Trong xã hội mà người ta quá đề cao tự do cá nhân thì hai chữ “hy sinh” có khi lại mang nghĩa tiêu cực. Hy sinh không còn là một đức tính cao đẹp đáng khuyến khích nữa. Ngược lại, nó gắn liền với thua thiệt, bất công, cần đấu tranh loại bỏ. Ông bà ngày xưa dạy “Một điều nhịn chín điều lành”, còn ngày nay người ta cho rằng “nhịn là nhục”. Vâng, có hy sinh nào mà không phải trả giá, không phải chịu đau đớn thiệt thòi.
Khi thánh Giuse chấp nhận đón một người đã có thai về làm vợ mình, chắc hẳn ngài cũng phải đấu tranh nội tâm ghê gớm lắm chứ không phải dễ dàng gì. Nếu ngài một mực đòi hỏi sự công bằng cho mình thì đã không chấp nhận chịu thiệt thòi như vậy. Thánh Giuse biết quảng đại hy sinh là bởi vì ngài có lòng tin tưởng. Trước hết là tin tưởng người bạn đời của mình. Sống trong làng trong xóm với nhau từ tấm bé, thánh Giuse nhận thấy và tin tưởng Mẹ Maria là người con gái tiết hạnh. Nhờ vậy, cho dù xảy ra chuyện động trời kia thì thánh Giuse vẫn không vội vàng phán xét Đức Mẹ. Thay vào đó, cũng như Đức Mẹ, ngài sẵn sàng mở lòng ra đón nhận mầu nhiệm lớn lao Thiên Chúa làm mà ngài chưa hiểu thấu. Chính thái độ đó đã giúp thánh Giuse tin tưởng và mau mắn vâng theo thánh ý Chúa khi được thiên thần báo mộng yêu cầu đón nhận Đức Maria về nhà làm vợ mình.
Nhiều cặp vợ chồng ngày nay không hy sinh cho nhau bởi vì họ không có được sự tin tưởng như thánh Giuse. Một cái tát của chồng là lý do đủ để người vợ cuốn gói ra đi. Một câu chửi của vợ cũng đủ để người chồng xa lánh. Chúng ta không cổ võ bạo lực gia đình cũng như không khuyến khích cãi vả chửi rủa nhau. Tuy nhiên, sự hy sinh đặt nền tảng trên lòng tin tưởng lẫn nhau vẫn luôn là điều cần được khuyến khích trong tương quan vợ chồng. Thật vậy, hai người đến với nhau không phải là chuyện một sớm một chiều. Các cặp đôi dành nhiều năm để tìm hiểu nhau, biết rõ giới hạn của nhau, nên khi quyết định trở thành vợ thành chồng là họ đã chấp nhận sẵn sàng hy sinh cho nhau rồi. Khi vợ chồng đã tin tưởng nhau thì họ sẽ cùng nhau dắt tay vượt qua mọi biến cố làm sứt mẻ tình cảm. Mỗi người hy sinh một chút, chấp nhận bị thiệt thòi một chút, nhờ đó gia đình được ấm êm.
Hơn nữa, những cặp đôi người Công giáo còn tin tưởng vào kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trên gia đình mình. Họ tin vững rằng chính Chúa đã tác thành hôn nhân của họ thì Người cũng sẽ ban cho họ đủ ơn để sống trọn đời với nhau dù phải gặp nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Vấn đề quan trọng là các cặp vợ chồng phải chạy đến với Chúa và đặt tin tưởng nơi Người trong mọi thử thách của đời sống hôn nhân.
Nói đến trách nhiệm trong gia đình là nói đến việc mỗi người phải toàn tâm toàn ý chăm lo vun đắp xây dựng gia đình mình. Thánh Giuse là một mẫu gương như vậy.
Từ ngày đón Mẹ Maria về nhà làm vợ mình, thánh Giuse đã luôn cố gắng hết sức để che chở giữ gìn Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Trên hành trình trở về Bêlem dẫn đến việc hạ sinh hài nhi Giêsu, nếu như Đức Mẹ bầu bì vất vả ngồi trên lưng lừa thì thánh Giuse cũng mệt nhọc không kém khi vừa cuốc bộ vừa phải chăm sóc lo lắng cho Đức Mẹ suốt chặng đường đó. Rồi sau đó nửa đêm nửa hôm phải thu xếp đồ đạc để đem hai mẹ con trốn cuộc truy tìm của vua Hêrôđê, mưu sinh nơi đất khách quê người đợi mọi sự êm xuôi mới đưa gia đình trở về Nazaret. Phải là một người chồng người cha rất có trách nhiệm với gia đình mới làm được những việc như vậy. Dù không nói ra nhưng trong biến cố Đức Giêsu ở lại đền thờ lúc 12 tuổi, khi hay tin đứa con lạc mất, thánh Giuse là người cha trong gia đình đã phải lo lắng chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm khắp xứ mọi nơi. Ngoài ra, mẫu gương trách nhiệm của thánh Giuse còn thể hiện ở công việc ngài làm để nuôi sống gia đình. Là lao động chính trong nhà, thánh Giuse chăm chỉ làm lụng vất vả để lo cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu có được ngôi nhà cứng cáp an toàn với những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Là người chồng người cha trong gia đình, thánh Giuse đã đóng phần không nhỏ tạo nên bầu không khí hạnh phúc, tràn ngập niềm vui giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái.
