SỰ TỨC GIẬN ĐANG DÂNG LÊN TRONG BẠN
CÓ THỂ DẪN BẠN ĐẾN NHÂN ĐỨC GÌ KHÔNG?
Tác giả: Antoine Pasquier
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org (02/12/2020)
Hãy đặt nó dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa, và cơn giận của bạn sẽ trở thành động lực cho sự sống và công lý.
Phương Tây không cần phải đợi các kỹ thuật Thiền định mới học được cách hiểu và kiềm chế cơn giận. Seneca, Aristotle, Plutarch, Cicero, Thánh Augustinô, St. Tôma Aquinô, Montaigne… tất cả các vị đều thảo luận, tranh luận và căm ghét thứ cảm xúc tức giận cũng nhiều như khi họ bênh vực nó.
Người xưa tin rằng, cơn giận dữ nằm sâu trong cơ thể, giữa gan và ruột. Giận dữ xuất phát từ tiếng Latinh ira (ire), và tiếng Hy Lạp hira , có nghĩa là ruột gan, mật. Nhiều người trong chúng ta đã từng cảm thấy, lúc này hoặc lúc khác, một cơn nóng rát bên trong đột ngột bám chặt vào ruột, làm quặn thắt bao tử và trào ra khỏi miệng. Họ nói rằng, theo nghĩa đen, cơn giận là tiếng gào thét của ruột gan chúng ta. Không có gì ngạc nhiên khi mật và ruột là nguồn gốc của sự hiểu biết của chúng ta về sự tức giận, nghĩa đen là "mửa mật ra."
Giận dữ và mật tuy hai nhưng là một và giống nhau. "Tôi cảm thấy mật của mình trào lên!" người ta thường nói như vậy. Sự suy diễn tương đồng về chất lỏng màu vàng xanh đắng đót này, được sinh ra bởi gan của chúng ta và được lưu trữ trong túi mật của chúng ta, rất hữu ích nếu chúng ta mở sách giáo khoa sinh học trung học cũ của mình. Trong cơ thể chúng ta, mật có một chức năng kép: đào thải các chất cặn bã và làm sạch dạ dày. Nói tóm lại, nó làm sạch chúng ta từ trên xuống dưới - giống như cơn giận của chúng ta.
Hiệu ứng "nồi áp suất"
Điều này không khó xác định. Chỉ cần tối đa hai phút là bạn có thể nhận ra rằng bạn (hoặc ai đó) sắp mất bình tĩnh. Sự tức giận của chúng ta hiếm khi không được người khác chú ý. Nó cần phải bộc lộ ra, theo tất cả (năm) giác quan và ngữ nghĩa của từ, thì người ta mới có thể tồn tại được. Nếu không, chỉ là vô ích. Niềm vui, nỗi sợ hãi và nỗi buồn có thể giữ lại trong lòng – khó có thể nhận thấy được. Nhưng cơn giận thì không vậy. Ngay cả khi nó ở trong lòng, sớm muộn gì nó cũng lộ ra. Đó là hiệu ứng "nồi áp suất".
Đặc điểm của nó là tạo ra một tác động. Hãy nghĩ đến một ông già hay cằn nhằn đang cố gắng kìm giữ sự bực tức của mình trong lòng nhưng không thành công, hoặc hãy nghĩ đến một người đồng nghiệp "đỏ mặt bừng bừng nổi giận" trong một cuộc họp của cơ quan. Những đồng nghiệp bé nhỏ quý giá của chúng tôi là những chuyên gia trong lĩnh vực này. Họ dường như có sẵn một cơn giận dữ tam bành và để sẵn trong túi quần phía sau chờ phun ra khi cần thiết.
Giận dữ là một điều cần thiết. Đó là lối thoát cho tâm trạng của chúng ta, sự vỡ mộng của chúng ta, niềm mong ước của chúng ta, sự thất vọng của chúng ta… Nói tóm lại, tất cả chúng ta đều cần phải “xả sạch túi” mật của mình. Nhà trị liệu tâm lý Isabelle Filliozat giải thích: “Cơn giận cho phép mỗi người chúng ta xác định giới hạn và căn tính của mình. Nó phủ nhận những gì không phù hợp với chúng ta. Đó là một trong những nguồn lực giúp ta tự tin.”
Không thể tách rời lý trí
Tuy nhiên, không phải tất cả các cơn giận đều tốt. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa sự tức giận được thúc đẩy bởi nhu cầu giải quyết sự bất công, với cơn thịnh nộ, là một phản ứng cảm xúc bạo lực. Aristotle là một trong những người đầu tiên xác định tiêu chuẩn cho sự tức giận chính đáng. “Bản thân sự tức giận không phải là đạo đức hay trái đạo đức, mà là cách sử dụng nó,” ông nói.
Giận dữ không thể tách rời lý trí. Nếu không có lý trí, cảm xúc mãnh liệt này sẽ trở nên điên cuồng, và chúng ta cũng vậy. Thánh Tôma Aquinô khẳng định điều này: “Nếu một người tức giận theo đúng lý trí, thì sự tức giận của người đó đáng được ca ngợi.”
Aristotle nói, đây là một bài tập rất khó đối với lý trí, mà vai trò của nó là lượng định các điều kiện cho phép sự tức giận tạo nên ảnh hưởng của nó. “Tất cả tùy thuộc vào chúng ta khi đánh giá sự phù hợp của cơn giận, cường độ của nó, tần suất của nó; chẳng hạn như để quyết định xem chúng ta nổi giận vào đúng lúc không, có lý do vững chắc không, chống lại những người đích đáng không, vì mục đích thỏa đáng và trong những hoàn cảnh thỏa đáng không.” Vì phải mất “mười hai phần nghìn giây để phản ứng theo cảm xúc” và “mất gấp đôi thời gian để lượng định tình hình từ quan điểm lý trí ”, hầu hết chúng ta đều có khả năng đáng kể để cải thiện tình hình khi cần đến lý trí để đối phó với cơn tức giận .
Ngay cả khi đó là một lý do chính đáng, sự tức giận của chúng ta vẫn là sai nếu nó rơi vào một trong hai cạm bẫy: quá giận hoặc hầu như chẳng giận gì cả. Khi chúng ta giận quá mức, sự tức giận của chúng ta sẽ trở nên có hại nếu nó gây ra cãi vã hoặc phẫn nộ, nếu nó được sử dụng để trục lợi cá nhân, nếu nó dẫn đến báng bổ hoặc thái độ hỗn xược (một lời nói hoặc hành động ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người khác). Chính vì lẽ đó mà giận dữ được coi là một trong bảy mối tội đầu “thứ bốn hay nhịn chớ hờn giận”. Ngược lại, “Ai không tức giận khi cần thiết thì sẽ phạm tội,” Thánh Gioan Kim Khẩu (Chrysostom) nói, “bởi vì sự kiên nhẫn không hợp lý sẽ gieo mầm mống cho thói hư tật xấu, khuyến khích sự phóng túng, và mời mọc những kẻ độc ác, và cả những người tốt, làm điều ác.”
Khi tức giận trở nên có lợi cho bản thân và cho người khác
Khả năng suy nghĩ của chúng ta không phải lúc nào cũng đủ để chế ngự tính khí của chúng ta. Cơn giận của chúng ta cũng phải được đặt vào ngọn lửa của Thánh Thần và đức tin để được tẩy sạch những ô uế của nó. Đây là điều mà nhà tư tưởng Tin lành Lytta Basset gọi là cơn giận thánh. “Cơn giận thánh là cơn giận lành mạnh,” cô giải thích trong cuốn sách của mình: “Cơn giận thánh: Giacób, Gióp, Chúa Giêsu (Labor et Fides). Có nghĩa là, đó là cuộc đấu tranh chính nghĩa vì cuộc sống của những người khác và của chính chúng ta.
Ví dụ, người ta có thể nói: “Tôi từ chối” trong trường hợp như vậy và như vậy; hoặc duy trì một lựa chọn hoặc một dự án được coi là chính đáng và cần thiết cho lợi ích chung. Vì hướng tới công lý, nên cơn giận lành mạnh này “đưa con người đến với cốt lõi bên trong của họ, đến với hạt giống Sự sống không thể phá hủy bên trong họ: là một thứ gì đó có khả năng chống lại trong nơi sâu thẳm, và là một thứ gì đó có liên quan đến Thánh thần.” Lúc đó cơn giận trở thành một sự phục vụ cho bản thân và cho người khác, và không phải là sự lạm dụng.
Nhưng việc biến đổi cơn giận dữ có khả năng hủy diệt này thành một sinh lực tích cực chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta sẵn sàng phó thác bản thân cùng với sự tức giận của chúng ta vào bàn tay của Đấng Tạo Hóa. Và từ bỏ mọi ham muốn trả thù. "Một cơn giận thánh chắc chắn không phải là việc coi cơn giận riêng mình là cơn giận của Chúa, rồi làm cho mình tin rằng mình có sứ mệnh thiêng liêng chống lại những người khác", Lytta Basset cảnh báo. Hơn nữa, không thể chấp nhận sự so sánh cơn giận dữ của chúng ta với sự thịnh nộ của Cuộc Chung Thẩm - Dies irae – tức là ngày thịnh nộ - khi Thiên Chúa thực thi công lý của Ngài.
Đương đầu, thay vì thờ ơ
Thánh Augustinô nói với chúng ta: “Thiên Chúa không bị rối loạn bởi cảm xúc mãnh liệt. Cơn giận của Thiên Chúa không phải là sự rối loạn tâm hồn, mà là sự phán xét giáng xuống tội lỗi ”. “Cơn giận thánh là cơn giận đã được lắng đọng trong Ngài, là Đấng không bao giờ để cho công lý không được thực hiện […] Nếu một cơn giận không chấp nhận phó mình trong bàn tay thịnh nộ của Thiên Chúa, thì đó là bởi vì nó đã đồng ý rơi vào lưỡi gươm: chính Chúa sẽ xét xử dân Ngài ”. Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta: “Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả.” (Rôma 12:19)
Để cho cơn giận đưa dẫn bạn đến nhân đức có nghĩa là bạn phải biết chối từ chuyện cắt đứt mối tương quan của mình với những người khác. Điều đó có nghĩa là bạn phải thích đương đầu hơn là thờ ơ. Basset viết: “Nếu tôi tức giận với anh em trai mình, đó là bởi vì ít ra tôi còn tin tưởng, dù chút ít, vào tính người của anh em ấy, tức là tôi còn tin tưởng vào khả năng tiến bộ của anh em ấy.” Mối ràng buộc này nếu được duy trì, ngay cả trong cơn bão, là mối ràng buộc duy nhất dẫn đến sự tha thứ. Thánh Phaolô viết: “Có nóng giận thì sao cho đừng mắc tội, chớ để mặt trời lặn, mà cơn giận lại chưa tan” (Êphêsô 4:26).