Thứ sáu, 27/12/2024

Đức Giêsu Kitô - Đường Quyền Năng

Cập nhật lúc 08:27 02/02/2021

Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (14)
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 02 năm 2021
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ: ĐƯỜNG QUYỀN NĂNG

+ Pet. Nguyễn Văn Viên
Các bạn trẻ thân mến,
Tháng Một vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Bình An. Tháng Hai này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Quyền Năng. Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, do đó, những thuộc tính của Thiên Chúa cũng là những thuộc tính của Người. Vì yêu thương nhân loại trong cảnh tội lỗi và sự chết thống trị, Đức Giê-su đã đi Đường Quyền Năng của Thiên Chúa đến với nhân loại để giải thoát và cứu độ tất cả mọi người.
Theo nghĩa chung nhất, 'quyền năng' được hiểu như là khả năng đem lại sự biến đổi hay hiệu quả nào đó nơi con người, sự vật, hiện tượng, biến cố. Có nhiều từ mang nghĩa tương tự 'quyền năng' như: quyền lực, quyền thế, quyền hạn, quyền uy, quyền bính, tài năng, sức mạnh, năng lực, thẩm quyền. Quyền năng gắn liền với cá nhân cũng như cộng đoàn, chẳng hạn, người nào đó hay cộng đoàn nào đó có quyền năng. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng người ta có thể dùng quyền năng để nâng đỡ, hướng dẫn và nuôi dưỡng người khác. Tuy nhiên, người ta cũng có thể dùng quyền năng để áp bức, kiểm soát hay khai thác người khác.
Quyền năng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống con người, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, từ đời sống văn hóa đến đời sống tôn giáo, từ đời sống xã hội đến đời sống cá nhân. Các hình thức quyền năng cũng thật đa dạng, chẳng hạn như quyền năng khoa học, quyền năng công nghệ, quyền năng giáo dục, quyền năng ngoại giao, quyền năng thông tin truyền thông, quyền năng danh tiếng, quyền năng nghệ thuật, quyền năng cái đẹp. Là con người, ai cũng muốn có càng nhiều quyền năng càng tốt, quyền năng càng mạnh càng hay, nhằm tạo uy thế cho bản thân, thể hiện sự vượt trội của mình so với người khác hay để phục vụ mọi người.
Theo mặc khải Ki-tô Giáo, Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng (El Shaddaï/ Almighty/ Tout-puissant). Câu đầu tiên của Kinh Tin Kính: "Tôi tin Kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất". Người vừa là Đấng Sáng Tạo vừa là Cha giàu lòng thương xót. Muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo được hiện hữu, duy trì, phát triển và thành toàn nhờ quyền năng Người. Quyền năng Thiên Chúa mạnh mẽ hơn các hình thức quyền năng của thế giới bóng đêm, ma quỷ, tội lỗi hay sự chết (1 Cr 15,55-57). Hơn nữa, tất cả các hình thức quyền năng đích thực trong thế giới thụ tạo đều thuộc về Thiên Chúa và phát xuất từ Người (Rm 13,1; 2 Cr 4,7). Đồng thời, con người được mời gọi đón nhận quyền năng Thiên Chúa để biến đổi bản thân, biến đổi môi trường sống và chăm sóc thế giới thụ tạo.
Theo Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa Toàn Năng sáng tạo muôn vật muôn loài từ hư vô (nothingness). Những chương đầu của sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng con người vừa là đỉnh cao, vừa là trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo, nhưng con người đã bất phục tùng Thiên Chúa và tội lỗi đã xâm nhập trần gian (St 1,1-3,24). Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người và mặc khải ý định giải thoát con người khỏi án phạt đời đời. Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham, để từ ông, Người thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Áp-ra-ham và hậu duệ của ông được Thiên Chúa chọn làm 'Dân Riêng' của Người, đồng thời, Thiên Chúa biểu dương quyền năng để cứu Dân này thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, Ba-by-lon cũng như các cường quốc lân cận. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến với gia đình nhân loại. Chính Đức Giê-su đã đi Đường Quyền Năng Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.
Những câu đầu tiên trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an cho chúng ta biết được quyền năng lớn lao của Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa, bởi vì: "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành" (Ga 1,3). Cũng theo thánh Gio-an: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1,10). Thánh Phao-lô thì minh định quyền năng của Đức Giê-su như sau: "Trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình" (Cl 1,16). Còn tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: "Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật" (Dt 1,2-3). Những trích đoạn này gợi lên trong chúng ta hai trình thuật sáng tạo của sách Sáng Thế (St 1,1-2,25).
Trong Biến Cố Truyền Tin, khi Đức Ma-ri-a phân vân về việc mang thai mà không có sự tham dự của người nam, sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35). Sau khi giải thích, sứ thần tiếp tục nói với Đức Ma-ri-a: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lc 1,37). Vui sướng vì hồng ân cao cả của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a đã cất lên bài ca 'Ngợi Khen' (Magnificat), trong đó có câu: "Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!" (Lc 1,49). Như vậy, đối với Thiên Chúa Toàn Năng, mọi sự đều có thể. Trong hành trình dương thế, nhất là ba năm loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã thực thi nhiều phép lạ và dấu chỉ, chẳng hạn như chữa bệnh, trừ quỷ, kiểm soát mãnh lực thiên nhiên, tha tội, hồi sinh kẻ chết, hầu minh chứng rằng Người từ Thiên Chúa mà đến và quyền năng của Người là quyền năng Thiên Chúa.
Đức Giê-su diễn tả quyền năng của Người qua việc chữa trị những người đau yếu, nhất là bị những căn bệnh mà tại thời điểm đó không ai chữa được. Chẳng hạn, Đức Giê-su chữa một người bị bệnh phong hủi (Mt 8,1-4). Anh đã bất chấp những cấm đoán của xã hội Do-thái để đến với Đức Giê-su và xin Người cứu chữa. Lời cầu xin của anh đã lay động trái tim Đức Giê-su và Người không chỉ chữa bệnh cho anh bằng quyền năng mà còn đụng chạm đến da thịt đầy vết thương của anh nữa. Trong bối cảnh xã hội Do-thái thời Đức Giê-su, những người phong hủi phải lánh xa cộng đồng, sống nơi cô quạnh, khi có ai tiếp cận thì phải hô lên ‘ô uế, ô uế’ để họ không được lại gần, kẻo bị lây bệnh, thậm chí những người phong hủi còn phải đeo chuông cảnh báo để người khác tránh tiếp xúc. Việc Đức Giê-su đụng chạm đến da thịt và chữa lành người phong hủi thể hiện lòng thương xót và quyền năng của Người.
Đức Giê-su diễn tả quyền năng của Người qua việc trừ quỷ. Chẳng hạn, thánh Mác-cô trình thuật rằng có một người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20). Anh ta hung hăng đến nỗi không ai có thể kiểm soát được. Khi gặp anh ta, Đức Giê-su phán: "Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!" (Mc 5,8). Sau đó, Đức Giê-su hỏi tên thì nó thưa: "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm" (Mc 5,9). Được phép Đức Giê-su, chúng nhập vào bầy heo, rồi cả bầy heo lao xuống biển và chết ngộp (Mc 5,13). Sau đó, anh ta xin theo Đức Giê-su thì Người bảo: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào" (Mc 5,19). Như vậy, Đức Giê-su vừa xua đuổi quỷ khỏi nạn nhân, vừa biến nạn nhân thành khí cụ loan báo Tin Mừng của Người.
Đức Giê-su diễn tả quyền năng của Người qua việc kiểm soát mãnh lực thiên nhiên. Chẳng hạn, thánh Gio-an trình thuật dấu lạ Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (Ga 6,16-21). Theo thánh nhân, sau khi hóa bánh ra nhiều cho hơn 5000 người ăn, Đức Giê-su lên núi một mình. Chiều đến, các môn đệ xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um. Họ gặp phải sóng to gió lớn giữa Biển Hồ Ga-li-lê. Lúc đó, Đức Giê-su đi trên mặt biển và tới gần các môn đệ. Họ hoảng sợ, nhưng Đức Giê-su nói với họ: "Thầy đây mà, đừng sợ!" (Ga 6,20). Đức Giê-su diễn tả quyền năng đặc biệt của Người: (1) Trong đêm tối và ở xa các môn đệ, nhưng Đức Giê-su nhận ra các môn đệ đang trong hoàn cảnh nguy hiểm, (2) Đức Giê-su đã đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ, (3) với sự xuất hiện của Đức Giê-su thì trời yên biển lặng.
