Thứ sáu, 21/02/2025

Suy niệm Tin mừng Thứ Năm tuần VI Thường niên (Mc 8,27-33)

Cập nhật lúc 15:32 19/02/2025
Tin Mừng: Mc 8,27-33

Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.

27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?” 28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”


============
Suy niệm 1: NÓI LỜI CỦA THIÊN CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 6 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin Chúa tuôn đổ hồng ân, giúp chúng ta ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa.
 
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết dùng miệng lưỡi nói điều khôn ngoan chính trực, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Châm Ngôn cho thấy: Tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm. Đừng mất công phân tích các phương châm tinh tế sau đây. Mỗi câu tự nó đều đủ nghĩa, và có thể được xem như một lời nhận xét tế nhị về phong tục đương thời, hay như một lời khuyên, giúp đạt tới hạnh phúc, tránh những rủi ro của số phận. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những mảnh vụn của bữa tiệc linh đình Đức Khôn Ngoan hứa sẽ khoản đãi. Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan, và lưỡi họ nói lên điều chính trực. Luật Thiên Chúa, họ ghi tạc vào lòng. Thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân. Họ không lo phải nghe tin dữ.
 
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết dùng miệng lưỡi nói lời Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Hãy mở miệng ra để nói lời Thiên Chúa… Đức Kitô Giêsu trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
 
Trở nên đền thờ của Chúa, khi biết dùng miệng lưỡi nói lời kết ước tình yêu, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại: Thiên Chúa phán: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 101, vịnh gia cho thấy: Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần. Chư dân sẽ sợ uy danh Chúa, mọi đế vương hoàn cầu úy kính Ngài vinh hiển. Vì Chúa sẽ xây dựng lại Xion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ. Người đoái nghe dân bị bóc lột kêu cầu, chẳng khinh thường lời họ nguyện xin.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Trong bài Tin Mừng, ông Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô. Đức Giêsu nói: Con Người phải chịu đau khổ nhiều. Đức Giêsu là Đấng Kitô, Người đã trải qua nhiều đau khổ, mới đạt đến vinh quang, Người chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa: Lời thần khí,  lời sự sống đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Chớ gì lòng trí chúng ta luôn suy gẫm sự khôn ngoan của thập giá, và nói về Đức Kitô, vì chính Người là sự khôn ngoan, là Lời của Thiên Chúa. Ông Phêrô đã dùng Lời của Thiên Chúa, mà tuyên xưng Đức Kitô, nhưng, ngay sau đó, ông lại dùng lời của thế gian mà ngăn cản Đức Giêsu. Chớ gì khi mở miệng ra, là chúng ta nói Lời của Thiên Chúa. Chính Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta cất tiếng ngợi khen Người và suy gẫm Lời của Người. Chớ gì chúng ta luôn luôn nói về Người: nói về đức khôn ngoan là nói về chính Người, nói về nhân đức là nói về chính Người, nói về sự bình an là nói về chính Người, nói về chân lý, về sự sống, và ơn cứu độ là nói về chính Người. Chớ gì chúng ta luôn nói những gì thuộc về Đức Kitô và thập giá của Người, khi ngồi trong nhà, ngôi nhà nội tâm của chúng ta, cũng như lúc đi đường, con đường Giêsu; khi đi ngủ, khi đã thỏa lòng chợp mắt khép mi, vì đã tìm được một nơi cho Chúa ngự, cũng như khi thức dậy, khi có tiếng người tôi yêu gõ cửa… Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, ước gì chúng ta biết ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
============
Suy niệm 2: ĐỨC KITÔ BÊN TRONG
“Anh em bảo Thầy là ai?”.
Một giọng rè rè gọi đến kho quân cụ của sư đoàn; người ấy muốn biết số lượng quân trang, quân dụng. Viên trực nói, “Chúng tôi còn 3 xe Jeep, 4 xe tăng, 500 súng trường và một tấn đạn. Chúng tôi cũng còn hai chiếc Cadillac dành cho các tướng béo!”. Im lặng. Sau đó, “Một cách riêng tư, anh biết tôi là ai không?” - “Không!”. “Tôi là đại tướng Westin!”; “Tướng quân, ông biết tôi là ai không?” - “Không!”; “Hẹn gặp lại, Béo!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cuộc điện thoại thú vị đưa chúng ta về cuộc đối thoại của Tin Mừng hôm nay - dĩ nhiên - nghiêm túc hơn! Chúa Giêsu hỏi các môn đệ, “Anh em bảo Thầy là ai?” - một câu hỏi khó! Bởi lẽ, nó đặt câu hỏi về một ‘Đức Kitô bên trong’ mà chỉ trái tim mới có thể trả lời!
“Anh em bảo Thầy là ai?”. Với câu hỏi này, mỗi người chỉ có thể trả lời nó bằng cả đời sống; vì lẽ, phải sống nó, chiến đấu với nó và cam kết với nó! Câu hỏi ‘không xác định nhiều’ về Chúa Kitô, nhưng ‘xác định nhiều về người’ trả lời nó! Tôi đã có kinh nghiệm nào về Ngài? Cá nhân tôi đã học được gì nơi Ngài? Bởi lẽ, lịch sử của Ngài và lịch sử của tôi phải kết hợp với nhau để làm nên một chương duy nhất - ‘Ngài và tôi!’.
Vậy, nếu tôi không có gì nhiều để nói về Chúa Kitô - vì nội tâm của tôi bị lu mờ bởi vật chất và hơi hướng thế tục - thì tôi phải đưa câu hỏi về Ngài lên một cấp độ cao hơn, “Tôi là ai đối với Ngài?”. ‘Tôi là ai’ sẽ quyết định phần lớn đời sống cầu nguyện và cách cư xử thường ngày của tôi. ‘Đức Kitô bên trong’ chỉ được biết đến bởi những ai được Ngài mặc khải và sống trong ân sủng Ngài! Điều này sẽ không xảy ra theo cách tiếp cận đơn thuần khả giác - sáng lễ chiều kinh - cũng không diễn ra theo dòng chảy của các nghi lễ phụng vụ; nhưng Đức Kitô chỉ có thể được biết bằng một trải nghiệm cá nhân qua cầu nguyện, sống bác ái và qua việc kết hiệp với Ngài ‘trong từng hơi thở!’.
Vậy tại sao “Chúa Kitô là ai đối với tôi?” và “Tôi là ai đối với Chúa Kitô?” lại quan trọng đến thế? Quan trọng vì Ngài là mặc khải trọn vẹn ý định cứu độ của Chúa Cha, giao ước muôn đời của Cha. Và như thế “Cầu vồng”, dấu giao ước của Thiên Chúa thời Nôê - bài đọc một - là hình ảnh báo trước Đức Kitô, “Dấu Giao Ước” đời đời Chúa Cha dành cho con người! “Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần!” - Thánh Vịnh đáp ca - mang ý nghĩa trong Đức Kitô, qua Đức Kitô, Thiên Chúa đoái thương cõi trần!
Anh Chị em,
“Anh em bảo Thầy là ai?”. Cho bạn và tôi, “Thầy là ai đối với con?”. Là những người được gọi, được sai đi; sao tôi vẫn vật vờ ươn ế? Là những người theo Chúa lâu năm - bị thói quen mài mòn - tôi đã đánh mất mặn nồng thuở ban đầu? Từng là sứ giả của hy vọng - nay chùn bước - tôi cần vực dậy bản thân để bắt đầu lại? Đúng thế! Chúa Kitô muốn trở thành ‘một Ai đó’ bên trong bạn và tôi; Ngài phải là trung tâm, điểm quy chiếu cho đời sống. Tắt một lời, Ngài muốn là tình yêu của tất cả mọi cuộc sống! Không quan tâm đến các ý kiến về mình, Ngài quan tâm ‘kích cỡ’ chỗ của Ngài trong tim mỗi người!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì Chúa chiếm ngự toàn vẹn trái tim con! Từ đó, mọi tư tưởng, lời nói việc làm của con sinh ích cho tha nhân, cho thế giới… đều phát xuất từ Ngài!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
============
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log