Thứ tư, 27/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro

Cập nhật lúc 12:46 16/02/2021
Suy niệm 1
“Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai sẽ trở về bụi tro”
Mc 6,1-6, 16-18
 
Cuộc sống chẳng là gì, nhưng cũng chẳng có gì giá trị hơn cuộc sống”. Đó là một suy tư của thi sỹ André Malraux phần nào nói lên giới hạn và cả sự vĩ đại của con người nữa. Đúng vậy!
Sự giới hạn của con người. Mùa chay khỏi đầu bằng Lễ Tro, Giáo Hội muốn nhắc nhớ về sự nghèo khó bẩm sinh của chúng ta để sống thánh thiện hơn. Vì chưng, không thể sống thánh thiện được, nếu chúng ta không khiêm nhường và mở tâm hồn ra đón nhận ơn Chúa. Mùa chay cũng là dịp tốt để đừng quên định mệnh vĩnh cửu của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị nhằm tới định mệnh đó. Đúng! Chúng ta chỉ là tro bụi, nhưng tro bụi này sẽ được Thiên Chúa gọi về với Ngài. Bốn mươi ngày suy tư, cầu nguyện và ăn chay không phải là thời gian quá dài để giúp tro bụi này khám phá ra những khả năng rất kỳ diệu. Chúng ta chỉ là bụi tro, nhưng bụi tro này co thể là hòn than cháy dở, sẵn sàng trở thành ngọn lửa rực cháy.
Vậy chúng ta là ai? Kinh thánh cho chúng ta rất nhiều câu định nghĩa chúng ta là ai.
- Sách Thánh vịnh:              Sống ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
                Thấp thoáng trên đường tự bóng câu.
                Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,
                Ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng”
- Vua thánh Đavit nói:         Ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.
- Thánh vịnh còn nói tiếp:
                Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn.
                Thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.
                Lạy Chúa xin dạy cho con biết, đời sống con chung cuộc thế nào.
                Ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế.
 
- Sách Giob nói:                   Phương chi người phàm chẳng qua là giòi bọ Và con người cũng chỉ thuộc loại sâu.
Nếu tôi nhìn nấm mồ mà nói: Đây là cha tôi! Và nhìn giòi bọ: đây là chị tôi!
Thì hy vọng của tôi ở chỗ nào, Hạnh phúc của tôi, ai là người nhìn thấy.
 Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt không một tia hy vọng.
- Và điều kinh khủng nhất, chính tro bui con người này lại đầy dẫy tội lỗi khi phải đối diện với Thiên Chúa.
Sự vĩ đại của con người. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói lên tất cả những điều đó về con người để mỗi người chúng ta nhìn nhận đó là một sự thật căn bản, chứ không phải để thất vọng. Dù chúng ta là tro bụi, nhưng tro bụi này cũng có một giá trị vĩnh cửu trước mặt Thiên Chúa.
Sách Thánh Vịnh nói:         Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm.
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên
Cho làm chủ công trình do Chúa sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới chân.
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng
Công trình này xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi.
Sách Huấn ca cũng viết: Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó.
Lạy Chúa, đúng như vậy con người là chi mà Chúa phải làm người? Chắc chắn Chúa đánh giá con người thế nào và Chúa yêu mến con người biết bao, nên chính Chúa cũng làm người. Phải chăng là cát bụi ở với cát bụi? Con người là gì mà Chúa chấp nhận chết vì con người. Mỗi một con người đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa.  Mỗi người đều được cứu chuộc bằng một giá rất cao: đó là cái chết của Chúa Kitô trên Thập giá.
Đúng thế! Cuộc sống chả là gì, nhưng cũng không có gì giá trị bằng cuộc sống. Giá trị của cuộc sống không thể được đánh giá bằng đồng tiền,  nhưng bằng tình yêu. Chỉ có tình yêu mới là động lực giúp chúng ta chạy đến cõi vĩnh hằng. Chúng ta đã chuẩn bị cuộc sống chúng ta đang sống để đạt tới cuộc sống vĩnh hằng chưa? Cuộc sống trần gian là nơi con người nhẫn nại, gian khổ và hăng say trong tình yêu mến để tạo nên cho mình nhân cách đời đời.
Không có gì giá trị hơn cuộc sống, vì cuộc sống hiện tại là bước khởi đầu và sinh ra một cuộc sống khác. Chúng ta chỉ là tro bụi nhưng tro bụi này sẽ có thể trở nên than đang cháy dở:
- Nếu tro bui này nhận biết mình là tro, nếu tro bụi này nhận biết mình tội lỗi và trở về với Thiên Chúa.
- Nếu tro bụi này hãy để cho mình được thổi bùng lên bằng cơn gió ơn huệ của Thánh Thần trong suốt mùa chay này.
- Nếu tro bụi này biết lo lắng làm nóng lên những tro bụi khác đang rất cần ánh sáng và sức nóng.
Hãy làm cho Mùa chay này thành mùa chia sẻ! Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay 2021, Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa

========================
Suy niệm 2
Mùa Chay, nhớ về thân tro bụi, mùa của tình yêu và hy vọng

(Mt 6, 1-6; 16-18)

Hôm nay khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa : Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc : Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).
Tro, dù nhỏ nhặt, nhưng nhắc nhở chúng ta một thực tế rằng chúng ta theo đuổi và lo lắng mỗi ngày, chăm chỉ làm việc, muốn chiếm hữu tất cả, nhưng chúng ta sẽ không mang theo được sự giàu có khi từ giã cuộc sống này, chúng ta sẽ không còn gì. Thực tại trần gian biến mất như tro trong gió. Những thứ chúng ta đang có chỉ là tạm thời, quyền lực qua đi, thành công sẽ phai nhòa. Nó giống như một ngọn lửa: một khi lụi tàn, chỉ còn lại tro.
Mùa Chay là thời gian để giải thoát bản thân khỏi ảo ảnh đuổi theo cát bụi. Mùa Chay giúp chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được tạo thành vì Chúa, chứ không phải vì thế gian; vì sự vĩnh cửu của thiên đàng, chứ không phải vì sự tạm thời trần thế; vì tự do của con cái Chúa, chứ không phải để làm nô lệ cho vạn vật.
Chủ đề sứ điệp Mùa Chay năm 2021 này là: “Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18). Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu.
Đức Thánh Cha viết: “Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và làm phúc, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta” (Trích sứ điệp Mùa Chay 2021).
Hành trình của Mùa Chay hướng về Phục Sinh. Toàn bộ cuộc lữ hành của đời Kitô hữu được chiếu soi nhờ ánh sáng phục sinh. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc cần làm là Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực (x. Sứ điệp Mùa Chay 2021).
Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là : nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.
Vậy làm thế nào để thực hiện ba điều Tin Mừng nhắc nhở chúng ta: Ăn chay - cầu nguyện - bố thí.
Những việc đạo đức chúng ta làm hàng ngày qui vào ba điều đó. Không phải Mùa Chay chúng ta vẫn làm. Bằng chứng là chúng ta vẫn cầu nguyện, đọc kinh, dự lễ, lãnh nhận các bí tích là chúng ta cầu nguyện. Các ngày thứ Sáu, Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, và các dịp lễ khác chứng ta vẫn ăn chay. Giúp đỡ người nghèo, góp tiền cho người nghèo ăn Tết là bố thì. Nhưng trong Mùa Chay Thánh, chúng ta phải làm những việc bình thường đó với một tinh thần mới mẻ, tinh thần của Đức Kitô, tinh thần của Tin Mừng. Ăn chay để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến là chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93). Ăn chay giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì xâm chiếm đời ta, như khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và thừa mứa thông tin (cả thông tin thật lẫn thông tin giả), để mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, Người nghèo khó trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).
Đức Thánh Cha viết: “Trong hoàn cảnh lo âu hiện nay, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, thì việc nói về niềm hy vọng dường như là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chắc chắn là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại để chăm sóc thụ tạo của Người, đang khi chúng ta lại thường ngược đãi” (x. TĐ. Laudato si’, 32-33; 43-44).
Đức Thánh Cha khuyên, trong Mùa Chay, “hãy nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Đôi khi để trao tặng niềm hy vọng, chỉ cần là một người tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng (nt., 224).
Tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta, cân bước theo bước Chúa Kitô, trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông. Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta.
Sống Mùa Chay với tình yêu, là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.
Lạy Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse xin đồng hành với chúng con trong Mùa Chay Thánh này. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=======================
Suy niệm 3
ĂN CHAY NHƯ CHÚA MUỐN

Giữa xã hội biến chuyển nhanh chóng, những suy nghĩ cộng gộp và gán ghép cũng nảy sinh. Không ít người Ki-tô hữu cho rằng: việc ăn chay Công giáo cũng giống như lối ăn chay bên Phật giáo, tương tự với cách ăn chay để giữ gìn sức khoẻ, tiết dục, rèn luyện tính khí, và tệ hơn, ăn chay tựa như ăn kiêng, ăn khem, ăn ít lại về số lượng cũng như giảm bớt thịt thà, v.v…
Nếu đặt lối ăn chay giảm bớt về số lượng và kiêng thịt vào trong xã hội của Nhật Bản, thì chắc hẳn ăn chay kiểu này chẳng cần phải từ bỏ, hy sinh gì cả; bởi lẽ người Nhật chuộng cá hơn thịt động vật, cho nên văn hoá ẩm thực của họ hầu hết các món ăn sống như sashimi (cá sống với washabi), sushi (cơm cuộn với cá sống, washabi)…Còn về số lượng thức ăn, thì họ lại ăn rất ít, có khi chỉ cần một nắm cơm với rong biển khô (onigiri). Hơn nữa, dân số Nhật Bản già nhiều hơn trẻ, cho nên ăn uống ít thịt thà, ít về số lượng là lẽ thường tình!
Nói như vậy để chúng ta là những người Công Giáo biết ăn chay thế nào cho đúng cách, và đẹp lòng Chúa. Tiên tri I-sai-ah đã nói rất rõ ràng về cách ăn chay chân chính, và phân biệt lối ăn chay mà Chúa không hề mong muốn: “Chúng nói: “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chẳng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58, 3-5). Miệng ăn chay, nhưng lòng không hoán cải. Ăn chay lòng, nhưng vẫn hành động bạo tàn, ngược đãi, đôi co cãi vã, xung đột, bạo lực, kiếm lợi lộc cá nhân bất chấp điều công minh chính trực. Ăn chay chỉ bên ngoài (khổ chế, cúi rạp đầu, nằm trên vải thô và tro bụi), còn tâm hồn thì xa rời giáo huấn của Thiên Chúa. Phải chăng như thế mà gọi là ăn chay đẹp lòng Chúa sao? (x. Is 58, 5) Đối ứng với điều này, chúng ta thật chú tâm lắng nghe Lời Chúa nói qua ngôn sứ Giô-en: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta…Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13). Ăn chay đúng nghĩa trước hết là thật lòng quay về với Chúa, bỏ đường tội lỗi bất chính, cải hối tự tâm, đứng dậy trở về với Ngài.
Hơn nữa, cách ăn chay mà Chúa mong muốn không khác hơn là lời Chúa vang vọng qua ngôn sứ I-sai-ah: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 6-7). Tắt một lời, ăn chay đúng nghĩa là làm việc bác ái, hướng tới tha nhân (mà Tin Mừng gọi bố thí), tha thứ bao dung với anh chị em, rộng lượng giúp đỡ người khác cách cụ thể. Khi ăn chay, thay vì ngó lơ, thì chú tâm, quan tâm đến tha nhân. Khi ăn chay, thay vì khước từ nhu cầu của anh chị em (mặc dù có khả năng chia sẻ), thì đón nhận và chia san với họ. Khi ăn chay, thay vì làm ngơ người khác, thì ân cần hướng đến họ, v.v…Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc giảm số lượng hoặc kiêng khem thịt thà mà quên đi cốt lõi của việc ăn chay là làm việc bác ái, thực thi yêu thương, tha thứ tha nhân, thì hành động mà ta gọi “ăn chay” đó trở nên vô ích, chẳng đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu chúng ta đơn thuần chỉ tập chú vào dâng cúng của lễ, đóng góp rộng lượng đi chăng nữa, mà quên lãng việc thực thi ý Chúa qua đức ái, vị tha…thì quả thật đây là điều Chúa không ưa thích như Ngài nói qua lời ngôn sứ Hô-sê: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6) và “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13; 12, 7).
Ngoài ra, ăn chay đúng nghĩa không khác hơn là “làm hoà với Thiên Chúa” (x. 2Cr 5, 20), “đừng để ân huệ được lãnh nhận từ Thiên Chúa trở nên vô hiệu” (x. 2Cr 6, 1) và “tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn” (2Cr 7, 1). Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ quên sống liên lỉ, bền bỉ trong mối thân tình với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện thâm sâu, qua việc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Giao Hoà (Xưng tội). Vì vậy, ăn chay chân chính, ăn chay theo lòng Chúa mong muốn, thì luôn gắn liền với đời sống cầu nguyện và làm việc bác ái (bố thí). Điều này Chúa Giê-su đã dạy các Tông đồ và chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6, 1-6, 16-18) như thể bộ ba trong một, tựa chiếc kiềng ba chân chẳng bao giờ ngã đổ. Chúng không thể tách rời, hoặc tách biệt khi thực hành trong đời sống đạo, đặc biệt trong đời sống tu đức. Và dĩ nhiên, kết quả của việc ăn chay đích thật này sẽ rất ư rõ rệt, mà Chúa đã phán hứa qua lời ngôn sứ I-sai-ah: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Ngài liền đáp lại: “Có Ta đây!” Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58, 8-10).
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta nhận tro trên đầu, dấu chỉ ăn năn sám hối, trở về với Chúa, và hân hoan bước vào Mùa Chay Thánh, mùa ân sủng, mùa thuận tiện thi ân thánh đức. Vì vậy, chúng ta thành tâm cùng nguyện cầu:

Chúa mời con bước vào ân tình

Dẫu bao phen đắm mình bụi nhơ

Chúa gọi con quay gót trở về

Nhà xót thương tràn trề ấm êm.

Chúa mời con hưởng niềm vui sướng

Mặc tâm hồn quy hướng về Ngài

Dù trước mắt tương lai bất định

Mãi một lòng trung trinh khôn ngơi.

Chúa mời con nghe Lời phán dạy:

Hoan lạc sống Mùa Chay thánh ân

Ăn chay lòng, canh tân đời sống

Cầu nguyện luôn, bước trong yêu thương. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

======================
Suy niệm 4
Hoa và rác

Người giúp việc vừa lau chùi bàn ghế trong phòng khách vừa ngắm nghía bình hoa hồng tươi đẹp đang được trân trọng đặt trên mặt bàn bóng láng.
Thấy người giúp việc chăm chú nhìn mình với ánh mắt cảm phục, hoa hồng tỏ ra kiêu hãnh và nói:
- Anh xem trên đời nầy có hoa nào vừa đẹp, vừa sang, vừa thơm ngát như tôi không?
Người giúp việc đáp:
- Sớm muộn gì thì mầy cũng chỉ là rác!
Hoa hồng cảm thấy bị xúc phạm nặng nề trước lời nói đó, nên tỏ ra gay gắt:
- Ta xinh đẹp thế nầy, ta đang toả hương thơm ngát thế nầy, ai cũng quý mến ta; ta được tôn vinh trong phòng khách sang trọng thế nầy, vậy mà nhà ngươi dám xỉ nhục ta, dám gọi ta là rác ư! Nhà ngươi xúc phạm ta quá đáng.
Người giúp việc bồi thêm:
- Mầy sẽ là bụi tro!
Hoa hồng tức tối đáp lại :
- Nhà ngươi là kẻ ăn nói ngang ngược! Nhà ngươi có biết trong Ngày Tình yêu, tất cả các đôi nam nữ trên thế giới đều chọn ta để đem tặng cho những người bạn tình yêu quý nhất đời của họ hay không? Nhà người có biết là trong ngày đó, ta được các hoàng tử, các công chúa, những chàng công tử tài hoa, các cô thiếu nữ cao sang đài các… nâng niu ta trên tay, ôm ấp ta vào lòng, quý trọng ta đến thế nào không? Thế mà nhà ngươi dám cho rằng ta là bụi tro ư! Thật không có lời nào xúc phạm đến phẩm giá của ta như những lời ngươi vừa nói.
Người giúp việc bồi tiếp :
- Mầy sẽ là phân bón!
Hoa hồng tỏ ra phẫn nộ :
- Ôi ! Trời ơi là Trời ! Có ai ăn nói hỗn hào như ngươi không! Ta là Hoa Hồng, là Nữ Hoàng của các loài hoa. Nhà ngươi xúc phạm đến ta là xúc phạm đến các chủng loại hoa hồng nói riêng, đồng thời xúc phạm cả mọi loài hoa trên đời, vì ta là Hoa Hồng, là Nữ Hoàng của các loài hoa.
Hoa Hồng giận quá! Cơn giận bốc lên ngùn ngụt khiến hoa hồng ngất đi một hồi lâu mới tỉnh.
Thế là từ lúc đó, cơn giận sôi sục trong lòng đoá hoa hồng khiến nó không ăn, không ngủ, không một phút giây bình an… Và thế là nó héo đi nhanh chóng.
Qua ngày hôm sau, chủ nhà thấy hoa hồng đã héo, vứt nó ra hố rác. Thế là hoa hồng kiêu sa, đẹp lộng lẫy, toả hương thơm ngát làm đắm đuối lòng người, bây giờ trở nên rác, đúng như lời người giúp việc đã nói về nó.
Bởi vì rác hoa hồng nằm chung với các thứ rác khác nên bốc mùi hôi, do đó chủ nhà bảo người giúp việc đốt rác đi. Thế là hoa hồng bây giờ trở thành tro! Đúng như lời người giúp việc đã nói về nó.
Mấy ngày sau, chủ nhà lại sai người giúp việc hốt tro trong hố rác trộn chung với các thứ phân chuồng để đem đi bón ruộng. Thế là hoa hồng bây giờ đã trở thành phân bón! Đúng như lời người giúp việc đã nói về nó, mới ngày hôm kia.
Ôi, kiếp hoa hồng là thế, hôm nay là hoa đẹp lộng lẫy kiêu sa toả hương thơm ngát, ngự trị trong phòng khách xa hoa sang trọng, mai sẽ là rác thối, là tro bụi và cuối cùng là phân bón!
Xin ngẫm lại mà xem. Thân xác chúng ta rồi cũng như thế thôi. Dù hôm nay chúng ta rất xinh đẹp được nhiều người mê say quyến luyến; dù hôm nay chúng ta giàu có sang trọng được mọi người kính nể; dù hôm nay chúng ta thông minh, tài trí được người ta tôn trọng… thì mai đây thân xác chúng ta cũng sẽ trở về với bụi tro.
Bài học bụi tro
Khi biết thân xác mình mai đây sẽ trở về với bụi tro, tôi sẽ không dại dột đầu tư tất cả thời giờ, công sức, tài năng, trí tuệ… của mình để chăm lo cho nó. Trái lại, tôi phải dành nhiều thời giờ, nhiều công sức để đầu tư cho đời sống thiêng liêng, nhờ đó, một khi thân xác nầy mục nát đi, thì linh hồn tôi sẽ được vui sống hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.

 Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Thông tin khác:
Lặng như tờ (30/01/2021)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Huynh đoàn Đaminh và Ban Phục vụ Liên huynh Yên Tập mừng lễ Bổn mạng
Huynh đoàn Đaminh và Ban Phục vụ Liên huynh Yên Tập mừng lễ Bổn mạng
Ngày 25 tháng 11 năm 2024, tại nhà thờ Giáo xứ Yên Tập, Huynh đoàn Đaminh Liên huynh Yên Tập thuộc Giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ, đã hân hoan mừng lễ bổn mạng: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log