Đức Giê-su diễn tả quyền năng của Người qua việc tha thứ tội lỗi. Chẳng hạn, thánh Lu-ca trình thuật rằng có một người bị bại liệt được bốn người khiêng đến nhờ Người trợ giúp (Lc 5,17-26). Vì dân chúng qui tụ đông đảo, họ không thể đem người này đến gần Đức Giê-su. Họ đã dỡ mái nhà, thả người bại liệt đang nằm trên giường tới chỗ Người. Thấy vậy, Đức Giê-su nói với anh ta: "Này anh, anh đã được tha tội rồi" (Lc 5,20). Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư hết sức bỡ ngỡ vì họ biết rằng chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Đọc được ý nghĩ của họ, Đức Giê-su nói: "Trong hai điều, một là bảo 'anh đã được tha tội rồi', hai là bảo 'đứng dậy mà đi', điều nào dễ hơn? (Lc 5,23). Sau đó, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!" (Lc 5,24). Người bại liệt làm theo lời Đức Giê-su, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giê-su đã quan tâm đến tình trạng tội lỗi trước tình trạng bại liệt của người bệnh. Với Người, bại liệt tâm hồn nghiêm trọng hơn bại liệt thể xác, bởi vì bại liệt tâm hồn gây tổn thương mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.
Đức Giê-su diễn tả quyền năng của Người qua việc hồi sinh kẻ chết. Theo các sách Tin Mừng, trong thời gian ba năm rao giảng, Đức Giê-su đã thực hiện ba phép lạ hồi sinh kẻ chết: con trai duy nhất của bà góa thành Na-in (Lc 7,11-17), con gái ông Gia-ia (Mc 5,21–43) và La-da-rô (Ga 11,1-44). Cả ba phép lạ Đức Giê-su thực hiện giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quyền năng của Người, Đấng không chỉ chữa bệnh, trừ quỷ, kiểm soát mãnh lực thiên nhiên, tha tội, mà còn làm những điều vĩ đại hơn thế nữa. Hồi sinh kẻ chết là dấu chỉ mạnh mẽ giúp các môn đệ thân cận và những ai theo Đức Giê-su chuẩn bị tinh thần đón nhận Tin Mừng trọng đại nhất cho gia đình nhân loại: Tin Mừng phục sinh. Đức Giê-su phục sinh, Người chiến thắng sự chết để mở đường cho tất cả những ai tin tưởng và yêu mến Người tiến vào môi trường sự sống vĩnh cửu là Nước Thiên Chúa (1 Cr 2,9).
Quyền năng Đức Giê-su thường được diễn tả với sự cộng tác chân thành của con người. Chẳng hạn, sau khi chịu Phép Rửa bởi Gio-an Tẩy Giả và trải qua bốn mươi đêm ngày ăn chay cầu nguyện, Đức Giê-su trở về quê hương là Na-da-rét, Người vào hội đường chia sẻ Lời Chúa. Nhiều người ở Na-da-rét nghi ngờ căn tính của Người và không sẵn lòng đón nhận. Đức Giê-su gợi lại cho họ câu chuyện ông Na-a-man, người xứ Xy-ri-a trong Cựu Ước (2 V 5,1-15). Ông này đã được khỏi bệnh phong hủi nhờ tắm bảy lần ở sông Gio-đan theo lời ngôn sứ Thiên Chúa là Ê-li-sa. Vào thời đó, có rất nhiều người bị bệnh phong hủi ở Ít-ra-en nhưng không ai được chữa khỏi. Tại sao vậy? Thưa, tại vì những người ở Ít-ra-en không nghe theo Lời Thiên Chúa, không cộng tác với Thiên Chúa. Tương tự như vậy, khi Đức Giê-su xuất hiện, nhiều người ở Ít-ra-en đã không cộng tác với Đức Giê-su trong việc chữa trị bệnh tật tâm hồn, bệnh tật thể xác của mình. Những người Ít-ra-en tưởng rằng họ là Dân Riêng của Thiên Chúa, mặc nhiên, họ được Thiên Chúa cứu chữa. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho họ biết rằng danh xưng là Dân Riêng của Thiên Chúa chưa đủ, họ cần phải lắng nghe và thực thi Lời Thiên Chúa nữa.
