Thứ tư, 22/01/2025

Con đường H’mông

Cập nhật lúc 15:55 29/08/2024

Con đường được gọi là con đường vì có người đi. Bên cạnh những con đường nườm nượp người qua lại mỗi ngày, vẫn còn đó những con đường chẳng mấy ai đi, nhưng nó vẫn là con đường vì đã có và vẫn có người đi. Nhưng cũng có những con đường chỉ từng là con đường vì chẳng còn ai đi và theo thời gian nó biến mất. Tuy nhiên, với nhiều người, vì những con đường nhựa thẳng băng, rộng rãi nhiều làn đường đã trở nên quá quen thuộc, nên những con đường đất, dốc dác, gồ ghề và nhầy nhụa là thứ gì đó nằm ngoài trí tưởng tượng, đáng sợ hay chỉ trên phim ảnh, hoặc có chăng cũng chỉ còn là kí ức của thời xa xưa, nhất là với những người từ nhỏ đã sống tại những nơi phát triển và quen với ánh sáng văn minh. Đến với vùng sơn cước miền cực Bắc của tổ quốc, nơi vùng đất truyền giáo thuộc Giáo phận Hưng Hóa, một vùng được gọi là ngoại biên, chúng ta sẽ không khó nhận ra sự tồn tại của những con đường chẳng mấy ai đi ấy. Những con đường nhầy nhụa ấy, con đường mà ngay cả trong trí tưởng tượng hay trong mơ của nhiều thế hệ trẻ vùng xuôi cũng không tồn tại, thì nó vẫn hiện hữu và vẫn là con đường, vì vẫn có người đi mỗi ngày. Nhất là những con đường ấy đã, đang và vẫn tiếp tục có những bước chân miệt mài của các nhà truyền giáo và các mục tử bền bỉ, kiên nhẫn đem Chúa đến cho mọi người mọi nơi, cách riêng cho cộng đồng anh em dân tộc thiểu số, nơi hạt giống đức tin vẫn len lỏi vẫn âm thầm mọc lên dù đầy sỏi đá, gai góc hay chỉ là vệ đường…



Quả thật, những con đường ấy dẫn đưa bước chân chúng ta đến với bao tâm hồn khao khát Chúa của cộng đồng anh em dân tộc thiểu số, trong đó có những người dân tộc H’Mông, một dân tộc luôn coi việc định cư ở những nơi cao nhất trên các vách núi, hay sườn đồi như là bản sắc của mình. Họ cứ đi lên và cứ thế đi lên, mặc cho nơi đó điều kiện để sống ra sao, cũng chẳng bận tâm phải làm gì để tồn tại. Dường như nơi những con người ấy, luôn tiềm tàng một khao khát hướng thượng. Và phải chăng đó cũng là một trong những lý do để những người H’Mông về cơ bản dễ đón nhận Chúa hơn các dân tộc khác của miền Tây Bắc. Thật vậy, đến nơi đây, gặp gỡ và sống cùng những con người H’Mông bằng da, bằng thịt, chúng ta mới hiểu và thương những con người nơi đây. Đồng thời, dẫu nơi mỗi người có thể có những cảm nhận khác nhau khi đặt chân tới nơi đây, nhưng chắc chắn ai cũng sẽ mường tượng câu nói “trời sinh voi trời sinh cỏ”[1] phần nào thật đúng, hay như các cha trên này nói“trên này, Chúa nuôi họ”. Tuy nhiên, cũng nơi những con người ấy, ta thấy một sức sống mãnh liệt, sự dẻo dai, chăm chỉ, nhưng đơn sơ, chân thành, thật thà, đượm một tấm lòng H’Mông. Bên cạnh đó, ta cũng thấy phần nào nơi mỗi tâm hồn ấy một khát vọng tìm kiếm chân lý và hạnh phúc đích thực. Quả thật, dù núi non hiểm trở, điều kiện sống phần nào khắc nghiệt về địa lý, nhưng họ vẫn đi và vẫn có những con đường dù bé tẹo, trơn trượt, nhầy nụa và dốc dác. Họ vẫn tồn tại, vẫn sống, vẫn giữ đức tin, vẫn lớn lên cùng rừng núi, nương rẫy, dù điều kiện sống, ăn uống hay đi lại vô vàn khó khăn, nhất là vào mùa mưa với những cơn mưa tầm tã. Với những con đường nơi đây, những chiếc ô tô đôi khi trở thành đồ trang trí bất đắc dĩ; những chiếc xe ga dù xịn xò dưới xuôi cũng chỉ là một món đồ không mấy hữu dụng; trái lại, những chiếc xe số hay xe côn dù được ưa chuộng hơn, nhưng đôi khi cũng thành vô dụng hoặc có dùng cũng chủ yếu từ số 1 tới số 3 mà thôi; trong khi đó những chiếc xe “căng hải chạy bằng cơm” vẫn là hữu dụng và phù hợp với mọi loại địa hình. Dẫu vậy, dù mùa này, mưa liên miên, dai dẳng làm cho nước xối xuống từ những dòng suối hay thác nước khiến đường sạt lở, nhầy nhụa, hiểm trở, thậm chí nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi… nhưng nơi những con đường vẫn có người đi, mặc cho với nhiều người việc đi lại là một con ác mộng. Nơi đây, những con người dù đôi khi lem luốc, vất vả nhưng vẫn vui tươi và đơn sơ sống, những nơi tưởng như hạt giống không thể nảy mầm, thì hạt giống đức tin vẫn được gieo và âm thầm nảy nở và trổ sinh hóa trái cách kì diệu… Và trên hết, nơi đây đã ghi dấu bao dấu chân của những nhà truyền giáo, và tiếp tục ghi dấu những bước chân hăng say của các linh mục, các tu sĩ hằng ngày, hằng tuần băng qua, để  đem Chúa và Tin Mừng đến với những cộng đoàn dù nhỏ, nhưng luôn khao khát Chúa và ơn cứu độ.



Thật vậy, giữa một thời đại được coi là văn minh, tiến bộ, chúng ta không thể phủ nhận con người ngày càng đạt được những tiến bộ vượt bậc và nên bá chủ trên nhiều lĩnh vực, nhất là khoa học công nghệ. Tuy nhiên, giữa ánh sáng văn minh ấy, vẫn còn đó những góc tối, những vết lõm, những vùng trũng của một thế giới phẳng. Nơi những vết lõm, những vùng trũng ấy, bên cạnh những người nghèo khổ bệnh tật, kém may mắn nơi nọ nơi kia nơi nào cũng có, thì vẫn có những cộng đồng, những sắc người vẫn hiện hữu, sinh sống ở nơi vượt quá trí tưởng tượng của nhiều người. Thật vậy, cùng trên dải đất hình chữ S thân thương, bên cạnh những đồng bào người Kinh, vẫn còn đó những cộng đồng người dân tộc anh em, trong đó có cộng đồng người H’Mông. Khác với chúng ta, người Mông sống trên những ngọn núi rất cao và có thể nói họ ở những nơi cao nhất và chỉ chấp nhận cao nhất mà thôi. Đồi núi phía Bắc là nơi cư trú của rất nhiều dân tộc thiểu số, trong đó sự phát triển của người Mông là một sự tồn tại đặc biệt, đại diện cho khả năng thích nghi hoàn hảo của con người để sinh tồn và vươn lên. Đúng như những câu dân ca của người dân tộc Mông: “Loài cá sống ở nước, loài chim bay trên trời, người Mông sống ở núi”[2]. Quả thật, giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nơi tưởng như con người chẳng thể hiện hữu thì vẫn sừng sững, vẫn hồn nhiên nơi đó sự hiện diện tràn trề sức sống dẻo dai của con người, mà những người H’Mông là một minh chứng rõ nhất. Đến nơi đây, chúng ta phần nào cảm nghiệm thật nhất về những vùng ngoại biên và tại sao Giáo phận Hưng Hóa luôn được coi là vùng ngoại biên, không chỉ về mặt địa lý, nhưng cả về đức tin nơi đang rất cần những bước chân và thật sự khao khát Chúa khỏa lấp tâm hồn họ.
Thế nhưng, Hãy đến mà xem![3] Lời mời gọi của Chúa Giê-su chưa bao giờ là lỗi thời, nhưng vẫn luôn và mãi hiện sinh, dù chúng ta đang sống giữa thế kỉ 21 hay bất cứ thế kỉ hay thời đại nào. Dù trời đất qua đi, dù thế sự vần xoay nhưng vẫn có một Thiên Chúa hằng hữu, một đức tin và một Giáo hội duy nhất đang lan rộng và tăng triển khắp nơi. Thiên Chúa vẫn Hằng hữu, Ngài vẫn ở đó, vẫn chờ đợi con người và Ngài luôn muốn con người đến với Ngài. Hãy đến mà xem nơi Chúa ở. Ngài không chỉ nơi phố phường, thành thị, hay chỉ nơi một sắc tộc độc tôn, nhưng ở mọi nơi, mọi dân tộc, kể cả nơi những vùng ngoại biên của núi rừng heo hút. Đúng vậy, hãy đến mà xem, đến và đi cùng Giê-su trên con đường Ngài đi; đến với con người Giê-su và ở lại với Ngài qua những tâm hồn, dù nhỏ bé nhất. Chúng ta hãy thử một lần can đảm dấn bước ra đi, ra khỏi vùng an toàn và tiện nghi để đến mà xem nơi Ngài đang hiện diện giữa cộng đoàn người H’Mông. Nơi đây, dù nhiều nơi, nhiều tâm hồn, đức tin còn leo lét như tim đèn, đời sống còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng Thiên Chúa vẫn ở đó và vẫn âm thầm hoạt động làm cho đất trổ sinh hoa trái. Hãy đến mà xem! Xem để thấy, thấy mà thương và nhất là nhận ra hồng ân Thiên Chúa dành cho bản thân, cho gia đình. Từ đó, chúng ta biết đồng cảm với những tâm hồn anh em H’mông. Họ cũng là những con người, cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, anh em một nhà và con một Cha trên trời. Dù trong não trạng không ít người, có lẽ họ là những con người có gì đó xa lạ, thậm chí vượt khỏi trí tưởng tượng của nhiều người, từ đời sống vật chất tới tôn giáo. Tuy nhiên đúng là trời sinh trời dưỡng[4] và Chúa vẫn ở với họ. Nhờ đó, họ vẫn âm thầm hiện hữu, âm thầm giữ và thực hành đức tin dù việc của hành đức tin của họ thật sự có nhiều sai số với chúng ta.