Thật đáng buồn là ngày nay nhiều bạn trẻ vẫn còn quan niệm kiếm vợ kiếm chồng để “hưởng nhờ”. Đúng là vợ chồng hưởng nhờ nhau chẳng có gì sai. Ngược lại, đó là nét đẹp của đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, lắm lúc chúng ta chỉ chú tâm đến việc “hưởng nhờ” mà quên rằng đúng ra phải là “hưởng nhờ nhau”. Ông bà ta thường nói “Của chồng công vợ”, hay “Gái có công thì chồng chẳng phụ” là vậy. Chính yếu tố “hưởng nhờ nhau” mới làm nên hạnh phúc gia đình, còn chỉ để “hưởng nhờ” thôi thì hôn nhân sẽ trở thành một hình thức lợi dụng người khác. Nếu mục đích ban đầu là lợi dụng rồi thì sớm muộn gì cũng sẽ tan rã khi người kia không còn giá trị lợi dụng nữa. Tôi muốn bỏ anh để đi theo người khác vì người đó chu cấp cho tôi nhiều tiền của hơn. Tôi không muốn sống với em nữa vì tôi quên cô gái khác đẹp và biết chiều chuộng hơn. Chúng ta không thể sống với nhau được nữa vì chúng ta không thể có con với nhau… Như vậy, khi đến với nhau không phải “vì nhau” mà vì một “thứ gì khác” thì tinh thần trách nhiệm không còn được đề cao nữa. Trong tương quan vợ chồng, thay vì có trách nhiệm lo lắng cho người kia thì lại đòi hỏi người kia phải lo lắng cho mình, nghĩa là phải thỏa mãn điều mình tìm kiếm. Như vậy, trái ngược với trách nhiệm chính là sự ích kỷ.
Sự ích kỷ đôi khi không thể hiện ra một cách sổ sàng mà ở những hình thức tinh vi hơn. Có những người vợ người chồng quan niệm rằng chỉ cần đi làm có tiền chu cấp cho gia đình là đã chu toàn trách nhiệm, thời gian còn lại họ có quyền tìm niềm vui riêng cho mình. Có những anh chồng mê chơi game, ham cá độ biện minh rằng họ đã đưa vợ đủ số tiền chi tiêu trong gia đình nên họ có quyền dùng tiền họ làm ra để theo đuổi đam mê cá nhân. Cũng có những người vợ nghĩ rằng mình làm ra tiền nên có thể thỏa sức mua sắm hay vui chơi với bạn bè, việc nhà cửa hay chăm sóc con cái có thể thuê người giúp việc lo. Thậm chí còn có những người ngoại tình mà không chút dằn vặt lương tâm, vì cho rằng mình vẫn đang lo đầy đủ cho gia đình không thiếu thứ gì. Những người này quên rằng xây dựng hạnh phúc gia đình đòi hỏi trọn vẹn chứ không chỉ là một phần tài sản hay thời gian của họ. Một người sống trách nhiệm sẽ đặt toàn tâm toàn trí cho hạnh phúc gia đình. Xét về mặt giá trị xây dựng gia đình, một bữa ăn ngon ở nhà hàng khác xa với một bữa ăn ngon người vợ nấu cho gia đình. Tương tự, những phút giây ít ỏi người cha người mẹ chơi đùa với con cái thì quý giá hơn cả số tiền lớn cho con tiêu xài. Cha mẹ ở bên trò chuyện với con cái thì luôn tốt hơn là giao cho nó cái máy tính hay điện thoại để chơi.
Chúng ta biết rằng Kinh Thánh không mô tả nhiều chi tiết về cuộc đời thánh Giuse và càng không nói về việc thánh Giuse dạy dỗ Chúa Giêsu như thế nào. Tuy nhiên, như người ta thường nói “Cha nào con nấy”, hay như chính Chúa Giêsu đã gợi lại “Cứ xem quả thì biết cây”, nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu chúng ta có thể hiểu phần nào thành quả giáo dục con cái của thánh Giuse.
