Thứ sáu, 27/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 26 Thường Niên A

Cập nhật lúc 09:20 24/09/2020
Suy niệm 1
Họ tìm kiếm gì?
Mt 21, 28 - 32
Họ là ai?
Gái điếm và người thu thuế là ai? Gái điếm là người bán thân nuôi miệng, còn người thu thuế cộng tác với giặc ngoại xâm Roma thu thuế của người dân để làm giàu.
Thái độ của hai hạng người này rất dễ bị coi là một trong số những tội nhân công khai, những người không có thể giao du với một người Do-thái tốt.
Ngày nay "gái điếm " hoặc "người thu thuế " rất phổ biến dưới nhiều hình thức:
- Gái điếm là những người sử dụng vẻ đẹp của họ để có được bất kỳ lợi ích nào. Họ luôn đồng ý với ông chủ hoặc giám đốc với hy vọng được nhìn nhận. Họ là những người "tán tỉnh" để được thăng chức hoặc một quyền ngoại lệ nào đó cho chính họ hoặc người thân của họ. 
- Những người thu thuế là những người giàu buôn bán dịch vụ của họ… 
Cả hai loại người này sử dụng mối quan hệ của họ để tạo lưu lượng truy cập. Họ sử dụng cái vô giá để làm tiền.
Trang tin mừng hôm nay nói: các thượng tế và các kỳ lão đối diện với hai loại người này:
Các trưởng lão là những người có vị trí cao trong xã hội, thường là thuộc về các gia đình có tên tuổi. Họ là những người đáng được chú ý. Họ có quyền cố vấn trong tòa án lớn của người Do Thái, Tòa công luậ. Trong đó, các thượng tế có quyền phán xét. Họ cùng nhau phục vụ dân. Họ phải duy trì dân tuân theo Lề Luật của Thiên Chúa hoặc khuyến khích dân chuyển đổi khi hành vi của dân đi chệch hướng.
Đứa con thứ nhất tìm kiếm điều gì?
Tại sao Chúa Giêsu tuyên bố với những người hướng dẫn dân rằng: “gái điếm và người thu thuế sẽ vào Nước Thiên Chúa” trước họ? Cần lưu ý: Chúa Giêsu nói điều đó trong hiện tại. Ngay lúc này, gái mại dâm và người thu thuế một cách nào đó, là người hướng dẫn những người phải hướng dẫn họ.
Phải chăng tất cả họ đều chuyển đổi cùng một lúc? Không thể nói được điều gì. Tuy nhiên Chúa Giêsu công bố, tất cả họ đã tin vào lời của Gioan, là người đã đến trên con đường công lý. Tất cả họ đều nhận ra rằng việc làm của họ bất chính và họ đã đồng ý tiến một bước tới công lý. Phải chăng đột nhiên họ đạt tới mức độ không còn tính phí những gì phải luôn miễn phí? Có lẽ là không. Tuy nhiên, họ đã bước một bước đi đúng hướng, họ lên đường. Họ bắt đầu tỉa cây nho của mình. Họ tìm cách chuyển đổi.
Tin mừng nói: “Người kia có 2 người con. Ông đến với đứa thứ nhất và bảo: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha. Nó thưa lại rằng: con không đi. Nhưng sau, nó hối hận và đi làm”. Đứa con này đại diện cho gái mại dâm và người thu thuế.
Đứa con thứ hai tìm kiếm điều gì?
Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. nó thưa lại: Thưa cha, vâng, con đi. Nhưng nó lại không đi”. Làm thế nào để nói đứa con trai thứ hai, nói vâng đi làm rồi lại không đi, đại diện cho các thượng tế và kỳ lão? Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ lão: “Gioan đã đến với các ông trong đường công chính và các ông không tin ngài…Các ông đã không hối hận mà tin ngài".
Chúa Giêsu muốn nói với họ: Nếu các ông mong muốn sự tốt lành cho dân Chúa như bổn phận các ông phải làm, thì các ông sẽ rất vui mừng vì những gì Gioan nói với gái mại dâm và người thu thuế. Nhưng thay vào đó, các ông đã không tin lời Gioan. 
Đối với các thượng tế và kỳ lão, việc chuyển đổi mà Gioan yêu cầu không thành vấn đề. 
- Họ chỉ thấy một điều: Gioan đến từ đâu không cần biết, chỉ biết là Gioan không phải là một thành phần của Tòa án, Tòa công luận. Tuy nhiên, Gioan có nhiều ảnh hưởng hơn họ đối với dân. Họ không chấp nhận điều đó. 
- Chức năng của họ là hướng dẫn người dân, chứ không phải là của tiếm quyền. 
- Họ không sẵn sàng thể hiện vai trò lãnh đạo hoặc chia sẻ vai trò lãnh đạo cho người khác. Mặc dù gái mại dâm và người thu thuế đã sẵn sàng thay đổi, nhưng đặc biệt họ không muốn nhúc nhích bất cứ điều gì về vai trò của người lãnh đạo.
- Thái độ của họ trước hết chứng tỏ họ không tìm kiếm điều tốt cho dân mà chỉ muốn thống trị dân.
- Họ nói vâng khi họ được yêu cầu làm việc trong vườn nho. 
Đúng thế, để tuân thủ luật pháp, miễn là họ là người hướng dẫn duy nhất. Dưới vỏ bọc làm việc vì lợi ích của mọi người, họ làm việc để đảm bảo sự nổi trội của họ đối với người dân. Họ không muốn nhúc nhích theo như Gioan yêu cầu.  Họ không muốn nhận ra điều đó vì sợ phải chuyển đổi. Sở thích quyền lực của họ làm hư hỏng tất cả mối tương quan, họ nằm chết dí trong các giá trị mẫu mực và đức hạnh của họ.
Ngày nay trong Giáo hội, ngày càng nhiều kito hữu - thường là từ các gia đình khá giả - đóng giả là bậc thầy của các giá trị. Họ không chỉ muốn có vị trí trong Giáo hội, mà còn muốn họ có tầm ảnh hưởng trong toàn xã hội.  Đôi khi họ được một vài linh mục nhờ làm việc này việc nọ vì họ tốt. Họ tự xưng là người bảo vệ sự sống từ khi thụ thai đến khi chết. Nhưng họ tìm kiếm điều gì khi họ cho rằng mình là người bảo vệ những gì họ gọi là giá trị của kito giáo? Phải chăng trước hết họ tìm kiếm những điều tốt đẹp cho dân hay là để duy trì quyền lực của họ trên dân? Họ tìm cách cai trị người khác. Không những họ không đi làm vườn nho mà còn phá phách vườn nho.
Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng thà là người gái điếm và thu thuế tìm cách biến đổi còn hơn là một kỳ lão hoặc một thượng tế tuyên bố không cần chuyển đổi!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM SẼ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA TRƯỚC
(Mt 21, 28-32)

Chủ đề nổi bật hơn cả của Chúa nhật XXVI thường niên A là sự thống hối ăn năn của con người tội lỗi gặp được lòng nhân lành của Thiên Chúa tình thương. Quả thật, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với con người là một chuỗi dài lịch sử tình thương, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa phán: "Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần hy lễ " (Os 6, 6; Mt 9, 13). "Ta không muốn kẻ vô đạo chết, mà (muốn) kẻ vô đạo bỏ đường nó theo mà trở lại và được sống" (Ez 33,11). Cánh cửa trái tim nhân từ của Thiên Chúa luôn luôn rộng mở cho hết những ai chân thành hướng về Thiên Chúa với cả tấm lòng thành, và Ngài sẽ đón nhận họ với niềm vui khôn tả là cả thiên đàng sẽ vui mừng (x. Lc 15,10).
Chỉ có Thiên Chúa không qui kết tội lỗi mà còn thứ tha. Ngài là "Cha đầy tình thương xót" (2 Cr 1,3), là Thiên Chúa nhân lành, đầy lòng từ bi, và là Thiên Chúa mọi nguồn an ủi, luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội thống hối ăn năn, luôn muốn điều tốt cho con cái. Hoán cải thực sự là dứt khoát từ bỏ tội lỗi, thống hối vì những tội đã qua và xin Chúa thứ tha. Thiên Chúa thương xót sẵn sàng tha thứ và tuôn đổ Thánh Thần tẩy xóa mọi tội lỗi quá khứ của hối nhân.
Trách nhiệm của con người
Thiên Chúa muốn chúng ta phải chịu trách nhiệm về những việc chúng ta làm, trả lời về những kết quả hành động của chúng ta. Nên chúng ta không được hành động nửa vời: vì nếu nửa vời chúng ta sẽ chết. Tiên tri Ezekiel cảnh báo: " Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết " (Ed 18, 28).
Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng, nói "vâng", "tôi biết", "tôi thực hành giáo lý" mà thôi, chưa đủ, phải hành động, phải lên đường. Chính người con trai đã nói "không" với cha mình, nhưng nó hối cải và đi làm vườn nho, anh ta đã làm theo ý người cha, như thế, anh bước vào giao ước tình thương của cha anh, anh đã yêu mến cha trong hành động và chân lý.
Chúa Giêsu lên án các thượng tế và kỳ lão là những người biết rõ Kinh Torah, Lời Thiên Chúa, nhưng chỉ biết thôi không làm cho họ nên công chính. Chúa long trọng tuyên bố: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông" (Mt 21, 31). Các thượng tế và kỳ lão hiểu rất rõ sứ điệp trên, nên họ sẽ không dung tha cho Chúa Giêsu: ít ngày sau, chính họ là những kẻ sẽ lên án tử cho Người. Đúng, sự đồi bại của kẻ công chính sẽ dẫn đến cái chết, thậm chí dẫn đến cái chết của những người vô tội, như Hêrôđê dẫn đến cái chết của các thánh Anh Hài!
Những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước
Lời tuyên bố trên của Chúa Giêsu như một ánh hào quang của Tin Mừng được xây dựng chung quanh hạng nguời đĩ điếm, lý tưởng hoá họ và đối nghịch họ với những kẻ được gọi là công chính là các thượng tế và các kỳ lão, đã gây sốc cho nhiều người. Không có lời nói nào của Chúa Giêsu bị lạm dụng cho bằng lời nói: "Những cô gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước" (Mt 21, 31)..  Khi lý tưởng hoá hạng đĩ điếm, người ta cũng lý tưởng hóa luôn cả hạng người thu thuế, luôn đi kèm hạng đi điếm, là những kẻ cho vay nặng lãi, một loại luôn đồng hành loại gái điếm trong Tin Mừng đã gây lên một sự hiểu lầm đáng sợ, khi người ta không nhận thức đủ.
Những người thu thuế, là những nhân viên các cơ quan thâu thuế Roma, tham dự trong những hành xử bất công của những cơ quan này. Nếu Chúa Giêsu liên kết những gái điếm và những người thu thuế với nhau, Người làm vậy không phải là không có lý do; vì cả hai đều coi tiền bạc là sự quan trọng nhất trong cuộc sống.
Nếu Chúa Giêsu tôn trọng các cô gái điếm và người thu thuế hay kẻ tội lỗi, không phải do kiểu sống của họ, nhưng vì khả năng thay đổi và phục thiện... như Maria Madalêna, kẻ đã trở lại và đã theo Chúa Giêsu trên tất cả con đường thánh giá, là một gương mẫu cho sự này (đặt giả thiết bà là một cô gái điếm), Giakêu (x. Lc 9, 1-10), người phụ nữ Samaria (Ga 4, 1-42), người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 1-11) và người con trai hoang đàng (x. Lc 15, 11 và 32).
Chúa Giêsu nói rõ lý do sẽ vào nước Thiên Chúa trước: "Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài" (Mt 21, 32).
Hoán cải không bao giờ là muộn
Chúng ta được yêu cầu từ bỏ thái độ để ý đến mình hơn là tha nhân, thậm trí hơn cả Thiên Chúa nữa. Vì Không phải mọi kẻ nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa", là sẽ vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Ðấng ngự trên trời" (Mt 7, 21).
Những lời tuyên bố trên của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về dụ ngôn hai người con trai được cha sai đi làm vườn nho (x.Mt 21, 32). Qua đó, Chúa mở mắt những người Do Thái để họ hiểu rằng khi khép kín lòng mình trong sự bất chính và sai lầm của chính họ là một sự từ chối Nước Trời.
Họ nói "vâng" với Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, họ lại ngoan cố khước từ lời Thiên Chúa, gạt bỏ Nước Trời. Rõ ràng là nói "vâng" nhưng lại không thi hành. Và như một mẫu gưỡng về sự hoán cải, Chúa Giêsu đặt ra những tình huống trái nghịch: những người thu thuế và gái điếm. Ban đầu, họ nói "không" với Nước Trời và Giao Ước vì họ chưa nhận ra các yêu cầu phải thi hành để được vào Nước Trời, nhưng họ có đủ khả năng để thích ứng với dấu hiệu Nước Thiên Chúa. Sau đó, trên hành trình tìm kiếm Nước Trời. Dần dần, họ học cách nói "", nên Chúa Giêsu tuyên bố  : "Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi" (Mt 21, 43).
Phần chúng ta, chúng ta cũng phải học cách nói "có"... "Con không đi'. Nhưng sau hối hận và đi làm" (Mt 21, 29).

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

======================
Suy niệm 3
Thi hành ý muốn của cha

Ed 18, 25-28; Pl 2, 1-11; Mt 21, 28-32
Đức Giêsu kể dụ ngôn hai người con được người cha sai đi làm vườn nho, để thẩm vấn các kinh sư và Pharisêu xem ai là người thi hành ý muốn của cha. Người con thứ nhất không muốn đi nhưng sau hối hận và đi làm. Còn người con thứ hai thưa vâng rồi lại không đi. Họ phải trả lời người thi hành ý muốn của cha là người thứ nhất, thưa không rồi vẫn thi hành. Ở đây người muốn ví chính họ như người con thứ hai mới thấy chéo nghoe: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”. (Mt 21,31-32). Nói và làm là hai thái độ khác nhau. Có người chỉ nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Hai thái độ trong bài Tin Mừng hôm nay: hạng người nói mà không làm là các kinh sư và Pharisêu, hạng người không nói mà lại làm là những người thu thuế và tội lỗi.
Những người thu thuế và những cô gái điếm đã nhận ra mình, nhận ra đời sống tội lụy của mình, nhận ra tình thương của Chúa, nhìn thấy nỗi khổ đau ê chề trong hiện tại và khát khao tìm sự giải thoát nơi Chúa. Một khi mở lòng đón nhận Đấng cứu độ, họ được ơn hoán cải đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần và sinh hoa trái tốt lành. Còn những người biệt phái và Pharisêu tự mãn về mình thuộc giới đạo đức, là bậc thầy không cần đến ơn cứu độ. Họ càng đóng cửa lòng thì con mắt càng không nhận ra, họ lắc đầu, chối từ không hối hận mà tin ông Gioan. Người đời cũng có cách để đối xử: “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”.
Bài đọc II ca ngợi chính sự vâng lời và thực thi thánh ý Chúa Cha của Đức Giêsu: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2, 8-9).
Lạy Chúa! xin giúp con nhận ra và trở về với tình yêu Chúa. Trong tình yêu người ta tự nguyện chứ không cưỡng ép. Xin cho con biết lấy tình yêu đáp lại tình Chúa yêu con, để con không chỉ nói suông mà là người con thực hành ý muốn của Cha trong những việc làm, hành động để chứng tỏ lòng con yêu Chúa. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log