Giáo xứ Yên Bái và Giáo xứ Bảo Long hành hương năm thánh 2016 tại nhà thờ Giáo xứ Hòa Bình.
Cập nhật lúc 16:51 22/02/2016
Ngày 20.02.2016, giới doanh trí và một số hội đoàn thuộc giáo xứ Yên Bái, giáo xứ Bảo Long đã đi hành hương năm thánh trong ngày đầu xuân mới Bính Thân 2016 tại nhà thờ giáo xứ Hòa Bình.
WGPHH - Đúng 8g30,đoàn hành hương khoảng 100 người do ông Gioan Nguyễn Đình Huỳnh - Trưởng giới doanh trí làm trưởng đoàn, đã có mặt tại thánh đường giáo xứ Hòa Bình. Đoàn hành hương được Cha xứ giáo xứ Hòa Bình: Giuse Nguyễn Trung Thoại và Cha phó Phaolô Nguyễn Công Hiến đón tiếp nồng nhiệt.
Đúng 9g30, Quý cha đồng tế và đoàn hành hương được rước từ ngoài cổng, đi qua Cửa Lòng Thương Xót vào nhà thờ trong niềm hân hoan của đoàn Dân Chúa tiến về Đền Thánh.
Cha Giuse Nguyễn Trung Thoại đã chia sẻ tâm tình của đoạn Tin Mừng ngày thứ Bảy Mt 5, 43-48. Ngài nhấn mạnh thêm: “Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Đấng đầy lòng xót thương, dù con người đã phản bội, từ chối quyền làm con Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người mà vẫn tiếp tục yêu thương và đón nhận bản tính yếu hèn của con người chúng ta, để trao lại cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa. Thánh Kinh chỉ rõ: khi con người khước từ quyền làm con Thiên Chúa thì Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, trở thành con của loài người để đưa loài người trở lại làm con Thiên Chúa. Khi nhập thể làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tha thiết kêu gọi loài người: “Anh em hãy nên hoàn thiên như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48)”. Cha cũng giảng giải cho đoàn hành hương biết sự khác biệt lớn giữa Đạo Công Giáo và các tôn giáo khác. Ngài nói: “ Thông thường trong cuộc sống xã hội, chúng ta gặp rất nhiều người theo tín ngưỡng dân gian; đặc biệt là ở Việt Nam, số người theo tín ngưỡng dân gian rất đông. Khi một gia đình Công giáo nào có con cái muốn kết hôn với người khác tôn giáo thì người ta hay nói theo kiểu dân gian: “bên cầu bên cúng, bên nào cũng tốt”; người ta dễ đồng hóa tín ngưỡng dân gian như một tôn giáo. Chúng ta cần phân biệt tín ngưỡng khác với tôn giáo. Tôn giáo phải có nghi lễ phụng vụ theo cử chỉ bên ngoài, phải có giáo lý, giáo luật. Đạo Công Giáo cũng khác hẳn các tín ngưỡng, các tôn giáo khác ở chỗ: tín ngưỡng dân gian tìm đến thần minh là để xin ơn, cầu tài, xin phúc lộc thọ…riêng tín hữu Công Giáo: đến với Chúa là đến với Cha yêu thương, đến với Chúa là để được trở thành con Thiên Chúa, đến với Chúa là để được trở nên hoàn thiện như Chúa Giêsu kêu mời: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Như thế, người tín hữu Công Giáo đến với Chúa là để được biến đổi và trở nên hoàn thiện hơn theo mẫu gương của Thiên Chúa là Cha yêu thương. Với người Kitô hữu: Tin Chúa là bước theo Chúa; Bước theo Chúa là bắt chước Chúa; Bắt chước Chúa để mô phỏng Chúa qua cuộc sống đích thực của một người Kitô hữu. Đó cũng chính là sự hiện diện để loan báo Tin Mừng và đó cũng chính là ý nghĩa chính xác nhất của công cuộc loan báo Tin Mừng; vì truyền giáo chính là hiện diện, là bắt chước Chúa trong mọi mối tương quan: với gia đình, với người thân, với bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp, với người tội lỗi, với người khác tôn giáo, người ngoài tôn giáo…để qua đó, mọi người nhận ra khuôn mặt đích thực đầy nhân từ và giàu lòng xót thương của Thiên Chúa”.
Cha Giuse Nguyễn Trung Thoại giảng lễ
|
Thánh lễ kết thúc lúc 11g30 trong niềm hân hoan phấn khởi và lời tạ ơn của đoàn chiên Chúa.
Sau Thánh lễ, Cha Giuse chia sẻ niềm vui với đoàn hành hương trong bữa cơm thân mật, ấm cúng tại nhà xứ Hòa Bình.
Khoảng 13g30, đoàn hành hương rời Giáo xứ Hòa Bình trong sự lưu luyến và ước mong được trở lại đây vào một ngày gần nhất.
Một số hình ảnh:
Giuse Nguyễn Tuấn Nghĩa