Theo kinh nghiệm của các cha phục vụ nơi đây thì điều tuyệt vời nhất mà các ngài học được nơi người H’Mông là sự kiên nhẫn. Đúng vậy, với anh em người H’Mông, chúng ta không thể vội vàng, cũng chẳng thể đòi hỏi quá cao như dưới xuôi. Cuộc sống với người H’Mông dường như thật thanh thản, hòa hợp với thiên nhiên, với họ chẳng có chi vội vàng không có gì là muộn màng cả. Vì thế, chúng ta cũng không thể áp đặt cách cứng nhắc những tiêu chuẩn của văn hóa, của dân tộc hay của Giáo phận mình với những con người nơi đây. Trái lại, phải kiên nhẫn, phải từ từ, uyển chuyển, linh hoạt, qua đó để Thiên Chúa làm việc của Ngài. Thật vậy, đến nơi đây, ở nơi đây, ta mới thấy Thiên Chúa kiên nhẫn với con người ra sao. Đó là sự kiên nhẫn của tình yêu. Nơi cộng đoàn nho nhỏ này, các mục tử cũng phải hết sức kiên nhẫn và phải thực sụ nhiệt tâm. Những con người ấy thật đặc biệt, họ chẳng có gì cũng chẳng cần gì, dường như nơi họ chẳng có sự bon chen, dù vất vả một nắng hai sương, ngày no ngày đói, ăn cơm có khi chỉ với một chút nước lã. Vậy mà những con người nơi đây vẫn vui vẻ chấp nhận cùng lớn lên, cùng chết đi mỗi ngày với sông núi, cỏ cây…. Từ đó chúng ta sẽ thấy điều kì diệu xảy ra, những phép lạ mà ta đâu cần tìm kiếm nơi nao. Nơi đây phép lạ đã đang và vẫn xảy ra mỗi ngày nơi những con người H’Mông thật bình dị, đơn sơ, bình thản, vui vẻ, chân thành. Nhưng chính những điều bình dị ấy cách nào đó dạy cho những con người được coi là văn minh những bài học quý giá về cuộc đời, về sự hiện hữu, về sự tuyệt diệu của thiên nhiên, và nhất là về một Thiên Chúa hằng hữu vẫn âm thầm hoạt động và làm cho hạt giống Tin Mừng của Đức Ki-tô nảy mầm và lan tỏa khắp mọi nơi.



Đến với cộng đồng người Công giáo H’Mông, chúng ta sẽ thấy khuôn mặt một Thiên Chúa âm thầm nhưng mãnh liệt trong mọi tác động của Ngài. Ngài luôn hiện diện, vẫn yêu thương và âm thầm quan phòng. Qua đó, mỗi người luôn biết sống tâm tình cảm tạ Thiên Chúa vì những việc vĩ đại Ngài đã và đang thực hiện trên những con người nhỏ bé nhất. Cùng với đó, chúng ta không khỏi không kinh ngạc và cảm phục các nhà thừa sai xưa, những con người phi thường đã ghi dấu chân và gieo vãi hạt giống đức tin nơi đây. Thật vậy, chúng ta khó hiểu và khó lý giải nguyên cớ nào, động lực nào có thể thúc đẩy các vị thừa sai vượt qua bao khó khăn, không những biển cả mênh mông, mà cả núi non hiểm trở, cheo leo thử thách để đặt chân tới nơi đây. Các ngài là những người tiên phong đặt những dấu mốc, những người mở đường cho đức tin Công giáo đi vào cộng đồng thân thương này. Các vị chấp nhận, từ bỏ tất cả, hy sinh mọi sự, ngay cả mạng sống vì Chúa và các linh hồn để đến với vùng rừng thiêng nước độc, bỏ lại bao thứ xa hoa nơi quê nhà, đến với một dân tộc hoang sơ, một vùng đất mà đến những người bản địa, cùng màu da như chúng ta còn khó sống cũng như ít tưởng tượng tới. Thế nhưng, nhớ ơn Chúa, vượt qua mọi ngăn trở không chỉ về môi trường sống mà cả về ngôn ngữ và nhất là văn hóa, các ngài không chỉ làm cho những người dân tộc chấp nhận những ông tây khổng lồ vào cộng đồng, mà còn làm cho họ nhận ra và tin vào Chúa. Và rồi, tiếp nối bước chân các vị thừa sai, các thế hệ người H’Mông dù không có linh mục, nhưng nhờ cá hình thức đạo đức bình dân đơn sơ qua những câu kinh mà các thừa sai sáng chế, rút tỉa, chuyển ngữ và truyền lại, mà niềm tin Công giáo dù có lúc chao đảo, mai một vẫn tồn tại. Để rồi, đến khi có cơ hội và có các cha, họ lại trở lại và giữ và cử hành đức tin cách mạnh mẽ hơn. Qua đó, chúng ta thấy sự tuyệt diệu của những con người và nhất là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, đứ tin vẫn tồn tại, lớn lên và vẫn có những con người quảng đại tiếp tục hăng say đến đây sống chết với người H’Mông Tin Mừng và ơn cứu độ tiếp tục lan tỏa cho các bản làng. Dù là một nơi đa sắc tộc đa tôn giáo nhưng Công giáo vẫn tồn tại và âm thầm phát triển, đó quả thực là một điều kì diệu vượt sức con người mà chỉ Thiên Chúa mới làm được.



Cùng với đó, chúng ta sẽ không thể không cảm ơn và cảm mến các linh mục, các tu sĩ nam nữ đã và đang coi sóc nơi đây, dù thiếu thốn, dù vất vả mà nếu không có một trái tim mục tử và một ngọn lửa truyền giáo, thật khó để có thể phục vụ nơi đây. Quả thật, có những cha đã không thể tiếp tục phục vụ nơi đây, không phải vì không còn lửa, nhưng vì không thể chống lại sự khắc nghiệt của địa lý và điều kiện nơi đây: đi lại quá nhiều, đường xá xa xôi và dóc dách… khiến sức khỏe các ngài bị bào mòn từng ngày… Thế nhưng trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa vẫn âm thầm chăm sóc vườn nho của Ngài và vẫn tiếp tục sai những thợ gặt lành nghề đến nơi đây để tiếp tục sứ mạng và làm cho bầu khí đức tin nơi đây mỗi ngày một thêm sống động và sâu sắc hơn. Và trên hết, đến với những bản làng người H’Mông, cùng sống, cùng nói chuyện, cùng chia sẻ dù có thể chẳng được lâu, cũng như chẳng được hiểu hết những văn hóa, ngôn ngữ và nếp nghĩ của họ, nhưng phần nào cảm nhận sự đơn sơ chân thành và tấm lòng của những người dân nơi đây. Nhờ đó, cảm thông với đời sống và đức tin của người dân, giúp những trái tim mục tử được tiếp thêm động lực để dấn thân và ra đi tiếp bước hành trình và con đường mà Chúa và Giáo hội đang kêu mời...



Nếu trước đây, những câu chuyện những bài học, những trải nghiệm nơi vùng cao chỉ được nghe hay nhìn qua sách vở, những hình ảnh có chọn lọc trên màn ảnh hay internet, để rồi đôi khi hay nhiều lúc chúng ta có một cái nhìn có thể phiến diện thiếu sót. Thế nhưng, khi đến và ở lại và ở cùng những con người nơi đây, ta mới có thể nhận ra quả thật “những điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm cho những ai yêu mến Người”[5]. Đúng vậy, Thiên Chúa vẫn thực hiện kì công mỗi ngày mà nhiều khi vượt khỏi mọi suy nghĩ tầm thường và hạn hẹp của con người. Nơi các bản làng H’Mông, vẫn sống động một đức tin đơn sơ nhưng vô cùng chắc chắn vào Thiên Chúa. Qua đó cho thấy sự phong nhiêu của Giáo hội, cũng như nổi bật sự hiện diện và tác dộng vô cùng sống động của Chúa Thánh Thần. Sức sống mãnh liệt của con người, sự kì diệu của các nhà truyền giáo và sự tiếp bước hăng say của bao thế hệ hậu bối, cùng sự chân thành đơn sơ của người dân tộc đang góp phần làm nên những kì công vĩ đại nơi đây. Nhờ đó, nếu Chúa muốn, với niềm xác tín cứ gieo rồi đến một ngày hạt giống dù âm thầm, nhưng sẽ lớn lê và trổ sinh hoa trái, đúng như thánh Phao lô: “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể”[6].

 

[3] Cf. Ga 1,39
[5] Cf. 1Cr 2, 6-10
[6] Cf. 1 Cr 3,6-7
Thất nguyễn
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log