Nét đẹp của tuổi thanh niên là sống có lý tưởng. Nhưng căn tính nơi người trẻ ở giai đoạn này chưa thực sự rõ ràng, cho nên các bạn có xu hướng đi tìm cho mình những hình mẫu nơi người nổi tiếng: như ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá…. Có thể hiểu, các bạn trẻ thích chọn cho mình những thần tượng để diễn tả khao khát của mình. Người trẻ muốn trở nên như những người có vị trí và sự ảnh hưởng trong xã hội, như các thần tượng mà mình yêu mến. Sự lôi cuốn và sức hấp dẫn của các thần tượng là một động lực để các bạn trẻ học tập và cố gắng rèn luyện bản thân, cũng như học hỏi những kinh nghiệm đáng quý từ các thần tượng.
Tuy nhiên, nếu không đủ tỉnh táo các bạn dễ bị thu hút và chỉ chú ý tới những hào nhoáng bên ngoài mà thôi. Cần có một khoảng cách nhất định với các thần tượng, để các bạn không bị đồng hóa và đánh mất cá tính riêng của mình. Nhất là không bị trở nên bản sao – chỉ biết coppy, bắt chước mà không biết chọn lọc. Để nhận ra căn tính thực của riêng mình, các bạn phải biết tách mình ra và tự đi tìm câu trả lời cho chính mình: Tôi là ai?
Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu Chúa Nhật 21 Thường Niên[1], Đức Giê-su hỏi các môn đệ: „ Người ta bảo Thầy là ai?” Sau một thời gian sống cùng và ở với Thầy, các ông trả lời rằng: „Có người nói Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ khác thì bảo là ông Ê-li-a, hay là một trong các vị ngôn sứ…” Các đánh giá, nhận xét của người khác về Đức Giê-su là rất tích cực, nhưng tất cả những danh xưng ấy là của người ta, họ là những người nhìn Đức Giê-su từ bên ngoài, chứ chưa phải là ý kiến của riêng các môn đệ, là những người đã sống và cùng đồng hành với Người. Đức Giê-su hỏi riêng các ông: „Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 13-20)
Phê-rô đã trả lời: „Thầy là Đấng Ki-tô, Đấng Mê-si-a…Câu trả lời của Phê-rô đúng, nhưng có lẽ chưa đủ. Vì ngay sau đó, Đức Giê-su cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người là Đấng Mê-si-a. Tại sao Đức Giê-su phải ngăn cấm các môn đệ không được tiết lộ căn tính của Ngài? Phải chăng Đức Giê-su sợ sệt không muốn công khai danh phận thực sự của mình? Hay là, Ngài chỉ muốn tiết lộ danh tính thực cho một nhóm nhỏ mà thôi?
Chắc chắn Đức Giê-su chẳng vì sợ chết mà không dám công bố căn tính của mình. Trong các sách Tin Mừng, rất nhiều lần Đức Giê-su đã thẳng thắn đối chất với những người có quyền mà không hề sợ hãi. Đức Giê-su cũng chẳng muốn giữ bí mật riêng cho các môn đệ mà thôi. Mục đích của Đức Giê-su khi đến trần gian là tỏ lộ chính mình là Con Thiên Chúa và làm chứng về Chúa Cha. Vậy tại sao Ngài lại ngăn cản, không cho các môn đệ tiếp tục bàn tán và loan truyền một câu trả lời đúng về Ngài? Có lẽ, nguyên do là vì các môn đệ chưa hiểu đúng ý nghĩa Đấng Mê-si-a là gì.
Đối với các môn đệ, khái niệm Đấng Mê-si-a hàm chứa một quyền lực mang tính chính trị, là người có sức mạnh giúp dân giải phóng khỏi ách thống trị của Đế quốc Roma. Đấng Mê-si-a mà dân Izrael đang mong chờ là Đấng có quyền năng thực hiện phép lạ vĩ đại, tương tự như Mô-sê đã thực hiện khi đưa dân vượt qua biển đỏ… Trong khi đó, đối với Đức Giê-su: Đấng Mê-si-a mang ý nghĩa là sự đau khổ và chịu chết. Có thể nói rằng, Phê-rô đã đại diện cho các môn đệ trả lời đúng câu hỏi của Đức Giê-su, nhưng chính Phê-rô cũng hiểu sai về câu trả lời ấy. Sự ngăn cản của Đức Giê-su trong việc cấm cản các môn đệ loan truyền rộng rãi Người là ai, là vì các môn đệ chưa hiểu được ý nghĩa thực sự khái niệm Đấng Mê-si-a là gì, cho đến khi họ chứng kiến việc Thầy mình chịu chết nhục nhã và phục sinh. Nói một cách khác, mặc dù trả lời đúng căn tính của Đức Giê-su, nhưng các môn vẫn chưa hiểu danh tính đức thực của Đức Giê-su và luôn luôn có nguy cơ rao giảng một thông điệp sai.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng Đức Giê-su biết rõ và hiểu đúng về căn tính của mình. Ngài không bị lóa mắt trước những lời tung hô có cánh của dân chúng dành cho mình. Ngài không bị lôi cuốn bởi những hào nhoáng bên ngoài của những người có vị trị và ảnh hưởng trên xã hội thời đó. Ngài cũng không bị những cái nhìn, cái đánh giá… của người cùng thời chi phối và làm mất tự do. Đức Giê-su nhận biết chỗ đứng của mình trong thế giới, không chỉ nhờ những ý kiến phản hồi từ người khác, mà còn nhờ những phút giây đi vào trong thinh lặng để lắng nghe lòng mình, lắng nghe tiếng Chúa Cha.
Trong giai đoạn khám phá căn tính của mình, các bạn trẻ được mời gọi mở ra để hiểu mình một cách sâu xa hơn. Tiến trình này đòi hỏi các bạn một sự kiên nhẫn và lòng quảng đại của con tim. Nghĩa là, biết lắng nghe những nhận xét của người khác, để thấy người khác hiểu về mình thế nào. Thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với những người khôn ngoan và đáng tin, để nhận ra và hiểu đúng khao khát thực sự nơi mình. Và nhất là đi vào tương quan với Đấng là Sự Thật, để ta không bị chi phối bởi các lời nói, nhãn mác hào nhoáng ở bên ngoài, mà nhận biết thực sự „ơn gọi” làm người của tôi là gì.
Cầu chúc cho các bạn trẻ lòng can đảm và tự tin bước vào đời. Mặc dù, tuổi trẻ thích sự sôi động và ồn ào, nhưng cũng cần những khoảnh khắc thinh lặng sâu lắng. Thinh lặng không phải là một cái gì đó thiếu thiếu, nhưng là phút giây để điều gì đó được sinh ra trong cõi lòng. Nhất là, mỗi khi phải quyết định và đưa ra chọn lựa trong cuộc sống, hãy tự hỏi chính mình: Tôi thực sự mong muốn điều gì? và mạnh dạn hỏi Đức Giê-su: „Con là ai trong mắt Ngài?”
Trần Văn Ngữ, SJ
…………..
[1] Anh em bảo Thầy là ai? (Mt 16,13-20)