Thứ hai, 23/12/2024

Người phụ nữ này không muốn làm linh mục, chỉ muốn dạy các linh mục thôi

Cập nhật lúc 08:32 01/07/2016
Dawn Eden Goldstein không cố để trở thành linh mục. Bà còn thảo luận trong một hội thảo mới đây của New York Times rằng phụ nữ không nên được truyền chức phó tế. Nhưng điều này không ngăn bà trở thành người phụ nữ đầu tiên có bằng tiến sỹ ngành thần học thánh, trong một lớp toàn nam tại chủng viện Mundelein ở Illinois.
Panxicovn - 
CNA | Mary Rezac | 11-6-2016

Dawn Eden Goldstein 2

Dawn Eden Goldstein không cố để trở thành linh mục. Bà thậm chí còn thảo luận trong một hội thảo mới đây của New York Times rằng phụ nữ không nên được truyền chức phó tế.

Nhưng điều này không ngăn bà trở thành người phụ nữ đầu tiên có bằng tiến sỹ ngành thần học thánh, trong một lớp toàn nam, tất cả đều là chủng sinh tại chủng viện Mundelein ở Illinois.

Dù cho Goldstein tốt nghiệp từ Đại học St. Mary ở Lake, nhưng bà lại học cùng lớp, ăn cùng phòng ăn, và thường đến thư viện như 220 nam giới ở chủng viện Mundelein đang học để làm linh mục.

Bằng cấp mới của bà, bằng cấp giáo hoàng cao nhất một người có thể nhận được từ Giáo hội Công giáo, đã cho bà đủ phẩm chất để dạy ở một chủng viện hay đại học, nhất là khi Tòa Thánh đang khuyến khích sự hiện diện của các giáo sư giáo dân trong chủng viện.

Bà cho biết, ‘Tòa Thánh nói rằng phụ nữ cần có phần trong đào tạo chủng viện. Đức Gioan Phaolô II đã nói về điều này, và Đức Phanxicô lặp lại những nhận định trong Hội đồng về Gia đình, đã nói trong Amoris Laetitia rằng cần có sự hiện diện của giáo dân trong đào tạo chủng viện, nhất là cần phụ nữ.’

Cần có phụ nữ trong ban giảng viên chủng viện

Dù cho bà Goldstein nói rằng bà không chắc về nguyên do đích xác mà Tòa Thánh kiến nghị như vậy, nhưng bà có những phỏng đoán, nhất là sau khi đã dành hầu hết thời gian nghiên cứu trong một môi trường toàn nam giới.

‘Tôi nghĩ rằng với việc đào tạo một con người, thì phải toàn diện như một con người, bạn cần phải có liên kết với cả hai giới, và tôi chắc chắn rằng, để cho một chủng sinh sống độc thân tốt đẹp, thì tốt hơn nên cho người đó học trong một môi trường có thể có mối quan hệ độc thân khiết tịnh lành mạnh với phụ nữ.’

Bà Goldstein cũng nói rằng bà có nhiều điều để đem lại cho các chủng sinh, không phải chỉ với tư cách một phụ nữ, mà còn là một giáo dân thực sự muốn giảng dạy.

Bà cho biết, đôi khi các giám mục phải bổ sung cho đủ ban giảng viên chủng viện với các linh mục có năng lực nhưng lại miễn cưỡng, họ muốn ở lại giáo xứ hơn là dạy trong chủng viện.

‘Tôi nhận ra rằng nếu đây là điều tôi thực sự muốn làm, thì tôi có thể đóng góp được gì đó bằng nhiệt tình, bằng động lực, và cũng bằng những bằng cấp học thuật của mình, bằng sự khôn ngoan và tình yêu dành cho Giáo hội mà tôi có thể truyền đạt đến các chủng sinh.’

Bà cũng nghe một chủng sinh nhận xét rằng có phụ nữ trong trường chủng viện giúp cho khuynh hướng trượng phu của một môi trường toàn nam giới được giữ cân bằng.

‘Có một phụ nữ hiện diện trong ban giảng viên, làm cho môi trường lành mạnh hơn cho các chủng sinh, bởi nó cho họ ít trượng phu hơn và dễ thương với nhau hơn. Có vẻ như các chủng sinh có thể trở nên cạnh tranh theo cách của đàn ông là muốn vượt trên hay đứng đầu người khác, nên tôi nghe nói là sự hiện diện của một phụ nữ giúp giảm bớt chuyện này.’

Mọi chuyện bắt đầu thế nào

Ban đầu, bà Goldstein không có ý định theo học tiến sỹ hay giảng dạy.

Là một người trở lại, ban đầu là từ Do Thái giáo, rồi đến thuyết bất khả tri, rồi đến Tin Lành, sau đó bà Goldstein đã hoàn tất các lớp dự tòng để trở thành người Công giáo, cùng lúc đó bà viết quyển Niềm vui của Trong sạch (The Thrill of the Chaste) dành cho các phụ nữ Công giáo tìm kiếm sự viên mãn khi sống đời Kitô hữu.

Sáu tháng sau khi sách phát hành, và cũng là sáu tháng sau khi trở thành người Công giáo, bà Goldstein được rất nhiều lời mời phỏng vấn và nói chuyện về chủ đề này. Là một người mới trở lại đạo, bà ngạc nhiên khi thấy không nhiều người Công giáo có tài có thể truyền tải cùng thông điệp này.

‘Tôi chắc chắn không có chiều sâu hiểu biết thần học, nên tôi ý thức về những điểm yếu của mình, và ý thức về nhu cầu của Giáo hội Công giáo cần có những người vừa biết thần học vừa có thể chuyển tải đến đại chúng.’

Công việc nhà báo của bà cho bà một lợi thế, bởi bà có thể chuyển tải những khái niệm thần học thành những lời mà mọi người đều hiểu. Đây là lần đầu tiên bà nghĩ qua chuyện mình nên học thần học.

Những ý nghĩ này trở thành hiện thực sau khi bà từ bỏ công việc ở một tổ chức Công giáo phi lợi nhuận, đồng thời bị chuẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp.

Bà bắt đầu học Cử nhân Thần học ở Học viện Dòng Đa Minh tại Washington, và ‘phải lòng’ thần học của thánh Tôma Aquinô. Ý định của bà là muốn đi mục vụ trường đại học sau khi tốt nghiệp, hi vọng có một công việc ổn định với các trợ cấp chăm sóc sức khỏe.

Nhưng sau khi bà gởi một trong những bài viết của mình cho một linh mục và cũng là người bạn lâu năm, thì cha nhất quyết rằng bà nên theo học tiến sỹ và giảng dạy.

‘Tôi bảo cha rằng tôi không hứng thú dạy học, bởi tôi nghĩ nó giống như làm nuôi con một mình vậy. Nhưng cha nhất quyết đây là ơn gọi của tôi.’

Bà Goldstein đồng ý tiếp tục nghiên cứu, và quyết định theo học ngành thần học thánh (STD) tại Đại học St. Mary ở Lake, dưới sự hướng dẫn của thần học gia tiến sỹ Matthew Levering, và tập trung luận án vào Giáo huấn Huấn quyền mới đây về Đau khổ Cứu độ, từ Đức Piô XII đến Đức Phanxicô.

Bà nói rằng, chủ đề về thương xót đã liên tục xuyên suốt hành trình đức tin của bà, và không ngừng nổi lên trong những quyển sách bà viết.

Dù cho bà yêu thích công việc giảng dạy, nhưng bà gặp chướng ngại trong việc hoàn tất nghiên cứu, không phải là về giới tính của bà, nhưng là về tiền để học. Bà nói đây có lẽ là lý do chính mà các giáo dân không hoàn tất đến cùng chương trình bằng cấp giáo hoàng.

May thay, khi bà đang nợ đến $100.000 thì một ‘thiên thần’ đến và đề nghị trả hết số tiền còn lại bà cần để hoàn tất bằng tiến sỹ.