Trong hành trình loan báo Tin Mừng, thông thường, sau khi Đức Giê-su thực hiện những phép lạ hay dấu chỉ, Người dặn những kẻ chứng kiến đừng cho ai biết. Tại sao Đức Giê-su dặn họ như vậy? Thưa, vì Người không muốn dân chúng hiểu sai sứ mệnh chính yếu của Người, Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại. Đối với những người Do-thái thời Đức Giê-su, họ trông đợi Đấng Mê-si-a theo 'khuôn mẫu Đa-vít', Đấng Mê-si-a 'đánh Đông dẹp Bắc', đem lại hòa bình, thịnh vượng cho dân tộc họ, Dân Riêng của Thiên Chúa. Trong khi đó, Đức Giê-su diễn tả mình là Đấng Mê-si-a không chỉ cho Dân Do-thái mà còn cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su chỉ được diễn tả cách đầy đủ với Biến Cố Vượt Qua, đặc biệt, với sự chết và phục sinh của Người.
Đức Giê-su thực thi quyền năng mạnh mẽ của Người đối với những người đau khổ, bệnh tật, yếu đuối, dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, Người lại không thực thi quyền năng vốn có của Người cho mình. Nói cách khác, Đức Giê-su không dùng quyền năng để tìm vinh quang cho mình nơi trần thế, nhưng Người vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha để cứu độ muôn người (Mt 4,3-7; Ga 5,30; Ga 8,50; Ga 17,14). Người đã chịu đau khổ và chịu chết để tham dự vào những đau khổ và sự chết của tất cả mọi người. Quyền năng Đức Giê-su thực hiện cho chính mình là quyền năng trút bỏ, chứ không phải quyền năng sở hữu; quyền năng khiêm hạ, chứ không phải quyền năng tự cao; quyền năng phục vụ, chứ không phải quyền năng được phục vụ; quyền năng tha thứ, chứ không phải quyền năng hạch tội; quyền năng tháo cởi, chứ không phải quyền năng trói buộc. Đây thật là điều khó hiểu không chỉ đối với những người trong quá khứ mà còn đối với tất cả mọi người hôm nay và luôn mãi. Quả thật, Đấng Mê-si-a chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá không phải là câu trả lời cho những người khôn ngoan như những người Hy-lạp, cũng không phải là câu trả lời cho những người ham thích dấu lạ như những người Do-thái, nhưng là câu trả lời cho những ai luôn thâm tín rằng đường lối Thiên Chúa siêu vượt đường lối con người và tư tưởng Thiên Chúa siêu vượt tư tưởng con người (Is 55,8-9; 1 Cr 1,22-25).
Hơn ai hết, thánh Phao-lô thấu hiểu quyền năng Đức Giê-su, sống nhờ quyền năng Đức Giê-su và diễn tả quyền năng đó qua kinh nghiệm của ngài. Với các tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30). Thật ngược đời! Trong gia đình nhân loại có ai tự hào về những yếu đuối của mình đâu? Người ta thường tự hào về sự khôn ngoan, thông minh, mạnh mẽ, giàu có, nhan sắc hay những gì mình trổi vượt hơn so với người khác. Thánh Phao-lô tự hào về sự yếu đuối của mình, bởi vì thánh nhân cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa thể hiện qua sự nghèo hèn và yếu đuối của Đức Giê-su. Người nghèo hèn đến nỗi được sinh ra trong máng cỏ súc vật, được sưởi ấm bởi hơi thở chiên bò trong đêm đông giá rét. Người yếu đuối đến nỗi chịu đóng đinh trên cây thập giá, đồng thời, chấp nhận cái chết đau đớn và khổ nhục nhất mà con người có thể chứng kiến trong lịch sử nhân loại. Vì thế, thánh Phao-lô viết: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).
Khởi đầu việc loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã tuyển chọn các môn đệ và dạy dỗ họ để họ đồng hành và tiếp tục chương trình của Người cho muôn dân nước. Cách thức tuyển chọn môn đệ của Đức Giê-su khác biệt so với cách thức tuyển chọn môn đệ của những người đương thời trong xã hội Do-thái hay các hình thức xã hội khác trong gia đình nhân loại. Người không chọn những người trổi vượt về sự khôn ngoan, tài giỏi, thông minh hay đạo đức. Người không chọn những người thuộc linh tông, huyết tộc của hàng tư tế, kinh sư, luật sĩ trong xã hội Do-thái. Người chọn các môn đệ theo cách Người muốn và biến đổi họ theo cách Người cần. Đặc biệt, Người hoàn toàn tôn trọng tự do của họ, tự do đến nổi ‘bán Người cho quân dữ’ như trường hợp Giu-đa Ít-ca-ri-ốt.
