“Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”.
“The Light of the World”, “Ánh Sáng Của Thế Giới” là tên một bức tranh, kiệt tác của Holman Hunt. Bức tranh cho thấy Chúa Giêsu, đội mão của một vị Vua, tay xách một ngọn đèn. Ngài đang đứng ngoài cửa của một ngôi nhà, gõ cửa và đợi để được nhận vào. Điều thường được chỉ ra là cửa không có tay nắm ở bên ngoài; nó chỉ có thể được ‘mở từ bên trong!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Chúa Giêsu rất tôn trọng chúng ta, Ngài đứng trước cửa linh hồn mỗi người và gõ. Ngài chờ đợi cho đến khi nào linh hồn chúng ta ‘mở từ bên trong’ để Ngài bước vào. Đó sẽ là những gì Luca kể về Giakêu trong Tin Mừng hôm nay. Một khi Chúa Giêsu thấy cửa ‘hé mở’, Ngài đẩy vào ngay và không ngần ngại nói, “Hôm nay, Ta phải ở lại nhà con?”. Giakêu đã mở toang cánh cửa trái tim, cánh cửa đời mình để Giêsu vào, và Ngài sẽ dẫn dắt cuộc đời còn lại của anh.
Thật trùng hợp, bài đọc Khải Huyền hôm nay cũng nói đến việc Chúa đứng ngoài cửa và gõ, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. Đây là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Tân Ước, nó bao hàm một ước muốn rằng, Chúa Giêsu phải đến, trở thành một phần cuộc đời chúng ta; và không chỉ một phần, Ngài sẽ là chủ tâm hồn chúng ta, bởi chúng ta là tạo vật tay Ngài tác tạo. Nhưng việc cho phép Ngài đi vào hoàn toàn tuỳ thuộc chúng ta; tuỳ thuộc vào việc chúng ta có hoán cải trái tim để chào đón Ngài hay không! Như thế, việc thay đổi tâm hồn của một người, quả là một chiến thắng vẻ vang oai hùng nhất trong tất cả mọi chiến thắng. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta!”.
Giakêu đã thắng, anh được đồng bàn với Chúa Giêsu! Vậy tại sao Chúa Giêsu chỉ chọn một mình anh, ban cho anh vinh dự được Ngài ở lại nhà? Thưa bởi lẽ, Giakêu đã ‘hé mở’ lòng mình; anh can đảm đánh mất sĩ diện, coi thường danh dự, quên cả tuổi tác khi leo lên cây như một em bé hòng xem tỏ tường con người Giêsu. Sở dĩ anh làm được điều đó bởi anh biết, chỉ một mình Ngài mới có thể cảm thông, thấu hiểu khi Ngài nhìn anh với ánh mắt nhân từ xót thương. Đúng thế, anh thấy mình cần đến lòng thương xót và sự tha thứ đó. Gặp gỡ Ngài, anh đã tìm thấy nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng. Anh tìm được chính mình trong lòng thương xót bao dung của Thiên Chúa; anh không còn “hâm hẩm, không nóng, không lạnh”; anh thể hiện sự ăn năn sâu sắc bằng quyết định trao một nửa tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho mỗi hành vi biển lận. Lời chứng của Giakêu bao gồm nhiều điều hơn là lời nói. Thay đổi của trái tim đã dẫn anh đến thay đổi cuộc đời, một sự thay đổi mà cả cộng đồng có thể chứng thực. Thánh Augustinô khuyến khích chúng ta ‘trèo lên cây sung’ để có thể nhìn thấy Chúa Giêsu, đón Ngài vào nhà, và ôm lấy thập giá của Ngài cho cuộc đời của mình.
Anh Chị em,
“Hôm nay Ta phải ở lại nhà con?”. Chúa Giêsu luôn ước được ở trong tâm hồn chúng ta, bởi “nhà con” cũng là “nhà Ngài” trên trần gian này; Ngài là một phần không thể thiếu trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng, Ngài rất tôn trọng tự do của mỗi người; và dù là Chúa, Ngài không cưỡng bức ai, cũng không đột nhập trái phép; Ngài sẽ chỉ vào theo lời mời của bạn và tôi. Ngài ở đó ngay giờ này và sẽ ở đó suốt ngày hôm nay và hàng ngày. Ngài không ngần ngại cho chúng ta những cơ hội, những biến cố, những con người, để chúng ta ‘hé mở’ cho Ngài. Chúng ta có mời Ngài vào hay không; nghĩa là có cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài hay không! Biết đến sự chần chừ của chúng ta khi phải “leo lên” cao thì chính Ngài đã tự ý leo lên, leo lên cây thập giá, một loại cây ‘quá ngớ ngẩn’ hầu chúng ta có thể thấy rõ Ngài mà ‘hé mở’ cho Ngài; và Ngài chỉ ước cánh cửa ấy sẽ được sớm ‘mở từ bên trong’, sớm nhất có thể!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã tự nguyện ‘leo lên cao’ để con thấy được chính mình trong lòng thương xót của Chúa. Cho con biết tự nguyện ‘mở từ bên trong’ linh hồn con mỗi khi nhìn lên Thánh Giá, hầu ngôi nhà tâm hồn con là nơi cư ngụ luôn mãi của Chúa!”, Amen.