Khi những hạt mưa xuân rơi rơi, khi mà những người nông dân đang hối hả ra đồng cho một mùa vụ mới, khi những khách hành hương đang vui vẻ du xuân thì những con dân Chúa vùng viễn biên Lào Cai cũng thật vui mừng hoan ca cho những ân sủng mà Chúa đã mở lòng với họ.
Một ngày đầu tháng Giêng khi mà khách hành hương lũ lượt đổ về Bảo Hà theo truyền thống dân gian thì ở mảnh đất linh thiêng này đã diễn ra một sự kiện tuy có vẻ không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa. Đó là Thánh lễ tạ ơn và công bố quyết định thành lập giáo họ Bảo Hà.
Theo giáo luật thì đơn vị nhỏ nhất là giáo xứ nhưng có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có thêm đơn vị nhỏ hơn giáo xứ là giáo họ và giáo điểm.
Song, ở mảnh đất Bảo Hà này, việc thành lập và được công nhận là một giáo họ, nó gian nan hơn là thành lập một giáo phận vùng xuôi.
Lịch sử truyền giáo ở Lào Cai.
Có lẽ không đâu được ví vùng đất màu mỡ cho truyền giáo như ở Hưng Hoá.
Trải dải trên địa phận của 9 tỉnh vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam, phía Bắc giáp Trung Quốc và phía Tây giáp Lào. Hưng Hoá là giáo phận rộng nhất, khó khăn nhất về giao thông và kinh tế, là giáo phận có nhiều dân tộc thiểu số nhất trong số 26 giáo phận ở Việt Nam.
Trong lịch sử, miền Hưng Hoá có các giáo dân vùng xuôi như Thái Bình, Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm lên đây khai hoang và họ mang theo đức tin lên vùng đất này.
Tuy nhiên, những biến cố trong lịch sử cận đại và hiện đại đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới, nhà thờ bị phá huỷ, giáo sỹ thiếu thốn, giáo dân chạy nạn và cuộc bươn chải với cơm áo gạo tiền đã làm cho những vùng viễn biên như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu trở nên khô cằn về đức tin.
Cho đến những năm cuối của thế kỷ 20, nhà thờ Cốc Lếu, giáo xứ Lào Cai vẫn đổ nát vì bom đạn chiến tranh, nhà thờ Sapa không có linh mục dâng lễ trong nhiều năm, tu viện Benedictine đổ nát.
Giáo dân muốn xưng tội và rước lễ hoặc phải về Yên Bái, hoặc miền xuôi hoặc phải đợi rất lâu mới có các cha ở Toà Giám Mục lên dâng lễ trong gian khó bởi cả điều kiện xã hội và bởi cả lòng người.
Vào năm 1999, ngôi giáo đường đổ nát bên chợ Cốc Lếu được dựng lại, Cha Gioan Maria Vũ Tất (nay là Giám mục Hưng Hóa) được sai lên làm quản xứ. Đồng thời cộng đoàn dân Chúa vùng Lào Cai dần được phục hồi. Những con chiên khô đạo tìm lại với đức tin và những hạt giống Tin Mừng lại được gieo nơi những vùng miền núi cao hơn và xa hơn. Và vụ mùa đi tìm chiên lạc đã bắt đầu trở lại.
Cho đến những năm gần đây và đến tận bây giờ, nghĩ đến Lào Cai người ta nghĩ đến thị trấn mờ sương Sapa, nghĩ đến đỉnh Fanxipang cao nhất Đông Dương, nghĩ đến những chợ tình, nghĩ đến cảnh sắc thanh bình và đẹp mê hồn hay với những người theo tín ngưỡng dân gian thì Lào Cai có đền thờ Ông Hoàng Bảy, một trong những con người được tôn lên thành “bậc thánh” mà nhiều tín đồ của tín ngưỡng hầu đồng, hầu thánh thờ phụng và thăm viếng quanh năm.