Nhờ quyền năng Đức Giê-su biến đổi, các môn đệ nguyên là những người yếu đuối, mọn hèn và hạn chế trăm chiều đã trở thành những người mạnh mẽ, can đảm làm chứng cho quyền năng Người. Khi sai họ ra đi, Người nói với họ: "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy" (Lc 10,16). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su dặn họ: "Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa” (Ga 14,12). Sau khi sống lại, Người nói: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23). Các môn đệ đã lãnh nhận quyền năng của Đức Giê-su và thực thi theo quyền năng đó, chẳng hạn, thánh Phê-rô nói với một người què khi người này xin thánh nhân bố thí: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!...Anh đứng phắt dậy, đi lại được…vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa” (Cv 3,6-8).
Như các môn đệ xưa kia, hôm nay, tất cả chúng ta cũng được mời gọi lãnh nhận quyền năng Đức Giê-su. Quyền năng cho phép chúng ta sống xứng đáng là những hữu thể được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Quyền năng cho phép chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Đồng thời, quyền năng cho phép chúng ta được biến đổi không ngừng để ngày càng hoàn thiện hơn trong hành trình về với Nước Thiên Chúa viên mãn. Đặc biệt, chúng ta luôn được mời gọi giới thiệu Đường Quyền Năng Đức Giê-su cho anh chị em mình, để quyền năng ấy luôn được lan tỏa và sống động trong môi trường nhân loại.
Chúng ta thâm tín rằng không ai có thể loan báo Đường Quyền Năng Đức Giê-su nếu Người đó không đón nhận quyền năng của Người và không được quyền năng của Người hướng dẫn. Như vậy, vấn đề chính yếu mà chúng ta cần quan tâm là đón nhận quyền năng Đức Giê-su, sống quyền năng Đức Giê-su và loan báo quyền năng Đức Giê-su cho anh chị em chúng ta. Trong nhãn quan của thánh Phao-lô, Đường Quyền Năng Đức Giê-su là Đường Cứu Độ. Gửi thư cho tín hữu Phi-líp-phê, thánh nhân viết: “…Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11).
Nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng quyền năng Đức Giê-su đã vang vọng và chạm đến tất cả mọi người cùng muôn vật muôn loài từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Đây chính là quyền năng của Giao Ước Mới, Giao Ước Vĩnh Cửu, được Đức Giê-su thiết lập để giải phóng con người và muôn vật muôn loài khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và sự chết. Quyền năng Đức Giê-su là quyền năng mạnh mẽ nhất, đồng thời là quyền năng chung quyết, quyền năng thực hiện một lần cho tất cả, nhằm khôi phục và gia tăng phẩm giá con người, đồng thời biến đổi muôn vật muôn loài (Rm 8,18-25).
Như đã được đề cập ở trên, các hình thức quyền năng đích thực trong thế giới thụ tạo, kể cả quyền năng hay năng lực tự nhiên đều diễn tả quyền năng Thiên Chúa, quyền năng Đức Giê-su. Trong cuộc thương khó, Phi-la-tô nói với Đức Giê-su: "Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?" (Ga 19,10). Đức Giê-su trả lời: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn" (Ga 19, 11). Thấm nhuần nội dung đức tin Ki-tô Giáo, Công Đồng Vatican II khẳng định: “Người Kitô hữu không những không coi các công trình do con người dùng tài năng và sức lực riêng để thực hiện là chống đối quyền năng của Thiên Chúa, không coi thụ tạo có lý trí như một địch thủ của Tạo Hóa, mà lại xác tín rằng các thắng lợi của nhân loại là dấu hiệu biểu dương Thiên Chúa cao cả và là kết quả của ý định khôn lường của Ngài” (Gaudium et Spes 34). Nói cách khác, quyền năng đích thực trong thế giới hữu hình hay vô hình, thế giới tự nhiên hay thế giới loài người, đều diễn tả quyền năng Thiên Chúa.