Và vào ngày 07-5, mang cùng màu áo đen như các giáo sỹ và học giả Công giáo có bằng cấp giáo hoàng, bà Goldstein bước lên và trở tành người phụ nữ đầu tiên nhận bằng Tiến sỹ trong ngành Thần học Thánh từ Đại học St. Mary ở Lake.

Mùa thu này, bà sẽ qua lục địa già để gia nhập ban giảng viên của một chủng viện.

Một phụ nữ giữa các ông

Vậy môt phụ nữ vài năm nghiên cứu trong một môi trường hầu như toàn đàn ông, thì như thế nào?

Bà Goldstein nói rằng, các ông ở Học viện Đa minh và chủng viện Mundelein thân thiện và cởi mở khi có một phụ nữ trong lớp, dù cho bà thừa nhận là bà thấy hợp hơn ở Mundelein, bởi các bạn cùng lớp đến từ các giáo phận khác nhau trong nước và không theo cùng một dòng tu.

‘Thật tuyệt vời, ở Mundelein, tôi thấy có nhiều chủng sinh sẵn sàng tìm đến chào hỏi tôi.’

Bà kể lại, có nhiều lúc cũng bối rối và và hơi khôi hài trong lớp học.

Nhiều lúc, những buổi nói chuyện giờ ăn toàn nói về những chuyện của cánh đàn ông, và bà đùa rằng có lẽ đến khi tốt nghiệp chắc bà không biết nói chuyện gì với các bà nữa đây.

‘Sự thật là thế, tôi học được cách đàn ông nói chuyện.

Tôi nghĩ mọi người bên ngoài nghĩ rằng các chủng sinh chỉ nói chuyện về Chúa suốt ngày, nhưng họ cũng nghĩ về chuyện thể thao, chơi điện tử và phim Star Wars, những thứ chuyện của đàn ông.’

Không cần thiết có các lãnh đạo nữ giới được truyền chức trong Giáo hội

Những người ngoài có thể nghĩ bà Goldstein có vẻ thích bảo vệ cho việc truyền chức cho phụ nữ, nhưng bất kỳ ai có cái nhìn gần hơn về các công việc và niềm tin của bà sẽ thấy không phải như vậy.

Khi được hỏi, liệu có cần thêm phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội không, bà nói rằng tất cả nằm ở việc chúng ta định nghĩa vai trò lãnh đạo là gì.

Bà nói rằng trong Giáo hội Công giáo, các vị trí lãnh đạo phải được hiểu là vị trí phục vụ chứ không quyền lực, như thế mới đúng.

‘Tôi không muốn thấy những phụ nữ muốn làm lãnh đạo vì quyền lực.’

Hồi tháng năm, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tỏ ý lập một ủy ban để làm rõ về vấn đề nữ phó tế.

Nhưng bà Goldstein nói rằng bà tự hỏi không biết việc đơn giản là tăng số lượng phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo của Giáo hội có làm nên điều gì khác biệt không.

Một lập luận chung thiên về việc đưa thêm phụ nữ vào các vị trí ở Vatican, nói rằng phụ nữ sẽ hành động nhanh hơn và quyết đoán hơn trong cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục. Nhưng bà Goldstein không tin chắc như thế.

‘Không thiếu các phụ nữ điều hành những trường công, và Giáo hội Công giáo đã làm rất nhiều điều để các trường công của chúng ta bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Như thế không nói rằng Giáo hội không thể làm thêm điều gì nữa, nhưng vấn đề đơn giản là liệu việc có thêm phụ nữ trong cấp lãnh đạo có dẫn đến các chính sách nhân văn và công bằng hơn hay không, và tôi không chắc về điều này.

Mà tôi vừa nhận bằng cấp cao nhất của Giáo hội, tôi có thể nhận vinh dự này với những gì thực sự là của tôi, vậy nên tôi không có gì phải phàn nàn về hiện trạng của mình lúc này trong đời.’

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Phanxico.vn
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log