(Mc 6,7-13)
Khi ấy Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Một vài tư tưởng về đoạn Tin Mừng giúp cầu nguyện · Hãy tưởng tượng bạn được mời tham gia với nhóm Mười Hai, và rất hào hứng khi được sai đi để rao giảng Tin Mừng. Bạn mong ước học được phương cách rao giảng của Thầy Giê-su. Phương cách đó là bạn đi rao giảng với hành lý thật nhẹ nhàng: không phô trương, không lệ thuộc vào tài khoản ngân hàng, không xe sang trọng. Bạn chỉ cậy dựa vào một thứ duy nhất là sức mạnh và ân sủng Chúa! Sau đó, bạn sẽ thấy những điều lạ lùng xảy ra.
· Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mong muốn một Giáo Hội nghèo dành cho người nghèo, ước mơ của ngài được khởi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta là Ki-tô hữu, với lý trí thì cũng mong muốn thành công rực rỡ nơi các việc làm, nhưng chúng ta cũng cần có thái độ phản tỉnh về sự giàu có và tư bản chủ nghĩa nơi mình. Vương quốc của Thiên Chúa thường đi liền với sự bé nhỏ, sống đơn sơ và biết chia sẻ với những người thiếu thốn.
· Các tông đồ được sai đi với tài sản duy nhất là sự tín thác vào Thiên Chúa quan phòng. Họ có được năng quyền, sức mạnh từ Chúa Giê-su. Ngài không yêu cầu các môn đệ thực hiện nhiều hơn những gì mà chính Ngài đã làm: Ngài đã bỏ gia đình và nhà cửa; trở thành người rao giảng lang thang nay đây mai đó; sống ngoài đường xá, bên lề xã hội; chiến đấu với ma quỷ, và mời gọi con người đi vào tương quan thân tình với Thiên Chúa.
· Chúa Giê-su chống lại mọi hình thái của việc chiếm hữu và mong muốn chúng ta cũng sống như vậy. Cho nên Ngài sống nghèo, và bị người đời loại bỏ, Ngài giải phóng những ai bị sa-tan xâm nhập và chữa lành các bệnh nhân.
· Phần tốt nhất của người tốt là cuộc sống “đơn sơ, ẩn dấu với những hoạt động đầy yêu thương và tốt lành nhưng không muốn được biết tới” (William Wordsworth).
Hãy ở lại với Chúa Giê-su trong sự tĩnh lặng và nghe Ngài đánh giá cao về cuộc sống biết cho đi, sống “đơn sơ, ẩn dấu với những hoạt động đầy yêu thương và tốt lành.”
· Việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa phải được thực hiện trong sự nghèo khó và yếu đuối, vì nơi sự yếu đuối và nghèo khó đó mà quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện. Rao giảng Tin Mừng với những quyền lực khác sẽ không có hiệu quả. Hoặc rao giảng với sự khôn khéo và tài hùng biện của ngôn từ chỉ làm cho thập giá Chúa Ki-tô trở nên vô nghĩa. Đức tin vào Chúa chịu đóng đinh không lệ thuộc vào những luận điệu của ngôn từ, lo-gic, tài khéo hoặc các phương tiện của con người, nhưng lệ thuộc vào Thần Khí. Đức Ki-tô chịu đóng đinh phải được rao giảng trong sự yếu đuối (weakness). (Cf. George Ukken, S.J., Poverty, Weakness & Humility: Signs of God’s Kingdom on Earth).
Phản tỉnh: Bạn cảm thấy mình nghèo khó và yếu đuối đủ để rao giảng Tin Mừng chưa? Phần tốt nhất của người tốt là cuộc sống “đơn sơ, ẩn dấu với những hoạt động đầy yêu thương và tốt lành nhưng không muốn được biết tới”, bạn có nghĩ vậy không? Xin Chúa giúp con can đảm rao giảng Tin Mừng với sức mạnh và quyền năng của Chúa được thực hiện trong sự yếu đuối, nghèo nàn của con. Amen.