Sự ngạc nhiên của Đức Maria
Lc 2, 22 - 40
Tin Mừng theo thánh Luca dõi theo từng lộ trình của Đức Maria kể từ khi Thiên thần Truyền tin, thăm viếng chị họ Elisabet và sinh Chúa Giêsu trong hang đá cho đến ngày dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ. Vào ngày này, "Cha mẹ Chúa Giêsu đều ngạc nhiên về những điều đã nói về Người”...
Ngạc nhiên có nghĩa là ngỡ ngàng bởi một điều gì đó mới mẻ và bất ngờ. Cha mẹ Chúa Giêsu rất ngạc nhiên. Các ngài không ngạc nhiên về sự có mặt của một người mà các ngài không hề biết đến. Nhưng các ngài ngạc nhiên ông già Simeon lại có thể nói được rằng con các ngài không giống như những người khác.
Nói tóm lại, các ngài không ngạc nhiên về người nói, nhưng ngạc nhiên về điều đã nói. Thánh sử Luca nhấn mạnh: “Cha mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người”. Có nghĩa là người nói không quan trọng bằng điều đã nói. Điều đã nói làm mọi người ngạc nhiên. Cha mẹ Chúa Giêsu biết rằng Thiên Chúa đã ban cho các ngài trẻ này là duy nhất cho thế giới. Nhưng tại sao các ngài lại ngạc nhiên vè điều mà Simeon đã nói?
Đối với chúng ta, khi ngạc nhiên, chúng ta có thể nghi ngờ. Nhưng đối với Đức Maria, kể từ trước khi sinh Chúa Giêsu, ngài không nghi ngờ. Ngài chỉ "xao xuyến" trước những lời mà Thiên Thần nói trong ngày truyền tin. Ngài "vui mừng" khi gặp chị họ Elisabeth. Vào ngày sinh Chúa Giêsu, khi tất cả mọi người "ngạc nhiên với những gì các mục đồng nói”, nhưng đối với đối Đức Maria “ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng”. Ngài là người duy nhất không ngạc nhiên. Làm thế nào Đức Maria lại có thể ngạc nhiên về những gì Ngài đã "biết" nhờ đức tin? Như vậy, yếu tố mới nào có thể xẩy đến bất ngờ làm cho Đức Maria và thánh Giuse ngạc nhiên tại Đền thờ Gierusalem hôm nay?
Nhìn kỹ, có vẻ như yếu tố mới duy nhất là địa điểm mà Simeon đã nói những lời đó. Simeon gặp cha mẹ Chúa Giêsu trong Đền thờ. Thánh Giuse và Đức Maria chắc chắn là những tín hữu Do-thái tốt, nhưng các ngài ở vùng ngoại ô, ở xa trung tâm và ở những nơi âm thầm không tên tuổi: Truyền tin tại Nagiaret, thăm viếng chị họ tại một miền núi trong xứ Giudea, sinh Chúa Giêsu nơi hang chiên bò.
Nhưng hôm nay, ngày dâng Chúa Giêsu diễn ra ở một nơi hoàn toàn khác, đó là Đền thờ Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem dành cho người Do Thái, là nhà của Thiên Chúa nhưng cũng là nơi thầy cả thượng phẩm và các tư tế tế lễ. Hôm nay, Thánh Giuse, Đức Maria và trẻ thơ Giêsu ở trung tâm tổ chức tôn giáo. Bài Tin mừng theo thánh Luca hôm nay lặp lại bốn lần:
- Các ngài thực hiện một hành động được ấn định theo luật Do Thái,
- Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy theo luật Moise…
- Như đã chép trong Luật Chúa…Dâng của lễ theo luật Chúa truyền…
- Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục đã truyền.
Như vậy chúng ta có thể nói rằng: "Cha mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người” trong Đền Thờ. Hôm nay, các ngài học được những điều các ngài chưa biết: sự hiện diện người con của các ngài tác động đến người Do-thái trong Đền thờ Gierusalem. Ở đó, có hai người già, Simeon và Anna, nhưng cũng là đại diện "tất cả những người đang chờ đợi sự giải thoát từ Gierusalem" nhận ra nơi người nhỏ bé này "ánh sáng soi đường cho dân ngoại và vinh quang của Israel Dân Ngài”.
Hài nhi Giêsu không chỉ được nhận ra ở những nơi âm thầm không tên tuổi như Nagiaret hay một hang đá ở Belem. Hài nhi Giêsu không chỉ được nhận ra bởi các mục đồng qua đêm trên cánh đồng. Ngài còn được nhận ra trong trung tâm thể chế Do-thái giáo, nơi linh thiêng nhất, nơi cực thánh.. Điều đó, các ngài chưa biết. Chặng đường này từ ngoại ô tới trung tâm thành phố, từ nơi âm thầm không tên tuổi đến trung tâm tôn giáo mọi người hướng về, dù sao cũng đáng để các ngài “ngạc nhiên”.
Và điều mà Đức Maria chưa biết và Simeon báo cho Ngài thấy trước là chặng đường từ chỗ tối đến ánh sáng, từ ngoại vi đến chính trung tâm của thể chế tôn giáo sẽ diễn ra khi "một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ngài”.
- Giêrusalem, nơi mà các thượng tế có uy quyền nhất, nơi các biệt phái và luật sỹ giảng dạy đặt ách nặng nề trên dân chúng. Họ kết án tử hình Chúa Giêsu trên thập giá và như vậy "một lưỡi sẽ đâm thâu tâm hồn Đức Maria”.
- Giêrusalem, nơi mà họ kết án tử hình Chúa Giêsu và "một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ngài” cũng là nơi họ “ngã xuống”. Nhưng cũng nơi nhờ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và "một lưỡi sẽ đâm thâu tâm hồn Đức Maria” mà làm cho nhiều người “đứng dậy”. Simeon công bố trong đền thờ: Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là Đấng không đến để phán xét mà là để cứu chúng ta: "Mắt tôi được thấy ơn cứu độ”.
Hôm nay chúng ta mừng lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ. Chúng ta cũng hãy chia sẻ sự ngạc nhiên của Đức Maria và thánh Giuse trong Đền Thờ là trong chính Giáo Hội chúng ta. Từ trong Giáo hội, chúng ta loan báo hay chống lại sứ mệnh loan báo tin mừng của Chúa Giêsu? Chúng ta cứ loan báo tin mừng mặc dù gặp phải khó khăn cách nào chăng nữa, hoặc phải bị một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn chúng ta như Đức Maria, miễn là để nhiều người được“đứng dậy”. Mầu nhiệm Giáo Hội cũng là mầu nhiệm dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Lc 2, 22-40
Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh gia đem con trẻ Giêsu vào đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Bởi theo luật Môsê, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải tiến dâng cho Ngài. Thánh gia đã khiêm nhường tuân giữ lề luật, dù trẻ Giêsu là Thiên Chúa thật. Lễ vật nhà nghèo của thánh gia chỉ với cặp bồ câu non. Việc thánh gia dâng Con vào đền thờ mang ý nghĩa lớn lao: Đấng Cứu Thế lần đầu tiên đi vào thành thánh. Nhưng hiếm có ai nhận ra vai trò của con trẻ Giêsu hôm ấy. Nhưng cụ già Simêon được Thần Khí thúc đẩy, ông biết sẽ được nhìn thấy Đấng Kitô trước khi chết. Ông lên đền thờ đúng lúc cha mẹ Hài Nhi đem con tới, ông đón và ẵm lấy Hài Nhi trên tay, mãn nguyện ông chúc tụng Đức Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài.” Ông là người công chính và sùng đạo, hằng mong đợi Đấng Cứu Thế. Vì ông được nghĩa với Chúa nên Thánh Thần hằng ngự trị nơi ông, giúp ông nhận ra và tuyên xưng Đấng Cứu Thế khi Người còn là Hài Nhi bé bỏng trong ngày được hiến dâng. Cả đời ông mòn mỏi khát vọng, kiên nhẫn và trung tín để rồi được đáp lại bằng cuộc gặp gỡ hôm nay. Với lòng mến yêu Thiên Chúa, ông hạnh phúc sung sướng đến nỗi sẵn sàng chết ngay lúc này. Những lời ông nói hôm nay làm cha mẹ Hài Nhi rất đỗi ngạc nhiên. Nhất là lời ông nói với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Người mẹ nào nghe những lời tiên tri về con và cho mình như vậy mà không bị sốc đứng tim, vì thất vọng quá chừng? Nhưng Mẹ Maria thì vẫn bình thản ẵm Hài Nhi đứng đó, chỉ lặng lẽ gẫm suy về lời tiên báo kỳ bí ấy, sau này khi mọi sự xảy đến, cho tới phút cuối cuộc đời cứu chuộc của Con Mẹ.
Cụ già thượng thọ Simêon đến lúc cuối đời được nhìn thấy Đấng Kitô mà hạnh phúc mãn nguyện như vậy. Còn chúng con hôm nay thì sao? Ngay từ lúc ẵm ngửa chúng con đã được cha mẹ đem đến nhà thờ để lãnh Bí tích Rửa tội, để được thanh tẩy và hiến dâng, được thánh hiến, được trao ánh sáng Chúa Kitô. Nhưng cả cuộc đời chúng con mải miết với cuộc sống trần thế, ít dành thời gian tĩnh lặng mà ý thức và cảm mến hồng ân được có Chúa ở cùng, hiện diện đồng hành trong mỗi phút giây. Xin Chúa cho chúng con biết ý thức lại mỗi khi lãnh nhận Bí tích, khi rước Thánh Thể Chúa, để chúng con nhận ra và cảm nghiệm được hạnh phúc có Chúa trong lòng, mà cảm mến chúc tụng và được lớn lên trong ân sủng Chúa.
Én Nhỏ