Đức Giê-su không bao giờ phủ nhận hay lên án các hình thức quyền năng trong thế giới thụ tạo. Giáo lý quyền năng của Người có thể tóm lược như sau: (1) Các hình thức quyền năng trong thế giới thụ tạo đều qui phục quyền năng Thiên Chúa, (2) các hình thức quyền năng trong thế giới thụ tạo là để phục vụ con người và (3) các hình thức quyền năng trong thế giới thụ tạo nhằm gia tăng phẩm giá con người. Do đó, tất cả mọi người luôn được mời gọi qui hướng về Thiên Chúa, dấn thân phục vụ anh chị em mình và tôn trọng phẩm giá con người. Khi Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc cũng là khi quyền năng Thiên Chúa trong môi trường nhân loại được diễn tả cách đúng đắn và phát huy tác dụng.
Là con người, ai cũng được Thiên Chúa phú ban một số hình thức quyền năng nào đó. Tuy nhiên, nhiều người không ý thức đủ rằng mình luôn dưới quyền năng của 'ai đó'. Câu chuyện ông đại đội trưởng khiêm tốn gặp gỡ Đức Giê-su ở Ca-phác-na-um trong Tin Mừng là bài học quí‎ báu cho tất cả mọi người về việc sử dụng quyền năng của mình và nhìn nhận quyền năng Thiên Chúa được thực hiện trong Biến Cố Đức Giê-su (Mt 8,5-13). Do đó, vấn đề quan trọng là mọi người luôn ý thức về thân phận mình để sử dụng quyền năng cách phù hợp nhất nhằm diễn tả đúng hơn căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình giữa dòng đời, đồng thời, góp phần xây dựng các hình thức cộng đoàn nơi mình hiện diện ngày càng phát triển tốt đẹp hơn theo thánh ý Thiên Chúa.
Lịch sử nhân loại cho chúng ta nhận thức rằng con người không ngừng tìm kiếm quyền năng để kiểm soát môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Con người không ngừng tìm kiếm quyền năng để kiểm soát các nguồn lực thiên nhiên hay làm chủ thiên nhiên. Con người không ngừng tìm kiếm quyền năng để kiểm soát thể diện, sức khỏe hay sự ưu việt của mình so với người khác. Con người không ngừng tìm kiếm quyền năng để kiểm soát danh tiếng bản thân, gia đình, dòng tộc mình. Con người không ngừng tìm kiếm quyền năng để có thể sở hữu đất đai, nhà cửa hay tiền bạc càng nhiều càng tốt. Nói cách khác, con người không ngừng tìm kiếm quyền năng để cuộc sống mình ngày càng sung mãn hơn, đồng thời, gia tăng những gì tốt đẹp, giảm thiểu những gì nguy hại, hầu duy trì tình trạng mãn nguyện của mình càng lâu càng tốt.
Một trong những vấn đề nan giải của xã hội loài người qua muôn thế hệ là việc lạm dụng quyền năng. Hậu quả là trong khi một số người được hưởng lợi lộc, một số khác trở thành nạn nhân. Nhiều người sử dụng quyền năng để thỏa mãn tính ích kỷ của bản thân hay phe nhóm mình hơn là vì lợi ích chung. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng quyền năng đích thực bổ dưỡng và thăng tiến con người, trong khi lạm dụng quyền năng sẽ làm tiêu hao sức lực, trí tuệ và nhuệ khí của anh chị em mình. Kinh nghiệm lịch sử minh chứng rằng quyền năng đến với người khác, quyền năng cho người khác hay quyền năng phục vụ người khác thì đáng trân quí và bền vững hơn quyền năng cho bản thân mình, quyền năng cho những ai thuộc về mình hay quyền năng thống trị độc đoán. Quyền năng hy sinh bản thân, quyền năng khiêm hạ, quyền năng quì gối đem lại bình an và hạnh phúc cho muôn người trong khi quyền năng thể hiện mình, quyền năng kiêu căng, quyền năng bắt nạt người khác chỉ dẫn đến tai họa.
