Thứ bảy, 11/01/2025

5 Phút Cho Lời Chúa - Tháng 5

Cập nhật lúc 16:52 30/04/2014
01/05/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS
Th. Giu-se Thợ
Mt 13,54-58
 
Lao động vì yêu thương
 
“Ông ta không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55)
Suy niệm: “Hãy yêu thích lao động không phải vì lợi nhuận hay phần thưởng; tuy vậy Thiên Chúa đã quyết định rằng lợi lộc lớn lao sẽ là hoa trái cho mọi lao động do yêu thương” (E. White). Thánh Giu-se nhiệt tình trong công việc hằng ngày của nghề thợ mộc, không chỉ vì “tay làm hàm nhai,” nhưng còn vì Ngài đặt vào đó trọn tình thương dành cho Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su mà ngài có nhiệm vụ chăm sóc. Ngài trở thành mẫu gương cho mọi người lao động muốn sử dụng công ăn việc làm như món quà yêu thương đối với những người thân yêu của mình. Thánh Giu-se làm nghề thợ mộc, một nghề thủ công bình thường, tiêu biểu cho sự đóng góp của đám đông công nhân vô danh cho cho sự phát triển của nhân loại, cho ấm no hạnh phúc của con người.
Mời Bạn: Bên cạnh những tên tuổi tầm cỡ có ảnh hưởng đến thế giới, vẫn có đám đông khổng lồ đang âm thầm cộng tác cho việc nâng cao điều kiện sống an vui của xã hội. Thánh Giu-se là quan thầy của những con người vô danh ấy, trong số đó có bạn. Ngài ở bên cạnh bạn, nâng đỡ niềm hãnh diện khiêm tốn của bạn trong tư thế người lao động.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín công việc lao động có giá trị hay không tùy theo ý hướng tôi làm vì ai và tôi đã có những đức tính nào khi làm công việc ấy. Ý hướng của tôi từ nay sẽ là vì Chúa, vì những người thân yêu, vì người nghèo...
Cầu nguyện: Lạy Thánh Giu-se, cảm tạ ngài đã nêu gương lao động miệt mài vì muốn bày tỏ tình thương mến dành cho Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ngày hôm nay cũng biết sử dụng công việc lao động như món quà quý giá cho người thân yêu. Amen.
 

02/05/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS
Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 6,1-15
 
DẤU CHỈ NHẬN RA NGƯỜI
“Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.” (Ga 6,11)
Suy niệm: “Cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát” là hành động rất quen thuộc của Chúa Giê-su. Các Phúc Âm kể lại ít nhất năm lần Ngài thực hiện cử chỉ này: hai lần hoá bánh ra nhiều (Mc 6,32-44; 8,1-10); trong Bữa Tiệc Ly (Lc 22,19-20); hai lần sau Phục sinh (Lc 24,13-35;Ga 21,1-14). Ai ăn bánh đều phải cầm lấy bánh; nhưng Đức Giê-su cầm lấy bánh là để “dâng lời tạ ơn rồi phân phát”. Chính hành động này đã làm nên sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và mọi người. Chứng kiến việc “Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát”, dân chúng phải thừa nhận “Hẳn ông này là vị ngôn sứ phải đến thế gian” (c.14). Tuy họ hiểu sai về ý nghĩa ngôn sứ nơi Đức Giê-su (nên Ngài đã lánh đi), để rồi mãi về sau, ý nghĩa trọn vẹn mới được mạc khải qua việc Ngài tự hiến để trở thành Tấm Bánh bẻ ra trao cho mọi người: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em’” (Lc 22,19).
Mời Bạn: Hành động bẻ bánh của Chúa Giê-su là dấu chỉ để các môn đệ nhận ra Chúa Phục sinh. Và hằng ngày Bánh vẫn tiếp tục được bẻ ra và trao cho chúng ta trong mỗi Thánh lễ. Hãy khám phá nét đặc trưng này để nhận ra ý nghĩa trọn vẹn của việc Bẻ Bánh.
Chia sẻ về những lần rước lễ mà bạn cảm thấy xúc động nhất.
Sống Lời Chúa: Đặt Thánh lễ làm trung tâm và chóp đỉnh đời sống tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Tấm Bánh chấp nhận bị bẻ ra để trao ban, hầu giúp chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho con đừng thờ ơ với nghĩa cử cao đẹp này của Chúa. Amen.

03/05/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS
Th. Phi-líp-phê và Gia-cô-bê, tông đồ
Ga 14,6-14
 
CON ĐƯỜNG ĐI TỚI ĐÍCH
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6)
Suy niệm: Có người đã ví khi sống đức tin, ta như thể đang ‘đu xà’ vậy, muốn tiến tới, phải buông mình và nắm chắc xà trước. Tương tự, muốn tiến tới trong đời sống đức tin hay trong ơn gọi, người Ki-tô hữu phải buông mình cho Thiên Chúa trong mọi sự và tiếp tục vươn tới nắm chặt tay Ngài. Đây không phải là buông tay liều lĩnh, mù quáng theo kiểu nhắm mắt đưa chân, mà tín nhiệm vững chắc vào Chúa Giê-su. Ngài “là Đường, là sự Thật, và là sự Sống”. Là Đường dẫn kẻ tin đi đến với Thiên Chúa là nguồn mạch đích thực. Là sự Thật nên ai đi trên con đường ấy không sai lầm. Từ đó, ta tin tưởng Chúa là lẽ sống của đời mình nên những ai có lòng tin sẽ có sức sống trong hành trình đi theo Chúa. Bởi chỉ có Chúa Giê-su mới là Đấng ban sự sống và có lời ban sự sống.
Mời Bạn xem lại, bạn đang đi vào con đường nào? Con đường Chúa dẫn bạn đi hay con đường thế gian đang chào mời? Khi đi trên con đường của Chúa, bạn có đưa tay ra cho Chúa cầm lấy tay mình và bạn có nắm chặt tay của Chúa không?
Sống Lời Chúa: Tôi ngồi nhìn lại ơn gọi của mình để xác tín thêm rằng: Chúa luôn mời gọi tôi dấn thân hơn, tiến mạnh mẽ hơn chứ không đời nào Ngài cho tôi rút lui.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, như chiếc cối xay gió không bao giờ lạc hướng gió, xin cho con luôn biết hướng về Chúa vì Chúa là con đường, là sự thật và là sự sống. Xin cho con vững tin vào Chúa và tín nhiệm vững chắc vào Chúa: vững chắc vào tình yêu Ngài, vững chắc vào sự quan phòng của Ngài, và vững chắc vào lời hứa của Ngài.

04/05/14 CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – A
Lc 24,13-35
 
QUYỀN NĂNG LỜI CHÚA
Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,31-32)
Suy niệm: Đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem về Em-mau đâu chỉ là một cung đường địa lý, nó còn là hành trình tiệm tiến từ thất vọng đến hy vọng, từ tối tăm đến ánh sáng. Tâm trạng của hai môn đệ Em-mau khi rời thánh đô là chán chường, tuyệt vọng. Đối với họ, Đức Giê-su đã chết có nghĩa đức tin của họ nơi Ngài cũng bị đứt đoạn. Càng đi xa Giê-ru-sa-lem, họ càng bủn rủn, rã rời. Trong hoàn cảnh ấy, Chúa Ki-tô phục sinh đến bên họ, giải thích Thánh Kinh cho họ và lòng họ cháy bừng lên. Cảm nghiệm lòng cháy bừng khi nghe Lời Chúa như một khám phá lớn lao trong đời của họ. Trước đây từng được nghe Lời Chúa, nhưng họ không cảm nghiệm được quyền lực của Lời Chúa trong cuộc đời. Nay họ nhận ra quyền lực của Lời đang thổi bừng lòng họ, từ những con người ủ dột, buông xuôi; nay thành những Ki-tô hữu hăng hái ra đi.
Mời Bạn: Thế giới hôm nay đang cần những Ki-tô hữu “bừng cháy” như thế. Thế nhưng, yếu kém lớn nhất của chúng ta là không tin vào quyền lực của Lời Chúa trong Thánh Kinh. Người ta tin vào khả năng thay đổi của một phương pháp hay một chương trình hơn là tin vào quyền năng biến đổi của Lời Chúa. Đó là lý do làm cho thế giới ngày càng ủ dột, tối tăm.
Sống Lời Chúa: Đọc Tin Mừng và suy niệm 5 phút mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con hằng ngày luôn mời Chúa ở lại với con, để Lời Chúa vang lên làm cháy bừng hồn tông đồ nơi con.

05/05/14 THỨ HAI TUẦN 3 PS
Ga 6,22-29
 
TIN VÀO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
“Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6,29)
Suy niệm: Dân chúng hăm hở tìm gặp Đức Giê-su, đó là sau sự kiện Ngài cho năm ngàn người ăn bánh no nê. Chúa thẳng thắn chỉ ra cái động cơ thực dụng của họ: “Các ông tìm tôi … vì các ông đã được ăn bánh no nê.” Ta đừng vội trách những con người này. Bởi không hẳn là chúng ta ít thực dụng hơn họ khi tìm kiếm Chúa. Điều đáng trân trọng nơi họ: khi được Đức Giê-su vạch ra sự thật trong động cơ của mình, họ nhìn nhận chứ không phủ nhận, và họ bày tỏ lòng chân thành muốn điều chỉnh: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Câu trả lời cho họ, và cho chúng ta hôm nay: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”
Mời Bạn: Nhưng “tin vào Đức Giê-su Ki-tô” có nghĩa là gì? Trước hết, đó là bạn tháo gỡ tất cả những thứ khác đang cạnh tranh với Chúa Giêsu trong lòng trí của bạn (chẳng hạn tiền bạc, danh vọng, quyền lực…). Bạn nhận Chúa Giê-su là đường, sự thật và sự sống của mình. Bạn tìm hạnh phúc thật nơi những gì Ngài đã đề nghị trong Tin Mừng. Bạn vui mừng được biết Ngài, được làm bạn với Ngài, và chính niềm vui này thúc đẩy bạn giới thiệu Ngài cho những người khác nữa. Nói tắt, khi bạn tin vào Chúa Giê-su thì không còn là bạn sống nữa mà là bạn cho phép chính Chúa Giê-su sống trong bạn.
Sống Lời Chúa: Một cách để thể hiện lòng tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, đó là ta sẽ chân thành hỏi ý kiến Ngài trước mỗi quyết định, mỗi chọn lựa của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa, nhưng xin Chúa nâng đỡ đức tin còn non yếu của con. Amen.

06/05/14 THỨ BA TUẦN 3 PS
Ga 6,30-35
 
BÁNH BỞI TRỜI ĐÍCH THỰC
Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” (Ga 6,32-33)
Suy niệm: Người Do-thái đổ xô đi tìm Chúa Giê-su sau khi được Ngài cho ăn bánh no nê. Giấc mơ về một Đấng Cứu Thế sẽ cho họ “’ăn bánh bởi trời” như Mô-sê đã cho cha ông họ ăn Man-na trong hoang địa ngày xưa, giờ đây họ nghĩ rằng sắp được hiện thực nơi Đức Giê-su. Chúa Giê-su vạch rõ ý nghĩ thực dụng này của họ: “Các ông đi tìm tôi… vì đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Ngài mời gọi họ đừng dừng lại ở thứ lương thực vật chất đó mà vươn lên tìm kiếm thứ “bánh bởi trời đích thực”, “bánh đem lại sự sống đời đời.” Và Ngài cho biết chính Ngài là thứ Bánh đó: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,36).
Mời Bạn: Người ta ưu tư về nạn đói cơm bánh, vấn đề muôn thuở của con người; điều đó là đúng và thật khẩn thiết. Thế nhưng, người ta dễ quên bên cạnh đó cũng tồn tại “cơn đói” đời sống vĩnh cửu, “cơn đói” Thiên Chúa, “đói” Lời của Ngài. Chúa dạy chúng ta khi lo toan vì cơm bánh ăn hằng ngày thì cũng đừng quên tìm kiếm “Bánh bởi trời đích thực” là tấm bánh hằng sống Ngài ban cho những ai tin vào Ngài.
Sống Lời Chúa: Tham dự Thánh Lễ và rước lễ sốt sắng với tâm tình cảm tạ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con món quà vô giá là chính Thánh Thể Chúa. Xin cho chúng con luôn tìm thấy sức mạnh và ân sủng để tiếp tục trên hành trình theo Chúa về quê hương vĩnh cửu.

07/05/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS
Ga 6,35-40
 
“TA LÀ BÁNH HẰNG SỐNG”
“Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi, sẽ không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)
Suy niệm: Chưa bao giờ có một vị Ngôn sứ nào yêu cầu người ta tin vào mình như Chúa Giêsu đã làm. Qua nhiều kiểu nói, Ngài tự giới thiệu như Nguồn ơn cứu độ cao siêu nhất, bởi chính Ngài cũng là một với Đấng tuyên bố “Ta là Đấng Hằng Hữu”: Ngài là “Bánh Sự Sống”, là “Ánh Sáng thế gian”, là “Cửa chiên ra vào”, là “Mục Tử tốt lành”, là “Sự Sống lại”, là “Sự Sống”, là “Cây Nho đích thực” là “Bánh”… Chúa Giêsu đồng hóa mình với lời Ngài giảng dạy: Giáo lý của Ngài là Bánh. Chính Ngài là Bánh. “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn nếm được sự no thỏa như Lời Chúa Giêsu nói đây chưa? Mời bạn hãy sống cảm nghiệm của khám phá này bằng cách đến với Chúa Giêsu và tin vào Người. Tin đây là một thái độ sống gắn bó mật thiết với con người Đức Kitô hơn là việc lý trí chấp nhận một số tín điều trừu tượng. Chỉ khi nào ta sống niềm tin của ta như vậy, ta mới cảm nghiệm được Chúa Giêsu là nguồn hạnh phúc no thỏa của ta. Hãy đến và tin vào Ngài, ta sẽ được no thỏa vì Ngài là Bánh Trường sinh và là nguồn hạnh phúc của lòng ta.
Sống Lời Chúa: Tham dự Thánh lễ ngày thường mỗi khi có thể và sốt sắng rước lễ.
Cầu nguyện: Ôi lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu, Con Cha và là Cha của con. Bao năm tháng con sầu buồn và bất ổn, phải chăng vì con đã không biết nương tựa thực sự vào LỜI vững chắc và sống động của Cha là chính Đức Giêsu Con Cha? Từ nay Con nguyện sẽ Tin và gắn bó mật thiết nên một với Ngài. Amen.

08/05/14 THỨ NĂM TUẦN 3 PS
Ga 6,44-51
 
TẤM BÁNH TÌNH YÊU TỰ HIẾN
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao Chúa Giê-su không hóa thân thành một khối vàng hay kim cương quý giá mà lại là tấm bánh? Chúa trở thành tấm bánh là thứ lương thực cần thiết như khí trời, nước uống... để con người được sống, để gần gũi với loài người, để đồng hành với con người trong mọi sinh hoạt đời thường. Ngược lại, con người cũng dễ dàng đến với Ngài, tiếp nhận Ngài để được sống và sống dồi dào. Khi Chúa Giê-su hôm nay tự nhận mình là Bánh bởi trời, và hoá thân mình trong tấm bánh đó Ngài muốn nói rằng Ngài yêu con người tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, chịu chết để trở thành bánh nuôi sống chúng ta muôn đời.
Mời Bạn: Được nuôi dưỡng bởi Bánh Thánh là Thịt Máu Chúa Giê-su, bạn cũng được Chúa mời gọi trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em mình qua việc chia cơm sẻ áo hằng ngày cho tha nhân đồng thời dấn thân vào hoạt đồng tông đồ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người hầu cuộc sống chúng ta mỗi ngày hạnh phúc và đượm thắm tình Chúa và tình người hơn.
Chia sẻ: Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi cho bạn điều gì về tình yêu của Chúa Giê-su không? Và khi rước Ngài, bạn cảm nghiệm được tình yêu ấy không?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cho người nghèo gần bạn nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa dành cho con. Xin cho con biết sẵn sàng bẻ tấm bánh đời con cho tha nhân bằng cách giúp đỡ vật chất và tinh thần cho người đang cần con giúp.

