Thứ năm, 26/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ

Cập nhật lúc 10:42 29/10/2020
Suy niệm 1
Hãy đứng vững!
Sự khôn ngoan của người đời
Nhiều người nghĩ rằng: Các mối phúc của Chúa Giêsu dạy không phù hợp với thời đại chúng ta hôm nay và các Kitô hữu phải cam chịu bất hạnh trên trái đất này để hướng đến hạnh phúc trong tương lai.! 
- Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thỏa”! Thế mà biết bao vụ bất công vẫn chưa được giải quyêt, thậm chí còn phải tù tội, còn người bất chính vẫn cứ ung dung…
- Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất nước làm cơ nghiệp”! Chúng ta thấy những người hiền lành vẫn thường bị người khác bắt nạt, như những con chiên bị chó sói nuốt chửng…
- Chúa Giêsu nói: "Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương”! Chúng ta biết rằng những ai quá dễ dàng tha thứ cho người xúc phạm đến mình, thường dễ bị lợi dụng và khai thác…
- Chúa Giêsu nói: "Phúc cho những người ai đau buồn khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi”! Ai sẽ an ủi những người vợ khóc lóc buồn bã đêm ngày vì chồng mình cờ bạc rượu chè và không chịu đi làm gì cả?
Liệu các mối phúc mà Chúa Giêsu dạy giúp gì cho những tình trạng như đã nói ở trên? Đó chỉ là vấn đề thực tế của nhân loại hôm nay. Chúng ta nghĩ rằng sẽ không có hạnh phúc, nếu cứ tha thứ cho nhau và không chiến đấu chống lại bất công. Nếu nghĩ như vậy, có lẽ chúng ta đi tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình bất chấp người khác thế nào, thậm chí còn chống lại người khác. Chúng ta thực sự đang ở trong một vòng luẩn quẩn. 
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Khi giảng Bài giảng trên núi nói về các mối phúc, có lẽ Chúa Giêsu quên nói về mối phúc mà các Tin mừng kể lại. Đó là: Trước khi Chúa Giêsu sinh ra, Đức Maria đến thăm chị họ Elizabeth, và người chị họ này đã thốt lên: "Phúc cho em vì em đã tin vào những lời mà Thiên Chúa đã nói với em”! 
Hạnh phúc của việc tin vào bài giảng trên núi không được đề cập. Nhưng đó là những gì Thiên Chúa muốn nói. Ngày đó đám đông vây quanh Chúa Giêsu. Ngài nói về họ nhưng không nói với họ: "Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đòn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ”. Chúa Giêsu nói với những người thân yêu của Ngài cũng như nói với chúng ta, là những người có một số kinh nghiệm về hạnh phúc trên thế giới này. Ngài yêu cầu các môn đệ và chúng ta đừng tự hào vào kinh nghiệm bản thân, nhưng hãy tin vào lời của NgàiNgài biết rõ hơn chúng ta, đâu là hạnh phúc của riêng chúng ta, không chỉ sau này mới có, mà còn có ngay hôm nay. 
Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng hạnh phúc là: không được đáp trả sự thù hận bằng lòng thù hận, không được đáp trả trước bất công mà người khác phải chịu đựng bằng sự thờ ơ, không được đáp trả sự khinh miệt bằng sự khinh bỉ. Hãy tin rằng trên thế giới này, khóc sẽ hạnh phúc hơn là tự bảo vệ mình bằng mọi giá. 
Không ai có thể tự mình làm cho mình hạnh phúc vì Chúa Giêsu đã nói: “Nếu không có Thầy, anh em không thể làm gì được”. Tất cả chúng ta đều kết nối sâu xa với nhau, trong hạnh phúc cũng như bất hạnh. Nhân loại là một thân thể có cả sự hiệp thông của các thánh và cả sự chia rẽ mà tội nhân khơi dậy, có cả bất công và bạo lực, nhưng cũng có cả ước muốn hòa bình, và tha thứ. Tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm cho hạnh phúc hay bất hạnh của toàn nhân loại
Vấn đề ở chỗ là cần phải phá vỡ vòng xoáy bạo lực, ý muốn thống trị quyền lực, ghen tuông, thù oán đẩy đưa nhân loại tới bất hạnh. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tin vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa trước tình trạng hiện nay của toàn thể nhân loại.. Sự khôn ngoan đi ngược sự khôn ngoan của người đời. Ngài yêu cầu chúng ta tin rằng: không phải là những gì chúng ta có thể nhìn thấy hàng ngày là sự thật mà là những gì Ngài nói với chúng ta. Ngài yêu cầu chúng ta chiến đấu với mọi thứ chống lại Lời của Ngài. Điều đầu tiên và quan trọng nhất để dẫn dắt cuộc chiến đấu tốt, đó là đức tin. Nếu không có mối phúc đầu tiên này,đó là đức tin, thì cũng không có mối phúc nào khác là chuẩn mực cả.. 
