Vũ khí hạt nhân (©Scanrail - stock.adobe.com) |
Lời kêu gọi trước hết hướng đến các nhà lãnh đạo quốc gia “chủ động kết thúc ngay lập tức chiến tranh ở Ucraina và bắt đầu một giải pháp hoà bình, vượt lên trên những mối quan tâm hẹp hòi vì lợi ích quốc gia”. Tiếp đến, đối với các nhà khoa học, Hàn lâm viện Toà Thánh kêu gọi nỗ lực “phát triển các phương pháp kiểm soát thực tế vũ khí”. Với các lãnh đạo tôn giáo, Toà Thánh kêu gọi các tôn giáo “tiếp tục tuyên bố mạnh mẽ và kiên trì rằng các vấn đề của con người đang bị đe doạ”. Sau cùng, lời kêu gọi hướng đến mọi người trên toàn thế giới cùng chiến đấu vì một trận chiến duy nhất đó là “chống lại niềm tin cho rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi”.
Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học chỉ ra chín điểm hành động toàn cầu: 1)Tôn trọng nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một quốc gia khác; 2) Ngăn chặn việc sử dụng vũ lực như một phương pháp giải quyết xung đột quốc tế, vì nó có nguy cơ leo thang đối đầu quân sự, bao gồm cả việc sử dụng chiến tranh hạt nhân, hóa học và sinh học; 3) Cung cấp nơi trú ẩn và bảo vệ cho hàng triệu người tị nạn khắp nơi trên thế giới; 4) Ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở các nước khác, điều có thể dẫn đến khủng bố hạt nhân; 5) Không bao giờ là những người đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, và cần canh tân các nỗ lực để đạt được các thỏa thuận có thể kiểm chứng được nhằm kiềm chế chạy đua vũ trang; 6) Tìm ra những cách thức và phương tiện hữu hiệu hơn để ngăn chặn việc phổ biến thêm vũ khí hạt nhân; 7) Ngăn chặn việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình để chuyển hướng sang gia tăng vũ khí hạt nhân; 8) Thực hiện tất cả các biện pháp thiết thực làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân do tai nạn, tính toán sai lầm hoặc hành động vô lý. 9) Tiếp tục tuân thủ các thỏa thuận hạn chế vũ khí hiện có, với mục đích xây dựng một hệ thống an ninh tập thể, trong đó vũ khí hạt nhân không có chỗ đứng.
Ngọc Yến
Vatican News