Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cho biết các bản dịch được hoàn thành trong năm 2021 đặc biệt nhắm đến 11 triệu người lần đầu tiên có bản dịch Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ.
Các bản dịch đã được hoàn thành là các bản dịch đầu tiên của 48 ngôn ngữ. Đó là tiếng Khualsim, một ngôn ngữ được sử dụng bởi 7.000 cư dân Myanmar; ngôn ngữ Asturian với 110.000 người dùng, sống chủ yếu ở tỉnh Asturias của Tây Ban Nha và ở một số vùng của Bồ Đào Nha; và ngôn ngữ bằng tiếng Santali, được sử dụng ở các vùng xa xôi của Tây Bắc Bangladesh. Trong khi 89% dân số Bangladesh theo đạo Hồi, phần lớn trong số 225.000 người Santali là Kitô giáo.
Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cho biết thêm, một bản dịch mới của Tân Ước và Thánh vịnh, đặc biệt dành cho giới trẻ Hàn Quốc, đã được xuất bản bằng tiếng Hàn, ngôn ngữ có 81 triệu người dùng, trong đó có hơn 50 triệu người sống ở Hàn Quốc.
8 nhóm sắc tộc đã đón nhận bản dịch Tân Ước đầu tiên bằng ngôn ngữ của họ: 5 ở châu Phi và 3 ở châu Á. Các bản dịch đầu tiên của các sách nhỏ hoặc các phần bổ sung của bản văn Kinh Thánh cũng đã được xuất bản bằng 37 ngôn ngữ khác trên thế giới, bao gồm 5 ở Mexico và 4 ở Guatemala.
Tổng cộng, 7,1 tỷ người có ít nhất một phần bản văn Kinh thánh bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Nhưng đối với hơn một nửa số ngôn ngữ trên thế giới, được 219 triệu người sử dụng, vẫn chưa có bản văn Kinh Thánh và 1,5 tỷ người không có bản dịch toàn bộ Kinh Thánh. Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu dự định tiếp tục công việc dịch thuật của mình để cung cấp Kinh Thánh cho càng nhiều người càng tốt.
Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu cũng cho biết, trong số 400 ngôn ngữ ký hiệu hiện có trên thế giới, chỉ có khoảng 60 ngôn ngữ có một phần bản dịch Kinh thánh và chỉ có một ngôn ngữ có toàn bộ bản dịch Kinh thánh. Và trong số 719 ngôn ngữ có toàn bộ bản dịch Kinh Thành, chưa tới 10% có bản dịch chữ nổi dành cho người khiếm thị. (Cath.ch 30/03/2022)
Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News