“Khốn cho các ngươi!”; “Khốn cho các ngươi!”.
Eleanor Roosevelt, cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, nói, “Triết lý sống của một người không thể hiện trong những gì họ nói; nhưng thể hiện trong những gì họ lựa chọn! Về lâu dài, mỗi người định hình cuộc sống mình và định hình chính mình; quá trình này không bao giờ kết thúc cho đến khi chúng ta chết. Và những lựa chọn chúng ta đưa ra để có cho mình những phúc lành, cuối cùng cũng là trách nhiệm của mỗi người! Vì lẽ, ‘phúc lành song hành với trách nhiệm!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay trùng hợp với ý tưởng của cựu đệ nhất phu nhân Roosevelt, ‘phúc lành song hành với trách nhiệm!’. “Ai được giao nhiều, sẽ bị đòi nhiều! Ai được giao ít, sẽ bị đòi ít!”. Isaia nói, “Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không tồn tại”; với Tin Mừng, Chúa Giêsu khiển trách các thành “Khốn cho các ngươi!”; “Khốn cho các ngươi!”, rồi Ngài kết luận, “Ngày phán xét, Tyrô và Siđôn sẽ được xử khoan dung hơn các ngươi!”.
Bài đọc thứ nhất cho biết, vua Giuđa là Akhát, bị Israel và Syria đe doạ. Chúa sai Isaia đến trấn an vua; rằng, hai quốc gia bắt nạt Giêrusalem đó, dù có vẻ hùng mạnh, nhưng chúng chỉ là “những que củi còn khói”. Lời trấn an đó được coi như ‘phúc lành’ dành cho vua, vì “Thiên Chúa củng cố thành đô đến muôn đời muôn thuở” như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ. Isaia còn nói cho vua ‘trách nhiệm’, cũng là bài học cho chúng ta; rằng, không thể mong Chúa đứng về phía mình nếu chúng ta không đứng về phía Ngài, “Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không tồn tại”.
Mỗi phúc lành đều có một mức độ trách nhiệm tương đương! Các dấu lạ Chúa Giêsu làm tại Corozain, Bethsaiđa và nhất là ở Capharnaum, không được mọi người trong Israel biết tới, chứ đừng nói đến cả thế giới! Vì vậy, những người nhìn thấy chúng, có trách nhiệm lớn hơn những ai không nhìn thấy chúng. Chúa Giêsu khiển trách các thành, đánh thức họ khỏi sự hững hờ; Ngài nhắc nhở họ, một ngày kia, họ sẽ trả lẽ về những điều này trước mặt Chúa. Lý do là vì phép lạ đã không đưa họ đến một đức tin sâu sắc hơn, để từ đó, họ hoán cải tâm hồn mà trở về. Tin và ăn năn là mục đích sau cùng của mọi phép lạ; ‘phúc lành song hành với trách nhiệm!’.
Mục tiêu của tất cả những gì Chúa Giêsu làm là mang lại sự đổi thay các tâm hồn. Mối nguy đối với các thành và cả chúng ta, là quá quen với những dấu lạ này; để rồi, chỉ biết đòi hỏi thêm những dấu lạ khác; vì thế, mục đích của chúng bị đánh mất. Mục đích dấu lạ nhắm đến là chuyển hướng một cuộc sống từ tự cho mình là trung tâm sang nhận Chúa Kitô làm trung tâm. Như Hêrôđê, chúng ta muốn thưởng thức dấu lạ cho đến loá mắt, nhưng không muốn thay đổi đời sống; đang khi Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để gây ấn tượng, nhưng để hoán cải một trái tim trở lại với Thiên Chúa hoặc để đưa nó kết hợp sâu sắc hơn với trái tim Ngài!
Anh Chị em,
“Khốn cho các ngươi!”, “Khốn cho các ngươi!”. Hôm nay, có thể là một ngày để chúng ta rà soát lương tâm với vị Cha chung, Đức Phanxicô nói, “Phải chăng Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi người chúng ta, ‘Khốn cho con, khốn cho con!’, bởi vì Ta đã cho con rất nhiều; Ta đã cho con chính Ta, đã chọn con là Kitô hữu; thế mà con thích sống một cuộc sống ‘giảm đi một nửa’, một cuộc sống hời hợt: một chút danh nghĩa Kitô hữu và một chút nước thánh, và không có gì hơn nữa!’. Khi sống đạo kiểu biệt phái giả hình này, điều chúng ta làm cuối cùng, là đuổi Chúa Giêsu ra khỏi tâm hồn mình! Giả vờ có Ngài, nhưng thực chất, chúng ta đã loại bỏ Ngài! Chúng ta nói, ‘Chúng con là Kitô hữu và chúng con tự hào về điều đó!’. Phải! Nhưng thực sự chúng ta đã sống như những người ngoại đạo!”. Chúng ta quên mất, ‘phúc lành song hành với trách nhiệm!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin mở mắt cho con nhìn thấy, ân sủng Ngài kỳ diệu biết bao! Đừng để con quên, con phải có trách nhiệm với muôn phúc lành của Chúa, đổ xuống trên con đêm ngày!”, Amen.