“Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế!”.
“Chúng ta sẽ làm gì trên thiên đàng? Ngả người nằm dài trên đó?”. James Packer nói, “Không đâu! Chúng ta sẽ thờ phượng, làm việc, suy nghĩ; tận hưởng hoạt động, vẻ đẹp của con người và Thiên Chúa. Nhưng trước hết, chúng ta sẽ thấy và yêu mến Giêsu, Đấng Cứu Rỗi, là Thầy và là Bạn! Vậy mà, thật tuyệt vời, chúng ta có thể tận hưởng thiên đàng ngay bây giờ, khi yêu mến Giêsu, nên như Giêsu; nhìn mọi sự, mọi người như Ngài, với ‘mắt của lòng thương xót!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Nhìn mọi sự, mọi người như Ngài, với ‘mắt của lòng thương xót!’”, đó là một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Khi trích dẫn Hôsê, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế!”, Chúa Giêsu tiết lộ, Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn mọi sự như Ngài, với ‘mắt của lòng thương xót!’.
Một trong những câu hỏi quan trọng mà thỉnh thoảng chúng ta tự hỏi là, “Chúa muốn gì?”. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm được điều Chúa muốn, nhưng chúng ta luôn tìm biết Chúa muốn gì! Trước sự việc các môn đệ bứt lúa mà ăn cho đỡ đói trong ngày Sabbat, người biệt phái cho đó là phạm luật; với Chúa Giêsu thì không, Ngài lên tiếng bênh vực! Cùng một sự việc, họ nhìn dưới thấu kính của lề luật; Chúa Giêsu nhìn dưới ‘mắt của lòng thương xót’. Bởi lẽ, thương xót luôn làm phấn khích, khiến chúng ta nghĩ đến người khác hơn nghĩ đến bản thân; nó nâng chúng ta lên, lấp đầy với những năng lượng mới; nó thúc đẩy chúng ta thờ phượng, yêu mến, khiến chúng ta tràn đầy hy vọng. Nó cũng không đặt ra một gánh nặng nào; đúng hơn, lòng thương xót và lề luật cùng nhau trẻ hoá chúng ta và làm cho chúng ta nên tươi mới!
Chúa Giêsu muốn các biệt phái hiểu rằng, điều mà Thiên Chúa muốn trên hết là chúng ta sẵn sàng nâng đỡ sự hèn yếu của tha nhân; trong trường hợp này, là cơn đói của những người anh em, cho dù hôm đó là ngày Sabbat. Chúng ta thường bị cám dỗ đánh giá người khác một cách không công bằng và không cần thiết, khi không chấp nhận sự yếu hèn của người anh em; đang khi những yếu đuối là thuộc tính gắn trết với bản thân mỗi người. Vậy nếu nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, thì chúng ta là ai mà lại từ chối xót thương anh chị em mình?
“Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế!”. Ngỏ lời với Israel, Hôsê bóc trần một nền phụng tự trống rỗng và tạp nhạp; niềm tin tôn giáo của họ quá hời hợt, không sâu sắc. Đây là lý do tại sao vị ngôn sứ nhấn mạnh, “Ta muốn lòng nhân từ”; nghĩa là Thiên Chúa muốn mỗi người nhận ra tội lỗi mình, sửa chữa đường lối và trung thành với giao ước. Đó cũng là những gì Êdêkia tỏ bày trước nhan Chúa qua bài đọc Isaia hôm nay; và Chúa đã đoái nhìn vua với ‘mắt của lòng thương xót’, “Ta đã nghe lời ngươi, và Ta đã lau sạch nước mắt của ngươi!”. Mặc lấy tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, vua đã thưa lên, “Lạy Chúa, chính Ngài đã cứu con khỏi hố diệt vong!”.
Anh Chị em,
“Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế!”. Thước đo hành vi của chúng ta trong mắt Thiên Chúa không phải là việc tuân thủ thật kỹ luật Ngài, kỹ đến độ bất chấp bác ái, nhưng là mức độ yêu thương chúng ta dành cho anh chị em mình. Luật là vì con người; chứ không ngược lại! Đó là lý do tại sao một hành động yêu thương luôn vượt mọi luật lệ! Nếu trong mắt Chúa Giêsu, ‘mắt của lòng thương xót’, các môn đệ vô tội, thì họ vô tội! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách cư xử của mình. Chủ nghĩa ‘vị luật’ và nhỏ nhen có thể dễ dàng lây nhiễm vào đời sống Kitô giáo, khiến chúng ta đo lường mọi người, kể cả bản thân, bằng việc tuân thủ hoặc không tuân thủ những gì thực sự ít liên quan đến bản chất đức tin. Có một luật rất khắt khe mà chúng ta được kêu gọi tham dự đó là luật của tình yêu. Nó ban phép mà không có ngoại lệ; nhưng thực hành của nó chỉ có thể và luôn mang lại lợi ích đến cả ‘người nhận lẫn người cho!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con nhìn mọi sự với ‘mắt của lòng thương xót’ như Chúa; nhờ đó, con có thể luôn nhân ái với anh chị em con như Chúa hằng nhân ái với con!”, Amen.