Giáo họ Bảo Hà
Một ngày giữa tháng Giêng, con đường 279 nối từ đường Cao Tốc tới Bảo Yên hàng ngày sôi động, nay sôi động hơn.
Ngày 3 tháng 2 năm 2016, chính quyền tỉnh Lào Cai đã công nhận cộng đoàn dân Chúa Bảo Hà là một giáo họ với 215 nhân danh. So với hơn 7 ngàn nhân danh của cả giáo xứ Lào Cai thì đó là một cộng đoàn rất nhỏ.
Đức Cha Giám Mục Giáo Phận Hưng Hoá Gioan Maria Vũ Tất đã chủ sự thánh lễ tạ ơn.
Nói với con dân và nói với chính quyền cùng tham dự Thánh lễ, Đức Cha Gioan Maria nói: “Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì đã mở lòng với chúng ta , nơi các con chiên đã bền bỉ gìn giữ đức tin của mình”.
Cách đây 9 năm, giáo họ Bảo Hà gồm địa phận của hai xã Bảo Hà và Cam Cọn của huyện Bảo Yên đã được Đức Cha Anton Vũ Huy Chương thành lập nhưng khi đó, nhưng giáo dân vốn là di dân từ vùng ven biển Bùi Chu, Phát Diệm vẫn ẩn mình trong các bản xa.
Cách đây 3 năm, một biến cố quan trọng xảy ra, Cha chính xứ Lào Cai Giuse Nguyễn Văn Thành đã rửa tội cho một gia đình gồm 3 thế hệ trong đó đã nhiều năm làm thày cúng bên đền Bảo Hà.
Chị Vũ Thị Hoà, mẹ chị Hoà là cụ Ngô Thị Xích cùng toàn bộ gia đình 3 thế thệ đã đón nhận bí tích Thánh Tẩy và hai mẹ con chị Hoà và cụ Xích đã được mẹ Maria đón nhận và quan phòng.
Cụ Xích đã thả hết đồ nghề của một thày cúng theo dòng Sông Hồng và hiến dâng mảnh đất của gia đình cho Chúa và cho cộng đoàn để theo Đức Tin của Chúa Kitô. Chị Hoà và cụ Xích chỉ là một trong bốn thày cúng đã thả đồ lễ trôi sông.
Hạt giống Tin Mừng đã được bám dễ nơi đây.
Nhà cụ Maria Ngô Thị Xích cách đền Bảo Hà khoảng 300 mét theo đường chim bay hôm nay thật vinh dự là nơi tổ chức Thánh lễ. Một nhà nguyện nhỏ được dựng lên cách đây ít lâu rồi đây sẽ được thay thế bằng một ngôi thánh đường lớn hơn, đẹp hơn về hình thức và kiến trúc. Hoặc theo kiến trúc bản địa như nhà thờ đá Phát Diệm hoặc theo kiến trúc Gothic hay Roman nhưng ngôi giáo đường trong lòng con dân Chúa nơi mảnh đất linh thiêng Bảo Hà này đã được xây và nó sẽ lớn dần khi mà họ thực sự sốt sắng và vui mừng khi Chúa mở lòng với họ.
Ông Giuse Nguyễn Ngọc Huấn, 66 tuổi, một cựu chiến binh hôm nay mặc nguyên bộ quần áo bộ đội và không kịp cài cúc vui mừng đứng cạnh bàn thánh để nói lời cảm tạ với Thiên Chúa trong tiếng nhạc hùng tráng của đội kèn giáo xứ Lào Cai đến chia vui cùng với điệu nhảy dân gian bản địa của đội trống Tằng Loỏng và Việt Hải.
Và giờ đây, Bảo Hà không chỉ là mảnh đất của những tín đồ của tín ngưỡng dân gian; Bảo Hà còn là mảnh đất hành hương của những con chiên theo Đức Tin của Chúa Kitô.
Và khi Chúa mở lòng, không gì là không thể.
Một số hình ảnh: