Thứ hai, 25/11/2024

5 phút suy niệm Lời Chúa tháng 11/2014

Cập nhật lúc 14:03 27/10/2014
Mời Bạn: Sống gần kề dòng sông ân sủng của Thiên Chúa nhưng rất có thể chúng ta không nhận ra được điều đó, để rồi, trong đời sống thiêng liêng, ta sống lây lất, dở sống dở chết.
 
01/11/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 30 TN
Các thánh nam nữ
Mt 5,1-12a
 
TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA KI-TÔ
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)
Suy niệm: Nhà văn nổi tiếng người Anh S. Maugham cho rằng chỉ có các vị thánh và nhà thơ mới có thể tưới nước cho vỉa hè tráng nhựa trong tin tưởng và thấy trước phần thưởng cho lao nhọc của mình sẽ là những cánh hoa loa kèn xinh xắn. Các thánh là những người dám mơ, mơ ước một cái gì siêu vượt khỏi cái bình thường của cuộc sống hằng ngày: trở nên giống Đức Ki-tô qua những giá trị của Tin Mừng hay Tám Mối Phúc Thật. Những gì con người cho là khổ, là dại, là thiệt thân, như khó nghèo, sầu khổ, hiền lành, nên người công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì sống công chính, thì các ngài vui lòng đón nhận vì tin rằng rốt cuộc, phần thưởng cho mình sẽ là chính Chúa, không một phần thưởng hay niềm vui nào của trần thế sánh bằng.
Mời Bạn: “Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư không. Chắc chắn rồi, nhưng Ngài còn làm một điều tuyệt vời hơn nữa: tạo ra những vị thánh từ các tội nhân” (Triết gia S. Kierkegaard). Hãy để Thiên Chúa làm điều kỳ diệu ấy trong cuộc đời bạn bằng nỗ lực sống Tám Mối Phúc Thật. Bạn hãy chọn một mối phúc thích hợp nhất với mình và bắt đầu quá trình từ tội nhân trở thành thánh nhân từ mối phúc ấy.
Sống Lời Chúa: Xác tín dù là tội nhân, tôi cũng có thể trở thành thánh nhân qua ơn Chúa và nỗ lực của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã tin tưởng mời gọi chúng con trở nên thánh. Xin cho chúng con nên thánh nhờ để cho Chúa sống trong chúng con, và nên giống Chúa nhờ noi gương Chúa qua việc cố gắng thực hành Tám Mối Phúc Thật mỗi ngày. Amen.

02/11/14 CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN – A 
Cầu cho các tín hữu đã qua đời
Ga 6,37-40
 
THẤY, TIN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG
Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời.” (Ga 6,40)
Suy niệm: Là người, ai cũng mong kéo dài sự sống, dài tới mức không bao giờ chết. Vì thế nhân loại không ngừng tìm kiếm mọi phương thế để gia tăng tuổi thọ. Thế nhưng, theo cụ Nguyễn Du, người ta sống cùng lắm cũng chỉ được trăm tuổi, rồi sau đó là: “Trăm năm nàocó gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.” Kết thúc cuộc đời, theo cách nhìn của người không có niềm tin vào Thiên Chúa, thì chẳng còn gì ngoài nấm mồ lạnh lẽo. Nhưng đối với người tin thì khác: sự sống không mất mà chỉ đổi thay; sau cái chết này là một sự sống mới trong Đức Ki-tô, và Ngài xác quyết: muốn đạt được sự sống ấy, thì phải “thấy Đức Ki-tô và tin vào Ngài”.
Mời Bạn: “Thấy Đức Ki-tô” không chỉ là hưởng kiến Ngài ở đời sau,  mà còn là nhìn bằng cặp mắt đức tin để thấy Ngài đang hiện diện giữa thế gian này nơi những người đang sống quanh ta, nhất là nơi những người thân cận, nơi ông bà, cha mẹ của ta. Nếu bây giờ bạn gặp Đức Ki-tô, bạn sẽ cư xử với Ngài thế nào, thì bạn cũng hãy cư xử như thế với ông bà cha mẹ; làm như vậy không chỉ bạn báo hiếu các ngài, mà bạn còn được bảo đảm hạnh phúc đời đời nữa.
Chia sẻ: Hiếu thảo đích thực là tôn kính vâng lời, làm việc lành thiết thực, và cầu nguyện cho tổ tiên mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Tôn kính và phục vụ ông bà cha mẹ với ý thức mình đang phục vụ Đức Ki-tô nơi các ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết nhìn thấy Chúa nơi ông bà cha mẹ chúng con, để khi sống hiếu thảo với các ngài, chúng con cũng tôn thờ Chúa cho phải đạo. Amen.

03/11/14 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Th. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ
Lc 14,12-14
 
MỜI NGƯỜI KHÔNG NÊN MỜI
“Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc; vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Khi mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” chủ tiệc không những không được đáp lễ sau này, mà lúc này phải chấp nhận bao nhiêu phiền phức với những thực khách “không nên mời” như thế; không chừng bữa tiệc sẽ dở đi vì sự hiện diện của họ! Sự thường “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại”. Chúa Giê-su đề nghị một cách tính toán khác, hay đúng hơn, đừng tính toán chi cả khi cho đi. Hãy ban phát theo tiếng gọi của một con tim rộng mở, nhằm đến phúc lợi của tha nhân. Không ngại gian nan, không chờ đáp trả. Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bao giờ Ngài cũng bù đắp lại bằng những tấm “bánh chì” đầy đặn.
Mời Bạn: Nhiều khi vì quá so đo tính toán, kiêu căng, vụ lợi, tôi xếp hạng rất nhiều anh em vào hạng “nghèo khó, đui mù, què quặt” để tôi không giúp đỡ, không mời cộng tác, không đối thọai, không giao tiếp. Cũng có thể do óc bè phái, suy nghĩ hẹp hòi, thiếu khách quan và vô tư. Trong công tác truyền giáo rất cần có tinh thần cởi mở, đối thoại.
Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe những ý kiến của những kẻ khác mình, xác tín rằng họ cũng có rất nhiều cái để mình học hỏi, để cho lại mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, [...] xin cho con một tâm hồn đơn sơ, không biết đến phức tạp của ích kỷ, và tìm hiến dâng mà không đòi lại. Một tâm hồn lặng lẽ, hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình không được người khác biết đến [...]”.    (Cha Galot)

04/11/14 THỨ BA TUẦN 31 TN
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,15-24
 
TIỆC VUI KHÔNG THỂ HUỶ
Ông chủ bảo người đầy tớ: “Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.” (Lc 14,23)
Suy niệm: Các ngôn sứ đã dùng hình ảnh bữa tiệc để chỉ về điều Thiên Chúa sẽ thực hiện khi Triều đại Nước Thiên Chúa đến. Dân Chúa nóng lòng mong chờ ngày đó xảy đến. Chúa Giê-su cũng dùng hình ảnh bữa tiệc lớn để chỉ về Nước Thiên Chúa, nhưng Ngài xác định chính Thiên Chúa mới là Đấng nóng lòng và nhất quyết thực hiện bữa tiệc mà Ngài đã hứa trước. Điều bất thường là có nhiều người chống đối niềm vui, chống đối bữa tiệc đó. Đã có nhiều người không muốn tham dự, họ không muốn cộng tác vào một cuộc vui như thế. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bữa tiệc đó bớt lộng lẫy và bị hủy bỏ. Ông chủ bữa tiệc rất quảng đại và nhất quyết thực hiện cho bằng được bằng cách mở rộng vòng tròn khách mời. Vòng tròn khách mời này có thể mở ra đến vô tận, từ đường phố đến thôn quê, từ những người tàn tật cho đến những người ở nơi hẻo lánh.
Mời Bạn: Có khi nào bạn nghĩ rằng Tiệc Nước Trời chỉ dành cho một số người có một tiêu chuẩn nào đó về luân lý? Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi hãy loan Tin Mừng cho mọi người đặc biệt là hãy ra đi loan Tin Mừng cho những vùng ngoại vi của cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Tôi chan chứa niềm vui vì ý thức rằng tôi được mời tham dự vào bữa tiệc của Chúa hoàn toàn là do lòng quảng đại và sự giàu có khôn lường của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ngày càng thấu hiểu rằng Chúa nhân hậu từ bi và giàu lòng thương xót. Chúa sẽ nhất quyết thực hiện đến cùng chương trình yêu thương và cứu độ của Ngài. Amen.

05/11/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 14,25-33
 
ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ CHÚA GIÊ-SU
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)
Suy niệm: Làm môn đệ Chúa Giê-su, đó không hề là một chuyện ‘rẻ tiền’, dễ dãi. Bởi vì điều ấy giả thiết rằng người ta phải sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì thiết thân nhất của mình – dù đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, hay cả mạng sống mình nữa. Nhưng từ bỏ mới chỉ là một phần việc. Phần còn lại càng thách đố hơn gấp bội: Vác thập giá mình mà đi theo Chúa Giê-su! Thập giá không chỉ gợi liên tưởng cái chết, mà đó còn là cái chết thê thảm, cái chết tận cùng nhục nhã. Chúa Giê-su không hề lập lờ, giấu giếm các điều kiện để theo Ngài. Trái lại, Ngài rất rõ ràng về các đòi hỏi đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa Giê-su. Đó là không giữ lại cho riêng mình bất cứ điều gì; trái lại phải sẵn sàng chịu tước mất tất cả, ngay cả mạng sống mình, dù một cách ê chề, nhục nhã.
Mời Bạn: Lời Chúa hôm nay như ngọn đèn pha soi tỏ sự thật về chúng ta. Tôi chưa thật sự là môn đệ của Chúa Giê-su, nếu cách này hay cách khác, tôi còn loay hoay tìm kiếm “những gì đó” cho mình dọc theo con đường tôi theo Chúa. “Những gì đó” có thể là tiền bạc, của cải vật chất, song cũng có thể là quyền lực, danh vọng, địa vị… Và tôi chưa thật sự là môn đệ của Chúa Giê-su, nếu người ta nhìn vào tôi và họ không tìm thấy một thập giá nào cả, mà có khi lại là những thứ đối nghịch với thập giá!
Sống Lời Chúa: Bạn đang quyến luyến điều gì không phải là thập giá Chúa Ki-tô? Bạn hãy quyết tâm từ bỏ nó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng Thánh Giá để cứu chuộc chúng con, con xin đón nhận những thập giá Chúa gửi đến trong cuộc sống của con.

06/11/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 15,1-10
 
CHÚA LUÔN ĐI BƯỚC TRƯỚC
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”(Lc 15,4)
Suy niệm: Con chiên đi lạc hay đồng bạc bị đánh mất, chúng không di chuyển mà chỉ ở một chỗ để có hy vọng được tìm thấy. Người chăn chiên không quản ngại nguy hiểm để đi tìm con chiên lạc, chứ không phải con chiên đi tìm ông; người phụ nữ không tiếc công sức đi tìm đồng bạc bị mất, chứ không phải đồng bạc đi tìm bà. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta đi tìm Chúa, nhưng thật ra Chúa đi tìm chúng ta thì phải lẽ hơn. Cũng đúng thôi, vì đã bị lạc hay đánh mất thì biết đường đâu mà về! Chúa tìm chúng ta qua những biến cố xảy ra trong cuộc đời, chỉ cần chúng ta đọc được ý muốn của Chúa trong những sự kiện ấy, thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng Chúa luôn đi bước trước để đưa chúng ta về nẻo chính đường ngay, nếu không chắc nhiều người trong chúng ta sẽ tự phong mình là “công chính” mất!
Mời Bạn: Bạn có thấy mình cần được Chúa dẫn lối đưa đường không, hay nghĩ là bạn đã đi đúng hướng rồi nên không cần nữa? Nếu vậy thì Bạn chắc đang ở “ngoài đồng hoang” đấy.
Chia sẻ: Mỗi biến cố trong cuộc đời -dù vui hay buồn- đều ẩn chứa ý muốn của Thiên Chúa. Ban có nhận ra điều đó không?
Sống Lời Chúa: Chúa luôn muốn mỗi chúng ta hãy tìm thấy ý Ngài và quyết tâm đi theo, để không bị lạc lối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã không quản ngại đêm tối và đường xá hiểm nguy để đến với con. Xin cho con luôn biết nhìn thấy Chúa trong mọi người và mọi sự, để không lạc lối trên đường đời. Amen.

07/11/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 16,1-8
 
CƠ MAY CUỐI CÙNG
“Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8)
Suy niệm: Một triết gia đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.” Người quản gia trong Tin Mừng có lẽ đã nhiều lần kinh nghiệm về điều này, nên khi dịp may đến, ông liền nắm bắt lấy cơ hội. Biết rằng mình không được làm quản gia nữa, ông đã lo liệu cho tương lai bằng việc dùng của cải, dùng sự cảm thông với các con nợ mà mua lấy phúc đức. Thật đúng là “cái khó ló cái khôn”. Đức Giê-su khen người quản gia, vì ông chợt tỉnh kịp lúc và có thái độ ứng xử khôn khéo khi biết lo cho tương lai. Ngài muốn con cái sự sáng cũng thế. Ơn thánh Chúa ban, phúc lộc Chúa tặng, không phải để Ki-tô hữu phí hoài, nhưng để họ tận dụng mà mua lấy Nước Trời, bằng những việc lành phúc đức, bằng cử chỉ cảm thông tha thứ. Vậy, nếu bạn đang là người quản gia ơn Chúa cách bất trung, thì hãy nắm lấy cơ hội may mắn hôm nay, như là cơ hội cuối cùng mà thay đổi.
Mời Bạn: Bạn có thể kể những ơn Chúa đang giao bạn quản lý. Bạn đang làm sinh lợi vốn liếng Chúa giao như là người quản lý trung tín chứ?  Nếu chưa, bạn có nhận ra đây là cơ may Chúa dành cho bạn sửa đổi không?
Chia sẻ: Vì sao cơ hội này như thể cơ hội cuối cùng Chúa dành cho bạn?
Sống Lời Chúa: Bạn dành thời giờ để kiểm tra con cái, xem chúng nay thế nào? sống đạo ra sao? Những người Chúa giao bạn coi sóc hưởng được gì nơi bạn, người quản lý của Thiên Chúa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ Chúa đã dành cho con cơ hội làm lại cuộc đời. Xin cho chúng con tận dụng cơ hội này sống đẹp lòng Chúa. Ước gì ơn Chúa sinh lợi nơi mỗi chúng con.

08/11/14 THỨ BẢY TUẦN 31 TN
Lc 16,9-15
 
TIỀN CỦA HAY NƯỚC TRỜI?
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu.” (Lc 16,9)
Suy niệm: Người ta nói đùa rằng: “Tiền không quan trọng nhưng những vấn đề quan trọng đều giải quyết bằng tiền.” Rõ ràng tiền là một trong những thứ cần thiết nhất trong cuộc sống con người. Tiền tự nó không xấu, không tốt: Tốt hay xấu là tùy ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Cho nên, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su không lên án tiền của, cũng chẳng bác bỏ sự giàu sang. Ngài chỉ nhắc nhở chúng ta về cách sử dụng tiền bạc: đừng coi trọng tiền bạc hơn Chúa, đừng ảo tưởng có thể vừa thờ Chúa vừa gắn bó với tiền của. Trái lại, hãy dùng tiền của “mua” lấy tình bằng hữu trong đời sống hôm nay, để rồi mai ngày ta sẽ được đón rước vào nơi hạnh phúc vĩnh cửu.
Mời Bạn: Tiền của thật sự cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng, nó cũng là nguyên nhân làm đổ vỡ bao tình nghĩa cha mẹ, anh em, bạn bè, cũng như làm hư hỏng bao con người.  Trong tinh thần năm Phúc Âm Hóa Gia Đình, mời bạn và các thành viên gia đình tập sống siêu thoát với của cải vật chất, sử dụng tiền của như phương thế tạo tình bằng hữu với những người lân cận, đó chính là một cách để Phúc Âm Hóa mình.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập chia sẻ, giúp đỡ một gia đình nghèo với số tiền hợp khả năng của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự trên đời này đều bởi Chúa mà ra, và những gì con có được hôm nay cũng là của Chúa ban. Xin Chúa cho con biết dùng những của cải Chúa ban để phục vụ việc xây dựng Nước Chúa, sinh ích cho anh chị em chung quanh con, đặc biệt là gia đình con. Amen.

09/11/14 CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – A 
Cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô
Mt 25,1-13
 
AI DẠI? AI KHÔN?
“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,13)
Suy niệm: “Thiên hạ đua nhau nói dại-khôn,” nhưng không phải ai cũng đồng ý với nhau thế nào là khôn, thế nào là dại. Theo Trần Tế Xương thì cái khôn của nghề cờ bạc là khôn-dại, còn cái dại chốn văn chương lại là dại-khôn. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận mình là dại khi “tìm nơi vắng vẻ” nhưng lại ngầm ý rằng làm như ông mới đúng là khôn thật. Trong dụ ngôn mười người trinh nữ, Chúa Giê-su cho biết tiêu chí xác định để ai dại ai khôn: khôn lànhững cô biết chuẩn bị dầu đầy đủ cho ngọn đèn của họ luôn cháy sáng; còn những cô dại chỉ làm có một nửa: mang đèn mà không mang theo dầu! Người khôn là người biết canh thức, sẵn sàng chờ đợi ngày giờ Chúa đến; còn kẻ dại là người vô tâm, bình chân như vại trước những cảnh báo của Ngài.
Mời Bạn: Ngọn đèn đức tin của bạn được cháy sáng nhờ từng giọt dầu được liên tục thấm vào mỗi ngày. Đó là giọt dầu yêu mến, giọt dầu cầu nguyện, giọt dầu phục vụ, giọt dầu hy sinh, giọt dầu Tám Mối Phúc Thật. Người khôn là người biết hằng ngày châm những giọt dầu ấy cho đèn đức tin để ngọn đèn đó luôn cháy sáng khi Chúa đến với mình ngày hôm nay cũng như ngày cuối đời.
Chia sẻ: Là Ki-tô hữu, chúng ta được nhắc nhở luôn về định mệnh cuối cùng của đời mình. Những biến cố xảy đến, những tai họa, rủi ro…, đó là những lời cảnh báo không bao giờ thừa giữa cuộc sống đầy bấp bênh hiện nay.
Sống Lời Chúa: Sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng và duy nhất của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết chuẩn bị sẵn sàng dầu đèn cho tiệc cưới đời đời. Ước gì lời cầu nguyện này nhắc con sống tốt mỗi ngày. Amen.

10/11/14 THỨ HAI TUẦN 32 TN
Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 17,1-6
 
SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
“Nếu anh em có đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc, thì nó cũng sẽ vâng lời anh em’.” (Lc 17,6)
Suy niệm: Sức mạnh lớn nhất trong thế giới không phải là sức mạnh của cơ bắp, máy móc, vũ khí... mà là sức mạnh của niềm tin. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho thấy sức mạnh ấy qua hình ảnh niềm tin nhỏ bằng hạt cải – theo kiểu nói của người Do Thái nghĩa là rất nhỏ bé, không đáng kể – nhưng lại có sức mạnh có thể bứng gốc cây dâu dời xuống biển, nói theo thánh Lu-ca, hay chuyển núi dời non, theo thánh Mát-thêu (Mt 17,20). Dĩ nhiên, ta không hiểu lời này theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa nếu có niềm tin, ta có thể làm cho những gì không thể trở thành có thể, những khó khăn trở nên dễ dàng, bởi vì có Chúa cùng hoạt động với ta.
Mời Bạn: “Tin là đi bước đầu tiên ngay cả khi bạn không thấy trọn vẹn cầu thang” (Mục sư M. King). Sức mạnh vô song của niềm tin là cậy dựa vào Chúa, là nương tựa nơi Đấng không có gì là không có thể, kể cả việc sống lại từ cõi chết. Với niềm tin, tất cả núi khó khăn cản trở con đường theo Chúa sẽ được dời đi, mọi “cây dâu” cản chân bạn sẽ bị gạt bỏ. Vấn đề là bạn có xác tín vào sức mạnh của niềm tin và triển khai sức mạnh ấy trong cuộc sống hằng ngày hay không.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tìm cách khắc phục những khó khăn cản trở việc sống đạo, sống ơn gọi của mình như giờ giấc, gia đình, thói quen, sở thích...
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con không xin Chúa lấy đi những khó khăn, thách đố, nhưng chỉ xin Chúa ban sức mạnh để chúng con vượt thắng. Xin Chúa gia tăng thêm niềm tin cho chúng con. Amen.

11/11/14 THỨ BA TUẦN 32 TN
Th. Mác-ti-nô, giám mục
Lc 17,7-10
 
CON CHỈ LÀ ĐẦY TỚ VÔ DUYÊN!
“Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)
Suy niệm: Mọi việc làm cho người khác đều phát xuất từ bổn phận. Trong gia đình, một người con phải làm việc nhà và vâng lời cha mẹ, đó là việc bổn phận của em. Vợ chồng chia sẻ cho nhau, chăm lo con cái, đó là điều họ đã cam kết khi thành hôn. Người anh, người chị giúp đỡ em mình, điều đó chẳng có gì lạ, bởi họ phải làm việc bổn phận. Đối với người khác cũng vậy, những việc hy sinh chúng ta phải làm để cầu cho các linh hồn trong luyện ngục là những đòi hỏi của bổn phận đối với các ngài. Cũng thế, những việc Ki-tô hữu phải làm là những việc do bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân đòi buộc. Thiên Chúa không mắc nợ con người; trái lại, những việc con người làm là do đòi buộc của lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Càng trưởng thành, con người càng biết ơn Đấng ban ơn cho mình. Vậy có gì mà chúng ta cao ngạo như thể đang làm ơn cho Chúa hay trách cứ Ngài không trả công xứng đáng? Thực ra, như lời Chúa quả quyết, chúng ta đang làm công việc của một người thuộc về Chúa. Chu toàn bổn phận như thế đã là vinh dự cho Ki-tô hữu, bởi họ được nên tôi trung của Ngài.
Mời Bạn ý thức rõ ràng rằng: Tôi chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa, tôi phải nỗ lực tìm kiếm thánh ý Chúa để thi hành, chứ không đòi Chúa làm theo ý tôi.
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa lời cảm tạ sau khi bạn làm một việc tốt lành do Lời Chúa đòi hỏi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô duyên, nhưng xin Chúa hãy cứ dùng con cho những công việc của người đầy tớ Chúa.

12/11/14 THỨ TƯ TUẦN 32 TN 
Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 17,11-19
 
CHÍN NGƯỜI KIA ĐÂU?
Đức Giê-su nói: “Không phải cả mười người được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã chữa lành mười người phong cùi, nhưng chỉ có một người biết ơn Chúa! Cả ngàn người được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa vác thánh giá, chỉ có một người giúp vác thay! Cả một dân tộc đã chịu ơn, nhưng khi Chúa bị đóng đinh, chỉ có một người công khai tuyên xưng Chúa vô tội. Đối với Đức Giê-su, điều quan trọng đâu phải là để nổi tiếng về quyền năng chữa bệnh, nhưng là biểu lộ sức mạnh của Lời Thiên Chúa, Lời sinh ơn cứu độ, Lời mời gọi tuyên xưng đức tin. Tôn vinh, tạ ơn là biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng Cứu Độ. Hãy biết tạ ơn để xứng đáng là người hơn.
Mời Bạn: Cuộc đời chúng ta nằm trong những liên đới chập chùng. Chúng ta chẳng cho đi được bao nhiêu nhưng lại nhận rất nhiều từ Thiên Chúa về vật chất cũng như tinh thần, trực tiếp cũng như qua xã hội và gia đình. Và nhất là chính sự hiện hữu của chúng ta cũng là món quà từ Thiên Chúa. Nếu không nhận ơn, đời chúng ta thành bơ vơ nghèo nàn. Tiền bạc vật chất có thể trả được nhưng ân nghĩa, tình thương làm sao trả được !
Chia sẻ: Khi gặp đau khổ, khó khăn, bạn có biết nhận ra ơn Chúa trong lúc này không? Bạn đã xử sự thế nào?
Sống Lời Chúa: Biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, thánh lễ là hy tế tạ ơn: bạn tạ ơn Chúa bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ và dành thời giờ tạ ơn sau khi rước lễ.
Cầu nguyện: Hát: “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người….”

13/11/14 THỨ NĂM TUẦN 32 TN
Lc 17,20-25
 
CHO NGÀY CHÚA QUANG LÂM…
Đức Giê-su nói: “Vì, ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị loại bỏ.” (Lc 17,24-25)
Suy niệm: Nhà thần học nổi tiếng Teilhard de Chardin gồm tóm suy tư của mình trong ba tiếng: “Đăng giả hội” (những gì vươn lên cao thì sẽ tụ hội với nhau). Nếu vậy, thì đỉnh vươn cao nhất của nhân loại là được Kitô hoá, nghĩa là mọi con người sống với Cha trong tâm tình con thảo của Đức Ki-tô, và tụ hội nơi Chúa Ki-tô, vua vũ trụ. Thế nhưng, trước khi đến ngày quang lâm với ánh chớp chói loà còn sáng chói hơn cả triệu triệu đèn pha hay bom nguyên tử ấy, thì Đức Ki-tô phải chấp nhận bị dìm trong tăm tối: tăm tối của Vườn Dầu, tăm tối của khổ hình thập giá, tăm tối của mồ đá… và hôm nay tăm tối nơi những người nghèo đói, đau khổ, bị bách hại vì sống cho niềm tin, cho chân lý…
Mời Bạn: Ghi nhớ một nguyên lý ngàn đời: có đau khổ vì chân lý mới đạt được vinh quang, có qua thập giá vì Nước Trời mới đạt được phục sinh vinh hiển. Bạn có sẵn sàng chấp nhận không?
Chia sẻ: Tôi (nhóm của tôi) sẽ làm gì trong tháng 11 này để làm cho Nước Chúa được mở rộng hơn?
Sống Lời Chúa: Tôi vui lòng đón nhận những hy sinh, vất vả do bổn phận mỗi ngày của mình để được hạnh phúc Nước Trời với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cảm tạ Chúa đã chọn chúng con làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn  cho mọi người và cho cả vũ trụ. Amen.
(Rabbouni)

14/11/14 THỨ SÁU TUẦN 32 TN
Lc 17,26-37
 
CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ
“Đêm ấy hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” (Lc 17,34-36)
Suy niệm: Người Ki-tô hữu mong đợi sau khi lìa khỏi cuộc đời ở trần gian này mình sẽ bước vào một cuộc sống mới hạnh phúc trên Nước Trời. Nhưng ngày giờ nào là ngày giờ Chúa đến gọi tôi ra khỏi trần gian này? Không ai biết trước được, ngày giờ ấy bất ngờ lắm vì nó có thể xảy đến với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. “Người bị bỏ lại” là những người bị “dán chặt” vào lối sống đam mê hưởng thụ, những người bị “trói buộc” vào những lắng lo việc đời này đến nỗi không thể sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. Chỉ những ai sống tinh thần siêu thoát của Tin Mừng, sẵn sàng “từ bỏ hết những gì mình có” (Lc 14,33) mới “được đem đi” đến nơi hạnh phúc khi Chúa đến bất ngờ.
Mời Bạn: Cuộc đời này được ví như một cuộc hành trình tiến về quê trời. Không thể tới đích nếu người đi đường chôn chân lại một nơi nào đó. Cũng vậy, trên đường tiến về quê trời nếu cứ bám vào những thứ trên đời này, dù đó là những thứ cần như việc làm ăn buôn bán, việc xây dựng nhà cửa, thì không thể sẵn sàng đi với Chúa khi Ngài đến đem ta đi tới nơi hạnh phúc với Ngài.
Sống Lời Chúa: Tập tinh thần siêu thoát từ bỏ bằng cách làm những hy sinh nho nhỏ mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết hướng về cuộc sống hưởng kiến Chúa trên thiên quốc, để dù đang sống ở trần gian với những hấp dẫn của nó, chúng con cũng luôn tỉnh thức.

15/11/14 THỨ BẢY TUẦN 32 TN
Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 18,1-8
 
CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG CẬY TRÔNG
“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18,7)
Suy niệm: Con người thời nay, trong đó có không ít các ki-tô hữu, ngày càng ưa chạy theo lối sống thực dụng. Họ thích những bàn tay làm ra nhiều của cải vật chất hơn là đôi tay chắp lại cầu nguyện; mà nếu có cầu nguyện thì mang tâm trạng “ăn xổi ở thì” muốn “cầu được ước thấy” ngay trước mắt. Với não trạng thực dụng này, người ta dễ chán nản, buông xuôi vì nghĩ rằng Thiên Chúa chậm trễ hoặc không đáp lại lời họ kêu xin. Chúa Giêsu dạy chúng ta biết kiên trì trong lời cầu nguyện. Với niềm tin vững vàng và lòng cậy trông tha thiết vào Thiên Chúa là Cha nhân ái, chắc chắn, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Ngài đoái nhận lời. Ngài sẽ ban cho chúng ta điều tốt đẹp nhất không phải theo tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta, mà là theo sự khôn ngoan vô lượng và lòng nhân hậu vô biên của Ngài.
Mời Bạn: Tin tưởng vào tình thương yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta phải biết kiên trì và trung thành trong lời cầu nguyện và việc thờ phượng của mình. Không phải cầu nguyện chỉ để xin được điều này điều khác như ý muốn, nhưng đó là biểu hiện của sự tin tưởng vào tình yêu thương và sự quan phòng của Cha trên trời.
Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện bằng cách đọc kinh Lạy Cha. Mỗi khi cầu nguyện, bạn đọc kinh Lạy Cha. Mỗi khi muốn xin Chúa điều gì, bạn hãy xem xét điều mình xin có phù hợp với những gì Chúa dạy cầu nguyện theo kinh Lạy Cha hay không.
Cầu nguyện: đọc kinh Trông Cậy.

16/11/14 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – A 
Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam
Mt 25,14-30
 
NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA
“Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)
Suy niệm: 1/ Ông chủ trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài giao cho mỗi người một phận vụ và không đòi hỏi ai quá sức mình. Ngài không coi trọng người được giao năm yến hon người được giao một yến. Tài sản Ngài có bao nhiêu, Ngài giao tất cả. Hết sức tin tưởng. Ngài lên đường đi xa. 2/ Có vẻ như cái lỗi lớn nhất của người đầy tớ thứ ba là không làm việc, không sinh lời. Xét kỹ hơn, nguyên nhân sâu xa chi phối những hành động này là anh ta đã có một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa: đối với anh, ông chủ là một người hà khắc, đòi hỏi, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Anh sợ hãi chứ không yêu mến. 3/ Ngày tính sổ, Thiên Chúa – ông chủ – xuất hiện như một người Cha: vui mừng thấy vốn đã sinh lời. Nhưng… Ngài không giữ lại cho mình, mà giao hết cả vốn lẫn lãi cho người biết làm việc; ai sinh lời Ngài lại ban thêm. Niềm vui của Ngài, đó là thấy rằng chúng ta đã làm việc và sinh lời cho chính chúng ta.
Mời Bạn: Những gì bạn đang có chính là những yến bạc mà Thiên Chúa giao cho bạn để sinh lời. Đối với bạn Thiên Chúa là ai, là ông chủ hà khắc hay là Người Cha yêu thương?
Chia sẻ: Có phải Thiên Chúa đã bất công khi lấy yến bạc của người đầy tớ thứ ba mà giao cho người có mười yến không? Nếu người này sinh lời, đâu là lời khen mà anh sẽ nhận được?
Sống Lời Chúa: Chu toàn bổn phận của ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng tin tưởng và yêu mến, đừng để con nhìn xuôi ngó ngược, phân bì với người khác, nhưng hết lòng hết sức thi hành phận vụ Chúa đã giao.

17/11/14 THỨ HAI TUẦN 33 TN
Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri
Lc 18,35-43
 
LÒNG TIN CỦA ANH ĐÃ CỨU CHỮA ANH
“- Lạy ông Giê-su con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! - Anh muốn tôi làm gì cho anh ? - Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy ! - Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 18,38-42)
Suy niệm: Trong việc Chúa chữa người mù hôm nay, có một thông điệp cần được lưu tâm và đào sâu thích đáng. Chúa Giê-su không nói: “Ta cứu chữa anh”, nhưng Người nói: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!” Người cho thấy tác nhân của sự cứu chữa là chính lòng tin của đương sự. Và đây không phải là lần duy nhất Chúa Giê-su tuyên bố điều này. Chúa cũng đã nói như thế: với người đàn bà bị băng huyết (Lc 8,48), với ông đại đội trưởng Rô-ma (Mt 8,13), với hai anh mù (Mt 9,29), với người phụ nữ Ca-na-an có đứa con gái bị quỉ ám (Mt 15,28), v.v... Sau này, thánh Phao-lô sẽ xác nhận mạnh mẽ rằng vai trò chữa lành và cứu độ thuộc về đức tin chứ không thuộc về Lề Luật (x. Rm 1,16-11.36; Gl 3,15-29).
Mời Bạn: Xác tín vững chắc rằng lòng tin vào Đức Ki-tô đồng nghĩa với sự chữa lành. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta nơi Đức Ki-tô, như một tấm ngân phiếu đã ký sẵn! Chỉ cần điền thêm lòng tin của chúng ta. Lòng tin của chúng ta sẽ cứu chữa chúng ta!
Sống Lời Chúa: Đừng vội thắc mắc tại sao Chúa không chữa lành cho mình về bệnh này tật nọ. Bạn đang cần sự chữa trị loại nào (thể lý, tâm lý, tâm linh)? Và bạn hãy tự hỏi lòng tin của mình vào Thầy Thuốc Giê-su đang ở mức nào. (Chẳng hạn, bạn đánh giá thế nào về ý nghĩa của mỗi lần mình rước lễ?)
Cầu nguyện: Đọc Kinh Xin Chúa Thương Xót, với tất cả lòng thành, mỗi câu 2 lần.

18/11/14 THỨ BA TUẦN 33 TN
Cung hiến thánh đường thánh Phê-rô và Phao-lô        
Lc 19,1-10,
 
MONG ĐƯỢC CHÚA NHÌN ĐẾN
“Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông…. Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.” (Lc 19,5.9)
Suy niệm: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông…”, một mệnh lệnh có thể nói đã khiến cho ông Gia-kêu như “mở cờ trong bụng.” Có nằm mơ ông Gia-kêu cũng không thể ngờ rằng Chúa lại để ý chiếu cố đến ông như thế: một người thu thuế thấp lùn, một người bị coi là tội lỗi như ông, phải chạy nhanh tới trước, trèo lên cây chỉ mong được nhìn thấy Chúa, thế mà lại được Ngài nhìn đến và còn đến thăm nhà ông như vậy! Biến cố này quả là cột mốc quan trọng biến đổi cuộc đời ông và cả gia đình của ông. Chúa nhìn thấy ông với cả tấm lòng thành của ông hơn là nhìn thấy tội của ông.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn cảm nghiệm được Chúa để ý đến bạn, nhìn bạn với cái nhìn yêu thương đầy bao dung khiến lòng bạn được đánh động và hoán cải không? Và phần bạn, có bao giờ bạn nhìn nhau với cái nhìn của Chúa để nhờ đó xoá bỏ cái nhìn thành kiến đối với người khác, nhất là những người vốn bị coi là xấu xa tội lỗi?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm nhìn những người xung quanh với ánh mắt thiện cảm hơn là dò xét, thông cảm hơn là chỉ trích, quảng đại hơn là ích kỷ, tha thứ thay vì kết án.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì tấm lòng bao dung nhân ái và đi bước trước của Chúa trong cuộc đời của con. Những lúc con mất hy vọng tìm gặp Chúa, thì con lại được gặp Người đứng chờ sẵn ngay bên. Xin cho con luôn có tâm tình của Chúa, để con biết nâng đỡ anh chị em con khi họ gặp cám dỗ, thử thách và đau khổ. Amen.

19/11/14 THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Lc 19,11-28
 
SINH LỢI CHO NƯỚC CHÚA
“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” (Lc 19,13b)
Suy niệm: Trong mười người đầy tớ được giao bạc, mỗi người một nén thì Tin Mừng Lu-ca chỉ tường thuật lại ba người. Người thứ nhất làm lợi được  mười nén và anh ta được cai trị mười thành người thứ hai năm nén và được giao trọng trách năm thành. Nhưng với người thứ ba thì không trôi chảy tốt đẹp như thế. Chẳng biết vì lười biếng hay vì sợ rủi ro thất bại, anh này đem nén bạc của chủ “bọc khăn cất kỹ”. Dù vì lý do nào đi nữa, anh cũng thấy làm như thế là không ổn nên tìm cách chống chế và “đổ thừa” cho ông chủ: “Vì ông là người khắc nghiệt”! Chẳng phải ông chủ đã tin tưởng giao cho anh số bạc đồng đều như các bạn sao? Chẳng phải điều ông chủ muốn anh cũng như các bạn là “làm ăn sinh lợi” sao? Các bạn anh được trọng thưởng vì đã “sinh lợi” nén bạc ông giao phó chứ không phải vì số lời được năm nén hay mười nén. Việc anh đem “đóng băng” vốn liếng của chủ không phải là bảo vệ tài sản cho chủ mà thực chất là phá hỏng kế hoạch của ông. Anh bị coi là “đầy tớ tồi tệ” và bị tước hết những gì anh đang có chỉ vì không biết sinh lời cho chủ mình.
Mời Bạn: Thiên Chúa cũng trao cho bạn như những người khác Ngài trao cho mỗi người một khả năng khác nhau, nhưng chung quy cũng là một nén. Ngài đang chờ bạn làm lợi nén bạc ấy không phải cho Ngài mà cho chính bạn.
Sống Lời Chúa: Nén bạc của bạn là gì? Bạn hãy sinh lợi bao nhiêu có thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho con những khả năng mà con nhìn thấy và những khả năng tiềm ẩn trong con. Xin cho con biết tận dụng những điều Chúa ban để phục vụ chứ không khư khư giữ lấy và cất kỹ. Amen.

20/11/14 THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Lc 19,41-44
 
NƯỚC MẮT CỦA THIÊN CHÚA
Khi đến Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi !” (Lc 19,41-42.44)
Suy niệm: Nhà văn Pháp A. Gide đã có lần than thở: “Tôi muốn khóc nhưng thấy hồn mình khô hơn sa mạc”. Phụ nữ có thể khóc thoải mái, nhưng đàn ông hoặc khô khan như A. Gide, hoặc che giấu nuớc mắt của mình: “Trái tim khóc hoài mà vẫn không rơi lệ”. Thế mà ở đay, ta thấy Đức Giê-su khóc! Hẳn Ngài quá xúc động đến nỗi những giọt nước mắt cứ tuôn tràn. Đó là những giọt nước mắt đau đớn, buồn khổ của vị Thầy nhân lành thấy trước những đau khổ Giê-ru-sa-lem phải chịu, vì khước từ ơn cứu độ. Những giọt nước mắt của một vị Thiên Chúa “bất lực” vì quá tôn trọng tự do của con người. Những giọt nước mắt yêu thương dành cho những đứa con cứng lòng, đang tràn chảy như vỡ bờ trên khuôn mặt Thầy Giê-su, khuôn mặt của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ngắm nhìn khuôn mặt đẫm lệ của Đức Giê-su và nhận ra lòng yêu mến vô hạn qua những giọt nước mắt ấy. Thiên Chúa yêu thương bạn, dù bạn tốt hay xấu, là nguời con hiếu thảo hay ương ngạnh. Bạn hãy là một người con hiếu thảo, luôn một lòng kính yêu tôn thờ Chúa, như Đức Giê-su.
Sống Lời Chúa: Bạn thường lãnh đạm, chai lì trước đau khổ của người nào bạn thường gặp hơn cả? Hãy bày tỏ một cử chỉ thân ái, một lời nói thiện cảm và nếu được, một sự nâng đỡ cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã khóc trước những khổ đau của nhân loại. Xin cho chúng con đừng cứng lòng trước lời mời gọi của Chúa, và không chai đá trước nỗi đau của tha nhân.

21/11/14 THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
Mt 12,46-50
 
BÀ CON VỚI CHÚA
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi… người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)
Suy niệm: Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ để rồi chính Mẹ lại trở thành Đền thờ cho Con Thiên Chúa cư ngụ, đền thờ không do tay người phàm làm ra mà do quyết định “xin vâng” theo thánh ý Chúa. Mẹ dâng mình để thuộc về Chúa, và rồi Chúa đã biến hành động ấy thành mẫu gương tuyệt hảo để những ai muốn thuộc về Chúa phải noi gương Mẹ: dâng mình lúc này có nghĩa là muốn thực thi ý Chúa, cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Nhờ biết “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” Đức Ma-ri-a đã trở thành Mẹ, thành người thân thuộc của Chúa; đồng thời Mẹ trở thành mẫu mực và mẫu tử cho tất cả những ai muốn thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ta trở thành “người nhà” của Thiên Chúa không do huyết thống tự nhiên mà nhờ việc lắng nghe tiếng Chúa và hành động thực hành thánh ý Thiên Chúa. Mỗi cá nhân một khi biết sống Lời Chúa đó chính là lúc người ấy góp phần “Phúc Âm hóa” Lời Chúa cho chính mình và cho anh chị em chung quanh. Bạn có muốn trở nên người nhà, bạn hữu, con cái… của Chúa và Đức Mẹ không? – Hãy toàn tâm toàn ý làm theo lời Chúa dạy.
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa làm ý lực sống trong ngày hôm nay. Trong bầu khí cầu nguyện bạn thưa với Chúa: “Qua Lời Chúa đây, Chúa muốn con làm gì?” Và bạn thực hành như điều Chúa soi sáng cho bạn.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để xứng đáng với tình yêu của Chúa và ngày một nên con yêu dấu của Mẹ như chính Chúa Giêsu, Con Mẹ.

22/11/14 THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 20,27-40
 
TẤT CẢ ĐỀU ĐANG SỐNG
“Vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,38)
Suy niệm: Tháng 10 vừa qua, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình nhóm họp; lý do là ngày nay, với nhiều chuyển biến của xã hội, gia đình đang bị nhiều đe dọa, thương tổn, đổ vỡ, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là việc con người ngày nay không kính trọng sự sống của nhau và của chính mình. Vì không kính trọng sự sống, nên người ta dễ đi đến dâm ô, bạo lực gia đình, phá thai, v.v…. Lời Chúa hôm nay là một tin vui nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về tôn trọng sự sống, bởi: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống.” Tin vui vì chúng ta hy vọng sẽ được sống lại, chúng ta có mặt trên đời và hiện diện mãi mãi, đời đời. Là lời thức tỉnh, bởi vì, chúng ta không thể hủy diệt được sự sống của chúng ta, dù chúng ta có tự kết liễu đời mình. Vì thế, niềm vui sẽ đến với gia đình chúng ta, nếu chúng ta nghe lời Chúa dạy biết kính trọng sự sống ở đời này để được bước vào sự sống đời đời.
Mời Bạn: Chúa mời gọi chúng ta tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc đầu tiên thụ thai đến khi lìa đời. Trong mỗi gia đình, nếu cha mẹ biết cách dạy con, thì sẽ bớt đi những tiếng kêu não lòng: “Mẹ ơi đừng đánh con đau!”
Chia sẻ: Sự sống không thể bị hủy diệt. “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). Điều đó gợi cho bạn suy nghĩ gì?
Sống Lời Chúa: Xin lỗi Chúa vì tôi đã không biết quí trọng sự sống Chúa ban.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho chúng con biết: chỉ có một thực tại, đó là sống. Chúng con không muốn sống trong hỏa ngục, chúng con chỉ muốn sống đời đời bên Chúa mà thôi. Amen.

23/11/14 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – A 
Chúa Ki-tô Vua vũ trụ
Mt 25,31-46
 
NHẬN RA CHÚA KI-TÔ NƠI NGƯỜI ANH EM BÉ MỌN
“Đức Vua phán: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom’.” (Mt 25,34-36)
Suy niệm: Xin được trích dẫn tâm sự của thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II với các đôi vợ chồng nhân bài Tin Mừng hôm nay: “Vào ngày phán xét, có thể Đức Giê-su sẽ nói với người vợ có chồng thất nghiệp: ‘Con là kẻ được chúc phúc, vì xưa Ta thất nghiệp, không kiếm ra tiền để lo cho gia đình, nhưng con vẫn một niềm thương yêu kính trọng và nâng đỡ Ta qua cơn thử thách.’ Ngày ấy vị Thẩm phán sẽ nói với người chồng có vợ đau yếu: ‘Hãy đến thừa hưởng gia nghiệp dành cho con. Vì xưa Ta đau yếu, nhan sắc tàn tạ, đang khi con lại có nhiều cô gái vây quanh; vậy mà con vẫn một lòng chung thủy son sắt, chăm sóc Ta ân cần, khiến Ta được an ủi rất nhiều.’ Ngài sẽ nói với người con hiếu thảo với cha mẹ: ‘Ngày xưa Ta già yếu, khó tính, hay than phiền con cái trong nhà. Ấy thế mà con đã không xem thường Ta, vẫn một niềm kính trọng và chu đáo chăm nom’.”
Mời Bạn: Ghi nhớ Lời Chúa : “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là làm cho chính Ta”.
Chia sẻ: Bạn đã nhận ra Chúa Ki-tô nơi những người đói nghèo, rách rưới, vô gia cư, bệnh hoạn… chưa?
Sống Lời Chúa: Tập nhận ra Chúa Ki-tô nơi những người bé mọn chung quanh và có cử chỉ, lời nói nâng đỡ thích hợp.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Thương người 14 mối”.

24/11/14 THỨ HAI TUẦN 34 TN 
Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn tử đạo
Lc 9,23-26
 
MỘT CHỌN LỰA SINH TỬ
Khi ấy, Đức Giê-su nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,23-25)
Suy niệm: 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh, 42 giáo dân, là thành phần của 117 vị được tôn phong trong số 130 ngàn tín hữu đã đổ máu để làm chứng cho Đạo Chúa trên đất Việt. Khác nhau về vai trò xã hội, tuổi tác, màu da, ngôn ngữ, nghề nghiệp,… nhưng điều đó không ngăn cản các vị tiền bối của ta có một tiếng nói chung: chấp nhận trả giá đắt cho đức tin của mình. Các vị đã đứng trước một chọn lựa: hoặc chọn những giá trị trần gian như tiền bạc, chức tước, và cả mạng sống… hoặc chọn những giá trị của Nước Trời là niềm tin, Thập giá. Và các vị đã chọn những giá trị Nước Trời, chọn cách dứt khoát, mạnh mẽ và anh dũng. Điều gì đã thúc đẩy các ngài chọn lựa như vậy? Chính là niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, tin rằng những giá trị Nước Trời cũng vĩnh hằng như thân xác phục sinh của Ngài.
Mời Bạn tự kiểm điểm: Tôi thường chọn lựa những giá trị của Nước Trời hay những giá trị trần thế? Bạn hãy xác tín như các thánh tử đạo tổ tiên của mình: Chấp nhận những mất mát khổ đau tạm bợ để chọn những giá trị vĩnh hằng của Nước Trời, đâu có lỗ, phải không bạn?
Sống Lời Chúa: Tập chọn những giá trị Nước Trời qua những việc thường ngày: chống lại cám dỗ tìm một thú vui bất chính, nỗ lực hy sinh cho một công tác tông đồ, cho việc bổn phận.
Cầu nguyện: Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, ước gì máu của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương, để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

25/11/14 THỨ BA TUẦN 24 TN
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,5-11
 
MỌI SỰ SẼ QUA ĐI
Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,5-6)
Suy niệm: Những chuyến bay định mệnh MH370 và MH17 trong năm qua vẫn còn làm thế giới bàng hoàng. Trong số những nạn nhân trên hai chuyến bay ấy, chắc hẳn không mấy người ngờ rằng đó là chuyến bay cuối cùng của đời mình. Mọi sự trên đời này, kể cả sự hiện hữu của chúng ta, tưởng là bền vững mãi mãi nhưng thực ra rất mong manh và mau qua chóng tàn. Lời Chúa trong những ngày cuối năm Phụng vụ nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Đứng trước thành Giê-ru-sa-lem huy hoàng tráng lệ tưởng như sẽ mãi “trơ gan cùng tuế nguyệt”, Chúa Giê-su cảnh báo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết.”
Mời Bạn: Một trong những sai lầm tệ hại nhất đời người là coi những sự tạm thời như những thực tại vĩnh cửu. Ngược lại, nếu biết nhận ra tính cách tạm thời của những sự đời này, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn để hướng về những thực tại bền vững trên trời. Như thế, người Ki-tô hữu không bị mặc cảm lạc lõng như “người ngoài hành tinh” mà họ sống như “sen giữa bùn”, không chỉ không vương mùi bùn mà còn phải toả ngát hương thơm thánh thiện.
Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng chia sẻ cách quảng đại để sống siêu thoát đối với những sự chóng qua đời này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.
(Lời nguyện Chúa Nhật tuần 17 TN)

26/11/14 THỨ TƯ TUẦN 34 TN
Lc 21,12-19
 
HY TẾ VÌ DANH CHÚA
“Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em và bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số trong anh em. Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Lc 21,16-17)
Suy niệm: Đau khổ là một phần của cuộc sống con người. Con người không thể sống thiếu tình yêu, nên con người cũng sẵn sàng gánh chịu đau khổ vì yêu thương. Cha mẹ chịu mọi gánh nặng bổn phận, vì yêu con; vợ chồng vẫn cứ đảm nhận nhau khi bệnh tật hay khi gian nan, vì yêu thương; linh mục, tu sĩ lao mình ra những vùng “ngoại vi” để truyền giáo, vì yêu Chúa và nhân loại. Tình yêu rõ ràng và mãnh liệt được diễn tả trong những đớn đau hay hy sinh tưởng như không thể vượt qua. Cũng thế, những gian nan, đau khổ phải chịu vì danh Chúa là cách diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa cách tuyệt vời, đến nỗi thánh Phao-lô reo lên: “Tôi chẳng hãnh diện điều gì ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô” (Gl 6,14). Vì sao? Bởi theo thánh Phao-lô, khi kết hiệp với hy tế cứu độ của Chúa Ki-tô, những đau khổ của Ki-tô hữu cũng sinh lợi ích cho Hội Thánh: “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24).
Mời Bạn: Bạn đã phản ứng thế nào trước những đau khổ bạn chịu vì bổn phận, vì danh Chúa? Lời Chúa hôm nay giúp bạn xác tín vào Chúa hơn trong gian nan và giúp bạn biến đau khổ thành của lễ dâng Chúa hằng ngày.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một lễ hy sinh dâng Chúa để cầu cho các linh hồn trong luyện ngục.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin được chọn thánh giá là đường đời con đi. Con xin được chọn thánh giá dù đường đời hiểm nguy.

27/11/14 THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Lc 21,20-28
 
ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU
“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)
Suy niệm: Sử gia Flavius Josephus cho biết tướng Ti-tô, chỉ huy bốn quân đoàn Rô-ma, đã bao vây và tàn phá bình địa thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70. Số người bị giết chết là một triệu một trăm ngàn người, chín mươi bảy ngàn người Do Thái bị đi lưu đày. Các Ki-tô hữu ghi nhớ lời Đức Giê-su tiên báo về việc thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, nên đã tránh xa khỏi thành trong những ngày ấy. Tuy nhiên, những lời trên đây của Đức Giê-su cũng tiên báo về những hiện tượng ngoại thường trước ngày thế mạt. Ngày thế mạt ấy không biết khi nào sẽ xảy ra, chỉ chắc chắn một điều là ai cũng có một ngày cuối đời. Ta có ghi nhớ Lời Chúa để chuẩn bị cho ngày thế mạt riêng của mình tựa như các Ki-tô hữu sơ khai đã ghi nhớ Lời Ngài không?
Mời Bạn: Đứng thẳng và ngẩng đầu lên để đón Đức Giê-su, Đấng sẽ đến trên mây trời, ngày hôm nay vẫn đang đến với bạn trong cuộc sống mỗi ngày. Bạn hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên để không mãi mê cúi đầu lo kiếm sống, vui hưởng thụ, mà quên cùng đích đời mình, để không mãi còng lưng vì bao thói hư tật xấu kéo ghì bạn xuống.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập tư thế đứng thẳng và ngẩng đầu lên để sống đúng tư thế người môn đệ Chúa Kitô: có lý tưởng, mục tiêu tối hậu cho cuộc đời, cũng như nỗ lực tránh những gì bất xứng với tư thế ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin Chúa sẽ trở lại trong vinh quang để hoàn tất công trình cứu độ vũ trụ. Chúng con chờ đợi ngày quang lâm ấy không phải cách thụ động, nhưng bằng sự dấn thân tích cực của mình. Amen.

28/11/14 THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Lc 21,29-33
 
TIẾNG CHÚA ĐANG NÓI
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Nước Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Như dụ ngôn Chúa Giê-su kể cho các môn đệ nghe hôm nay, người ta có thể nhìn xem dấu hiệu của cây cối để biết thời tiết. Cũng vậy người ta có thể nhìn xem những việc xảy ra chung quanh mình để biết điều Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta hôm nay là gì. Thiên Chúa vẫn đang nói với con người không chỉ qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhưng còn qua các dấu chỉ của cuộc sống xung quanh và trong chính cuộc đời của mỗi chúng ta: những biến cố chính trị, xã hội, những bất trắc hay thuận lợi của hoàn cảnh, và cả những đau khổ, bệnh tật... Bổn phận chúng ta là phải biết lắng nghe và nhận ra tiếng nói ấy để biết mình phải làm gì. Lắng nghe bằng sự thinh lặng suy niệm sâu xa, bằng thái độ khiêm tốn và yêu mến. Nhịp sống hiện đại càng ồn ào hối hả, càng đòi chúng ta phải biết thinh lặng và lắng nghe nhiều hơn.
Mời Bạn: Hôm nay tôi sẽ chọn một biến cố trong cuộc sống của mình, để lắng nghe xem Chúa muốn nói với tôi điều gì và Ngài muốn tôi làm điều gì?
Chia sẻ: Theo bạn, thái độ nào là cần thiết để có thể lắng nghe được tiếng Chúa đang nói với chúng ta qua những biến cố của cuộc sống.
Sống Lời Chúa: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10,27), tôi sẽ đọc lại câu này luôn để xin ơn được nhận ra tiếng Chúa, là Chủ Chăn đích thực của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa cuộc sống ồn ào náo nhiệt này, xin cho con biết dành cho mình những giây phút thinh lặng, để con có thể lắng nghe được điều Chúa muốn nói và con có thể thi hành trong ngày hôm nay. Amen.  

29/11/14 THỨ BẢY TUẦN 34 TN
Lc 21,34-36
 
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” (Lc 21,36)
Suy niệm: Sống trên đời này ai lại không bị cám dỗ; ngay cả Chúa Giê-su cũng chịu ma quỷ cám dỗ nữa là…! Cuộc chiến chống lại cám dỗ do ma quỷ cầm đầu luôn là một cuộc chiến hết sức cam go. Quả thật, nó tấn công chúng ta ngày càng nhiều và tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Hơn nữa chúng ta không chỉ bị vây bọc tứ bề bởi môi trường xã hội đầy dẫy những mời mọc, khêu gợi cho một lối sống hưởng thụ buông thả, mà tệ hơn nữa, còn có những “tên nội gián” là những tham-sân-si “nằm vùng” tận đáy sâu tâm hồn chúng ta. Vì thế, lời dặn dò của Đức Giê-su hôm nay lại càng trở nên khẩn thiết hơn: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”
Mời Bạn: Một trong những thứ cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà chà đạp lên quyền lợi kẻ khác. Phương thế để chiến thắng cơn cám dỗ chính là phương thế của Chúa Giê-su. Đó là mở tung cách cửa tâm hồn mình cho Chúa Thánh Thần vào để Ngài đổ tràn vào tâm hồn ta sức sống thần linh.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khi vừa thức dậy, tôi mở đầu một ngày sống bằng việc cầu xin Chúa Thánh Thần. Và trong ngày, khi bắt đầu một công việc hoặc khi gặp cơn cám dỗ, tôi cũng cầu xin Chúa Thánh Thần giúp tôi chiến đấu và chiến thắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương gìn giữ con tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể tránh xa các cơn cám dỗ kẻo làm con mất ơn nghĩa với Chúa. Amen.

30/11/14 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – B 
Mc 13,33-37
 
HỒI CHUÔNG THỨC TỈNH
“Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em Thầy cũng với với hết thảy mọi người là: phải canh thức.” (Mc 13,36-37)
Suy niệm: Cha Anthony de Mello có kể một câu chuyện lý thú về những người nằm chết khát trên chiếc bè nằm lênh đênh ngoài khơi bờ biển Bra-xin. Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi nó tống ra biển xa đến hai dặm và nước ngay chỗ họ vẫn là nước sông. Nhưng họ không hề hay biết. Cũng tương tự như vậy, quanh chúng ta biết bao niềm vui hạnh phúc, yêu thương... phần lớn người ta chẳng hay biết gì.”
Mời Bạn: Sống gần kề dòng sông ân sủng của Thiên Chúa nhưng rất có thể chúng ta không nhận ra được điều đó, để rồi, trong  đời sống thiêng liêng, ta sống lây lất, dở sống dở chết. Mùa Vọng gióng lên hồi chuông để ta tỉnh thức trong giờ Chúa đến bất chợt; trước mắt nó thúc giục ta tỉnh thức hầu nhận ra vô vàn ơn huệ Thiên Chúa ban cho ta trong đời sống.
Chia sẻ: Những gì làm tôi nhận ra và không nhận ra ơn Chúa ban trong đời sống?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống một Mùa Vọng Tỉnh Thức đặc biệt giữ 3 “đức” cuối của kinh “Cải Tội Bảy Mối”:
-  Thứ năm: kiêng bớt chớ mê ăn uống,
-  Thứ sáu: yêu người chớ ghen ghét,
-  Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tuy sống “giữa thế gian, nhưng chúng con không thuộc về thế gian”, xin cho chúng con ơn tỉnh thức để trong cuộc sống, luôn biết hướng lòng về Chúa, đi tìm kiếm Chúa và niềm hạnh phúc nơi Chúa mà thôi.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log