“Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! " (Mt 14, 27)
Suy niệm 1
“Lạy Chúa, xin cứu con”!
-----------------------------------------
Một số người phàn nàn rằng tôi nói với Chúa rất nhiều, nhưng không bao giờ Chúa trả lời. Có phải là như vậy không? Không! Không phải thế! Chính Thiên Chúa nói với chúng ta trước qua các tiên tri và nhất là qua Con Yêu Dấu của Ngài. Ngài nói với chúng ta bằng ngôn ngữ nhân loại qua Tin Mừng. Chúng ta phải trả lời Ngài thì đúng hơn:
Tiên tri Êlia trong bài đọc I lấy khăn che mặt lại để đi gặp Chúa trong cơn gió nhẹ chứ không phải trong náo động ồn ào.
-Tin Mừng nói với chúng ta để chúng ta đi gặp gỡ Chúa,
-Tin Mừng nói với chúng ta để chúng ta được thanh thản và bình tĩnh hơn,
-Tin Mừng nói với chúng ta để nếu chúng ta đang trong tình trạng khốn cùng, hãy kêu lên Chuá một lời cầu cứu S.O.S “Lạy Chúa, xin cứu con”!
Sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu cần một sự thanh thản. Nhất là Ngài sợ trở nên một siêu sao, sợ dân Dothái chọn Ngài làm vua và làm người giải phóng dân tộc. Ngài yêu cầu các tông đồ phải rút lui vào nơi thanh vắng. Ngài tuyệt đối giữ thinh lặng trong thời gian này. Ngài ở nơi thanh vắng để cầu nguyện với Cha. Một mình Ngài với một mình Cha để Cha Con không giấu giếm gì nhau.
Liệu chúng ta có thể cảm nhận được cuộc đối thoại tình yêu này mà Chúa Giêsu vẫn thường sống trong mối tương quan say đắm với Cha Ngài không? Có lẽ Chúa Giêsu trình bày với Cha về sứ mệnh của Ngài hay nói chính xác hơn là Ngài hỏi Thánh Ý Cha thế nào: “Con làm như thế đã đủ chưa? Con có thể làm phép lạ cho tới lúc nào thì dừng lại?”. Và một điểm chắc chắn là Ngài nói với Cha về những người mà Ngài yêu mến: đó là các môn đệ của Ngài, các bệnh nhân và những người tội lỗi Ngài đã gặp.
Còn chúng ta, chúng ta có ý thức mình cần phải có những giây phút thanh thản, thinh lặng và tĩnh tâm không? Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cần phải tìm cho mình thời gian yên lặng. Yên lặng để cầu nguyện. Yên lặng để gặp gỡ Thiên Chúa, vì chưng “Thiên Chúa không ở trong gió bão… không ở trong cơn động đất, cũng không ở trong lửa, nhưng Ngài ở trong tiếng gió hiu hiu”. Yên lặng để cầu nguyện cho thế giới: tất nhiên để cầu cho gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, giáo họ và giáo xứ chúng ta, nhưng cũng phải cầu cho tất cả những nỗi lo lắng của Giáo Hội.
Tuy nhiên, cuộc đời của mỗi người chúng ta không phải lúc nào cũng phẳng lặng và thư thái... Khi kết thúc mấy ngày thư thái bình an trên núi, Chúa Giêsu lại gặp thấy các tông đồ đang ở trên một chiếc thuyền giữa biển bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Trên dòng đời, không phải chỉ có những chặng đường bình an phẳng lặng, mà đôi lúc chúng ta còn phải gặp những cơn sóng cồn…Chúa Giêsu đến với các tông đồ bằng con đường ngắn nhất, có nghĩa là Ngài đi trên mặt biển. Ngài đi trên mặt biển không phải là để chơi trò ma thuật phù thuỷ, Ngài không muốn nạt nộ các ông. Đúng hơn, Ngài chỉ cho các ông thấy rằng Ngài làm chủ các quyền lực của sự dữ, sự dữ không thể chiến thắng được Ngài, vì trong Kinh Thánh biển ám chỉ thế giới của giông bão, của quái vật và của quyền lực xấu xa.
Vì không nhận ra Chúa, các tông đồ hoảng hồn kêu lên: “Ma kìa”. Khi gặp sự khốn khó và thử thách, sự thường chúng ta không nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và còn kêu trách. Tệ hơn, là không tin Chúa nữa, rồi đi xem bói toán!
