Đức ông Urbańczyk đặt câu hỏi: “Với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể làm gì để giảm nguy cơ vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế trong một cuộc xung đột vũ trang?” Ngài khẳng định rằng, chiến tranh tự nó là sự phá vỡ trật tự luật pháp quốc tế và thể hiện “sự thất bại sâu sắc của luật quốc tế”.
Vị Đại diện Tòa Thánh nhắc đến Hiệp ước Helsinki năm 1975, trong đó nhân quyền phổ quát và các quyền tự do cơ bản đã được công nhận là “yếu tố thiết yếu cho hòa bình, công lý và phúc lợi cần thiết để đảm bảo sự phát triển của các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các bên”. Do đó, bất kỳ sự vi phạm nào đối với các quyền phổ quát của con người và các quyền tự do cơ bản đều có nguy cơ đe dọa hòa bình.
Tiếp đến, Đức ông Urbańczyk nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha đã khẳng định ngay từ đầu rằng cuộc xâm lược vũ trang đối với Ucraina là điều không thể chấp nhận được. Đức Thánh Cha chú ý đến sự vi phạm các quyền cơ bản con người, và nhấn mạnh rằng “luật quốc tế phải được tôn trọng!”; “Máu và nước mắt của trẻ em, đau khổ của những người bảo vệ đất đai hoặc chạy trốn khỏi bom đạn làm lay động lương tâm của chúng ta. Một lần nữa nhân loại bị đe dọa bởi sự lạm dụng quyền lực và lợi ích đảng phái”.
Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh kết luận rằng, Tòa Thánh luôn tin tưởng an ninh và hòa bình “được định hình bởi những nỗ lực trực tiếp ngày qua ngày hướng tới việc sửa chữa vũ trụ trật tự theo ý Chúa, với một nền công lý hoàn hảo hơn giữa con người”. Trật tự và công lý đó không dựa trên sức mạnh quân sự, nhưng dựa trên sự tôn trọng chân thành đối với việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền phổ quát của con người và các quyền tự do cơ bản (CSR_1333_2022)
Ngọc Yến
Nguồn: Vatican News