Dưới đất cũng như trên Trời
Chúa Giêsu nói: Phúc cho những người ai đau buồn khóc lóc, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai xây dựng hòa bình…Đó không phải là hạnh phúc cho một cuộc sống khác hay cho sau này. Hạnh phúc không chỉ ở cuối cùng mà trong chính cuộc chiến này, cuộc chiến của đức tin chống lại bất kỳ bằng chứng sai lệch nào, cuộc chiến của một đức tin được viết bằng lời nói và hành động..Thường thì chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ và buông xuôi. Chúng ta cần hỗ trợ lẫn nhau, đừng buông tay chiến đấu. Chúng ta cũng rất cần sự hỗ trợ của tất cả những người đã đi trước chúng ta và những người đang ở trên thiên đàng mà hôm nay chúng ta mừng lễ. 
Mừng LỄ CÁC THÁNH, hiệp thông với các thánh, là tin rằng trái đất và thiên đàng mãi mãi được liên kết ngay hôm nay và vì thế chúng ta hãy liên tục cầu khẩn với các ngài.  Với những người bạn đồng hành như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng! Sức mạnh hiệp thông và lòng trắc ẩn sẽ chiếm ưu thế hơn bao giờ hết. Thực tế vẫn còn sự sống trên trái đất này mặc dù có nhiều sự ác. Và nếu thế giới không muốn tin chúng ta, chúng ta hãy nhớ đến mối phúc cuối cùng: "Phúc cho anh em khi người ta ghen ghét, bách hại anh em và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho anh em mọi điều gian ác. Anh em hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của anh em sẽ trọng đại ở trên trời”!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
CÁC THÁNH LÀ AI?
Hôm nay, chúng ta mừng lễ các thánh. Mặc dầu trong năm, chúng ta đã mừng rất nhiều vị thánh. Có vị thánh lớn tuổi nhưng cũng có vị thánh rất trẻ. Có vị thánh là giáo sĩ nhưng cũng có vị thánh chỉ là những nông dân bình thường. Có vị thánh là nam hay là nữ thuộc mọi thành phần dân Chúa. Bởi đó có vô vàn các thánh mà chúng ta không thể mừng lễ cụ thể trong năm phụng vụ được. Nên Giáo Hội dành riêng một ngày trong năm là 1/11 làm ngày lễ mừng chung các thánh trên trời.
 Mỗi vị thánh đều ra sức điểm tô cho Giáo hội những vẻ đẹp rạng ngời nhân đức của Tin mừng. Họ đã sống một cuộc đời thuộc về Chúa. Họ chọn Chúa thay cho những phù hoa trần gian: Một Cha Piô Năm Dấu đạo đức thánh thiện; một giáo hoàng Gioan Phaolo II già rồi nhưng vẫn xông xáo trong việc quảng bá Tin Mừng Phúc Âm cho muôn dân; hay một Mẹ Têrêsa dấn thân chăm sóc cho những người cùng khổ.
 Họ có thể đã từng có những bước chân sai lầm nhưng đã kịp sửa lại lối đi: Một Phêrô ba lần chối Thầy trước mặt người đời; một Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt những ai mang danh kitô hữu; một Matthêu, một Giakêu có danh phận, có bổng lộc dồi dào, nhưng các ông đã bỏ tất cả, đã thay đổi cuộc đời khi các ông gặp gỡ được Chúa Giêsu, đã nghe được lời kêu gọi của Ngài; một Mađalêna ngụp lặn trong hố sâu dục vọng, nhưng khi tiếp nhận được hạt giống Lời Chúa, bà đã hoán cải để trở nên một thánh nhân.
Họ có thể đã từng có những quyến luyến của phù hoa nhưng họ đã kịp thời chọn Chúa thay cho những danh lợi thú mau qua: Một Augustinô đã miệt mài kiếm tìm hạnh phúc qua danh vọng, qua của cải và lạc thú, nhưng Lời Chúa đã cho ông thấy đâu mới là hạnh phúc, là giá trị đích thực của cuộc sống; một Phanxicô Xaviê đã từ bỏ ghế giáo sư đại học để vào một dòng tu “giũ bụi trần con quyết chọn đời tu. Chiếc áo dòng xin làm chiếc áo cưới” chỉ vì một lời Thánh Kinh đã đánh động ông: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích chi?” (Mt 16,26). Và họ có thể là những vị thánh chưa được ghi trong sử sách nhưng họ đang được đứng chung với hàng ngũ các thánh mà ca tụng Thiên Chúa, như Sách khải huyền cho thấy các thánh hằng hà sa số luôn tô điểm cho vườn hoa Giáo Hội đủ mầu đủ sắc. Các ngài là những người sống quanh ta, bên cạnh ta, có khi họ là những bà con thân thuộc trong gia đình ta. Các ngài đã biết dệt đời mình trong máu Con Chiên cứu chuộc để trở nên tinh tuyền hơn. Vì con đường nên thánh là con đường của mọi người con Chúa, là con đường mà Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Như thế, các thánh không phải là một thành phần ưu tuyển nào trong Giáo Hội và cũng chẳng phải là những người phi thường hay khác thường. Các thánh đều là những người cũng từng phải can đảm nỗ lực vượt qua cám dỗ của dòng xoáy danh lợi thú để trung kiên với giáo huấn của Chúa. Các thánh có khi cũng từng sa ngã nhưng quan yếu là các ngài dám đứng lên làm lại cuộc đời.
Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng viết: “Giáo dân cứ nghĩ thánh là phải sốt sắng kinh nguyện, phải xa lánh thế tục, phải hãm mình hy sinh, tức là phải giống như các nhà tu thời xưa. Trong khi các tu sỹ lại nghĩ rằng thánh là phải dấn thân giúp đỡ, phải lăn lộn hoạt động xã hội chính trị, phải tranh đua với giáo dân mà nhập thế. Thành ra loạn xà ngầu! Giáo dân muốn sống như nhà tu, nhà tu lại muốn sống như người trần thế”.
Không. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn, nên chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta. Thế nên, thánh Augustinô đã nói một câu để đời: “Ông kia bà nọ nên thánh, tại sao tôi lại không?”. Nhưng nên thánh không phải là cứ làm theo những gì mình nghĩ hay muốn. cũng chẳng phải là đã được chúa chọn từ thuở ấu thơ không vướng tội nhơ. Song nên thánh là sống những gì Chúa muốn và Chúa dạy. Nói cách khác, là biết đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời, biết cộng tác để thánh ý Ngài được thực thi. Như Chúa Giêsu được gọi là Thầy Chí Thánh hay Đấng Cực Thánh là do đâu, nếu không phải vì Ngài đã luôn hết tâm thi hành ý Chúa Cha, Ngài từng nói đi nói lại với các môn đệ: “Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 6,38) và “lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu toàn công việc của Người” (Ga 4,34). Đồng thời, sống trọn các mối phúc, là con đường mà Ngài đã đi.
Tuy nhiên, xem ra nên thánh không phải dễ, vì con người vốn thích chiều theo tính xác thịt. Con người thường tìm sự dễ dãi cho bản thân. Đó là lý do con người thường lầm lỗi, yếu đuối và hay sa đi ngã lại trong tội lỗi. Đôi khi chúng ta cảm thấy thất vọng khi sửa mình mãi mà không được. Nhưng hãy yên tâm. Hãy tin tưởng. Vì Chúa Giêsu đã nói: Đối với loài người thì không thể nhưng đối với Thiên Chúa lại dễ dàng. Chính Chúa sẽ ban ơn trợ giúp để chúng ta canh tân sửa đổi, vì ơn Chúa luôn đủ cho ta, và quyền năng Chúa sẽ hiển trị trên sự yếu hèn của ta. Điều quan yếu là chúng ta có dám dứt khoát mọi sự quyến luyến bất chính và để Chúa mài dũa hay không thôi.
Người ta kể rằng: Tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói khổ, nghèo nàn đã trở thành kẻ “bần cùng sinh đạo tặc”. Họ rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).
Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.
Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi cần phải lấy lại lòng tin của những người xung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Anh lao động bằng đôi tay của mình. Anh dành một phần hoa lợi để giúp đỡ người nghèo. Anh sống chan hoà tình yêu thương với mọi cư dân trong vùng. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST trên vầng trán của anh.
Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (Saint)”.
 
                                                                                                                         Lm. Phêrô Nguyễn Văn Sơn
==================
Suy niệm 3

Tâm hồn siêu thoát
Mt 5, 1-12
Trên cõi đời này hiếm có ai nghèo như Chúa Giê-su. Mặc dù Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai đầy quyền năng phép tắc, là bá chủ muôn loài muôn vật, nhưng Ngài đã hạ mình xuống thế, trở nên người phàm, chấp nhận sinh ra trong chuồng súc vật khốn hèn, sống kiếp nghèo không chỗ tựa đầu và cuối cùng, Ngài đã chọn chết nghèo, chết thảm vào bậc nhất trong thiên hạ.
Chúa Giê-su không chỉ sống nghèo mà Ngài còn là Đấng có tâm hồn nghèo khó và mong muốn chúng ta cũng có tâm hồn nghèo khó như Ngài. Khởi đầu bài giảng trên núi, một bài giảng quan trọng của mình, Ngài nêu lên 8 mối phúc mà mối phúc đầu tiên là có tâm hồn nghèo khó. Ngài nói:
 “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Qua lời này, Chúa Giê-su không nói là phúc cho ai nghèo khổ, nhưng Ngài nói: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó.”
Thế nào là có tâm hồn nghèo khó?