Nhận thấy các tông đồ quá sợ, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, Chúa Giêsu trấn an các ông và làm cho các ông không nản lòng: “Hãy an tâm, Thầy đây, đừng sợ”. Ngay lúc đó, Phêrô tự phụ và hăng hái, ông bước ra khỏi thuyền để làm như Thầy: đi trên quyền lực của sự dữ. Vì chưa ý thức mình yếu hèn, Phêrô đã nghi ngờ. Và thế là biển, quyền lực của sự dữ đã tước đoạt mất quyền của ông. Ông chìm xuống và quá sợ hãi, vì thế ông phải thốt lời cầu cứu S.O.S: “Lạy Thầy, xin cứu tôi”.
-Khi gặp khó khăn thất vọng về con cái, cầu nguyện sẽ giúp chúng ta nhẫn nại và cảm thông.
- Khi gặp trục trặc trong đời sống vợ chồng, cầu nguyện giúp chúng ta biết tha thứ.
-Khi gặp tang tóc, cầu nguyện giúp chúng ta hy vọng.
-Khi gặp tật bệnh, cầu nguyện giúp chúng ta bền bỉ chịu đựng.
-Khi gặp đau khổ, cầu nguyện giúp chúng ta biết nhận thức đúng đắn về thực tại. Đối với người biết cầu nguyện thì chẳng có gì là thất vọng và cũng chẳng có chi là buồn phiền cay đắng.
Chúng ta không được tính toán theo kiểu kinh tế về một thử thách đức tin nào đó: lãi làm lỗ bỏ. Nhiều khi phải từ bỏ tất cả thời gian cũng như tiền của để mà củng cố đức tin của mình. Muốn củng cố đức tin cần phải cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ cho phép chúng ta đương đầu với xáo trộn tạm thời. Cầu nguyện sẽ cho phép chúng ta làm quen với bóng tối. Lúc đầu chúng ta có thể không xem thấy gì, nhưng một lúc nào đó chúng ta lại bắt đầu xem thấy.
Cầu nguyện làm cho chúng ta khám phá ra mình còn yếu đuối và cần người cứu nạn. Khi khám phá ra mình yếu đuối, chúng ta sẽ ý thức được rằng tự chúng ta sẽ chẳng còn sức mạnh nào nữa, nhưng sức mạnh của Chúa Kitô lại ở trong chúng ta. Đức hồng y Etchegarry đã kể một giấc mơ của Ngài như sau:
Vào một đêm nọ, tôi mơ thấy mình cùng bước đi với Chúa trên bãi biển. Và trên bầu trời xuất hiện những bức tranh của cuộc đời tôi. Trong mỗi một bức tranh đó, tôi nhận thấy 2 lốt chân buớc đi trên cát: một lốt chân là của tôi và một lốt chân là của Chúa. Sau khi xem bức tranh cuối cùng, tôi quay về đằng sau để nhìn lại và nhận thấy rằng trong những giai đoạn buồn chán và khó khăn nhất của cuộc đời tôi, tôi chỉ quan sát thấy có một lốt chân. Tôi liền hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã nói với con rằng nếu con theo Chúa, Chúa sẽ bước đi với con, nhưng con nhận thấy rằng trong những lúc đau buồn nhất của đời con, con chỉ thấy có một lốt chân trên cát! Tại sao trong những lúc mà con rất cần Chúa, thì Chúa lại để con một mình?” Chúa trả lời: “Tại sao con lại nghi ngờ thế? Không bao giờ Cha bỏ con khi con phải chịu thử thách và đau khổ: khi con chỉ thấy một lốt chân, chính là lúc Cha cõng con trên lưng”.
Phần chúng ta, hãy tin tưởng chắc chắc rằng Chúa Kitô luôn ở cùng chúng ta. Ngài luôn hẹn gặp chúng ta khi chúng ta cầu nguyện. Nhất là Ngài ở với chúng ta khi chúng ta trong tình trạng khốn cùng. Trong mọi lúc, cầu nguyện luôn là cánh buồm lướt sóng cho phép chúng ta lướt trên những cuồng phong của cuộc đời.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=========================
Suy niệm 2
HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA
(1 V 19, 9.11- 13; Rm 9, 1- 5; Mt 14, 22- 33)
Bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, trình thuật việc Đức Giêsu giảng dạy dân chúng, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi họ. Sau đó là việc Đức Giêsu biến hình để củng cố lòng tin nơi các môn đệ và mặc khải cho các ông biết về hành trình theo Chúa thì phải trải qua đau khổ rồi mới đến vinh quang. Hôm nay, thánh Mátthêu cho biết Đức Giêsu truyền cho các ông sang bờ bên kia trước, còn Ngài ở lại giải tán dân chúng và sang sau. Đến rạng sáng thì Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến cùng các môn đệ.
Tại sao Đức Giêsu ở lại và các môn đệ phải đi trước? Sao không để các ông cùng giải tán và thu dọn…rồi thầy trò cùng xuống thuyền…? Và sao Đức Giêsu không đến, hiện diện ở trên thuyền ngay mà lại phải đi trên mặt nước…?
1. Ý nghĩa bài Tin Mừng
Thưa, vì quá thương xót dân chúng, nên Đức Giêsu đã tìm mọi cách để giúp dân được thỏa mãn cơn đói thể xác và chữa lành sự đau đớn thể lý cho những ai đang mang trên mình bệnh tật, đui hủi, què quặt…, đồng thời ban cho họ lương thực thần thiêng chính là những lời giáo huấn.
Vì thấy, Đức Giêsu là một người: “văn võ song toàn”, từ trước đến giờ chưa có trong lịch sử, họ không hiểu được vai trò của Đức Giêsu trong chương trình cứu chuộc mà Thiên Chúa Cha muốn. Vì thế, dân chúng có ý định tôn Ngài lên làm vua.
Việc họ muốn đây không có gì khác ngoài động lực thực dụng. Họ thấy Đức Giêsu đem lại cho họ cuộc sống ấm no, làm được những chuyện phi thường, và hy vọng giúp họ thống lãnh các miền phụ cận. Đây chính là động lực duy nhất của dân khi muốn tôn Ngài làm đế vương.
Họ nghĩ rằng điều họ muốn sẽ được Đức Giêsu chấp thuận. Tuy nhiên, dân chúng đâu có biết rằng lối suy nghĩ của họ đã bị sai lầm, vì sứ mạng Thiên Sai của Đức Giêsu không phải vậy. Sứ mạng của Ngài đến để cứu và chuộc những gì đã mất bằng chính cái chết chứ không phải quyền lực theo kiểu binh đao, cho nên, mọi hành vi, lời nói của Ngài phải hiểu trong vai trò là người Tôi Trung của Giavê.
Cảm và thấy được trước những điều mà dân chúng muốn nơi mình, nên Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ sang bờ bên kia trước. Phần vì muốn các ông nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc, phần vì muốn các ông không bị cuốn theo lối suy nghĩ của dân chúng mà sai đường trệch lối trong chương trình cứu độ mà Đức Giêsu muốn các ông tiếp bước.
Khi được lệnh, các ông vâng lời và trèo thuyền để sang bờ bên kia. Tuy nhiên, hành trình của các ông lần này không được suôn sẻ lắm.
Khi thuyền đã ra giữa biển thì bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Các ông đang phải vật lộn với hiểm nguy. Gần sáng, Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ. Nhưng khi vừa thấy Ngài, các ông tưởng là ma nên kêu la: "Ma kìa!".
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã trấn an các ông: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!".
Thật ra thì các môn đệ cũng là những người trần mắt thịt như chúng ta thôi. Các ngài cũng đâu thoát ra được cảnh yếu đuối mặc dù đã từng được Thầy của mình dạy dỗ, căn dặn và củng cố đức tin. Vì thế, không lạ gì khi khó khăn xảy đến, họ đâu còn nhớ gì đến quyền năng của Thầy, nên đâu có thể tin được là Thầy đang đi trước dẫn đường cho mình! Điều này chúng ta thấy rất rõ khi được Đức Giêsu trấn an, Phêrô đã thử Đức Giêsu bằng cách xin với Ngài: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Nhưng khi vừa được đến với Đức Giêsu để đi trên mặt biển, thì đức tin của ông đã bị thử thách, và ông đã không còn tin vào quyền năng của Thầy mình tuyệt đối nữa, vì vậy ông đã bị nhấn chìm dưới nước.
Lý do tại vì ông và ngay cả các môn đệ khác không có đủ nhạy bén để nhận ra và tin vào Chúa, bởi vì lòng các ông còn nặng trĩu những “tham, sân, si” không kém gì dân chúng.
Đó là ý nghĩa nội dung bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Nhưng điều mà chúng ta cùng nhau suy nghĩ, khám phá ra sứ điệp của Lời Chúa và đem ra thực hành mới là quan trọng.
2. Hiểu và sống Sứ Điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta 5 điều:
Thứ nhất, cuộc sống trên trần gian của chúng ta chỉ là tạm bợ, vì thế, trước tiên hãy tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự khác Chúa sẽ lo cho sau. Sẵn sàng khước từ hết tất cả những gì đi ngược lại với ơn cứu độ và khẳng khái từ bỏ những điều bất chính, quyền hành, nếu những điều đó không có ích lợi cho phần rỗi của chúng ta và niềm hy vọng của tha nhân. Cần can đảm vứt bỏ những rào cản làm chậm trễ hành trình thi hành sứ vụ của chúng ta trong cuộc sống đức tin. Noi gương Đức Giêsu, khi dân chúng tìm cách tôn mình lên làm vua, Ngài đã từ bỏ vì đó không phải là con đường cứu độ mà Chúa Cha muốn.
Thứ hai, khi thấy những nguy hiểm đến phần rỗi của anh chị em, chúng ta phải khôn khéo để giúp cho anh chị em mình thoát ra khỏi những cạm bẫy đang rình chờ. Biện pháp này đã được Đức Giêsu sử dụng khi nhìn thấy viễn cảnh không tốt cho các môn đệ khi các ông phải chứng kiến cảnh dân chúng tôn mình lên làm vua.
Tiếp theo, phải tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì Chúa đã nói: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!". Tin Chúa lúc vui cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như khi thất bại. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, chỉ có điều chúng ta không nhận ra hay cố tình lãng quên Ngài mà thôi.
Bên cạnh đó, hãy noi gương Đức Giêsu trong việc phục vụ. Càng làm lớn, càng phải phục vụ. Hình ảnh Đức Giêsu ở lại giải tán đám đông cho thấy: Ngài sẵn sàng phục vụ mọi người, trong khi công việc này lẽ ra phải là của các môn đệ.
Cuối cùng, Đức Giêsu nêu gương trong việc kết hợp giữa hoạt động và chiêm niệm. Nếu chỉ có hoạt động thì sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng “ngôn hành bất nhất” và hiệu quả của công việc không cao, mặt khác rất dễ rơi vào tình trạng kiêu ngạo tự phụ và khoe khoang. Khi cầu nguyện, ta biết tìm ra thánh ý Chúa và chỉ thực hành điều Chúa muốn mà thôi. Khi cầu nguyện, ta biết mình yếu đuối và cần đến ơn Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống khiêm tốn, quên mình để phục vụ anh chị em. Amen. Jos. Vinc. Ngọc Biển
===========================
Suy niệm 3
An Tâm Vì Luôn Có Chúa
(Mt 14, 22 - 33)
Chúa nhật vừa qua, chúng ta nghe thánh Matthêu thuật lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14, 13-21), tiếp theo là biến cố Chúa biến hình trên núi (x. Mt 17, 1-9) và hôm nay chúng ta nghe tiếp Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (x. Mt 14, 22-33).
Êlia và Phêrô là hai nhân vật nổi bật của tuần này. Êlia chứng kiến ba sự kiện trên trái đất là gió bão, động đất và lửa, Thiên Chúa đều không hiện diện ở đó. Giữa sức mạnh của vũ trụ với tiếng gió hiu hiu, Êlia phải học phân định để nghe thấy lời trong thinh lặng, hay trong chính bản thân mình (x.1 V 19, 9a. 11-13a).
Trước khi đề cập đến Phêrô, chúng ta không thể không nói đến các môn đệ được Chúa Giêsu "giục xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước " (14, 22), còn dân chúng, những người Do thái được giải tán, theo một nghĩa nào đó, họ là " những người ở bên này". Việc các môn đệ phải "sang bờ bên kia", nghĩa là các ông phải vượt qua những thực tại hữu hình, tạm thời của thân xác, bước sang sự vĩnh cửu vô hình. Dĩ nhiên, các ông không thể cập bờ bên kia trước Chúa Giêsu ; các ông phải trải qua kinh nghiệm không có Thầy, họ không thể tới bến bình an.
Có chuyện gì mà Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải xuống thuyền ? Phải chăng là để chống lại cơn cám dỗ và các tình huống khó khăn ? Chắc chắn có một cơn giống tố trong lòng các ông và ở biển hồ Galilêa. Vì chưa hiểu dấu chỉ phép lạ hóa bánh ra nhiều, nên các ông đã theo dân chúng muốn tung hô Chúa làm vua ! Giờ đây họ cảm thấy thế gian sợ hãi và xao xuyến biết bao !
"Người lên núi cầu nguyện một mình " (Mt 14, 23). Người cầu nguyện cho ai ? Chắc chắn là cho dân chúng vừa giải tán, sau khi đã được ăn bánh no nê, họ không biết phải làm gì. Chúa Giêsu cũng cầu cho các môn đệ, ở giữa biển khơi đang bị kiệt sức bởi sóng đánh vì ngược gió khỏi mọi sự dữ. Chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha mà các môn đệ không bị chìm vì sóng to gió lớn.
Còn Phêrô, được Chúa Giêsu mời gọi bằng kinh nghiệm đức tin. Ông xin Thầy cho được đi trên mặt nước (x. Mt 14, 28). Chúa Giêsu đã ban cho ông quyền đi trên biển. Biển, tượng trưng cho mãnh lực của sự dữ và sự chết ; Chúa Giêsu đi trên mặt biển, là đi trên sự chết, thể hiện sự chiến thắng của Người trên sự dữ và sự chết. Toàn bộ mầu nhiệm Phục sinh là ở chỗ Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và biển cả. Theo quan niệm của người Do thái, biển là sào huyệt của sự chết. Đi trên biển là liều chết. Chính sự rủi ro này mà khi Phêrô đáp lại lời gọi của Chúa Giêsu, "xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước" (Mt 14, 29), là ông giẫm chân trên sự chết. Nên không có lạ, khi ông nghi ngờ.
Chỉ khi Phêrô tin và phó thác vào Thầy, ông mới có thể đi trên mặt nước. Ông bị chìm xuống lúc ông nghi ngờ. Thấy gió mạnh, ông sợ, sự sợ hãi trước tai ương của thế gian này lại giúp cho ông tin vào quyền năng của Thầy. Chính lúc ông thôi tin vào Chúa, ông mất quyền đi trên biển, và chìm xuống. Khi đi được trên mặt nước chứng tỏ Phêrô tin, lúc chìm xuống cho thấy ông không tin. Thật là đức tin ngược đời, vì chính lúc ông không cậy dựa vào Chúa, ông bị chìm, ông lại kêu Chúa cứu.
Với lời kêu cứu của Phêrô: "Lạy Thầy, xin cứu con! " (Mt 14, 30) Chúa Giêsu đáp lại bằng cử chỉ và lời. Người giơ tay nắm lấy ông và trách: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" (Mt 14, 31) Khi gió thổi mạnh, nỗi sợ hãi và nghi ngờ về quyền năng của Chúa đột nhập vào Phêrô, một con người yếu lòng tin. Cứu ông lên khỏi nước, Chúa Giêsu dạy ông rằng, tình thầy trò không phải là đức tin của người môn đệ, nhưng là lòng trung thành của Thầy. Cảnh tượng trên phơi bày sự cao cả cũng như thấp hèn của người môn đệ. "Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14, 32-33). Quả thật, niềm tin vào Con Thiên Chúa chỉ có được sau một hành trình dài của đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.
Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trên biển : "Thầy đây, đừng sợ. Ma đâu có xương có thịt như Thầy có đây", cũng là lời Chúa nói với các ông sau khi Chúa phục sinh "Tại sao các con run sợ, tại sao các con nghi ngờ… chính Thầy đây, hãy xem tay chân Thầy đây". Hai khung cảnh khác nhau về thời gian nhưng đều có một điểm chung là run sợ, kém lòng tin và nghi ngờ, cả hai lần Chúa Giêsu đều khẳng định "chính Thầy đây mà" (x. Lc 24 ; Mt 14).
Ở cuối trình thuật, các môn đệ được mô tả là những người tin khi sấp mình xuống thờ lạy Chúa. Còn Phêrô, mỏng giòn, yếu đuối, Chúa Giêsu lại trao Giáo hội cho ông. Chúa Giêsu sẽ đồng hành cùng Giáo hội. Như Phêrô, người yếu tin, chúng ta cần có bàn tay của Chúa kéo chúng ta lên, bước vào con thuyền Giáo hội để sang bờ bên kia.
Phần chúng ta, nếu một ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu buộc chúng ta xuống thuyền ; từ bờ bên này sang bờ bên kia không thể không có sóng gió. Và khi chúng ta thấy những khó khăn, vất vả, mệt nhọc giữa đời vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy vững tin rằng, Con Thiên Chúa sẽ đi trên mặt nước đến gần chúng ta, giơ tay kéo chúng ta lên; Chúa chỉ mong đợi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.
Lạy Mẹ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để giữa bao bận tâm, lo lắng, khó khăn giữa biển cả cuộc đời đang làm chúng con dao động, chúng con vẫn nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu, Con Mẹ : "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ! " ( Mt 14, 27) Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