng ta có nhiều anh chị em giáo lý viên cộng tác với linh mục giúp đỡ các em nhỏ đào sâu ơn thánh bí tích rửa tội của các em. Nhưng cũng đáng tiếc có nhiều người lớn bỏ bê ngày lễ chủ nhật vì quá ham mê công việc không sống bí tích rửa tội của họ. Liệu mỗi người chúng ta đã lo lắng đủ để giúp các anh chị em tân tòng bám rễ sâu vào trong GH của chúng ta không?
Gandi, vị thủ tướng lừng danh của Ấn độ kể một câu chuyện đáng để cho người kitô chúng ta cần chú ý. Khi ông còn ở Nam Phi, ông rất muốn trở thành kitô hữu. Nhưng khi ông đến ở  Ấn độ và một hôm ông vào nhà thờ Công giáo dự lễ. Người ta ngăn không cho ông vào và nói với ông rằng ông phải đi lễ nơi nhà thờ dành riêng cho người da đen. Ông liền quay ra ngay và không bao giờ trở lại đó nữa.
 
Liệu chúng ta có biết cám ơn Chúa đủ vì Bí tích Rửa Tội Ngài đã ban cho chúng ta không?
-          Cám ơn Chúa vì Ngài đã sát nhập chúng ta vào dân tộc được chọn.
-          Cám ơn Chúa vì chúng ta tìm thấy trong Giáo Hội nhiều ánh sáng về Thiên Chúa và về thế giới.
-          Cám ơn Chúa, vì khi ban bí tích Rửa tội cho chúng ta, Chúa đã mở của cho chúng ta đi vào bí tích trọng đại nhất, đó là Bí tích Thánh Thể..
-           Cám ơn Chúa vì Ngài đã truyền cho chúng ta ngọn đuốc đức tin: cây nến ngày chúng ta chịu phép Rửa, biểu tượng đức tin Ngài ban cho chúng ta. Cây nến này chúng ta sẽ lại được thấy trong ngày tuyên xưng đức tin của mỗi người vào một dịp lễ trọng đại nào đó, và nhất là lúc chúng ta qua đời, cây nến đó lại được đặt bên thi hài của chúng ta và cháy sáng lên để chúng ta đi đón chàng rể là chính Chúa Kitô, hay nói cách khác, chính Chúa Kitô đón chúng ta vào dự tiệc cưới của Ngài.
Thánh Augustino đã nói với giáo dân của Ngài, cũng là để nói với quí ông bà và anh chị em: “Này quý ông bà và anh chị em, những người con của GH công giáo. Quý ông bà và anh chị em đã được tái sinh trong Đức Kitô và đã nhận lãnh sự tái sinh ra từ trên cao. Tất cả chúng ta hãy hát lên cho Thiên Chúa một bài ca mới! Hãy cất cao tiếng hát, hát bằng môi miệng và nhất là hát bằng con tim, hát bằng tất cả cuộc sống của mỗi người chúng ta”.
 
Gioan Đặng Văn Nghĩa
giaophanhunghoa.org/vi
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log