Người có tâm hồn nghèo khó là người ý thức rằng chẳng có gì là của riêng ta. Mọi sự ta có đều là ân huệ Chúa trao cho ta quản lý một thời gian, rồi mai đây Ngài sẽ lấy lại.
Thân xác ta thuộc về Chúa. Mai đây Chúa lấy đi, ta trở về cát bụi.
Sự sống của ta cũng thuộc về Chúa, khi Chúa lấy đi, ta không giành lại được.
Sức khoẻ ta có cũng do Chúa ban, nếu Chúa cất đi, ta trở thành người bại liệt hay tàn phế, nằm liệt giường không chỗi dậy nổi.
Tiền bạc ta có cũng do Chúa ban. Chúa lấy đi, ta chỉ còn 2 bàn tay trắng.
Và họ luôn tâm niệm lời dạy của Chúa Giê-su: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì!”
Biết như thế, nên người có tâm hồn nghèo khó không bám víu vào đời này nhưng bám chặt vào Chúa, không dựa vào tài năng sức lực của mình, mà hoàn toàn tựa nương vào Chúa, như con thơ nép vào lòng mẹ và nhờ đó họ được Thiên Chúa ấp ủ, yêu thương và ban cho họ hạnh phúc đời đời.
Thế là đúng như lời Chúa Giê-su dạy: “Phúc thay ai có tâm  hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Còn đối với những ai không có tâm hồn nghèo, họ xem tiền là Tiên là Phật, là chìa khóa vạn năng, là quyền lực vô song có thể giải quyết mọi vấn đề. Thế là họ cam phận làm nô lệ cho đồng tiền, tôn thờ đồng tiền, quay cuồng trong cơn lốc kiếm tìm tiền bạc. Họ lao vào tiền bạc như những con thiêu thân lao vào lửa. Và cũng như thiêu thân lao vào lửa, họ đốt cháy đời mình cách đau thương như lời thánh Phao-lô nói: “Chung cục là họ sẽ phải hư vong” (Pl 3, 19).
Thánh Phao-lô mô tả về tình trạng của hạng người này như sau:
“Chúa họ thờ là cái bụng và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian…” (Pl 3, 19).
Hôm nay, lời dạy sống tinh thần nghèo khó của Chúa Giê-su thúc đẩy chúng ta chọn lựa một trong hai điều này: Hoặc là tham lam, mê đắm tiền bạc và tôn nó lên ngôi để rồi phải hư mất đời đời; hay là siêu thoát khỏi mọi chi phối trói buộc của vật chất để chỉ bám víu vào Thiên Chúa mà thôi để được Nước Trời làm gia nghiệp.
Lạy Chúa Thánh Thần,
Nếu không được Chúa soi sáng và ban ơn, không ai trong chúng con có thể siêu thoát khỏi mọi quyến rủ của vật chất để hướng tâm hồn về phúc lộc quê trời.
Xin ban cho chúng con đức khôn ngoan của Chúa, để chúng con nhận biết rằng chỉ những ai có tâm hồn nghèo khó, siêu thoát khỏi mọi trói buộc của tiền tài và hướng lòng về thượng giới, thì mới là người thật sự có phúc vì sẽ đạt được hạnh phúc thiên đàng mà thôi.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà     
====================
Suy niệm 4
“Hãy Nên Thánh”
Hằng năm Giáo Hội dành ngày đầu tháng 11 mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, long trọng tôn vinh, kính nhớ toàn thể Các Thánh trên Trời. Các Thánh là những người đã được hạnh phúc hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa cách trọn vẹn và vĩnh viễn.
Theo lời Sách Khải Huyền, các thánh trên trời là “một đoàn người đông đúc, không sao đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ”. Họ đang chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai và Con Chiên, là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu độ chúng ta.
Các thánh trên trời: “là những người từ đau khổ lớn lao mà đến và đã giặt áo mình trong máu con chiên” (Kh 7,9). Các thánh là những con người như chúng ta, đã giữ đạo, đã sống đạo và đã phản chiếu được sự thánh thiện của Thiên Chúa khi sống triệt để các mối phúc Chúa dạy và đã “đã giặt áo mình trong máu con chiên”. Các ngài dám sống đức tin, dám dấn thân vì đức tin, dù có phải gặp “đau khổ lớn lao”.
Giáo Hội mừng lễ các Thánh Nam Nữ là mừng Nhà Cha rộng lớn như lòng Thiên Chúa, đủ chổ cho mọi chi tộc trong Israel. Bài đọc 2 trong sách Khải huyền Thánh Gioan viết “đã nghe nói số những kẻ được niêm ấn là 144 ngàn thuộc mọi chi tộc con cái Israel”. 144 ngàn không phải là nhiều. Nhưng 144 ngàn trong Khải huyền là một con số tượng trưng, một con số tràn đầy ( 12 x 12 = 144). Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy.Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải huyền chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau: 12 ngàn thuộc chi tộc Giuđa,12 ngàn thuộc chi tộc Ruben,12 ngàn thuộc chi tộc Gad…không tên họ nào lấn lướt, không tên họ bị loại trừ.Các chi tộc đều được Thiên Chúa kêu mời đầy đủ.
Không chỉ Israel được thương mời mà “Sau đó tôi còn mãi nhìn, thì này một đoàn lũ không biết cơ man nào mà kể, thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc, tiếng nói”. Quả là đang trở thành hiện thực nơi Lời Chúa Giêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản “Ta bảo thật các ngươi, nhiều kẻ tự phương đông, phương đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacop trong Nước trời”.
Trong ngày lễ Các Thánh, Giáo hội nhìn lên trời có thể vui ca như cô gái Sion “vui ca lên nào thiếu nữ Sion”. Hãy đưa mắt tư bề, muôn dân đông tây đang tập trung tới ngươi.Con cháu ngươi đang từ đàng xa đổ về.Các thánh đông đảo trong Nhà Cha.Vì vậy, mừng lễ Các Thánh, người Kitô hữu vui tươi trong một nhãn giới lạc quan căn bản là có thể tin rằng Thiên đàng có nhiều chỗ hơn Hoả ngục..Niềm tin tưởng lạc quan của chúng ta lại có vẻ nghịch thường: con đường đi tới phải là con đường hẹp nhưng cửa Nước trời lại được Thiên Chúa mở rộng thênh thang.
Ngày lễ hôm nay là lễ tưởng nhớ,vui mừng hiệp thông với cả bậc tổ tiên, ông bà,cha mẹ, anh em, bạn bè, tất cả những người thân của chúng ta đã ra đi trước chúng ta mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ (Kinh Tạ Ơn IV) khi chúng ta có thể hy vọng họ được gia nhập vào hàng ngũ Các Thánh trên trời.Giáo hội vẫn mừng lễ các Thánh trước lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,các linh hồn đang ở luyện ngục.Luyện ngục dẫu sao chỉ là một thời gian tạm trú.Không ai có hộ khẩu thường trú ở đó cả.Nói cách khác, Luyện ngục chỉ là một chuyến đò ngang,Thiên đàng mới là bờ bến.Giáo hội dành tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn,dâng thánh lễ, làm việc lành chuyển cầu cho các linh hồn. Điều ấy nói lên mối hiệp thông huyền nhiệm giữa người sống và kẻ chết trong lòng tin.Giáo hội thâm tín rằng:Thiên Chúa giàu lòng thương xót.Ơn tha thứ của Chúa cũng là ơn thánh hoá,thăng hoa con cái Chúa trở về Nhà Cha, không chỉ được ơn tha thứ mà còn được dự tiệc muôn đời.
Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài.Trong muôn loài,có loài hoa,trong loài hoa, Thiên Chúa đã tạo ra muôn loại,muôn giống khác nhau.Có thể nói, mỗi vị Thánh là một loài hoa khoe sắc trong vườn hoa thiêng liêng.Có nhiều vị thánh rao giảng Tin mừng.Có thánh tử đạo,có thánh lo bác ái từ thiện,có thánh lo dạy học,có thánh chuyên sống đời cầu nguyện chay tịnh…Nhưng có một điểm chung nơi các thánh,đó là các Ngài đã bắt chước Chúa Kitô,sống cho hạnh phúc của người khác, it khi tìm hạnh phúc hay thú vui cho riêng mình.
Các Thánh không phải là những con người hoàn hảo,thánh thiện,tinh tuyền, không vướng mắc lỗi lầm thiếu sót hay tật xấu nào.Không ai bẩm sinh đã là Thánh.Các Thánh cũng không phải là những siêu nhân, những con người phi thường vượt trên đám đông nhân loại.Các Thánh càng không phải là những người bất thường kỳ dị.Các Thánh là những con người bình thường như mọi người,nhưng các Ngài đã sống những điều tầm thường một cách phi thường.Nhờ Ơn Chúa trợ lực,các Ngài đã cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Chúa Kitô.Bí quyết nên thánh của các Ngài là sống Tám Mối Phúc Thật,là đón nhận ân sủng của Chúa vô điều kiện, hợp tác với ân sủng đó,vâng theo ý Chúa,chọn điều thiện, luyện tập nhân đức.
Có rất nhiều thánh, vì có rất nhiều cách để nên thánh, nhiều con đường nên thánh. Trong bài giảng về Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu đã trình bày tám con đường nên thánh, tám con đường để được hạnh phúc đích thực. Có người nên thánh, vì sống khó nghèo, không ham mê của cải trần gian, chỉ ham mê một điều là thích được Chúa yêu và đáp trả lại tình yêu của Chúa. Có người nên thánh, vì sống hiền lành, tử tế với mọi người, nhịn nhục, yêu thương mọi người không trừ một ai. Có người nên thánh, vì đã phải chịu đau khổ nhiều mà không ngã lòng thất vọng, còn biết dùng những đau khổ của mình, kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, dâng lên cho Thiên Chúa làm của lễ. Có người nên thánh, vì có lòng nhân từ quảng đại và hay tha thứ, có lòng xót thương xót đối với những người đau khổ tinh thần hay thể xác.Có người nên thánh, khao khát Chúa, muốn sống công chính đẹp lòng Chúa. Có người nên thánh tâm hồn trong sạch, không vương vấn tội lỗi trần gian, không bị các thứ đam mê xác thịt làm chủ. Có người nên thánh hiếu hòa, không gây hấn với ai, mà còn dấn thân hoà giải những người khác, đem lại bình an cho mọi người. Có người nên thánh, sống tốt, sống ngay thẳng, trung thành với Chúa và giáo huấn của Người, dù phải bách hại khổ sở, có khi còn bị giết chết nữa.
Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị thánh không có tên trong lịch phụng vụ, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị thánh là nữ tu, là nam tu, là linh mục, là giám mục. Có những vị thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người…
Cẩm Nang Nên Thánh của Chân Phước Carlo Acutis như sau:
-  Phải luôn hết lòng khao khát nên thánh, và nếu chưa thì hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho bạn.
-  Cố gắng tham dự Thánh lễ và rước Thánh Thể mỗi ngày.
-  Hãy nhớ đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày.
-  Đọc một đoạn Kinh Thánh mỗi ngày.
-  Nếu có thể hãy dành một vài phút Chầu Thánh Thể trước Nhà Tạm, nơi Chúa Giêsu thực sự hiện diện, bạn sẽ thấy mức độ thánh thiện của bạn tăng lên một cách phi thường.
-  Nếu bạn có thể, hãy đón nhận Bí tích Hòa giải mỗi tuần, xưng thú cả những tội nhẹ.
- Thường xuyên quyết tâm và hy sinh cho Chúa và cho Đức Mẹ bằng cách giúp đỡ người khác.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết: "Ðể nên thánh không cần phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thấn ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung" (Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 14).
Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh, còn con người được mời gọi trở nên thánh khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa. Các Thánh được tuyên phong lên bậc hiển thánh bởi vì cuộc đời các ngài là một tấm gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ai giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin mừng, người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Giáo hội hướng tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Đó là thành quả Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô. Giáo Hội không phong thánh cốt để mà thờ, nhưng để tôn vinh Thiên Chúa, để khuyến khích chúng ta noi theo và bắt chước.
Con đường nên thánh được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là con đường Tám Mối Phúc Thật.
Sống các Mối Phúc Thật, chúng ta lớn lên trên đường thiêng liêng và trở nên cao lớn trước mặt Chúa. Năm Phụng vụ, Giáo hội tôn kính nhiều vị Thánh có tên tuổi. Ngày lễ các Thánh Nam Nữ, Dân Chúa tham dự thánh lễ để tôn kính tất cả, trong đó có ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta và đã trở nên thánh nhân, mặc dù chưa được Giáo hội tuyên phong.
Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu chúng ta và đó cũng là sứ điệp Chúa Giêsu và Giáo Hội muốn nhắn gửi qua ngày lễ kính Các Thánh Nam Nữ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=====================
Suy niệm 5
HÃY NÊN THÁNH
Mt 5, 1 - 12a
Hàng năm cứu mỗi dịp lễ Các Thánh về, lời Chúa trong sách Lêvi, nhất là qua ngòi bút của thánh Phêrô, bằng nhiều cách lại vang lên bên tai chúng ta như muốn thôi thúc chúng ta ở mọi nơi mọi thời: "Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh" (Lv 11,44 ; 1Pr 1, 16).
Quả thật, trở nên thánh là mục đích của đời sống người tín hữu chúng ta. Tin Mừng thánh Matthêu đề ra những việc chúng ta có thể làm để nên thánh. Các kiểu nói như, thiên đàng, có Chúa làm gia nghiệp hay được Đất Nước làm cơ nghiệp, hoặc hưởng tôn nhan Chúa… là cách nói khác của sự nên thánh. Chúng ta phải khẳng định rằng: Là Kitô hữu, hễ nghĩ đến sứ vụ của mình trên trần gian, ta phải thấy sự nên thánh như đích đến của hành trình, như thánh Phaolô nói: “ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tx 4,3). Thiên Chúa muốn sắp đặt để mỗi vị thánh vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử nào đó, là một sứ vụ, phản ánh một khía cạnh của Tin Mừng.
Công đồng Vaticanô II nêu rõ: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả mọi tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa mời gọi, để mỗi người một cách, vươn tới sự thánh thiện trọn lành như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành” (Hiến chế Tin Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 11).
Quả thật, mỗi người mỗi vẻ. Chúng ta không nên nản chí trước những sự thánh thiện có vẻ như không thể đạt được. Sách Khải Huyền nói: “Số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel” (Kh 7, 4). Tôn chỉ của họ là Tám Mối Phúc Thật. Phúc cho những ai hiền lành, nghèo khó; họ là những người khóc lóc nay tìm được sự ủi an ở nơi Thiên Chúa; họ là những người biết thương xót người nay được Chúa xót thương; họ là những người trong sạch nay được nhìn thấy Thiên Chúa; họ là những người xây dựng hòa bình nên được gọi là con Thiên Chúa; họ là những người bị bắt bớ, “họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến” (Kh 7, 14). Họ là các Tổ phụ, các Tiên tri, các Tông đồ, Tử đạo, các thánh Hiển tu, các thánh Ẩn tu, các thánh Đồng trinh thủ tiết, các thánh nam nữ.
Tuy nhiên, nếu con số chỉ có thế thôi thì quả là một điều đáng lo sợ, bởi vì người tín hữu như ta đâu có hy vọng được vào số những người đó? Vậy con số đó là thế nào? Số một trăm bốn mươi bốn ngàn là con số biểu tượng cao đầy đủ, chỉ những người được cứu rỗi. Theo hệ thống đếm của người Do thái, một người có thể đếm cao tới mười hai ngàn. Mười hai ngàn nhân với mười hai, thành một trăm bốn mươi bốn ngàn, một con số cao trọn vẹn tuyệt đối, chứ không phải chỉ theo nghĩa đen là một trăm bốn mươi bốn ngàn mà thôi.
Thánh Gioan đã nhìn thấy: “Đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng” (Kh 7, 9). Như thế, chúng ta có thể làm thánh được. Nghĩa là, trong một thế giới đa chiều, sự thánh thiện của Thiên Chúa trên trần gian này được phản ảnh bằng nhiều cách. Ngay cả trong những thời đại internet, hay thời mà người ta có khuynh hướng gạt phụ nữ hay giới trẻ tuổi ten sang một bên, không nhìn đến, Chúa Thánh Thần vẫn làm nổi bật lên những vị thánh tỏa chiếu hào quang, tạo nên những năng động tinh thần mới mẻ và những cải cách quan trọng trong Hội thánh. Ta có thể nhắc đến Thánh Hildegard thành Bingen, Thánh Bigitta, Thánh Catarina thành Siena, Thánh Têrêxa thành Avila và Thánh Têrêxa thành Lisieux, hay vị chân phước mới nhất là Carlo Acutis nên thánh bằng việc lập trang web, cổ võ việc tôn sùng Thánh Thể Chúa.
Hôm nay Các Thánh Nam Nữ thúc giục chúng ta cách dặc biệt: hãy cố làm thánh! Ai trong chúng ta cũng có thể làm thánh. Có rất nhiều người đã làm thánh. Ðôi khi người ta nghĩ rằng sự thánh thiện là một điều ưu tiên dành cho vài người được tuyển chọn. Nhưng thật ra, việc trở nên thánh là trách nhiệm của từng kitô hữu, hay có thể nói là của mọi người! Theo thánh Tông Ðồ Phaolô thì từ muôn thủa, Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng ta và đã tuyển chọn chúng ta trong Chúa Kitô, "để trở nên thánh thiện và không tì ố trước nhan Ngài trong tình bác ái" (Eph 1, 3-4). Như thế, tất cả mọi người đều được mời gọi sống thánh thiện; ai trong chúng ta, dù yếu đuối và tội lỗi, dù nhỏ bé và nghèo hèn, đều có thể trở nên thánh nhân, và được mời gọi trở nên thánh: "Các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành" (Mt 5, 48).
Đức Phanxicô khuyên chúng ta: Đừng sợ nên thánh. Để nên thánh không cần phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho một số người. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thấn ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung. (x. Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 19 tháng 11, 2014).
Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm nay, nhớ lại Lời Chúa mời gọi chúng ta:" Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh " (Lv 11,44; 1Pr 1, 16). Lạy Các Thánh của Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 6

HẠNH PHÚC - NƯỚC TRỜI
Mt 5, 1-12a; Kh 7, 2-4.9-14; 1Ga 3, 1-3
Ở đời người ta có nhiều nhận xét về hạnh phúc. Một cô nàng lấy được chồng giàu, con cái khỏe mạnh, có nhiều tiền tha hồ mua sắm đủ thứ tiện nghi thoải mái, mọi nhu cầu được thỏa mãn, ấy là  hạnh phúc. Một anh chàng có vợ đẹp con khôn, nghề nghiệp ổn định là giấc mơ của nhiều người. Khao khát tìm kiếm danh vọng, địa vị đến khi đạt được mong muốn là niềm hạnh phúc cho những người dầy công cố gắng bấy lâu…
Còn trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại quảng bá tám mối phúc nghe có vẻ ngược đời:
-“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…” Có nhiều thứ nghèo: nghèo tiền của vật chất, nghèo sức, thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu, ít học… Bình thường người khó khăn thiếu thốn sẽ không còn cậy vào sức riêng, mà đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Người giàu có, tiện nghi đầy đủ thường thấy an thân không cần đến Chúa, chỉ tìm hưởng thụ và chẳng bao giờ thấy thỏa mãn đủ. Đức Giêsu không cổ động lối sống nghèo nàn đến độ không có những cái căn bản ổn định, để phát triển tinh thần. Ngài nhấn mạnh người có tâm hồn nghèo khó là người không bám víu nặng lòng với của cải vật chất đang có, không hưởng thụ ích kỷ mà sẵn sàng sẻ chia; hay khó nghèo mà không than van, nhưng biết tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, họ sẽ được hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện yêu thương chăm sóc.
-“Phúc thay ai hiền lành…” Người hiền hòa thì dễ thương dễ mến, họ nên giống Chúa Giêsu (hiền lành và khiêm nhường). Trong Chúa họ luôn bao dung, từ bỏ tự ái, sẵn sàng cảm thông tha thứ dù bị thiệt thòi oan ức, không tức giận phẫn nộ với ai. Có Đất Hứa làm gia nghiệp rồi thì họ chẳng cần tranh giành, ganh đua, so sánh hơn thiệt. Tâm tư họ luôn vui vẻ bình an hạnh phúc.
-“Phúc thay ai sầu khổ…” sẽ được Thiên Chúa an ủi. Người chịu đau khổ thử thách sẽ được Chúa nâng dậy, ủi an. Họ vẫn tin tưởng vào lời Chúa hứa, Ngài sẽ biến nỗi buồn của họ trở thành niềm vui. Bởi vì chính Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ.
-“Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” Người coi thường sự công chính sẽ không lo đến, không bỏ công tập luyện nhân đức. Người khao khát nên công chính luôn tìm kiếm để học biết và dấn thân tới trọn lành.  Được Thiên Chúa cho thỏa lòng rồi thì sẽ sống sự công chính của Chúa.
-“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.Khuôn vàng thước ngọc là đây, ai không biết xót thương người khác, làm sao dám xin lòng thương xót Chúa cho mình? Còn người có lòng thương xót sẽ chạnh lòng thương, giúp  người thiếu thốn đau khổ, cảm thông, quảng đại cho đi, nhân từ tha thứ, chia vui sẻ buồn với người anh em, chắc chắn họ sẽ được ở trong đại dương thương xót của Chúa.
-“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” Trí sạch thì tâm an. Con tim trong sạch không nuôi hận thù, không chất chứa đam mê hay đủ thứ hằm bà lằng, trong sạch từ đáy lòng, không mong ước điều bất chính.  “Con mắt tâm hồn” sạch sẽ đơn sơ, sẽ “nhìn thấy” Thiên Chúa rõ ràng, những thứ khác khó lọt vào được.
-“Phúc thay ai xây dựng hoà bình…” Người sống trong hòa bình, trong tình yêu Chúa và khiêm nhường nhịn nhục thứ tha,  không tìm trả đũa, không chia rẽ bất thuận, sẵn sàng bắt tay người không ưa mình, sống hòa hợp trong mọi khác biệt, biết biến thù thành bạn, chắc chắn sẽ là “con nhà Chúa” rồi.
-“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính…” Sống công chính thì dễ bị bách hại. Sống trong Chúa thì hạnh phúc nên khi bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa vẫn vui lòng nhẫn nại, sẵn sàng chịu đựng. Có Hạnh Phúc đích thực rồi thì thấy cái giá phải trả quá rẻ!
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng kính Các Thánh Nam Nữ đang hưởng Hạnh Phúc Nước Trời. Các Ngài đang tận hưởng Hạnh Phúc sung mãn tràn đầy là chính Chúa, sau khi đã sống các mối phúc mà Đức Giêsu đã rao giảng.
Chúa ơi! chỉ một mình Chúa mới lấp đầy khao khát hạnh phúc của chúng con. Tiện nghi vật chất không phải là đích điểm cuộc đời. Hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. Chúng con chỉ bất hạnh khi xa rời Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn tìm gặp và được sống hạnh phúc sung mãn tràn đầy trong Chúa, để dù sống giữa những khó khăn thiếu thốn, sầu khổ gian truân, chúng con vẫn đang tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào trong Chúa, ngay hôm nay và mãi mãi.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm: Đêm hoan ca và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Cần Kiệm: Đêm hoan ca và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Hòa chung niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh cùng toàn thể nhân loại, tối ngày 24/12/2024, tại quảng trường nhà thờ Thiên Lộc, giáo xứ Cần Kiệm đã tổ chức đêm hoan ca, diễn nguyện và Thánh lễ trọng thể kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng trần, với chủ đề: “NĂM SỰ VUI - CUỘC LỮ HÀNH HY VỌNG”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log