Lịch sử nhân loại từ cổ chí kim cũng minh chứng rằng không có hình thức quyền năng nào trong thế giới thụ tạo có thể đem lại đời sống bình an và thịnh vượng luôn mãi cho con người hay đáp ứng những kỳ vọng liên lỉ của con người về tình yêu, sự thật và sự thiện. Không có quyền năng nào trong thế giới thụ tạo có thể điều chỉnh cách hài hòa tuyệt đối các vấn đề nảy sinh trong xã hội loài người. Không có quyền năng nào trong thế giới thụ tạo có thể làm cho tâm hồn con người được thanh sạch hay được thánh thiện luôn mãi. Không có quyền năng nào trong thế giới thụ tạo có thể loại trừ các hình thức sự dữ trong gia đình nhân loại. Không có quyền năng nào trong thế giới thụ tạo có thể làm cho con người khỏi chết hay gìn giữ vũ trụ khỏi phải tàn lụi. Không có quyền năng nào trong thế giới thụ tạo có thể trở thành tiêu chuẩn qui chiếu cho đời sống luân lý của con người hay có thể đem lại sự sống vĩnh cửu cho con người.
Sự tàn phá và ảnh hưởng của Covid-19 đối với tất cả mọi người trên thế giới trong thời gian vừa qua giúp chúng ta ý thức hơn về quyền năng con người. Sự tầm thường, nhỏ bé, yếu đuối của Covid-19 đã thách thức tài năng, sự vĩ đại và mạnh mẽ của con người trên mọi phương diện. Ngoài Covid-19, còn biết bao thực thể khác nữa luôn đe dọa sự sống còn của gia đình nhân loại. Quả thật, con người thật kỳ diệu nhưng cũng rất mọn hèn, thật thông minh nhưng cũng rất giới hạn, thật mạnh mẽ nhưng cũng rất yếu đuối. Con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể luôn canh cánh lo âu trước các hình thức đau khổ, sự dữ cũng như những đe dọa từ nhiều thực thể khác trong môi trường thế giới thụ tạo.
Với Kỷ Nguyên Ánh Sáng (the Age of Enlightenment), nhiều người lầm tưởng rằng quyền năng lý trí con người là vô hạn và trong tương lai, con người sẽ trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến bản thân mình cũng như muôn vật muôn loài. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hôm nay, không ai chủ trương như vậy. Quả thật, quyền năng lý trí, quyền năng tri thức hay bất cứ hình thức quyền năng nào của con người đều hữu hạn. Những câu hỏi mà con người đặt ra luôn nhiều hơn những câu trả lời. Điều này có nghĩa rằng tự thân con người không bao giờ hiểu thấu ngọn nguồn của mình, của thế giới vi mô, của thế giới vĩ mô và các tương quan trong đó.
Con người thường xuyên đối diện với nhiều hình thức sợ hãi, bất an. Cuộc sống con người đầy dẫy những điều không chắc chắn. Tuy nhiên, con người nhận thức được hai điều chắc chắn: (1) Ai cũng phải chết và (2) vũ trụ này sẽ đến lúc không còn nữa. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng chỉ có quyền năng Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giê-su mới giải thoát và cứu độ con người. Chương trình tình yêu của Thiên Chúa là qui tụ con người cũng như muôn vật muôn loài dưới quyền một Thủ Lãnh Tối Cao là Đức Giê-su (Ep 1,9-10).
Chúng ta có thể kết luận rằng quyền năng Đức Giê-su cũng chính là tình yêu và lòng thương xót của Người. Đức Giê-su đã đi Đường Quyền Năng giữa lòng nhân thế. Người đã diễn tả quyền năng của Người qua việc chữa bệnh, trừ quỷ, khống chế mãnh lực thiên nhiên, tha tội và hồi sinh kẻ chết. Người đã vâng phục Thiên Chúa, trút bỏ chính mình, chịu đau khổ, chịu chết để giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết. Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy ý thức ba điểm chính yếu sau: (1) Quyền năng Đức Giê-su vượt trên sự hiểu biết của con người, (2) chúng ta được mời gọi đón nhận quyền năng Đức Giê-su và (3) chúng ta được mời gọi giới thiệu quyền năng Đức Giê-su cho mọi người. Đức Giê-su đã phục sinh và lên trời, tuy nhiên, trong Chúa Thánh Thần, quyền năng Đức Giê-su luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội, nơi mỗi người và giữa muôn vật muôn loài của thế giới thụ tạo. Quyền năng Đức Giê-su tiếp tục là sức mạnh sáng tạo, gìn giữ và định hướng muôn vật muôn loài theo chương trình của Thiên Chúa.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log