Thứ bảy, 23/11/2024

Radio Người Trẻ: Khao khát Thiên Chúa

Cập nhật lúc 14:44 31/12/2020

Cao Gia An, S.J.

Các bạn thân mến !

Nói đến khao khát là nói đến ngôn ngữ của con tim. Mỗi người chúng ta đều có một con tim bằng thịt. Đó là con tim biết vui biết buồn, biết thương biết giận, biết hạnh phúc khổ đau, biết ước mơ và khao khát. Có người trải qua bao sóng gió vùi dập của cuộc đời, tự nhận rằng con tim mình đã ra chai sạn sỏi đá. Thế nhưng một con tim bằng thịt làm sao có thể ra chai đá được? Con tim ra sỏi đá hay người ta đã trở nên chai sạn trước ngôn ngữ của con tim mình? Bao lâu con tim còn phập phồng trong lồng ngực, bấy lâu người ta còn là người và còn phải sống với những tình cảm rất thật của một con người.

Thế nhưng, thật khó để đọc ra được ngôn ngữ thẳm sâu của con tim. Bởi nói cho cùng, con tim chúng ta vẫn là con tim nhân gian, hay tham lam ôm đồm nhiều thứ.

Dù sao đi nữa, trong tất cả ngôn ngữ nóng bỏng của con tim, bên dưới tất cả những ôm đồm đa mang, nếu đủ thật lòng và kiên nhẫn với mình, người ta sẽ khám phá được đâu là khát khao sâu thẳm nhất. Người ta không gọi sở thích hay mơ tưởng là khao khát. Người ta càng không gọi tham lam và thèm muốn là khao khát. Bởi lẽ, khao khát là điều gì đó có khả năng chi phối trọn vẹn cuộc sống và định hướng cho con đường đi tới của mỗi người. Khao khát là nỗi niềm hướng về một Đối Tượng cao đẹp và linh thánh.

Con tim của chúng ta ước muốn nhiều thứ. Thế nhưng càng ngày, chúng ta càng kinh nghiệm rằng những vật chất hữu hình, những chộp giữ phù du, những tham lam ôm đồm chẳng thể nào khỏa lấp được niềm khắc khoải của con tim. Chúng ta như thấy mình luôn cần có một điều gì đó cao cả hơn, quan trọng và ý nghĩa hơn.

Thánh Augustine thời trẻ đã chìm đắm trong mê mải tìm kiếm thú vui xác thịt, tìm kiếm phú quý công danh, tìm kiếm kiến thức uyên bác… Cuối cùng, khi được thức tỉnh Augustine đã phải chấp nhận một thực tế phủ phàng rằng tất cả những thứ mình vơ vào mình chỉ có một tác dụng duy nhất là làm cho mình khao khát hơn mà thôi. Từ kinh nghiệm xương máu ấy, Augustine đã thốt lên: “Lạy Chúa! Chúa dựng nên chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi được nghỉ ngơi bên Chúa” (Thánh Augustine, Tự Thuật, I, i).

Vâng thưa các bạn, đẩy cho đến cùng, niềm khao khát bắt chúng ta phải đối diện với câu hỏi về cội nguồn và cùng đích của đời mình. Sống là một cuộc hành trình. Dường như chúng ta chỉ có thể an tâm khi biết được mình xuất phát từ đâu, và sẽ đi về đâu. Sẽ đẹp biết bao nếu cả cuộc đời được chúng ta sống như là một cuộc hành hương, luôn thao thức tìm về cùng đích của đời mình.

Có câu chuyện kể về niềm thao thức của một chú cá nhỏ. Được sinh ra ngay giữa lòng đại dương, từ nhỏ chú cá đã được dạy cho biết phải sống với lòng biết ơn đại dương. Lớn lên từng ngày, lòng biết ơn như một điều gì đó vốn tự nhiên nơi tâm hồn chú cá. Chỉ một điều làm chú băn khoăn thao thức mãi: Đại dương là thế nào? Đại dương ở đâu để tôi cám ơn? Làm sao để tôi tìm gặp đại dương? Có thật là có đại dương không?.. Chú cá nhỏ sử dụng cả cuộc đời mình để đi tìm kiếm, chú mong được nhìn thấy đại dương bằng đôi mắt bé nhỏ và khả năng giới hạn của mình.

Thưa các bạn, thao thức của cuộc đời là thao thức đi tìm. Như chú cá nhỏ giữa đại dương, tâm hồn chúng ta cứ thao thức mãi cho đến khi nhận ra được rằng chúng ta đang được tung tăng bơi lội trong đại dương tình Chúa. Khi đó, thao thức trong tâm hồn chúng ta lại là làm sao để sống và sống xứng đáng với những ân huệ mình vẫn lãnh nhận mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút trong cuộc đời.

Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng sống mà lúc nào cũng khắc khoải thao thức như thế thì không thoải mái lắm. Thế nhưng sống mà chẳng thao thức về điều gì, chẳng khao khát điều gì, cuộc sống chúng ta liệu sẽ đi đến đâu, hay chỉ dậm chân nằm ì một chỗ. Sống mà không thao thức không khao khát điều gì chẳng phải là một tai họa sao?

Từng là một người trẻ như chúng ta, con tim Giêsu cũng đã từng thao thức khôn nguôi: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 49-53).

Tuổi trẻ của Giêsu ước mong thực hiện một công trình, đó là công trình xây dựng Nước Chúa nơi trần gian. Lửa mà Giêsu đem đến trần gian không gì khác chính là lửa Tình Yêu của Thiên Chúa. Khắc khoải của Giêsu là làm sao để Tình Yêu của Thiên Chúa bùng lên nơi thế gian này. Niềm khao khát ấy linh thánh và cao đẹp biết bao.

Giêsu đã sống, đã chiến đấu, và đã dám chết cho niềm khao khát ấy. Còn chúng ta, đâu là khao khát thực của lòng mình? Chúng ta có dám đi cho đến cùng để khám phá ra khao khát thẳm sâu của lòng mình? Chúng ta có dám sống cho đến cùng khao khát ấy không?

Lạy Chúa, cho dẫu con là ai, con biết rằng Chúa đã thương con.
Cho dẫu con thế nào, con biết rằng Chúa vẫn yêu con.
Tình yêu ấy làm tâm hồn con thao thức.
Xin cho niềm thao thức ấy đẩy con lên đường.

Đẹp biết bao khi cả cuộc đời con
là một chuyến hành trình tìm về bên Chúa.
Ý nghĩa biết bao khi cả cuộc đời con
là một công trình tìm phục vụ Chúa
nơi những người anh chị em quanh mình.

Xin tình yêu Chúa thôi thúc con lên đường
theo tiếng gọi của con tim thao thức
tìm về với Đấng là cội nguồn và cùng đích của đời con. Amen

Nguồn: dongten.net

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log