“Anh càng kêu lớn tiếng, “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.
John Milton nói, “Tôi không thể ca ngợi một nhân đức trốn chạy hoặc an phận; một nhân đức không tôi luyện để chịu thử thách; không bao giờ xông pha đương đầu với nghịch cảnh, nhưng lén lút thoát khỏi cuộc đua nơi mà vòng hoa bất tử đòi phải chạy, lấm bụi, nắng cháy và ‘vượt qua những rào cản!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta mục kích một con người không “trốn chạy” cũng không chấp nhận “an phận”. Bartimê, một người đã ‘vượt qua những rào cản’ để đến với Chúa Giêsu! Thật thú vị, Bartimê không được may mắn như một người bình thường, anh là một người mù!
Nghe tin Chúa Giêsu đi qua, anh rất muốn được Ngài chú ý; anh kêu lên, “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Lời cầu của anh ngay lập tức vấp phải sự phản kháng, người ta bảo anh im đi. Tuy nhiên, con người này có một loại đức tin được “tôi luyện” để
‘vượt qua những rào cản’; phản ứng của những người chống lại anh chỉ khiến anh la to hơn, “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Bị mù về thể chất, nhưng xem ra Bartimê vẫn có thể nhìn thấy Chúa Giêsu bằng đôi mắt của trái tim, anh nhận ra Ngài là sứ giả của trời. Để sau đó, anh phát hiện ra rằng, Đấng anh kêu cầu không như những người khác. Ngài dừng lại, truyền dẫn anh đến, nói với anh một cách rất riêng tư, tôn trọng, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Anh đáp, “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được!”. Đức tin bền bỉ dám “xông pha đương đầu với nghịch cảnh” của anh đã tạo cơ hội để Chúa Giêsu chữa lành anh. Được nhìn thấy, đức tin anh càng thể hiện đậm nét hơn; cụ thể, qua việc anh đi theo Ngài, “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa”.
Là một trong những nhân vật nhỏ bé của Tin Mừng nhưng anh mù Bartimê có thể là nguồn cảm hứng thực sự cho bạn và tôi. Anh đã chia sẻ một loại đức tin mà tất cả chúng ta cần đến ngày nay, một đức tin sẵn sàng ‘vượt qua những rào cản’ có thể có trên đường đời của mỗi người. Câu chuyện của anh nói với chúng ta rằng, một đức tin bền bỉ sẽ được Chúa công nhận và quảng đại phúc đáp. Vì lẽ, đến được với Chúa Giêsu là đến được với ánh sáng, với sự sống. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống”. Đúng thế, Bartimê đã chiến thắng; anh chiến thắng chính mình, chiến thắng sự chống đối của những người khác; và anh đã nếm một loại “quả cây sự sống” có tên “Giêsu”, nhờ đã ‘vượt qua những rào cản’.
Anh Chị em,
“Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Như Bartimê, chúng ta hãy la lên như anh, hãy đến với Chúa Giêsu như một người đáng thương bên đường trong sự mù loà của mình. Thế nhưng, bạn có thể bào chữa, “Tôi đâu có mù!”. Nguyên việc cho mình không mù, bạn và tôi đang thực sự khiếm thị! Nhưng nếu bạn đồng ý thì bài đọc Khải Huyền hôm nay là một lời nhắc nhở tuyệt vời, “Ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu!”. Vậy nếu biết mình mù, hãy tìm đến với Chúa Giêsu như Bartimê. Anh khuyến khích chúng ta tìm kiếm Ngài cách kiên định và thuần khiết. Anh truyền cảm hứng để chúng ta luôn tập trung vào Chúa cả khi áp lực chung quanh là phải làm khác đi, hoặc “chạy trốn” hay “an phận”. Anh cho thấy rằng, nếu bạn và tôi dám ‘vượt qua những rào cản’, Chúa Giêsu sẽ rộng lượng đáp lại; nhờ đó, chúng ta sẽ không nhượng bộ bất cứ một cuộc đấu tranh nào vốn “đòi phải chạy, lấm bụi và nắng cháy”; và tránh được việc “lén lút thoát khỏi cuộc đua” để rút vào hố của sự tự thương hại hay an phận.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, vòng nguyệt quế đang chờ đợi con. Xin cho con can đảm “xông pha đương đầu với mọi nghịch cảnh”, chấp nhận lấm bụi, nắng cháy và ‘vượt qua những rào cản!’. Kìa, Chúa đang đợi con!’”.