09/05/14 THỨ SÁU TUẦN 3 PS
Ga 6,52-59
 
SỰ SỐNG TỪ THỊT MÁU CHÚA
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54)
Suy niệm: Cả tuần này chúng ta nghe Chúa Giê-su nói về bánh hằng sống. Bánh ấy chính là thịt máu của Chúa Giê-su tử nạn và phục sinh, hằng ở với ta mọi ngày cho đến tận thế trong phép Thánh Thể. Nếu sự sống của thân xác cần cơm bánh làm sao, thì sự sống thiêng liêng cũng cần Mình Máu Chúa như vậy. Đây vừa là cách thế bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người, vừa là phương dược giúp ta nên thánh, nên con Chúa khi biết kết hiệp với Người trong Thánh Thể. Không những thế, Mình Máu Chúa còn đảm bảo cho cuộc sống đời đời của ta nữa. Còn gì hạnh phúc hơn khi Chúa sắm sẵn cho phương tiện để ta đạt được sống muôn đời.
Mời Bạn: Tình yêu đích thực là tình yêu đem lại cho người mình yêu một tương lai. Thánh Thể Chúa Giê-su hội tụ đủ những yếu tố cần và đủ để mang lại cho ta một tương lai tươi đẹp.
Chia sẻ: Bánh Thánh Thể được bẻ ra để phân phát cho nhiều người cùng ăn, và khi nhận lấy Bánh này, Chúa cũng muốn ta chia cơm sẻ áo cho anh chị em, vì sự sống phần xác èo uột thì mong gì sự sống tinh thần mạnh mẽ.
Sống Lời Chúa: Lời Chúa là chính Chúa. Lời đưa ta đến hiệp thông với Thánh Thể: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Phúc Âm Hóa đời sống gia đình là cơ hội tốt để các thành viên nhắc nhở nhau siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho con tìm được sự sống đích thực nơi bí tích Mình và Máu Chúa, và thúc đẩy con siêng năng đến với nguồn sống kỳ diệu này.

10/05/14 THỨ BẢY TUẦN 3 PS
Th. Đa-miêng, linh mục
Ga 6,60-69
 
TẤM LÒNG ĐÁP LẠI TẤM LÒNG
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)
Suy niệm: Bài hiệu triệu của hoàng đế Na-pô-lê-ôn trước khi chinh phạt đất Ý năm 1796 có đoạn như sau: “Tôi sẽ dẫn các bạn đến những cánh đồng màu mỡ nhất thế giới. Những vùng đất giàu có, những thành phố lớn sẽ thuộc quyền các bạn; ở đó các bạn sẽ được danh dự, vinh quang và giàu có…” Tài hùng biện của ông đã làm nức lòng chiến sĩ và góp phần quan trọng giúp ông giành được những chiến thắng lẫy lừng nhất trong sự nghiệp quân sự của ông. Xét trên phương diện đó thì bài diễn từ về bánh hằng sống của Chúa Giê-su là một thất bại ê chề. Người Do-thái không thể chấp nhận những lời mà họ cho là “chói tai quá, ai nghe cho được!” Thậm chí nhiều môn đệ của Ngài cũng bỏ Thầy mà đi. Thế nhưng sứ điệp Bánh hằng sống quan trọng đến nỗi dù thế nào đi nữa Ngài vẫn không rút lời: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống muôn đời”, bởi vì việc tự hiến thân mình trở nên Bánh ban sự sống cho nhân loại là hành vi yêu thương cao cả nhất, không gì thay thế được. An ủi thay, tấm lòng của Thầy Giê-su được đáp lại bởi tấm lòng của Phê-rô đại diện tất cả anh em: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”
Mời Bạn: Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa đã dành cho chúng ta tất cả tấm lòng. Bạn, bạn cũng sẽ dành cho Ngài tất cả tấm lòng chứ? Mời bạn đến lãnh nhận Thánh Thể để bày tỏ tình yêu tha thiết nhất của bạn đối với Ngài.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp để tham dự thánh lễ và rước lễ hết sức có thể.
Cầu nguyện: Giê-su ơi, ở cùng con luôn mãi. Lìa bỏ Chúa, con biết đâu nương nhờ.

11/05/14 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – A
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành – Cầu cho ơn thiên triệu
Ga 10,1-10
 
GIÊ-SU, CỬA VÀ MỤC TỬ TỐT LÀNH
“Thật tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào…. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,7-9)
Suy niệm: Vào thời Chúa Giê-su, chuồng chiên không có cửa khép mở như các cửa thường dùng; thay vào đó, sau khi chiên vào chuồng, mục tử sẽ ngủ ở cổng ra vào và trở thành “cửa chuồng chiên” rất hiệu quả. Không chỉ ví mình là cửa chuồng chiên, Chúa Giê-su còn ví Ngài là mục tử tốt lành, để bảo đảm rằng, bên trong chuồng chiên mà Ngài là cửa, đoàn chiên của Ngài gặp được an toàn. Không có sự dữ hay kẻ dữ nào bên ngoài có thể vào làm hại đàn chiên, bởi Chúa Giê-su vừa là mục tử tốt lành, vừa là cửa chuồng chiên. Là mục tử tốt lành, Chúa Giê-su thí mạng để cứu độ chúng ta, giải thoát khỏi nanh vuốt sói dữ. Kẻ chăn chiên sẽ chạy trốn bỏ mặc đàn chiên khi sói dữ đến; trái lại, là mục tử tốt lành, Chúa Giê-su luôn bảo vệ đàn chiên. Là cửa chuồng chiên, Ngài gìn giữ chúng ta khỏi mọi hư mất. Trong đêm Vượt Qua tại Ai-Cập, kẻ phá hủy không thể vào được nhà người Do Thái có ghi dấu máu chiên trên cửa; thì nay, nhờ máu của Chúa Giê-su, mọi tín hữu trong đàn chiên Ngài được cứu độ.
Mời Bạn: Trong đàn chiên của Chúa, bạn sẽ được an toàn và được cứu độ. Vậy, nay bạn đang ở trong hay ngoài đàn chiên của Chúa Giê-su?
Sống Lời Chúa: Làm một việc để góp phần xây dựng Hội Thánh hoặc tham gia một công tác tông đồ để chứng minh bạn thuộc về đàn chiên của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Mục Tử tốt lành, xin cho con luôn sống trong đàn chiên của Chúa, để con được hạnh phúc trong Chúa. Là Cửa dẫn con về với Chúa Cha, xin Chúa cho con luôn tin Chúa là Đấng Cứu Độ của con.

12/05/14 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Th. Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô, tử đạo
Ga 10,11-18
 
BIẾT VÀ YÊU CHÚA GIÊ-SU
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,14-15)
Suy niệm: Cô X. có người yêu khác tôn giáo sẵn sàng theo đạo như cô nhưng trên thực tế cô X. không quan tâm đến việc đó và cũng không tìm cách giúp cho người yêu biết Chúa Giê-su và Tin Mừng của Ngài. Điều này giả thiết chính cô X. cũng không biết, hoặc biết mà không yêu Chúa vì nếu có, cô sẽ tìm cách truyền đạt cho anh hồng ân đức tin mà mình đã lãnh nhận. Là Ki-tô hữu tức là môn đệ Chúa Ki-tô, nên cũng là một nhà truyền giáo. Chúa Ki-tô muốn họ cộng tác với Ngài để đem ánh sáng chân lý chiếu soi trên trần gian. Để làm tốt việc này, Ki-tô hữu phải học biết Chúa Ki-tô và yêu mến Ngài. Không ai cho cái mình không có.
Mời Bạn: “Ngày nay chúng ta phải đối diện với thách thức phải trả lời cách tương xứng cho nhiều người đang khao khát Thiên Chúa kẻo họ lại bằng lòng với những câu trả lời sai lệch hoặc với một Đức Giê-su vô cảm, không một chút dấn thân cho người khác.” (ĐGH Phan-xi-cô, Niềm Vui Tin Mừng, 89). Biết Chúa và yêu Chúa không chỉ là nhu cầu cho việc truyền giáo nhưng đó chính là lẽ sống, niềm vui và hạnh phúc chân thật cho tâm hồn chúng ta.
Sống Lời Chúa: Sứ mệnh Tân Phúc Âm hóa thúc bách chúng ta găp gỡ Đức Ki-tô mỗi ngày, đồng thời đổi mới cách trình bày Chúa cho những người sống chung quanh chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Mục tử nhân lành. Xin cho chúng con luôn hướng về Chúa, khao khát Chúa và đừng để những quyến rũ trần gian ngăn cản chúng con đến với Chúa.

13/05/14 THỨ BA TUẦN 4 PS
Đức Mẹ Fa-ti-ma
Ga 10,22-30
 
NGHE – TIN – THEO
Đức Giê-su nói: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin,... vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10,25.27)
Suy niệm: Chúa Giê-su trách những người Do-thái không tin Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến mặc dù họ đã nghe Chúa Giê-su giảng, chứng kiến Ngài chữa lành bệnh tật, cho người chết sống lại…; lý do của sự cứng lòng ấy, Chúa cho biết, là vì họ không thuộc về đoàn chiên của Chúa, vì họ đã không nhận biết tiếng Ngài và đã không đi theo Ngài. Trái lại, những ai nhận biết tiếng Chúa và đi theo Ngài, hay nói cách khác, chỉ những ai nghe tiếng Chúa, tin vào Ngài, và sẵn lòng bước theo Ngài mới thuộc về đoàn chiên của Ngài.
Mời Bạn: Trong ba thái độ cơ bản của người môn đệ Chúa Ki-tô là “Nghe-Tin-Theo” thì “Nghe” đứng đầu: “Đức tin có là nhờ nghe” (Rm 10,14.17). Thế nhưng trong cuộc sống hôm nay, con người khó nghe được lời của vị Mục Tử Ki-tô vì tiếng Ngài lại hay bị nhiễu, bị át đi bởi quá nhiều tiếng động của xe cộ, máy móc, ca nhạc và còn bởi cả những tiếng ồn ào của lòng ham mê của cải, quyền lực, danh vọng…. Bạn làm gì để “tắt đi” những tiếng ồn trong cõi lòng bạn để bạn sẵn sàng lắng nghe Lời Ngài nói với bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Ý thức mình là con chiên nhỏ trong đoàn chiên Chúa, bạn luôn trung thành với việc suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Mục tử nhân lành, xin hướng dẫn con trong tình yêu Chúa. Xin Chúa gọi con, để con nhận ra tiếng Chúa. Nếu con có lạc đường, xin hay đem con về và gìn giữ con, vì chỉ có Chúa biết rõ con và đời con chỉ thuộc về Chúa mà thôi.

14/05/14 THỨ TƯ TUẦN 4 PS
Th. Mát-thi-a, tông đồ
Ga 15,9-17
 
CHÚA CHỌN NGƯỜI CHÚA MUỐN
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” (Ga 15,16)
Suy niệm: Thánh Mát-thi-a được chọn làm tông đồ muộn màng sau khi Đức Giê-su về trời, mà lại được chọn bằng cách rút thăm, nhưng dù vậy trong lời nguyện của “nghi lễ truyền chức” đó, cộng đoàn đã nài xin Thiên Chúa tuyển chọn người mà Ngài muốn: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ” (Cv 1,24-25). Quả vậy, không ai tự chọn cho mình làm tông đồ nếu như Chúa đã không chọn họ trước. Chúa chọn họ một cách hoàn toàn tự do và theo ý Ngài muốn (Mc 3,13). Điều Chúa mong muốn là những người Chúa chọn được sai đi và mang lại nhiều hoa trái và hoa trái đó tồn tại vững bền.
Mời Bạn: Ơn gọi của mỗi người, dù thuộc bậc giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân đều là ơn ban từ Đấng Khôn Ngoan và Quan Phòng. Chúa không gọi chúng ta vào một bậc sống nào đó để chúng ta sống một cách tầm thường vô nghĩa. Nếu chúng ta hài lòng đón nhận và nhiệt tâm phát triển ơn gọi mình, thì chúng ta đang làm cho ơn gọi của mình sinh hoa kết quả cho Chúa.
Chia sẻ: Bạn cảm nhận hạnh phúc thế nào về ơn gọi của bạn? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Ôn lại quá trình ơn gọi của mình và dâng lời tạ ơn Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xưa Chúa đã chọn gọi các tông đồ và sai các ngài đi. Nay Chúa cũng chọn gọi chúng con và sai chúng con đi tiếp nối sứ mạng tông đồ. Xin ban cho chúng con niềm xác tín và lòng nhiệt thành để việc tông đồ chúng con sinh hoa kết quả cho Nước Chúa.

15/04/14 THỨ NĂM TUẦN 4 PS
Ga 13,16-20
 
THÂN THIẾT THẦY-TRÒ
“Thật Thầy bảo thật anh em: Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)
Suy niệm: Trong bầu khí yêu thương thân tình giữa Thầy và trò sau khi Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, chúng ta cảm nhận được sự bồi hồi xao xuyến của Ngài trước lúc chia tay. Đây là lúc mà không còn lúc nào khác để Chúa nói với các môn đệ những lời tâm huyết nhất: Ngài cho biết mối tương quan giữa Ngài với các môn đệ trở nên khăng khít vì được liên kết với mối tương quan khăng khít không thể tách rời giữa Ngài với Chúa Cha: Ai đón tiếp các môn đệ là đón tiếp Chúa Giê-su và đón tiếp Ngài như vậy cũng tương đương như là đón tiếp chính Chúa Cha.
Mời Bạn: Hiểu thấu được tâm tình của Đức Giê-su bạn có cảm thấy được đánh động sâu xa cả con người của bạn không? Biết mình trở nên quan trọng với Chúa như thế, được liên kết chặt chẽ với Ngài như thế, bạn quyết tâm là người môn đệ trung thành của Thầy, thực hành tới từng chấm từng phẩy lời Thầy dạy chứ? Bạn được Thầy tuyển chọn và sai đi tiếp tục sứ mạng của Ngài, bạn sẽ sống xứng đáng với sự tin tưởng của Thầy, để mọi người có thể nhận ra Ngài nơi đời sống của bạn chứ?
Chia sẻ: Bạn nhìn lại những biến cố xảy ra trong cuộc đời bạn. Bạn có nhận ra sự chăm sóc ân cần của Chúa dành cho bạn, và sự tín nhiệm của Ngài đối với bạn khi Ngài trao cho bạn sứ mạng làm ngôn sứ, chứng nhân cho Ngài không? Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm đó.
Sống Lời Chúa: Để tình thân thiết Thầy-trò giữa Chúa và bạn ngày càng sâu đậm bạn đừng quên dành thời giờ tâm sự với Chúa mỗi ngày
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

16/05/14 THỨ SÁU TUẦN 4 PS
Ga 14,1-6
 
CON ĐƯỜNG GIÊ-SU
“Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.” Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,4-6)
Suy niệm: Chúa Giê-su nói: “Thầy là con đường.” Nhưng “con đường Giê-su” ở đây không phải là con đường được vẽ trên bản đồ, nhưng là chính con người Đức Giê-su, để một khi “ở lại trong con người của Ngài,” chúng ta luôn có Ngài đồng hành và được hướng dẫn trên mọi nẻo đường đời. Ngoài Đức Giê-su, không có đường nào khác đưa dẫn con người đến hạnh phúc đích thực. Con đường Giê-su là có hai chiều gặp nhau trong con người của Ngài: một chiều Thiên Chúa đến gặp chúng ta; một chiều khác con người hướng về và gặp gỡ Thiên Chúa. Trên con đường Giê-su, mọi biển cấm đều bị Ngài gỡ bỏ, mọi chướng ngại đều bị lấy đi, để trong Ngài, Thiên Chúa đến với con người, ở lại với con người và trong Ngài, con người được hưởng ân huệ của Thiên Chúa và hạnh phúc reo lên “Ab-ba”, “Cha ơi!”, vì được làm con Thiên Chúa. Nói tóm lại, duy chỉ Chúa Giê-su là con đường duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.
Mời Bạn: Đi theo Chúa Giê-su, sống với Ngài và sống theo Lời Ngài, bạn nắm chắc hạnh phúc và lời hứa Nước Trời. Chúa Giê-su phục sinh gỡ bỏ mọi tảng đá chướng ngại trên con đường mang tên Giê-su, để bạn dễ dàng sống tình thân với Thiên Chúa. Bạn bắt đầu đi vào con đường Giê-su đi nhé!
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bạn chọn một câu Lời Chúa để đem ra thực hành trong cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con mạnh dạn sống Lời Chúa và luôn tìm hạnh phúc trong việc thi hành ý Chúa.

