Thứ tư, 22/01/2025

Cần có cái tích cực hơn về cách sống Đạo

Cập nhật lúc 10:18 15/05/2024
Tôi biết một gia đình sống tại một thành phố kia. Gia đình là Đạo gốc cả vợ lẫn chồng. Bên nội có người làm linh mục. Bên vợ có người làm nữ tu. Cả hai anh chị đều được giáo dục rất căn bản về Đạo truyền thống. Đọc kinh sớm tối ngày thường. Xưng tội trong một năm ít là một lần và dự lễ trong Mùa Phục Sinh. Đạo đức Chúa Trời có Mười điều răn và Hội Thánh có Sáu Điều răn. Nếu không dự lễ ngày Chúa Nhật thì lần hạt năm chục là ok.
Nhìn vào gia đình thấy rất nề nếp và truyền thống. Anh cảm thấy như vậy là quá tốt so với những gia đình khác. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm sinh hoạt trở lại của Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội, tôi tới thăm anh chị và gia đình. Anh chị vui lắm! Chúng tôi nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ.
Được hỏi về cách thức sống Đạo, anh tự hào nói: “Cha yên tâm về việc sống Đạo nhà con. Đạo gốc mà! Tối nào, gia đình con cũng đọc hết kinh. Mấy đứa con, đứa nào không đọc thì con chỉ cần liếc mắt một cái thôi là phải răm rắp”. Tôi nói: “Chúc mừng gia đình anh chị và các cháu. Tại phố xá như thế này mà vẫn đọc kinh gia đình buổi tối là hiếm đấy”. Anh nói: “Gia đình con khác. Con cha. Cháu bà sơ mà!”
Lòng tôi cảm thấy vui mừng bởi Mẹ Têrêxa Calcuta đã chia sẻ về cầu nguyện trong gia đình như sau: “Gia đình cùng nhau cầu nguyện thì ở bên nhau, và nếu bên nhau, họ sẽ yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương từng người trong họ, và luôn kiến tạo hòa bình”.
Tuy nhiên, tôi hỏi tiếp: “Đọc thêm Lời Chúa nữa chứ? Cuốn Kinh Thánh cha tặng có dùng không”? Không – anh trả lời. Tôi hỏi tại sao vậy? Anh nói rằng từ xưa cha ông chúng con ai đọc Kinh Thánh đâu mà vẫn giữ Đạo ngon lành. Giờ đây, các cha cứ vẽ ra cho rườm rà. Các cụ làm thế nào chúng con làm như vậy. Ngay cả việc đi lễ Chúa Nhật, nếu bận con lần hạt năm chục là ổn.
Đúng vậy anh. Giữ Đạo cần phải có một cái khung nhưng cũng nên uyển chuyển cho phù hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn như trước đây các cụ vẫn đọc Hội Thánh có Sáu Điều răn nhưng nay đọc là Hội Thánh có Năm Điều răn. Ngày xưa, các cụ nói: “Cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó” nhưng giờ đây “con cái đặt đâu thì cha mẹ ngồi đấy”. Ngày xưa, không nhiều linh mục nên ai nghỉ lễ Chúa Nhật thì lần hạt năm chục nhưng ngày nay thì không chỉ đi lễ mà còn phải nghỉ ngày Chúa Nhật nữa.
Con nói không phải chứ Giáo Hội đi hơi quá về việc này. Chúa dạy phải bới đất lật cỏ mới có miếng mà ăn vậy mà lại bắt nghỉ ngày Chúa Nhật thì thế nào vậy. Tôi nói rằng nghỉ ngày Chúa Nhật có vẻ như thiệt thòi về mặt kinh tế nhưng lại lợi ích về mặt thiêng liêng, về mặt tinh thần, về mặt sức khỏe và về mặt tình cảm nữa. Chúa phán: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Còn về việc đọc Kinh Thánh lại còn quan trọng hơn nữa. Ngày xưa, do hoàn cảnh, các cụ không có Kinh Thánh và Kinh Thánh bằng tiếng La Tinh nữa nên các cụ không được học và không ai dạy đọc. Ngày nay, Kinh Thánh được dịch ra tiếng Việt mà nhiều điều kiện để tiếp cận nữa nên phải đọc. Vì thế, phải trả cho Lời Chúa vị thế ưu tiên. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.
Cha nói thế hóa ra chúng con chưa biết Chúa ư? Thánh Giêrônimô, nhà dịch thuật Kinh Thánh đầu tiên, nói chứ không phải cha nói nhé! Nếu anh mở lời giới thiệu cuốn Tân Ước ra thấy có câu nói này. Đây là câu nói mà không chỉ con thắc mắc mà cả Giáo Hội thắc mắc. Lời Chúa là gì mà quan trọng đến mức vậy?
Sách Đệ Nhị Luật nói về tầm mức quan trọng của Lời Chúa là chính Chúa như thế này: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7).
Trước khi ra về, tôi cũng khuyên anh cần có cái nhìn khác về đức tin và thực hành Đạo. Ngày xưa, cha ông là giữ Đạo. Ngày nay, chúng ta không chỉ giữ Đạo mà còn sống Đạo và phải truyền Đạo, tức là loan báo Tin Mừng cho người khác. Muốn loan báo Tin Mừng cho người khác chúng ta phải học giáo lý và Kinh Thánh để biết Chúa muốn chúng ta cái gì.
Nhà bác học nổi tiếng nhất thế kỷ 20 Albert Einstein từng nói: “Đừng cố gắng trở thành người thành công mà hãy cố gắng làm người có giá trị”. Vậy chúng ta là gì để trở thành người có giá trị trước mặt Chúa? Đó là hãy thực thi lời Chúa dạy. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con nhạy bén với sự thúc đẩy của Chúa để thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Xin cho Lời của Chúa được lớn lên trong tâm hồn mỗi người.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log