Thứ ba, 17/12/2024

Bệnh nhân “giảng thuyết” cho bệnh nhân

Cập nhật lúc 10:20 30/09/2024
- Bác ơi! Dạy con học với!
Tiếng thằng bé khuyết tật nặng nghệu ngạo gọi bên khung cửa sổ phòng tôi, lúc chỉ mới 5 giờ 30 sáng, khi tôi vừa mới lồm cồm bò dậy...
Nhà cháu cạnh nhà tôi, nhưng gần nhà xa ngõ, vòng vèo khoảng vài trăm mét. Ngày ngày, cháu chăm chỉ đến nhà, để tôi làm “gia sư” dạy cháu đọc kinh, học hiểu giáo lý chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Vì cháu không biết đọc và viết, nên tôi hướng dẫn hoàn toàn qua lời nói, không sách vở. Cháu càng siêng năng học, tôi càng bận rộn vì phải dành thời gian cho cháu bất kể giờ nào cháu lăn xe đến. Hôm nào cháu khoái chí học được nhiều, thì tôi lại bị lỡ công việc riêng của mình.
Cháu bị bại não, lưỡi và tứ chi co cứng, nhưng ơn Chúa ban riêng, cháu khá thông minh và đặc biệt là rất dễ thương. Trước đây, tôi từng dạy mấy em khỏe mạnh, nhưng đứa thì lười biếng, đứa thì chậm hiểu, dù có sách vở đầy đủ mà giảng giải, “nhồi” mãi không vào đầu. Có thuộc rồi lại quên.
Chúng tôi tuy cùng cảnh ngộ, nhưng tôi còn yếu sức hơn. Bề ngoài tôi lành lặn, nhưng tay chân mềm nhũn. Cháu cứng cáp hơn nhưng phát âm vô cùng khó khăn, đọc hết một kinh mà như muốn “trẹo cả quai hàm”! Nghe cháu cầu nguyện, tôi thấy thương vô cùng. Lúc cháu đọc kinh Lạy Nữ Vương, tôi nghĩ Đức Mẹ chắc cũng rơi nước mắt. Có lần tôi dạy cháu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu! Con yêu mến Chúa!”, cháu liền thêm: “hết lòng hết sức!” Tôi nghe mà xúc động, vì lời ấy xuất phát từ tấm lòng thơ ngây. Dù mang bệnh tật nặng nề, nhưng cháu không bao giờ tỏ vẻ khổ sở, lúc nào cũng vui tươi. Cháu rất chăm ngoan, biết vâng lời người lớn, và luôn cố gắng hết sức để học thuộc lời kinh.
Chỉ đôi lần thấy cháu khó nhớ quá, tôi hỏi nó nói kinh này khó. Nghe cháu xin với Chúa Thánh Thần: “Chớ gì uốn sự ‘cứng’ trong linh hồn chúng con cho dịu...”. Tôi nghe mà lòng chùng xuống. Cháu không cứng lòng, nhưng miệng lưỡi cháu như bị buộc lại. Vậy mà cháu vẫn kiên trì học thuộc hết kinh này đến kinh khác, không hề mệt mỏi. Có ngày tôi chưa kịp ăn sáng, cháu đã đến nói: “Con chưa đọc kinh sáng.” Tôi liền tranh thủ dạy cháu lần chuỗi Mân Côi. Cháu đọc hết chục kinh mà mãi mới xong.
Những lúc giúp cháu tập xét mình để chuẩn bị lãnh Bí tích Hòa Giải hoặc phần nghi thức ban Bí tích Thêm Sức, cháu cứ nhắc giục: “Bác làm cha đi!” Thế là không ít lần tôi “đóng vai” cha xứ, Đức Giám mục để tập nghi thức cho cháu.
Cháu khao khát lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, nhưng ý Chúa thế nào thì không biết. Chỉ còn 2 ngày nữa Đức Giám mục sẽ đến giáo xứ ban Bí tích, thì cháu đột nhiên phải nhập viện vì chân bị sưng to, nhiễm trùng nặng, phải điều trị 2 tuần. Cháu lỡ mất ước mơ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Bù lại, khi cháu bình phục, được phép chuẩn của Đức Giám mục, cha phó đã ban Bí tích Thêm Sức cho cháu trong một Thánh lễ riêng dành cho thiếu nhi.
Tạ ơn Chúa! Qua mấy tháng trực tiếp hướng dẫn cháu, tôi học được bài học quý giá về lòng trung thành, kiên nhẫn, biết vui trong khổ đau và lòng chân thành yêu mến Chúa. Tôi nhận ra rằng mình cần phải cố gắng hơn nữa để cộng tác với ơn Chúa mà thánh hóa hoàn cảnh của mình. Nhờ ơn Chúa và sự nỗ lực mỗi ngày, Chúa Thánh Thần sẽ thánh hóa và làm trổ sinh những hoa trái tốt lành, dù ngoại hình chúng ta có khiếm khuyết thế nào.
Én Nhỏ     
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ai tín của Tòa Tổng Giám mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Ai tín của Tòa Tổng Giám mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, đã an nghỉ trong Chúa, lúc 18g15, thứ Hai, ngày 16/12/2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log