17/05/14 THỨ BẢY TUẦN 4 PS
Ga 14,7-14
 
NHÂN DANH ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ
“Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.” (Ga 14,14)
Suy niệm: Điều Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay – “nhân danh Thầy mà xin” – được thánh Phê-rô thực hành đúng từng chữ khi chữa lành người què ăn xin ở Cửa Đẹp Đền thờ: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,5). Và hiệu quả của lời ấy là tức thì và thật đáng kinh ngạc: anh “đứng phắt dậy,” chẳng những anh đi được mà anh còn có thể “vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa” (x. Cv 3,8). Chúa Giê-su dạy khi chúng ta nhân danh Ngài để cầu xin điều gì thì lời cầu xin ấy rất có hiệu lực bởi vì lúc đó không phải chúng ta mà là chính Ngài sẽ thực hiện điều đó.
Mời Bạn: Mỗi khi làm dấu Thánh giá, chúng ta bắt đầu bằng những lời “Nhân danh Chúa Cha…”. Có một thực tế là dù ta làm dấu rất nhiều lần trong ngày, nhưng các công việc ta làm, lắm khi đã không nhân danh Chúa, mà lại nhân danh cái tôi của mình. Còn cầu xin thì chúng ta nghĩ đến những nhu cầu của chúng ta nhiều hơn là xin cho “Danh Cha cả sáng”. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta khi cầu xin thì cầu xin “nhân danh Đức Ki-tô” và khi làm việc thì hãy hành động “để danh Chúa được tôn vinh”.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về lời xác tín của thánh Phê-rô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,5)?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm dấu Thánh Giá, tôi làm một cách nghiêm trang, đầy ý thức và quyết tâm làm việc để tôn vinh danh Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

18/05/14 CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – A
Ga 14,1-12
 
ĐƯỜNG LÊN THƯỢNG GIỚI
Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,5-6)
Suy niệm: Nếu bạn lạc vào một khu rừng rậm không tìm thấy lối ra, hay đứng giữa một thành phố lớn xa lạ mà không có tấm bản đồ trong tay, hẳn bạn sẽ hiểu được nỗi lo lắng của Tô-ma cũng như của các môn đệ khi Chúa Giê-su nói về sự ra đi của Ngài: Thầy đi về nhà Cha Thầy mà chúng con không biết Cha Thầy ở đâu thì “làm sao chúng con biết được đường đi?” Chúa Giê-su cho biết Ngài chính là con đường vĩnh cửu dẫn đến “điểm hẹn nhà Cha”. Nơi Ngài, chúng ta sẽ gặp Chúa Cha vì: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Chỉ cần bám chặt lấy Đức Ki-tô, kết hiệp nên một với Ngài là chắc chắn Ngài sẽ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.
Mời Bạn: Có khi nào bạn dừng lại một giây thôi để tự hỏi bạn đang đi về đâu, bạn đang đi đúng đường hay đang lạc lối trong cuộc hành trình vĩnh cửu của bạn không? Mời bạn đến với Đức Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể, bạn sẽ có Đấng là Con Đường ngay trong lòng bạn. Và bạn nhớ cầm theo tấm bản đồ là cuốn Thánh Kinh để mỗi ngày bạn biết Chúa muốn dẫn bạn đi trên nẻo đường nào để đến với Cha của Ngài.
Sống Lời Chúa: Dành 5 phút mở sách Phúc Âm đọc một đoạn, suy gẫm và xin Chúa chỉ cho bạn con đường của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con đường thập giá Chúa đã đi qua cũng là con đường Chúa muốn con đi theo. Xin Chúa giúp con đi đến cùng con đường thập giá để cuối đường đó, con sẽ gặp được Chúa sự sống vĩnh cửu của con.

19/05/14 THỨ HAI TUẦN 5 PS
Ga 14,21-26
 
YÊU CHÚA VÀ ĐƯỢC CHÚA YÊU
“Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14,21)
Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có mấy câu ngắn nhưng chúng ta thấy từ yêu mến xuất hiện rất nhiều lần. Như thế đủ hiểu trong giáo huấn của Ngài, Thầy Giê-su nhấn mạnh đến tình yêu thế nào. Mầu nhiệm Thiên Chúa thì cao siêu, nhưng việc yêu mến lại phải cụ thể. Quả vậy, ngay từ Cựu Ước, mệnh lệnh yêu thương đã được nhấn mạnh như điều khoản chủ yếu của Giao ước: mệnh lệnh đó không ở tít trên trời hay bên kia biển, mà ở rất gần “ngay trong miệng, trong lòng anh em” (x. Đnl 30,11-14), mệnh lệnh đó “tóm lại hai điều này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy (Kinh Mười Điều Răn). Thực hành như vậy, chúng ta đã có “vé” để được Chúa Cha yêu mến và được thấy Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Mến Chúa trên hết mọi sự thì đúng rồi, không có gì phải bàn cãi. Còn điều khoản thứ hai, làm thế nào để “yêu người như mình ta vậy”, Chúa Giê-su cho biết: đó là yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng ta (Ga 15,12). Sống trong tình yêu như thế – yêu Chúa và được Chúa yêu – chúng ta được thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm tôi phục vụ anh chị em như phục vụ Chúa trong họ và theo cách Chúa đã hy sinh vì tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đã biết bao lần con nghe Lời Chúa dạy yêu thương, nhưng lắm khi chúng con nghe hững hờ rồi bỏ quên, không thực hành. Xin cho chúng con bắt đầu mỗi ngày thực hành yêu thương anh em nhiều hơn, trong tình yêu thương của Chúa. Amen.

20/05/14 THỨ BA TUẦN 5 PS
Th. Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục
Ga 14,27-31
 
HOÀ BÌNH-CÔNG LÝ-THỨ THA
“Thầy để lại bình an cho anh em, thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng.” (Ga 14,27)
Suy niệm: Từ sau thế chiến thứ II, có vẻ như chiến tranh đã kết thúc trên qui mô toàn thế giới. Và nếu theo cách nói của ai đó: “hoà bình là thời gian giữa hai cuộc chiến”, thì hiện nay, trong khi chờ đợi thế chiến thứ ba diễn ra, thì thế giới đang có hoà bình!!! Tuy  nhiên lịch sử từ sau năm 1945 đến nay chứng tỏ rằng thế giới vẫn chưa có hoà bình đích thực, mà lại bị lôi kéo, xô đẩy vào những loại chiến tranh khác cũng đẫm máu không kém. Từ chiến tranh lạnh dai dẳng đến những cuộc chiến khu vực khốc liệt, từ cuộc chiến tranh kinh tế đến nạn khủng bố quốc tế. Thật, thế giới vẫn chưa biết thế nào là hoà bình! Đức Ki-tô Phục Sinh quả quyết Ngài ban hoà bình cho chúng ta, một thứ hoà bình “không như thế gian ban tặng”. Hoà bình mà Chúa Ki-tô đem lại cho con người trước tiên và thiết yếu là bình an trong tâm hồn. Hoà bình đó chỉ có khi con người chiến thắng được kẻ thù khủng khiếp nhất là tính tham lam ích kỷ và hận thù.
Mời Bạn: Để được bình an và để đem bình an đến cho người khác, bạn hãy siêng năng lãnh nhận các bí tích, phương thế thần diệu mà đơn giản Chúa đã dành sẵn cho bạn.
Chia sẻ lời của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trong một sứ điệp hoà bình của ngài: “Không có hoà bình nếu không có công lý. Không có công lý nếu không có tha thứ”.
Sống Lời Chúa: Nếu bạn đang giận ai, bạn hãy làm hoà ngay hôm nay. Và nếu có ai đang giận nhau, bạn hãy giúp họ làm hoà với nhau.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.

21/05/14 THỨ TƯ TUẦN 4 PS
Th. Ki-tô-phô-rô Ma-ga-la-nê và các bạn tử đạo
Ga 15,1-8
 
NHƯ CÀNH LIỀN CÂY
“Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,5)
Suy niệm: “Đến đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây hãy về.” “Ở lại” không chỉ là cư trú mà còn là ăn uống, còn là chuyện trò, tâm sự, hàn huyên, còn là “ở lại trong nhau”, nên duyên vợ chồng nữa. Câu ca dao đưa nôi ngày nào thật gần với Lời Chúa hôm nay. Chúa mời gọi con người có thời giờ dành cho Chúa, cần nghe Lời, ăn thịt, uống máu Chúa thì mới “bén rễ xanh cây”, mới “sinh nhiều hoa trái” được. Cành lìa cây, cành cây không thể sinh hoa kết trái; ta xa Chúa làm sao ta có thể sống, và sống dồi dào, làm sao ta có thể sinh nhiều hoa trái, và hoa trái ấy làm sao tồn tại được?
Mời Bạn: Ta không thể “Phúc Âm Hóa” nếu ta không gần gũi Chúa để Ngài biến đổi đời ta. Phúc Âm hóa là làm cho Lời Chúa sinh nhiều hoa trái nơi cuộc sống của mỗi người. Điều này giải thích tại sao phải có mối tương quan liên vị giữa Chúa với ta thì ta mới đủ khả năng “sinh nhiều hoa trái”.
Sống Lời Chúa: Chúa là chủ vườn nho, Ngài giao cho ta canh tác, để sinh nhiều hoa lợi. Chính lòng trung tín và sự gần gũi của ta với Ngài là điều kiện để có được hoa thơm trái ngọt, được vụ mùa bội thu. Chúa ân cần nói với ta: “hãy ở lại trong Thầy” không ngoài mục đích ấy. Ta hãy mau mắn đáp lại lời mời gọi thân tình của Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa gọi chúng con vào làm vườn nho của Chúa, làm người chăm hoa tỉa cành để các cây nho sinh nhiều hoa trái. Xin cho mỗi người sống gần gũi, kết hợp với Chúa, nhờ đó chúng con mới có thể trở thành những tay thợ lành nghề trong khu vườn Chúa giao.

22/05/14 THỨ NĂM TUẦN 5 PS
Th. Ri-ta Ca-xi-a
Ga 15,9-11
 
CHÚA YÊU CHÚNG TA THẬT ĐÓ!
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15,9)
Suy niệm: Là người ai cũng vui vì được yêu; ai cũng mong muốn được điều đó. Loài người chúng ta tìm kiếm tình yêu, sống vì tình yêu. Tuy nhiên, có một sự thật mà chúng ta có ra sức tìm kiếm cũng hoài công nếu Chúa Giê-su không mặc khải: đó là, chúng ta được yêu mà người yêu chúng ta là Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã tiết lộ điều đó khi Ngài từ biệt các môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” Chúa Giê-su yêu chúng ta và muốn chúng ta hạnh phúc; Ngài còn “nài nỉ” chúng ta: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Chúa cho biết, chúng ta sẽ vui mừng và hạnh phúc trọn vẹn nếu chúng ta giữ giới răn của Chúa. Chúa yêu chúng ta thật đó!
Mời Bạn: Thiên Chúa sinh chúng ta từ tình yêu của Người, nên lúc nào Chúa cũng yêu chúng ta. Chúng ta có nghi ngờ hay thờ ơ đối với tình yêu của Chúa, thì Chúa vẫn yêu chúng ta. Mong sao bạn và tôi nhận ra điều đó, để chúng ta hạnh phúc vì biết rằng, chúng ta được Chúa yêu!
Chia sẻ: Làm sao chúng ta nhận ra rằng Chúa yêu chúng ta?
Sống Lời Chúa: Làm một phục vụ bác ái cho người sống xung quanh bạn, để đáp lại tình yêu của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nhiều khi chúng con tìm kiếm tình yêu Chúa ở nơi xa vời, trong khi lời Chúa chỉ dạy thì chúng con không tin hoặc không nghe theo. Chúa dạy chúng con tuân giữ các điều răn của Chúa, để chúng ta ở lại trong tình thương của Chúa. Xin cho chúng con ghi nhớ và thực hành điều Chúa dạy, để chúng con cảm nhận niềm vui vì được Chúa yêu. Amen.

23/05/14 THỨ SÁU TUẦN 5 PS
Ga 15,12-17
 
SỐNG TÌNH BẠN VỚI CHÚA
“Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” (Ga 15,14 )
Suy niệm: Trở nên bạn hữu với Thiên Chúa, có thể nói, là một điều vượt quá sức tưởng tượng đối với thân phận và suy luận thông thường của con người. Bởi lẽ, tình bạn đặt nền tảng trên sự bình đẳng giữa những người bạn hữu; còn giữa con người với Thiên Chúa là cả một khoảng cách vô biên của thân phận thụ tạo với Đấng Tạo dựng nên mình. Thế nhưng, điều tưởng chừng như không thể đó lại trở nên có thể đối với Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giê-su đã khẳng định cách rõ ràng: “Anh em là bạn hữu của Thầy”. Hạnh phúc biết bao cho con người khi có Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa làm bạn! Và như một hệ luận, để trở nên bạn hữu “tri âm, tri kỷ” với Chúa Giê-su, con người, cách riêng những Ki-tô hữu, cần có đời sống gắn bó thân tình với Chúa và trung thành thực thi những điều làm vui lòng Người.
Mời Bạn: Bạn và tôi, có lẽ, có những cảm nghiệm khác nhau khi sống tình bạn với Chúa. Nhưng chúng ta lại chia sẻ với nhau chung một điều, đó là được mời gọi sống Lời Chúa cách hết mình trong cuộc sống hằng ngày. Và điều Người truyền dạy không gì khác hơn là mệnh lệnh “hãy yêu thương nhau”.
Chia sẻ: Bạn cảm thấy thế nào khi trở nên bạn hữu với Chúa? Bạn đã và sẽ làm gì, một cách cụ thể, để thắt chặt mối dây bằng hữu này?
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng giúp đỡ người khác với lòng yêu mến chân thành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã cho chúng con trở nên những bạn hữu của ngài. Xin giúp chúng con luôn biết sống Lời Chúa dạy. Amen.

24/05/14 THỨ BẢY TUẦN 5 PS
Ga 15,18-21
 
SẴN SÀNG BỊ THẾ GIAN GHÉT
“Vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19)
Suy niệm: “Thế gian sẽ ghét anh em”. Lời Chúa nghe như một bản án cho những ai chọn Chúa và đi theo Chúa, tức là mọi thành viên trong Hội Thánh. Dường như thời nào Hội Thánh cũng gặp sự chống đối, nếu không bằng bạo lực của những vũ khí nóng thì bằng sức mạnh của những thế lực mềm. Sự kiện cách đây ít lâu Liên Hiệp Quốc tố cáo (một cách bất công) về cách xử lý của Giáo hội đối với các giáo sĩ xâm hại trẻ em là một ví dụ. Thật không dễ chịu khi sống giữa thế gian mà luôn bị thế gian chống đối. Nhưng đó là ‘số phận’ của các môn đệ. Bởi đó cũng chính là số phận của Thầy Giê-su: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18).
Mời Bạn: Đành rằng chọn Chúa là chấp nhận bị ngược đãi; nhưng về phần mình ta, ta cũng phải bảo đảm rằng mình là môn đệ đích thực của Chúa. Ví dụ trên kia là một điều đáng tiếc, bởi trong câu chuyện đó chính những con người của Giáo hội đã gây ra ‘lửa’ (xâm hại trẻ em) rồi mới có ‘khói’ (sự tố cáo một cách bất công)! Hãy sống am hợp với các giá trị Tin Mừng và sẵn sàng hứng chịu sự đối đầu của thế gian vì thế gian chống lại các giá trị đó. Như vậy mới tinh thuần ý nghĩa “bị bách hại vì lẽ công chính” và mới đúng cái viễn ảnh mà Chúa Giêsu nhìn thấy khi Ngài nói “thế gian sẽ ghét anh em”.
Sống Lời Chúa: Lời Chúa thúc bách ta: tránh mọi gương xấu làm méo mó khuôn mặt Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô, sống triệt để các giá trị Tin Mừng, và sẵn sàng bị thế gian ghét!
Cầu nguyện: Đọc Phúc Thật Tám Mối.

25/05/14 CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – A
Ga 14,15-21
 
YÊU MẾN THÌ GIỮ LỜI
“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy… Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.” (Ga 14,15.21)
Suy niệm: Lời trăng trối của Chúa Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn là lời mời gọi yêu thương: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy.” Cũng thế, sau khi sống lại Chúa Giê-su đã hỏi Phê-rô ba lần “Có yêu mến Thầy không?” rồi mới trao cho ông sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Ga 21,15-17). Chúa đòi hỏi Phê-rô một tình yêu trọn vẹn và ở mức cao nhất: “yêu mến Thầy hơn các anh em này”. Như thế chắc chắn rằng điều kiện tiên quyết để làm môn đệ của Chúa, để trở thành “anh em, chị em và là mẹ” của Chúa là yêu mến Thầy. Và đã yêu mến Thầy thì cũng “giữ lời của Thầy”, “tuân giữ các điều răn của Thầy.”
Mời Bạn: Là môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta có thực sự là “kẻ yêu mến Thầy” bằng việc giữ các điều răn của Ngài không? Lời Chúa đã trở thành tiêu chí hướng dẫn những lựa chọn, quyết định của chúng ta trước những vấn đề của cuộc sống chưa? Muốn vậy, chúng ta hãy thường xuyên đọc, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.
Chia sẻ: Nếu đức tin không có việc làm là đức tin chết, thì lòng mến không “giữ lời” Chúa cũng là lòng mến héo khô. Bạn nghĩ gì về câu nói này?
Sống Lời Chúa: Gia đình tôi, và riêng cá nhân tôi quyết trung thành với việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đồng thời quyết tâm thực hành Lời Chúa bằng việc bác ái cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban sức mạnh thúc đẩy chúng con mau mắn thực thi Lời Chúa để nhờ đó mỗi ngày chúng con càng thêm lòng yêu mến Chúa và thương yêu anh em hơn.

26/05/14 THỨ HAI TUẦN 6 PS
Th. Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục
Ga 15,26-16,4a
 
CÙNG THÁNH THẦN LÀM CHỨNG
“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng.” (Ga 15,26-27)
Suy niệm: Nguồn gốc của Đấng Bảo Trợ là từ nơi Chúa Cha. Ngài là Thánh Thần Thiên Chúa, là Thần Khí sự thật, có sứ mạng đến làm chứng sự thật về Đức Giê-su. Sự thật đó là Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhờ Ngài, trong Ngài mà mọi người được lãnh ơn giao hòa với Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ soi sáng cho mọi người hiểu rõ Kinh Thánh, nhờ đó nhận ra Đức Giê-su và vai trò của Người. Sứ mạng làm chứng được Chúa Thánh Thần chu toàn qua môi miệng của các Ki-tô hữu và qua đời sống chứng tá của họ, như trường hợp của thánh Tê-pha-nô. Các tông đồ làm chứng theo lệnh truyền của Đức Giê-su, với quyền lực của Chúa Thánh Thần : “Thánh Thần và các ngài làm chứng” (Cv 5,32).
Mời Bạn: Thật khó làm chứng cho sự thật như Đức Giê-su đòi hỏi khi chúng ta đang sống giữa môi trường đề cao thứ luân lý đám đông. Điều dễ xảy đến: hoặc chúng ta không dám làm chứng cho sự thật, hoặc chúng ta bóp méo sự thật cho phù hợp ý thích của đám đông. Những lúc ấy bạn có nhớ đến vai trò làm chứng của Chúa Thánh Thần không?
Chia sẻ: Cách nào bạn thường dùng để cộng tác với Chúa Thánh Thần mỗi khi cần can đảm làm chứng cho Chúa ?
Sống Lời Chúa: Luôn thành thật trong lời nói và trong cách giao tiếp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, sự thinh lặng đáng sợ của chúng con, trước bất công, xảo trá là một tội ác. Xin Chúa cho chúng con có can đảm làm chứng nhân cho Sự Thật.

27/05/14 THỨ BA TUẦN 6 PS
Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri
Ga 16,5-11
 
ĐẤNG VẠCH TỘI THẾ GIAN ĐỂ CỨU THẾ GIAN
“Khi Đấng Bảo trợ đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử.” (Ga 16,8)
Suy niệm: Đấng Bảo Trợ đến an ủi, hướng dẫn, làm chứng cũng là Đấng đến vạch trần tội của thế gian, là tội không tin vào Đức Giê-su. Tội thế gian vừa là tội của những kẻ từ chối Đức Giê-su, đã đóng đinh Ngài, vừa là tất cả tội lỗi trong lịch sử nhân loại. Luận tội thế gian nhưng để cứu thế gian khỏi án phạt đời đời: Chúa Giê-su đến để cứu độ chứ không phải để luận phạt. Cũng thế, Đấng Bảo Trợ đến luận tội thế gian là để tiếp tục công việc cứu độ này của Đức Giê-su. Khi lên tiếng luận tội, Thánh Thần đưa dẫn thế gian vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Giê-su để những ai tin Ngài thì được cứu thoát. Và chỉ những ai đặt mình trước mầu nhiệm thập giá, dám ghé vai vác lấy thập giá mới được soi sáng thấy rõ tội lỗi của mình mà từ bỏ.
Mời Bạn: Thường tình thật khó chấp nhận người khác vạch ra lỗi mình. Vì thế người ta cũng bị cám dỗ tránh đối diện với Thiên Chúa, sợ Ngài vạch trần tội lỗi. Hoặc chí ít, có thể bạn lại rất hời hợt khi tiếp xúc với Chúa. Bạn có kinh nghiệm về những điều đó không?
Chia sẻ: Theo bạn, lúc bắt đầu cầu nguyện các tín hữu đọc kinh Chúa Thánh Thần, là có ý nài xin Ngài ban ơn gì vậy?
Sống Lời Chúa: Trước khi xét mình, bạn hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn nhớ lại tất cả các tội đã phạm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin cho con dám nhìn nhận tội lỗi của con. Xin đổ mưa ơn thánh Chúa tưới dội tẩy sạch lòng trí con và biến đổi con trở nên người mới. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

28/05/14 THỨ TƯ TUẦN 6 PS
Ga 16,12-15
 
THÁNH THẦN CỦA ĐỨC GIÊ-SU
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16,13)
Suy niệm: Mối liên hệ mật thiết giữa Đức Giê-su và Chúa Thánh Thần đã được mạc khải trọn vẹn. Thánh Thần được ban cho các môn đệ khi Đức Giê-su ra đi về cùng Cha. Nói cách khác, Đức Giê-su, Đấng Được Xức Dầu đến và hành động theo thánh ý Chúa Cha là do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Nay công cuộc cứu độ đã hoàn tất, Ngài lại ban Thánh Thần cho nhân loại để tiếp tục hoàn thành ơn cứu độ ấy nơi lòng của từng người và của thế giới. Như thế vai trò của Chúa Thánh Thần hôm nay trong Hội Thánh là đưa dẫn Hội Thánh tới của ơn cứu độ trọn vẹn. Để thực hiện vai trò này, Chúa Thánh Thần không làm điều gì khác. Ngài chỉ nhắc cho Hội Thánh nhớ lại những gì Đức Ki-tô, và khi Hội Thánh đã nhớ, Ngài giúp cho Hội Thánh thấu hiểu. Chúa Thánh Thần chính là “trí nhớ của Hội Thánh”.
Mời Bạn: Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Vậy, Chúa Thánh Thần có chỗ đứng nào trong bạn khi bạn đọc và suy niệm Lời Chúa? Chúa Thánh Thần còn dùng giáo huấn của Hội Thánh chỉ đạo lối về chân lý. Bạn có nhận thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong các giáo huấn không?
Chia sẻ: Tại sao một số tín hữu có thái độ khinh thường giáo huấn Hội Thánh?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy cầu nguyện cho Hội Thánh luôn biết nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và bạn dốc lòng tuân theo lời Hội Thánh dạy.
Cầu nguyện: Đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần.

29/05/14 THỨ NĂM TUẦN 6 PS
Ga 16,16-20
 
NỖI BUỒN TRỞ THÀNH NIỀM VUI
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Thật, Thầy bảo thật anh em, anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,16.20)
Suy niệm: Có một sự tương phản giữa những khoảnh khắc “một ít lâu nữa”: tương phản giữa hiện tại và tương lai, giữa thế gian và những người môn đệ Chúa: “thế gian” thì “vui mừng” còn những môn đệ Chúa “khóc lóc”; một sự tương phản đầy kịch tính vì tính cách khẩn cấp, quyết liệt, một mất một còn vì đó là thời điểm chuyển tiếp, thời điểm “vượt qua” của Đức Ki-tô. Chúa Giê-su không dấu diếm các môn đệ về thời điểm “vượt qua” của Ngài, nhưng đồng thời Ngài cũng hé mở cho các ông niềm hy vọng đầy xác tín rằng chính tại thời điểm “nhạy cảm” này, tình thế sẽ đảo ngược: nước mắt sẽ biến thành nụ cười, nỗi buồn sẽ được chuyển thành niềm vui.
Mời Bạn: Điểm “nhạy cảm” để chuyển hoá nỗi buồn thành niềm vui mà Chúa hứa nằm tại chính thập giá của Đức Ki-tô, nơi Ngài thực hiện cuộc “vượt qua”. Muốn đạt được niềm vui Chúa hứa đó, mời bạn hãy cùng Đức Ki-tô thực hiện cuộc “vượt qua” nơi thập giá.
Chia sẻ: Sự “tương phản đầy kịch tính” giữa thế gian và các môn đệ Chúa ngày nay là gì ?
Sống Lời Chúa: Cảm nhận được niềm vui thánh thiện khi làm một điều tốt: một việc hy sinh, phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là nguồn vui đích thực của đời con, niềm vui không ai có thể cướp đi được. Xin cho con biết tìm thấy Chúa trong các công việc bổn phận hằng ngày và trong việc dấn thân phục vụ các anh chị em của con. Amen.

30/05/14 THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Ga 16,20-23a
 
VUI NIỀM VUI CỦA CHÚA
“Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Có một thời những đứa trẻ tinh nghịch thích bày ra trò chơi quái ác là ném vỏ chuối ra lối đi khiến người qua đường đạp phải, trượt té để rồi vui cười với nhau. Trong thời đại “a-còng” ngày nay nhiều người thích vào mạng xã hội, tung xì-căng-đan của người khác lên “phây” để mọi người xúm vào “ném đá”… cho vui! Cái vui theo kiểu thế gian là vui trên đau khổ của người khác, cái vui thác loạn với những “cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm”…
Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ học cách vui niềm vui của Chúa. Đó là dám chấp nhận “khóc lóc than van” trong khi thế gian vui mừng. Nhưng Ngài cam đoan với họ rằng “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Mời Bạn: Niềm vui của Chúa là vui vì thánh ý Chúa Cha được thể hiện (Lc 10,21); vui vì người tội lỗi ăn năn hối cải (Lc 15,9); vui vì người con cái Chúa “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Để có được niềm vui ấy, Chúa đã sẵn sàng hy sinh chính thân mình, chấp nhận gánh lấy đau khổ để đền bù tội lỗi. Nếu bạn muốn được vui niềm vui của Chúa, bạn cũng hãy sẵn sàng cùng Chúa vác thập giá mình để đền bù thay cho tha nhân.
Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm về niềm vui sâu lắng khi bạn có dịp hy sinh để phục vụ người khác.
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng hy sinh chịu quấy rầy, phiền hà, hoặc thiệt thòi để phục vụ tha nhân, đặc biệt là người thân trong gia đình bạn và những người bé mọn, nghèo hèn trong xã hội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống quảng đại để phục vụ tha nhân.

31/05/14 THỨ BẢY TUẦN 6 PS
Đức Ma-ri-a thăm viếng bà Ê-li-sa-bét
Lc 1,39-56
 
LINH HỒN TÔI LUÔN NGỢI KHEN
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”  (Lc 1,46)
Suy niệm: “Không ai chịu đau khổ với Chúa Giê-su đến mức như Đức Ma-ri-a, cũng không ai được tôn vinh bên Chúa Giê-su bằng Đức Ma-ri-a” (Cha R. Cantalamessa). Đức Ma-ri-a ngợi khen Thiên Chúa qua tiếng Amen vui tươi với sứ thần, tiếng Amen của ngài đi trước tiếng Amen của Con mình trong Vườn Cây Dầu. Ngài hớn hở vui mừng trong Đấng cứu độ qua thái độ vội vã lên đường đi về miền nam thăm viếng ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét. Ngài ngợi khen Thiên Chúa khi chia vui với người chị họ lớn tuổi, trợ giúp bà trong thời gian thai nghén. Ngài ngợi khen Thiên Chúa khi ghi nhớ và suy niệm về những gì xảy ra ở Bê-lem, rồi lạc mất con ở Đền thờ. Đặc biệt ngài tiếp tục sống tâm tình ngợi khen, phó thác ấy trong đau khổ đứng dưới chân thánh giá.
Mời Bạn: Đức Ma-ri-a được tôn vinh hơn mọi người vì vai trò đặc biệt và thái độ yêu mến tin tưởng của ngài trong công trình cứu độ. Bạn hãy chạy đến để xin ngài chuyển cầu cùng Chúa cho bạn. Bạn hãy đến chiêm ngắm và sống theo mẫu gương ngợi khen Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh như ngài.
Sống Lời Chúa: Noi gương Đức Mẹ, tôi tập sống tâm tình ngợi khen Chúa trong mọi hoàn cảnh: dù vui, buồn, hay đang gặp nghịch cảnh, lúc nào tâm hồn cũng ngợi khen và tin tưởng vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét do lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và người chị họ. Xin cho chúng con biết vội vã vui tươi khi đem Chúa đến cho người khác; vội vã loan báo Tin Mừng không chút chần chừ; vội vã trợ giúp nhau mà không chút tính toán. Amen.
 
sưu tầm
Thông tin khác:
Yêu Mến Thầy (29/04/2013)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hội nghị tổng kết công tác Mục vụ năm 2024 của Giáo phận Hưng Hóa
Hội nghị tổng kết công tác Mục vụ năm 2024 của Giáo phận Hưng Hóa
Như thường lệ, mỗi năm Giáo phận Hưng Hóa tổ chức hội nghị gặp mặt đại diện mọi thành phần dân Chúa để cùng nhìn lại công tác mục vụ trong năm qua. Hội nghị tổng kết công tác mục vụ năm 2024 được tổ chức vào ngày 09 tháng 01 năm 2025 tại Trung tâm Mục vụ Hà Thạch.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log