Trước hết, chúng ta thấy thánh Giuse đã truyền lại cho Chúa Giêsu một nghề nghiệp để làm ăn sinh sống. Việc con cái theo đuổi nghề nghiệp của cha mẹ, nhất là những nghề lao động chân tay vất vả, không phải là quá phổ biến. Chắc hẳn trong quãng thời gian sống với thánh Giuse, Chúa Giêsu đã được truyền cảm hứng từ lòng yêu nghề, tính tận tụy và tinh thần trách nhiệm của cha mình. Khi cùng cha vất vả mưu sinh bằng nghề mộc, Chúa Giêsu học được nơi thánh Giuse lòng đồng cảm với người nghèo, trân trọng giá trị của lao động chân tay. Trong những lần cùng cha ra phố xếp hàng chờ đợi người ta thuê làm việc, Chúa Giêsu thấu hiểu tâm trạng của người thất nghiệp mỏi mòn chờ đợi tới giờ thứ 3, giờ thứ 6, giờ thứ 9 mà vẫn chưa có ai thuê. Ngài cũng cảm nhận được niềm vui khi cùng cha làm việc được chủ trả lương. Đôi khi họ không chỉ trả theo lẽ công bằng mà còn quảng đại cho thêm dư thừa nữa. Khi làm việc gần gũi bên thánh Giuse, Chúa Giêsu được nghe cha kể chuyện đó đây, được truyền đạt kinh nghiệm trong nghề. Ngài hiểu rằng ngôi nhà xây trên đá thì dù mưa sa gió cuốn vẫn có thể trụ vững, còn ngôi nhà xây trên nền cát thì không được như vậy. Từ kinh nghiệm nghề nghiệp, Chúa Giêsu cũng nhận thấy những tảng đá bị loại bỏ có thể trở nên hữu ích khi làm viên đá góc tường. Chính mối quan hệ cha con khăng khít như vậy mà mãi về sau mỗi lần Chúa Giêsu có dịp về quê, bà con dân làng vẫn luôn gọi ngài bằng cái tên “con bác thợ mộc”.
Ngày nay nhiều cặp vợ chồng không quan tâm đầy đủ đến việc giáo dục con cái. Họ cho rằng con cái là một gánh nặng, cản trở việc họ hưởng thụ cuộc sống. Vì thế nhiều gia đình dù có đủ điều kiện kinh tế nhưng chỉ sinh một đứa con duy nhất. Có những cặp đôi còn cực đoan hơn khi quyết định không sinh con, ở vậy cho tự do thoải mái. Vâng, chúng ta biết rằng con cái là tương lai của gia đình. Một gia đình thịnh vượng hay suy tàn cũng là vì con cái. Việc giáo dục con cái không phải sản phẩm của tự nhiên theo kiểu “Cha mẹ sinh con trời sinh tánh” hay là kết quả tất yếu của môi trường xã hội như “theo bạn theo bè”. Ngược lại, cha mẹ đóng vai trò chính yếu trong việc hình thành nhân cách con cái. Con cái như một cái cây được giao cho người cha người mẹ chăm sóc vun xới, nếu chăm tốt thì cho hoa trái tốt, ngược lại thì không chỉ người con mà chính cha mẹ cũng phải lãnh nhận hậu quả. Khi nhìn thấy một con người trưởng thành, người ta nghĩ ngay đến người cha người mẹ đã có công dạy dỗ người ấy. Do vậy mà có người đã thốt lên với Chúa Giêsu: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm.” (Lc 11,27) Nói ngược lại cũng đúng, thật phúc thay cho Chúa Giêsu vì được sinh ra và nuôi dưỡng bởi người cha người mẹ như thánh Giuse và Mẹ Maria.
Lạy thánh cả Giuse, như khi xưa ngài đã hy sinh lo lắng chăm sóc cho gia đình Thánh Gia được êm ấm vẹn toàn và nuôi dưỡng giáo dục Chúa Giêsu nên con người mẫu mực, xin ngài chuyển lời cầu bầu cho nhiều gia đình trẻ ngày nay đang gặp khó khăn thử thách trong đời sống hôn nhân. Xin Chúa cho những người đang sống trong bậc vợ chồng biết nhìn lên mẫu gương thánh Giuse để biết hy sinh đón nhận nhau và làm tròn bổn phận trách nhiệm của mình trong gia đình. Xin gia đình Thánh Gia gìn giữ gia đình mỗi người chúng con. Amen
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt